Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2004/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 12/2004/TT-BLĐTBXH NGÀY 02 THÁNG 11 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CÔNG TÁC DẠY NGHỀ TẠI CÁC TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI

Thực hiện Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện tổ chức công tác dạy nghề tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) quy định tại Thông tư này là cơ sở được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

2. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức dạy nghề cho người bán dâm, người nghiện ma tuý đang chữa trị, cai nghiện phục hồi (sau đây gọi tắt là học viên) nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề để tạo cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

Khi tổ chức dạy nghề, Trung tâm phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật về dạy nghề.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào yêu cầu thực tế của công tác chữa trị, cai nghiện cho học viên tại các Trung tâm ở địa phương đầu tư nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí dạy nghề cho Trung tâm.

Những các tỉnh, thành phố có các Trung tâm ở gần nhau có thể thành lập Trung tâm dạy nghề riêng để tổ chức dạy nghề cho học viên của các Trung tâm đó.

Trung tâm dạy nghề dành riêng cho học viên của Trung tâm là đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nằm trong hệ thống cơ sở dạy nghề, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về dạy nghề.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Người học nghề: Học viên đang chữa trị, cai nghiện phục hồi tại Trung tâm chưa có nghề hoặc có nhu cầu chuyển đổi nghề.

Học viên phải đăng ký học nghề với Trung tâm (mẫu đăng ký kèm theo Thông tư này) và đóng góp chi phí học nghề. Mức đóng góp chi phí và chế độ miễn, giảm đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện gia đình chính sách được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Nghề đào tạo: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương, trình độ, sức khoẻ, đặc điểm của học viên và điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ của các Trung tâm quyết định nghề đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể.

3. Hình thức tổ chức dạy nghề tại các Trung tâm:

a) Tổ chức dạy nghề ngắn hạn với thời gian từ 1 tháng đến dưới 1 năm:

- Trung tâm căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên và đăng kýcủa học viên để tổ chức các lớp dạy nghề. Thời gian dạy nghề tối thiểu của một khoá học là 1 tháng.

- Việc tổ chức lớp dạy nghề do Trung tâm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2002/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 01 năm 2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Chương trình dạy nghề dành cho học viên phải được xây dựng, thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 212/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2003 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề.

- Học viên học xong chương trình dạy nghề có đủ điều kiện theo quy định được dự kiểm tra và đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì được cấp chứng chỉ nghề. Thẩm quyền, thủ tục cấp chứng chỉ theo quy địnhcủa pháp luật về dạy nghề.

b) Tổ chức dạy nghề ngắn hạn với thời gian dưới 1 tháng:

- Dạy nghề ngắn hạn tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm, kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi chức năng, hoặc khai thác tiềm năng sẵn có của Trung tâm để làm ra sản phẩm phục vụ sinh hoạt cho học viên.

4. Điều kiện để tổ chức dạy nghề:

a) Các Trung tâm thực hiện hoạt động dạy nghề khi có đủ các điều kiện cấn thiết về diện tích phòng học, diện tích nhà xưởng, thiết bị đào tạo, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.

Trường hợp không đảm bảo các điều kiện dạy nghề nêu trên, Trung tâm được phép tổ chức liên kết đào tạo với các trường dạy nghề, các cơ sở dạy nghề khác tạo địa phương. Hình thức liên kết và nội dung dạy nghề phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.

b) Trung tâm được quyền chủ động trong việc hợp tác, liên kết với các trường, cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy nghề.

c) Kinh phí cho công tác dạy nghề gồm:

- Ngân sách địa phương.

- Hỗ trợ của ngân sách Trung ương.

- Đóng góp chi phí học nghề của học viên.

- Các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

- Các khoản thu của Trung tâm từ hoạt động tư vấn, sản xuất, dịch vụ.

- Các nguồn khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hàng năm, các Trung tâm xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt; chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạc sau khi được phê duyệt.

Các Trung tâm tổ chức dạy nghề theo đúng đối tượng, nội dung kế hoạch được giao; sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, chịu trách nhiệm về việc sử dụng và quyết toán kinh phí được giao và báo cáo kết quả thực hiệntheo quy định.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

Đàm Hữu Đắc

(Đã ký)

PHỤ LỤC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tư do - Hạnh phúc

.........., ngày ..... tháng ..... năm ..........

ĐƠN ĐĂNG KÝ HỌC NGHỀ

Kinh gửi: Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động

Xã hội ........................

Tên tôi là: Nam, nữ:

Ngày, tháng, năm sinh:

Hộ khẩu thường trú:

Thời gian chấp hành quyết định tại Trung tâm:

Sau khi nghiên cứu các nội dung về học nghề tại Trung taam, tôi làm đơn này xin đăng ký tham gia khoá học nghề được tổ chức tại Trung tâm.

Ngành nghề học:

Thời gian:

Tôi xin cam kết:

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy chế của Trung tâm trong việc học nghề, tham gia đầy đủ các buổi học lý thuyết, thực hành theo quy định của kháo học.

2. Đóng góp đầy đủ chi phí học nghề.

Nếu vi phạm những cam kết trên, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký, ghi rõ họ tên)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 12/2004/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức công tác dạy nghề tại các Trung tâm Chữa bênh, Giáo dục, Lao động xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 12/2004/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/11/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 25/11/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 10/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản