Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TT/LB/NH/NN

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 1977

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KẾ HỢP GIỮA PHÂN PHỐI VẬT TƯ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP VÀ CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Vừa qua, việc phân phối cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp của ngành vật tư nông nghiệp và việc cho vay của ngành ngân hàng Nhà nước đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã có tiến bộ. Nhiều địa phương giữa hai ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ cho nên đã phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tuy vậy cũng còn nhiều địa phương thiếu sự bàn bạc thống nhất về phương thức cung ứng vật tư và thanh toán, nên còn nhiều trường hợp tùy tiện, bị động, thiếu quy hoạch và kế hoạch, thậm chí có nơi còn máy móc, cửa quyền, gây khó khăn cho sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải đi lại mất nhiều thời gian mới lấy được vật tư hay vay vốn của ngân hàng.

Thi hành Nghị quyết số 19-CP và số 61-CP của Hội đồng Chính phủ, để phục vụ kịp thời yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý, gắn việc cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp với việc cho vay vốn của ngân hàng đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, đảm bảo góp phần thực hiện yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở sản xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp thống nhất quy định một số điểm về phương thức, thủ tục cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp và cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp như sau.

I. VỀ VIỆC PHÂN PHỐI CUNG ỨNG VẬT TƯ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP CHO HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Công tác phân phối cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải tiến hành đúng nguyên tắc bảo đảm thời vụ sản xuất, bình đẳng, thuận tiện và thanh toán sòng phẳng, cụ thể là:

1. Dựa trên cơ sở kế hoạch sản xuất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và kế hoạch phân phối vật tư kỹ thuật đã được Ủy ban nhân dân huyện xét duyệt và hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp (trạm vật tư nông nghiệp khu vực) với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để giao hàng đúng thời vụ - đúng mặt hàng – đúng số lượng và phẩm chất tốt. Những loại vật tư mà hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cần dùng để chế biến như lân, vôi… cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp cần cung cấp sớm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhất thiết không được bắt hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận những vật tư không ghi trong hợp đồng và không đảm bảo phẩm chất.

Khi giao nhận phải cân đong, đo, đếm, đảm bảo chính xác về số lượng. Hóa đơn giao hàng phải đúng với số lượng, mặt hàng hợp tác xã thực nhận. Trường hợp số thực nhận chênh lệch với số lượng ghi trong hóa đơn thì hợp tác xã chỉ thanh toán số thực nhận.

2. Thi hành Nghị quyết số 61-CP của Hội đồng Chính phủ, cơ quan cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp thực hiện phương thức giao thẳng vật tư cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nếu mặt hàng nào cần giao tại kho của cửa hàng thì địa điểm giao hàng cách hợp tác xã nông nghiệp không quá 5km. Trường hợp ngành vật tư nông nghiệp có khó khăn, chưa tổ chức được ngay mạng lưới kho tàng, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải đi nhận hàng xa trên 5km thì cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp phải chịu chi phí vận chuyển của đoạn đường trên 5km đó cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

3. Kết hợp chặt chẽ việc cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp với việc phân phối vốn đầu tư của ngân hàng.

Ty nông nghiệp tỉnh, phòng nông nghiệp huyện chỉ đạo giúp đỡ để công ty vật tư nông nghiệp tỉnh và trạm vật tư nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch phân phối vật tư cho từng địa phương, cho từng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Khi dự thảo kế hoạch, cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp cần bàn bạc thống nhất với Ngân hàng Nhà nước đồng cấp để bảo đảm sự nhất trí giữa kế hoạch cung ứng vật tư với kế hoạch tín dụng. Trường hợp có những vấn đề chưa thống nhất thì phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân trước khi thông qua kế hoạch chung của các ngành.

Sau khi kế hoạch cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp được duyệt chính thức, ngành cung ứng vật tư nông nghiệp cần gửi cho ngân hàng cùng cấp để có căn cứ tiến hành cho vay.

Căn cứ vào kế hoạch phân phối vật tư đã được duyệt, cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp tiến hành ký hợp kinh tế hai chiều với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, trong đó quy định rõ: mặt hàng, số lượng, phẩm chất, đơn giá; địa điểm thời gian giao nhận, thể thức và thời hạn thanh toán và nhiệm vụ của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đối với Nhà nước.

Việc giao nhận và thanh toán phải thực hiện theo kế hoạch và hợp đồng kinh tế đã ký kết. Trường hợp có sự thay đổi, cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp phải thông báo cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp biết trước ít nhất 15 ngày, đồng thời báo cho ngân hàng cùng cấp biết kế hoạch điều chỉnh.

Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chưa ký hợp đồng kinh tế hàng vụ, hàng năm, thì từng đợt phân phối vật tư, cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp dùng hình thức thông báo cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp biết trước; mặt hàng, số lượng, địa điểm giao nhận, v.v… để bố trí tốt việc tiếp nhận và thanh toán.

II. CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Việc cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải theo kế hoạch tín dụng đã được tính toán phù hợp với quy hoạch, phương hướng sản xuất của từng vùng, của từng địa phương; đồng thời phù hợp với khả năng cung ứng vật tư nhằm phát huy hiệu quả của vật tư và tiền vốn. Thủ tục cho vay phải đơn giản, thuận tiện cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 nguyên tắc:

1. Dựa vào kế hoạch tín dụng đã được xét duyệt để tiến hành cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay.

Đối với những nhu cầu chi phí sản xuất ngắn hạn đã ghi trong kế hoạch tín dụng, ngân hàng phát tiền vay chủ yếu dựa trên cơ sở cung cấp vật tư thực tế mà hợp tác xã nông nghiệp được cung cấp. Nhưng trong những trường hợp xét cần thiết, ông Trưởng ngân hàng cần cử cán bộ tín dụng điều tra trước khi quyết định cho vay.

Những nhu cầu chi phí sản xuất có tính chất đột xuất không ghi trong kế hoạch tín dụng như: thuốc trừ sâu, xăng dầu chống úng, hạn và giống phải gieo lại, v.v… thì trên cơ sở hợp tác sản xuất nông nghiệp có nhận vật tư, ngân hàng giải quyết cho vay.

2. Giữa bên mua và bên bán phải bảo đảm thanh toán sòng phẳng theo hợp đồng kinh tế đã ký kết và chấp hành đúng những chế độ nguyên tắc tài chính hiện hành.

Đối với hàng hóa mà hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã mua từ những vụ trước chưa thanh toán thì hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải có kế hoạch thanh toán cho đơn vị bán theo chủ trương thanh toán nợ nần dây dưa của Nhà nước. Cơ quan cung cấp vật tư tuyệt đối không được khấu trừ vào tiền của ngân hàng mới cho hợp tác xã nông nghiệp cho vay mua vật tư để trừ nợ cũ.

3. Thủ tục cho vay và thanh toán

a) Trường hợp cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp giao hàng thẳng tận cơ sở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì trình tự giao nhận hàng hóa và thủ tục cho vay thanh toán sẽ thực hiện như sau:

Sau khi hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận hàng đúng số lượng phẩm chất, mặt hàng, giá cả, v.v… theo hợp đồng đã ý kết, thì ký nhận vào hóa đơn giao hàng do bên bán lập. Chữ ký của hợp tác xã trên hóa đơn nhận hàng phải đúng với mẫu chữ ký đã đăng ký tại cơ quan bán hàng, đồng thời trên hóa đơn phải ghi rõ: yêu cầu ngân hàng trích tiền gửi, số tiền là bao nhiêu để trả cho đơn vị bán hàng (nếu tài khoản tiền gửi còn tiền) hoặc đề nghị ngân hàng cho vay số tiền là bao nhiêu để thanh toán cho đơn vị bán hàng. Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm về khoản tiền vay này và sẽ ký nhận tiền vay vào khế ước theo đúng định kỳ do ngân hàng đã quy định.

Căn cứ vào hóa đơn giao hàng, cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp làm giấy nhờ thu gửi tới ngân hàng, trong đó ghi rõ tên hàng, số lượng, số hóa đơn và số tiền nhờ thu theo nội dung của giấy nhờ thu ngân hàng hướng dẫn.

Ngân hàng căn cứ vào giấy nhờ thu do cơ quan cung ứng vật tư gửi tới, sau khi xem xét số lượng, loại hàng có ghi trong hợp đồng kinh tế mà hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã gửi tới ngân hàng trước đây, sau khi đối chiếu với kế hoạch tín dụng, nếu còn mức cho vay về đối tượng đó, ngân hàng giải quyết cho vay và chuyển trả cho cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp.

Trường hợp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp từ chối không chấp nhận khoản tiền do cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp nhờ thu có lý do chính đáng như số tiền ghi trên giấy nhờ thu lớn hơn số vật tư hợp tác xã đã thực nhận hoặc mặt hàng sau khi nhận mới phát hiện mất, kém phẩm chất… thì ngân hàng sẽ tự động trích tài khoản tiền gửi của cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp để thu hồi khoản nợ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã vay. Trường hợp những vật tư kỹ thuật mất, kém phẩm chất phải lập biên bản có cán bộ kỹ thuật xác nhận.

Từng lần nhận tiền vay, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không phải lên ngân hàng ký nhận vào khế ước vay vốn, mà từng định kỳ (15 ngày một lần) hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải đem theo khế ước lưu và hóa đơn nhận hàng của cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp lên ngân hàng để đối chiếu các khoản đã vay trong kỳ và ký vào khế ước vay vốn. Cán bộ tín dụng cần đôn đốc nhắc nhở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lên ngân hàng đối chiếu và ký xác nhận nợ đúng kỳ hạn đã quy định.

Nếu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp lên đối chiếu và ký xác nhận nợ, ngân hàng sẽ thông báo cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp biết để khắc phục kịp thời. Trường hợp hợp tác xã tiếp tục vi phạm quy định này, ngân hàng sẽ không tiếp tục giải quyết các khoản vay tiếp sau, cho đến khi hợp tác xã nông nghiệp sửa chữa, và thông báo cho cơ quan cung ứng vật tư biết.

Những vật tư cung cấp cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ngoài kế hoạch, xét cần cho sản xuất thì cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp báo cho ngân hàng biết và hợp tác xã nông nghiệp phải có đơn xin vay gửi ngân hàng. Nếu ngân hàng thấy không thể cho vay được thì phải thông báo rõ lý do cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp biết.

b) Trường hợp giao nhận hàng tại kho cơ quan cung ứng vật tư nông nghiệp. Thì hình thức cho vay và thanh toán thực hiện như sau:

Chỉ áp dụng hình thức cho vay và thanh toán nói trên đối với những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có quan hệ vay mượn và thanh toán sòng phẳng.

Đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà quan hệ mua bán thanh toán thường không sòng phẳng, sử dụng vốn không đúng mục đích gây lãng phí vốn… thì mỗi lần xin vay, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải lên ngân hàng xuất trình giấy báo phân phối vật tư của cơ quan cung ứng vật tư ghi rõ số lượng, loại hàng, giá trị, thời gian và địa điểm giao hàng. Sau khi đối chiếu đúng với kế hoạch vay vốn và hợp đồng kinh tế, thì ngân hàng sẽ cho vay, hợp tác xã làm các thủ tục vay và thanh toán tiền hàng cho đơn vị cung cấp vật tư lao vụ.

Đối với các loại vật tư khác không thuộc phạm vi cung ứng của trạm vật tư nông nghiệp và về công tác dịch vụ thì các ngân hàng tỉnh, huyện cần bàn bạc với các ngành có trách nhiệm để áp dụng thống nhất cách cho vay và thanh toán như đã nói trên.

4. Về thời gian cho vay, ngân hàng sẽ cho vay mua sắm các vật tư cần thiết cho sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời gian cung ứng vật tư nói ở mục I thông tư này. Ngân hàng sẽ cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay dự trữ những vật tư cần thiết cho sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo giúp các hợp tác xã sản xuất kịp thời vụ, nhất là những vật tư cần phải có thời gian chế biến thì có thể cho vay để nhận hàng vào đầu vụ. Trường hợp cần cho vay dự trữ trước vụ theo yêu cầu đặc biệt ngân hàng tính phải báo cáo thỉnh thị ngân hàng trung ương và sẽ giải quyết theo chủ trương riêng.

Các chi nhánh ngân hàng và cơ quan cung cấp vật tư nông nghiệp (chủ yếu là cấp huyện) cần nắm vững nhu cầu sản xuất của hợp tác xã trên cơ sở đó làm tốt các khâu kế hoạch tín dụng và kế hoạch phân phối vật tư để kết hợp chặt chẽ việc phân phối vật tư - tiền vốn phục vụ tốt yêu cầu tổ chức lại sản xuất và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở.

Các kế hoạch phải xuất phát từ phương hướng sản xuất, quy hoạch sản xuất, quy hoạch trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật của từng địa phương và từng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Trong điều kiện vật tư và tiền vốn của Nhà nước có hạn, việc phân phối cần theo hướng tập trung để phát huy được hiệu quả kinh tế cao của vật tư và tiền vốn vào sản xuất.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch, các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp và ngân hàng Nhà nước ở mỗi cấp nhất là ở cấp huyện phải cùng nhau bàn bạc, đảm bảo sự ăn khớp giữa kế hoạch phân phối vốn và kế hoạch cung cấp vật tư. Trước mỗi kỳ kế hoạch, mỗi ngành, mỗi cấp, cần tổ chức trình bày và bảo vệ kế hoạch của mình trước khi thông qua Ủy ban nhân dân cùng cấp. Quá trình thực hiện, nếu có tình hình gì thay đổi, cần điều chỉnh kế hoạch thì phải thông báo kịp thời cho nhau biết.

Trên đây liên bộ quy định một số vấn đề để đảm bảo sự kết hợp giữa cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp với cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được chặt chẽ, góp phần phục vụ tích cực cho yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp và ngân hàng Nhà nước các cấp có nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP

THỨ TRƯỞNG

Lê Duy Trinh

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC

Lê Đức

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 11-TT/LB/NH/NN-1977 về việc kết hợp giữa phân phối vật tư kỹ thuật nông nghiệp và cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 11-TT/LB/NH/NN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/02/1977
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Duy Trinh, Lê Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 16/02/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản