Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2005

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VỀ DỰ TRỮ LƯU THÔNG THUỐC QUỐC GIA THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 110/2005/QĐ-TTG NGÀY 16/5/2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch “dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân”;
Để tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân có hiệu quả; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính về dự trữ lưu thông thuốc theo Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế tài chính về dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

2. Đối tượng điều chỉnh của Thông tư này là các doanh nghiệp Dược nhà nước có đủ điều kiện theo quy định và được Bộ Y tế chỉ định thực hiện dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân theo Quyết định số 110/2005/QĐ-TTG ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Phạm vi áp dụng của Thông tư này là toàn bộ mặt hàng thuốc thuộc danh mục thuốc dự trữ lưu thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc phải đảm bảo số lượng, chất lượng thuốc và quản lý, sử dụng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ theo đúng quy định.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để dự trữ lưu thông thuốc và cấp bù chênh lệch :

1.1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để dự trữ lưu thông thuốc:

- Công văn của doanh nghiệp Dược được giao dự trữ lưu thông thuốc đề nghị cấp hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để dự trữ lưu thông thuốc gửi Bộ Tài chính (có xác nhận của Bộ Y tế).

- Quyết định của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp dự trữ lưu thông thuốc (đầy đủ thông tin về: chủng loại thuốc, số lượng, thời hạn dự trữ...)

- Hợp đồng mua thuốc đưa vào dự trữ (chủng loại, số lượng, giá mua).

- Hợp đồng khế ước vay ngân hàng (bảng kê chi tiết: vốn vay, kỳ hạn vay, lãi vay,...) phù hợp với số lượng và thời gian dự trữ thuốc được giao.

- Các chứng từ khác có liên quan.

1.2. Hồ sơ đề nghị cấp bù chênh lệch giá:

- Công văn của doanh nghiệp Dược được giao dự trữ lưu thông thuốc đề nghị cấp bù chênh lệch giá gửi Bộ Tài chính (có xác nhận của Bộ Y tế).

- Quyết định của Bộ Y tế xuất bán thuốc để bình ổn giá trên thị trường và xuất thuốc cung ứng cho bệnh viện nhà nước khi thiếu thuốc điều trị (chủng loại thuốc, số lượng, giá bán).

- Hợp đồng mua thuốc đưa vào dự trữ (chủng loại, số lượng, giá mua).

- Các chứng từ khác có liên quan.

2. Thủ tục cấp và quyết toán kinh phí hỗ trợ lãi suất vay vốn để dự trữ lưu thông thuốc, cấp bù chênh lệch giá thuốc:

Căn cứ quy định tại điểm 3.4 điều 1 Quyết định 42/2004/QĐ-BTC ngày 22/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định chi ngân sách trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền, đối với khoản chi hỗ trợ lãi suất vay Ngân hàng để dự trữ lưu thông thuốc được thực hiện cấp phát bằng hình thức lệnh chi tiền.

Sau khi kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của số liệu trong các hồ sơ do doanh nghiệp gửi, Bộ Tài chính xác định số tiền phải cấp bù chênh lệch giá, số tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, làm thủ tục cấp trực tiếp cho từng doanh nghiệp (riêng tiền lãi vay ngân hàng 6 tháng cấp 1 lần).

Các doanh nghiệp phải báo cáo quyết toán với Bộ Y tế về tình hình nhập, xuất thuốc dự trữ lưu thông, kinh phí được cấp thừa, thiếu...trong năm.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm xét duyệt quyết toán cho các doanh nghiệp và tổng hợp gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 2 năm sau.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, KBNN, Cục HQ
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
DTQG khu vực;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu : VT, Cục DTQG.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Thị Nhân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 108/2005/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 110/2005/QĐ-TTg về cơ chế tài chính về dự trữ lưu thông thuốc quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 108/2005/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/12/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Huỳnh Thị Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 19 đến số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản