Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1197-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐỀN BÙ TÀI SẢN TRONG VIỆC SỬA CHỮA SAI LẦM VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT.

Việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai lên địa chủ hay bị quy oan là phản động mà bị tịch thu tài sản là một vấn đề rất phức tạp, nếu giải quyết không tốt sẽ sinh ra mất đoàn kết ở nông thôn; nên trong khi giải quyết vấn đề này, các cấp phải nắm vững những nguyên tắc sau đây:

1) Việc đền bù tài sản phải dựa trên cơ sở giáo dục nông dân, nâng cao tình thương yêu giai cấp mà thương lượng, nhân nhượng ổn thỏa với nhau. Đó là mấu chốt quyết định việc đền bù tài sản được tốt.

2) Đền bù thích đáng cho những người bị quy sai, đồng thời phải đảm bảo cho những người được chia có đủ điều kiện sản xuất và sinh sống. Đền bù thích đáng cho những gia đình bị quy sai nghĩa là đền bù cho họ có nhà tương đối đủ ở, ruộng đất, trâu bò, nông cụ tương đối đủ để làm ăn sinh sống; đồng thời phải đảm bảo cho những người được chia cũng có tương đối đủ phương tiện để làm ăn sinh sống.

3) Việc đền bù do nông dân thương lượng, nhân nhượng ổn thỏa với nhau là chính, khi cần thiết, Chính phủ sẽ giúp đỡ một phần.

4) Việc đền bù chủ yếu nhằm vào 4 thứ tài sản chính: ruộng đất, nhà ở, trâu bò, cày bừa.

Căn cứ vào 4 nguyên tắc trên, đối với từng trường hợp cụ thể sẽ giải quyết như sau:

a) Về ruộng đất:

Đền bù ruộng đất cho người bị quy sai lên địa chủ ít nhất cũng bằng mức bù cho những bần cố nông và trung nông thiếu ruộng đất trong cải cách ruộng đất. Cố gắng trả lại một phần ruộng đất sở hữu cũ của họ, nhất là phần ruộng hương hỏa. Nhưng đồng thời phải đảm bảo cho những người được chia còn tương đối đủ ruộng đất để cày cấy làm ăn.

Ruộng để đền bù thì lấy ở số ruộng dự trữ, nếu không đủ thì thương lượng với những người được chia bớt ra một ít ruộng đất.

Trong trường hợp cá biệt, ở những nơi quy sai địa chủ nhiều, phải đền bù nhiều ruộng đất, nếu thật cần thiết thì có thể làm lại phương án hạ thấp mức bù trong cải cách ruộng đất để điều chỉnh lại ruộng đất của những người được chia (song không nên xáo lộn, giũ rối ruộng đất chia lại).

Đối với nhà Chung, đền chùa, trong cải cách ruộng đất, nơi nào sau khi trưng thu, trưng mua đã để lại ruộng đất quá ít, không đúng chính sách, thì nay để lại thêm cho đủ dùng vào việc cúng lễ và đủ cho những người làm nghề tôn giáo sinh sống.

Nơi nào trong cải cách ruộng đất đã lấy hết ruộng họ ra chia thì nay cần để lại một phần đủ dùng vào việc cúng giỗ.

Trong cải cách ruộng đất, những gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, bộ đội phục viên thuộc loại được chia thêm ruộng đất, khi chia chưa làm theo đúng chính sách ưu tiên, thì nay cần sửa chữa cho đúng chính sách ấy.

Đối với địa chủ nào trong cải cách ruộng đất được chia một phần ruộng đất quá ít, quá xấu thì sau khi đền bù cho những người bị quy sai thành phần rồi, sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể từng xã mà chia thêm cho họ một phần ruộng đất đủ đảm bảo sinh sống.

Đối với địa chủ nào trước bị kết án tù trên 5 năm, hoặc nông dân bị kết án tù trên 10 năm, không được chia phần ruộng, nay xét ra bị oan, được trả lại tự do, thì phải chia ruộng đất cho họ.

b) Về nhà cửa:

Về vấn đề nhà cửa thì phải dựa vào ý kiến của nhân dân mà giải quyết, có thể kết hợp việc thương lượng giữa người có nhà bị chia và nhựng người được chia nhà, điều chỉnh nhà cửa để trả lại nhà cũ hoặc làm nhà mới cho người có nhà bị chia cho hợp tình, hợp lý và thực hiện được đoàn kết.

Đối với người được chia phải trả nhà ra để đền bù thì giải quyết bằng cách lấy những nhà đã tịch thu, trưng thu, trưng mua của địa chủ mà nay để lại làm “nhà công cộng” để chia, hoặc chia thêm vào những người nhà của địa chủ đã chia cho người khác nhưng còn rộng, hoặc vận động họ trở về nhà cũ. Nếu cần thì vận động nhân dân làm nhà mới cho họ, hoặc trong khi chưa làm được nhà mới thì vận động những người có nhà rộng cho họ ở nhờ.

Địa chủ thường được phép về ở chung với những nông dân là bà con họ hàng của họ.

c) Về trâu bò, cày bừa:

Cần đền bù trâu bò, cày bừa cho người bị quy sai đủ để cày cấy bằng cách điều chỉnh trâu bò, nông cụ của những người được chia.

Đối với người được chia nay phải trả lại trâu bò, nông cụ để đền bù thì hết sức vận động nông dân và những người được đền bù giúp đỡ họ, cho họ mượn trâu bò cày bừa hoặc đề nghị ngân hàng cho vay để họ mua trâu bò cày bừa. Nếu trong cải cách ruộng đất chia 1 con trâu, bò cho 2, 3 gia đình thì nay có thể chia ghép thêm, nhưng không nên quá 4 gia đình.

d) Đối với tài sản khác:

Do nông dân thương lượng với nhau để trả lại cho người bị quy sai thành phần, nhất là đồ thờ cúng, đồ gia bảo. Về tài sản khác có tính chất công cụ sản xuất cần thiết cho việc làm ăn sinh sống của gia đình đó, như máy khâu, thuyền, lưới…thì cần thương lượng đền bù hoặc trả lại cho họ. Ở miền núi thì cần trả lại súng kíp, súng hỏa mai, vòng vía..

e) Đối với của cải bị tịch thu lầm vì cho là “quỹ phản động”

Đối với những của cải có tính chất quỹ công như quỹ đoàn thể nhân dân… hiện nay chưa đặt ra để giải quyết.

Đối với của cải của cá nhân hoặc của riêng một nhóm người thì giải quyết như sau:

- Nếu của đấu tranh còn lại thì lấy của đấu tranh mà đền bù. Trường hợp trâu bò hay vật khác hiện còn trong nông dân được chia, thì phải thương lượng ổn thỏa để trả lại cho họ.

- Những gia đình vì bị nghi oan là giữ quỹ phản động mà bị tịch thu của cải, đời sống hiện nay quá thiếu thốn và không thể giải quyết bằng cách trên, thì phải vận động nhân dân giúp đỡ cho họ đủ làm ăn sinh sống.

g) Đối với số tô thu quá mức hoặc thu của người không đáng thu

Nói chung cần làm cho những người đó thấy khó khăn của ta hiện nay để họ vui lòng không đòi đền bù lại. Đối với số tô có tính chất công cộng thì hiện nay chưa đặt ra. Riêng đối với những người vì bị thoái tô sai mà nay gia đình không đủ sức làm ăn sinh sống thì vận động nhân dân giúp đỡ để họ đủ điều kiện làm ăn sinh sống.

h) Giải quyết vấn đề tranh chấp hoa màu tài sản:

Nơi nào, người bị quy sai đã tự động gặt hoa màu đem về nhà rồi thì phải thuyết phục giải thích cho họ nhận rõ làm như thế là không đúng chính sách và trên cơ sở giáo dục, gợi tình thương yêu giai cấp mà vận động người đó cùng với người được chia giải quyết ổn thỏa với nhau, không để người có công cày cấy bị thiệt.

Nơi nào người bị quy sai có công trồng hoa màu (cây ăn quả, cây lưu niên, cây công nghiệp…) người được chia có công chăm bón thì khi thu hoạch hoa lợi vụ đó phải do hai bên thương lượng ổn thỏa.

Trường hợp tranh chấp tài sản, người bị quy sai đã tự động đòi nhà cửa, lấy lại trâu bò, nông cụ… rồi, thì cần thương lượng giữa hai bên để giải quyết cho ổn thỏa.

Để giải quyết vấn đề đền bù tài sản được tốt, mong các cấp Uỷ ban và cán bộ nắm vững những nguyên tắc và biện pháp kể trên trong khi thi hành.

K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1197-TTg năm 1956 về việc đền bù tài sản trong việc sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 1197-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản