Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TTLB

Hà Nội , ngày 20 tháng 2 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

SỐ 11 - TTLB NGÀY 20/2/1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI TRỢ ĐỐI VỚI XUẤT BẢN, BÁO CHÍ 

Thực hiện Chỉ thị số 8 - CT/TƯ ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản và Quyết định số 25-TTg ngày 19/1/1993 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách nhằm xây dựng và đổi mới sự nghiệp văn hoá nghệ thuật để từng bước thể chế hoá chính sách đối với hoạt động xuất bản, báo chí, Liên Bộ Văn hoá - Thông tin và Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tài trợ đối với xuất bản, báo chí như sau :

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Sách báo là sản phẩm văn hoá - tư tưởng, Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách tài trợ đối với một số xuất bản, báo chí nhằm mở rộng việc tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

"Báo chí, xuất bản thực hiện hạch toán thu chi để sử dụng vốn có hiệu quả, phục vụ tốt các mục tiêu chính trị, văn hoá, tư tưởng, không ngừng nâng cao chất lượng chính trị và tính hấp dẫn đúng đắn, cố gắng có thể tự trang trải về tài chính" (Điểm 4 Chỉ thị số 8-CT/TƯ ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

2. Nhà nước dành một phần ngân sách để tài trợ cho sự nghiệp xuất bản, báo chí nhằm đảm bảo cho cơ quan xuất bản, báo tạp chí hoạt động đúng định hướng, phục vụ đúng đối tượng.

Tài trợ là nguồn tài chính Nhà nước hỗ trợ ngoài vốn hoạt động thường xuyên cho các cơ quan xuất bản, báo chí để hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và thực hiện chính sách xã hội đối với nhân dân, đặc biệt đối với vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc miền núi. Nhà nước thực hiện chế độ đặt hàng và trợ giá cho sách báo chính trị, văn hoá nghệ thuật truyền thống dân tộc, sách báo khoa học kỹ thuật, sách báo phục vụ thiếu nhi và đồng bào dân tộc thiểu số, sách báo đối ngoại của Đảng và Nhà nước (theo kế hoạch xuất bản được duyệt hàng năm cho từng đối tượng và từng đề tài cụ thể).

3. Đối với các cơ quan xuất bản, báo chí là đơn vị sự nghiệp thì đối tượng tài trợ là từng báo và nhà xuất bản và được thực hiện dưới hình thức ngân sách cấp phần chênh lệch thu - chi giữa giá bán theo chính sách với giá vốn được duyệt; Nguồn tài trợ được ghi vào kế hoạch ngân sách hàng năm.

4. Đối với các cơ quan xuất bản, báo chí là doanh nghiệp Nhà nước (Đơn vị hạch toán kinh tế độc lập) thì đối tượng tài trợ là những cuốn sách, tờ báo cụ thể được hạch toán đầy đủ chi phí theo chế độ hiện hành trên cơ sở danh mục tài trợ được duyệt theo hai hình thức:

a) Trợ giá phần chênh lệch giữa giá bán theo chính sách với giá vốn được duyệt.

b) Nhà nước đặt hàng thanh toán 100% theo giá vốn được duyệt.

II. PHƯƠNG THỨC TÀI TRỢ

1. Hàng năm, nhà xuất bản, cơ quan báo chí là doanh nghiệp Nhà nước nếu có xuất bản phẩm cần tài trợ phải xây dựng kế hoạch đặt hàng riêng và trợ giá riêng; đối với nhà xuất bản, cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp phải làm kế hoạch thu - chi gửi cơ quan chủ quản (Bộ, ngành, tỉnh) để cơ quan chủ quản làm việc với cơ quan quản lý về xuất bản, báo chí và cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt theo thể loại và hạn mức tài trợ cả năm để thông báo trong chỉ tiêu kế hoạch năm cho cơ quan chủ quản.

2. Căn cứ vào hạn mức tài trợ cả năm được duyệt, cơ quan chủ quản làm việc với cơ quan tài chính cùng cấp để cấp phát kinh phí cho các đơn vị như sau :

- Đối với nhà xuất bản, cơ quan báo chí là doanh nghiệp Nhà nước được cấp phát bằng cách ứng trước 50% số được duyệt. Sau khi hoàn thành xuất bản phẩm được cấp tiếp số còn lại trên cơ sở báo cáo quyết toán chính thức.

- Đối với nhà xuất bản, các cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp được ứng trước 70% số được duyệt, số còn lại sẽ được cấp tiếp theo chế độ cấp phát và quyết toán như các đơn vị dự toán.

3. Quản lý kinh phí xuất bản phẩm được tại trợ từ xuất bản đến phát hành như sau :

- Về hiện vật phải thực hiện đúng danh mục xuất bản phẩm được duyệt tài trợ và địa chỉ tiêu thụ theo kế hoạch cho các đối tượng sử dụng.

- Về giá trị phải quản lý giá phát hành (tiêu thụ) đối với sách, báo được trợ giá bán theo đúng giá chính sách.

- Đối với những loại sách đặt hàng 100% thì đơn vị thay mặt Nhà nước đặt hàng chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc sử dụng loại sách này đúng mục đích đã được duyệt. Cần ưu tiên cho các thư viện, viện nghiên cứu, nhà trường... Phải quyết toán rõ số lượng phát hành (Phát không thu tiền) Trường hợp in thêm để bán (có thu tiền) thì só tiền thu về bán sách đặt hàng 100% được tính vào sản phẩm kinh doanh.

- Đối với xuất bản phẩm (sách, báo, tạp chí) được trợ giá nếu Nhà xuất bản phát hành thêm ngoài kế hoạch trợ giá được duyệt thì đơn vị phải bán đúng giá chính sách đã duyệt và phải tự bù đắp chi phí. Trường hợp cần thay đổi giá bán do chất lượng sản phẩm hoặc biến động về nhu cầu tiêu thụ lớn phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản mới điều chỉnh giá.

- Xuất bản phẩm được Nhà nước tài trợ phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt giá (giá vốn và giá bán) từ khâu kế hoạch đến quá trình thực hiện theo đúng chế độ, chính sách Nhà nước quy định.

4. Việc quyết toán kinh phí tài trợ đối với đơn vị sự nghiệp phải được tiến hành đồng thời với kỳ báo cáo quyết toán tài chính của đơn vị. Đối với hạch toán kinh tế độc lập phải quyết toán từng xuất bản phẩm (cuốn sách, tờ báo cụ thể).

5. Nguồn ngân sách tài trợ và cơ quan cấp tài trợ do cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính cùng cấp giải quyết. Riêng xuất bản phẩm do Chính phủ đặt hàng thì Bộ Tài chính trực tiếp cấp phát.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Những quy định trong Thông tư này được áp dụng thống nhất trong cả nước và có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Trong khi thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh cho Liên bộ Văn hoá - Thông tin và Tài chính để xem xét giải quyết.

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)

Vũ Khắc Liên

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-TTLB năm 1993 hướng dẫn chính sách tài trợ đối với xuất bản, báo chí do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 11-TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/02/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Tào Hữu Phùng, Vũ Khắc Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 20/02/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản