- 1Quyết định 432/2003/QĐ-TTg phê duyệt Báo cáo khả thi Dự án "Cải cách quản lý tài chính công" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 19/2007/QĐ-BTC về Quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 59/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/2008/TT-BTC | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM VỀ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số điểm về việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước như sau:
1. Phạm vi áp dụng
a. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước trong điều kiện áp dụng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (viết tắt là Tabmis).
b. Trong thời gian đang triển khai áp dụng Tabmis rộng trên phạm vi cả nước (năm 2009-2010); đối với những địa bàn chưa áp dụng Tabmis, Kho bạc Nhà nước vẫn áp dụng chương trình Kế toán Kho bạc (viết tắt là KTKB) hiện hành thì:
- Việc phân bổ dự toán ngân sách cấp xã (chi tiết đến khoản); quy định về hạch toán các khoản tạm ứng ngân sách; và việc giao dự toán, cấp phát, thanh toán, quyết toán các khoản chi kinh phí ủy quyền, thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này.
- Đối với các quy định về quản lý, kế toán dự toán chi ngân sách (bao gồm cả dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách và dự án đầu tư thuộc ngân sách trung ương giao dịch tại Kho bạc Nhà nước địa phương chưa áp dụng Tabmis); chi trả, thanh toán các khoản chi bằng lệnh chi tiền; quản lý, kế toán các khoản vay và trả nợ của ngân sách nhà nước; và quy định về hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ, chưa áp dụng quy định của Thông tư này, mà vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Khi chuyển sang áp dụng Tabmis thì phải thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Giải thích từ ngữ
a. Tabmis là hệ thống thông tin tích hợp, được triển khai tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp, các cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện và một số đơn vị sử dụng ngân sách theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo khả thi Dự án cải cách quản lý tài chính công.
b. Cơ quan, đơn vị đã tham gia vào Tabmis là các cơ quan, đơn vị được kết nối và thực hiện tác nghiệp trên Tabmis.
c. Nhập dự toán vào Tabmis là việc cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước (đối với ngân sách cấp xã), các đơn vị dự toán cấp I, II đã tham gia vào Tabmis, căn cứ quyết định phân bổ và giao dự toán của cấp có thẩm quyền thực hiện nhập dữ liệu dự toán vào Tabmis và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn của số liệu dự toán trong Tabmis.
d. File dữ liệu dự toán là file dữ liệu điện tử về dự toán các đơn vị dự toán cấp I, cấp II (trong trường hợp được đơn vị dự toán cấp I ủy quyền phân bổ, giao dự toán) phân bổ và giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các dự án đầu tư trực thuộc. Các đơn vị dự toán cấp I chưa tham gia vào Tabmis có trách nhiệm tạo file dữ liệu dự toán theo các mẫu định dạng quy định, gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
đ. Cập nhật dự toán vào Tabmis là việc cơ quan tài chính cập nhật dữ liệu dự toán vào Tabmis trên cơ sở các file dữ liệu dự toán của các đơn vị dự toán cấp I gửi đến.
e. Chuyển thành dự toán chính thức trong Tabmis là việc cơ quan tài chính xem xét, phê duyệt dữ liệu dự toán trong Tabmis đã được các đơn vị dự toán cấp I, II đã tham gia vào Tabmis nhập vào hoặc được cập nhật vào Tabmis từ file dữ liệu của các đơn vị dự toán cấp I gửi đến.
g. Dự toán tạm cấp là mức dự toán được cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước tạm cấp theo quy định tại điều 45 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
1. Về nhập dự toán chi ngân sách vào Tabmis
a. Các loại dự toán được quản lý trong Tabmis, gồm:
- Dự toán chi theo lĩnh vực của ngân sách trung ương, ngân sách các cấp tỉnh, huyện và xã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định hàng năm.
- Dự toán chi ngân sách Thủ tướng Chính phủ (đối với ngân sách trung ương), Ủy ban nhân dân (đối với ngân sách địa phương) giao hoặc ứng trước dự toán ngân sách năm sau cho các đơn vị dự toán cấp I, các dự án đầu tư.
- Dự toán chi ngân sách đơn vị dự toán cấp I phân bổ, giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các dự án đầu tư (bao gồm cả dự toán được ứng trước ngân sách năm sau).
b. Dự toán chi ngân sách trong Tabmis là một căn cứ để cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi, thanh toán theo quy định. Khi thực hiện thanh toán và kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện giữa dự toán giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các dự án đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền (bản dự toán do đơn vị gửi đến) không khớp đúng với dự toán trong Tabmis thì phải báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp (đối với dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách cùng cấp) hoặc báo cáo Kho bạc Nhà nước cấp trên (đối với dự toán của các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc ngân sách cấp trên) để tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, xử lý theo quy định.
c. Về trách nhiệm nhập dự toán chi ngân sách vào Tabmis:
(1) Đối với dự toán chi ngân sách Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định và dự toán chi ngân sách Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện giao hoặc ứng trước dự toán ngân sách năm sau cho các đơn vị dự toán và các dự án đầu tư (thuộc ngân sách địa phương): căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về dự toán ngân sách, quyết định giao dự toán hoặc ứng trước dự toán ngân sách năm sau của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân; Bộ Tài chính (đối với ngân sách trung ương), Sở Tài chính (đối với ngân sách cấp tỉnh) và Phòng Tài chính - Kế hoạch (đối với ngân sách cấp huyện) thực hiện nhập dự toán chi ngân sách cấp mình vào Tabmis.
(2) Đối với dự toán chi ngân sách và ứng trước dự toán ngân sách năm sau đơn vị dự toán cấp I phân bổ, giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các dự án đầu tư:
- Đối với dự toán chi ngân sách giao đầu năm:
+ Sau khi gửi cơ quan tài chính cùng cấp phương án phân bổ dự toán ngân sách để thẩm tra theo quy định, trường hợp đã tham gia vào Tabmis, đơn vị dự toán cấp I thực hiện nhập phương án phân bổ vào Tabmis; trường hợp chưa tham gia vào Tabmis, đơn vị dự toán cấp I gửi kèm file dữ liệu về phương án phân bổ được tạo theo mẫu quy định để cơ quan tài chính cập nhật vào Tabmis. Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn riêng về nội dung mẫu biểu và cách thức tạo file dữ liệu.
Cơ quan tài chính thực hiện thẩm tra phương án phân bổ của đơn vị dự toán cấp I theo quy định; đồng thời, trên cơ sở kết quả thẩm tra, cơ quan tài chính xem xét, thực hiện chuyển dữ liệu phương án phân bổ ngân sách (đã được đơn vị dự toán cấp I nhập vào Tabmis hoặc cơ quan tài chính cập nhật vào Tabmis từ file dữ liệu của đơn vị dự toán cấp I gửi đến) thành dữ liệu dự toán chính thức trong Tabmis đối với những trường hợp đã phân bổ đúng quy định, làm căn cứ để thanh toán và kiểm soát chi.
Đối với những trường hợp không được cơ quan tài chính thống nhất, đơn vị dự toán cấp I thực hiện điều chỉnh lại phương án phân bổ theo quy định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp không thống nhất với yêu cầu điều chỉnh của cơ quan tài chính. Sau khi thực hiện điều chỉnh lại phương án phân bổ, nếu đã tham gia vào Tabmis thì đơn vị dự toán cấp I đồng thời điều chỉnh lại phương án phân bổ đã nhập trong Tabmis; trường hợp chưa tham gia vào Tabmis thì đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh lại file dữ liệu phương án phân bổ và gửi cơ quan tài chính cùng cấp để cập nhật điều chỉnh lại trong Tabmis. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính xem xét, thực hiện chuyển thành dữ liệu dự toán chính thức trong Tabmis.
+ Trường hợp thực hiện ủy quyền cho các đơn vị dự toán cấp II phân bổ, giao dự toán theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 mục IV Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ; việc nhập dự toán chi vào Tabmis thực hiện như sau:
• Sau khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nếu đơn vị dự toán cấp II đã tham gia vào Tabmis thì đơn vị dự toán cấp II có trách nhiệm nhập dự toán vào Tabmis.
Trường hợp đơn vị dự toán cấp II chưa tham gia vào Tabmis thì đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm nhập dự toán vào Tabmis (đối với các đơn vị dự toán cấp I đã tham gia vào Tabmis) hoặc tạo file dữ liệu dự toán theo mẫu quy định (đối với các đơn vị dự toán cấp I chưa tham gia vào Tabmis) gửi cơ quan tài chính cùng cấp để cập nhật vào Tabmis.
• Trên cơ sở đề nghị của đơn vị dự toán cấp I, cơ quan tài chính xem xét, chuyển dữ liệu dự toán đã được đơn vị dự toán cấp I, II nhập vào Tabmis hoặc cơ quan tài chính cập nhật vào Tabmis từ file dữ liệu do đơn vị dự toán cấp I gửi đến, thành dự toán chính thức trong Tabmis.
- Trường hợp đơn vị dự toán cấp I được cấp có thẩm quyền giao bổ sung dự toán hoặc ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện nhiệm vụ phát sinh; sau khi thực hiện phân bổ, giao dự toán theo quy định, đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm nhập dự toán vào Tabmis (đối với các đơn vị dự toán cấp I đã tham gia vào Tabmis) hoặc tạo file dữ liệu dự toán theo mẫu quy định (đối với các đơn vị dự toán cấp I chưa tham gia vào Tabmis) gửi cơ quan tài chính cùng cấp để cập nhật vào Tabmis.
Căn cứ dự toán chi ngân sách đã được đơn vị dự toán cấp I nhập hoặc cơ quan tài chính cập nhật vào Tabmis từ file dữ liệu dự toán do đơn vị dự toán cấp I gửi đến và đề nghị của đơn vị dự toán cấp I, cơ quan tài chính thực hiện chuyển thành dữ liệu dự toán chính thức trong Tabmis.
- Trường hợp trong năm cần thực hiện điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị dự toán trực thuộc; nếu không làm thay đổi tổng mức và chi tiết từng lĩnh vực chi được giao và không điều chỉnh từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ hoặc từ kinh phí không thường xuyên sang kinh phí thường xuyên thì đơn vị dự toán cấp I không phải xin ý kiến cơ quan tài chính cùng cấp trước khi quyết định điều chỉnh; nếu làm thay đổi tổng mức và chi tiết thì phải trình cấp có thẩm quyền quyết định; trường hợp điều chỉnh từ kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, kinh phí không thường xuyên sang kinh phí thường xuyên thì phải có ý kiến thống nhất của cơ quan tài chính trước khi thực hiện điều chỉnh. Sau khi quyết định điều chỉnh theo quy định, đơn vị dự toán cấp I gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện điều chỉnh dự toán trong Tabmis, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm căn cứ kiểm soát chi, cấp phát, thanh toán.
Căn cứ quyết định điều chỉnh của đơn vị dự toán cấp I, cơ quan tài chính kiểm tra số dư dự toán và thực hiện điều chỉnh trong Tabmis.
- Trường hợp vào đầu năm ngân sách thực hiện tạm cấp kinh phí theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính (riêng với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được tạm cấp từ tháng 12 năm trước); khi thực hiện tạm cấp, cơ quan tài chính (đối với các khoản chi bằng lệnh chi tiền) và Kho bạc Nhà nước (đối với các khoản chi theo hình thức rút dự toán) phải nhập dự toán ngân sách tạm cấp vào Tabmis và thực hiện thu hồi sau khi có dự toán chi ngân sách chính thức được giao.
(3) Đối với ngân sách cấp xã, căn cứ dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp xã được Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện phân bổ dự toán ngân sách cấp xã, trong đó đối với dự toán chi thường xuyên phân bổ chi tiết đến loại, khoản của Mục lục ngân sách nhà nước theo quy định, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (01 bản) làm căn cứ nhập vào Tabmis và thanh toán, kiểm soát chi theo quy định. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của bản dự toán do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến trước khi thực hiện nhập vào Tabmis.
2. Về hạch toán các khoản tạm ứng ngân sách
Khi thực hiện tạm ứng ngân sách, Kho bạc Nhà nước hạch toán, kế toán theo quy định của Chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và Mục lục ngân sách nhà nước; trong đó, đối với những trường hợp đã rõ nội dung chi, có thể chi tiết đến tiểu mục thì phải hạch toán chi tiết đến tiểu mục; trường hợp chưa rõ về nội dung, không thể xác định được tiểu mục thì hạch toán tạm ứng vào tiểu mục khác của mục; khi thanh toán tạm ứng thực hiện hạch toán theo đúng các tiểu mục thực tế phát sinh.
3. Về chi trả, thanh toán đối với các khoản chi bằng lệnh chi tiền của ngân sách trung ương và ngân sách các cấp tỉnh, huyện.
a. Nguyên tắc kiểm soát dự toán:
- Đối với các nhiệm vụ chi bằng lệnh chi tiền giao trong dự toán (bao gồm cả dự toán bổ sung trong năm) của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị dự toán khác, thực hiện kiểm soát dự toán trong Tabmis; khi phân bổ dự toán, đơn vị dự toán cấp I phải giao dự toán chi tiết đến các đơn vị sử dụng ngân sách làm cơ sở để nhập vào Tabmis và cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước cùng cấp kiểm soát dự toán khi cấp phát, thanh toán chi trả cho các đối tượng thụ hưởng.
- Đối với chi bằng lệnh chi tiền để thực hiện các nhiệm vụ chi viện trợ trực tiếp cho nước ngoài; chi cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội không có quan hệ thường xuyên với ngân sách và chi các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách bằng lệnh chi tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền: không thực hiện kiểm soát dự toán trong Tabmis khi thực hiện cấp phát, thanh toán, chi trả cho các đối tượng.
b. Quy trình chi trả, thanh toán các khoản chi bằng lệnh chi tiền:
- Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, cơ quan tài chính kiểm tra, kiểm soát và ra lệnh chi tiền, đồng thời nhập vào Tabmis để yêu cầu Kho bạc Nhà nước cùng cấp xuất quỹ chi trả, thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
- Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của lệnh chi tiền trong Tabmis của cơ quan tài chính; căn cứ nội dung trên lệnh chi tiền, thực hiện xuất quỹ chi trả, thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng trong phạm vi thời gian chế độ quy định; đồng thời in phục hồi chứng từ để lưu và thông báo cho đơn vị. Trường hợp chứng từ không hợp lệ, hợp pháp thì Kho bạc Nhà nước phải thông báo cho cơ quan tài chính chậm nhất ngay sau 01 ngày kể từ ngày nhận được chứng từ.
4. Về giao dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán các khoản chi kinh phí ủy quyền
- Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng của mình thì phải phân bổ nguồn kinh phí cho cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó.
- Khi thực hiện phân bổ và giao kinh phí ủy quyền, cơ quan ủy quyền coi cơ quan cấp dưới được ủy quyền là đơn vị dự toán đặc biệt và thực hiện phân bổ, giao dự toán như đối với các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc; đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan được ủy quyền biết để phối hợp chỉ đạo thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí ủy quyền đúng mục đích, đúng chế độ quy định.
Trường hợp các Bộ đồng thời ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện ở địa phương, nếu không có điều kiện phân bổ, giao dự toán trực tiếp đến các đơn vị cấp huyện thì có thể giao đến cơ quan cấp tỉnh và ủy quyền cho các đơn vị này phân bổ, giao dự toán tiếp đến các đơn vị cấp huyện.
- Việc chi trả, thanh toán các khoản kinh phí ủy quyền được thực hiện theo hình thức rút dự toán nếu là ủy quyền về kinh phí thường xuyên và cấp phát, thanh toán vốn đầu tư nếu là ủy quyền về vốn đầu tư. Khi cấp phát, thanh toán các khoản kinh phí ủy quyền, thực hiện hạch toán vào chương trình và cấp ngân sách của đơn vị ủy quyền.
- Kho bạc Nhà nước và đơn vị được ủy quyền thực hiện kế toán, báo cáo riêng các khoản chi về kinh phí ủy quyền. Đơn vị được ủy quyền thực hiện báo cáo quyết toán kinh phí trực tiếp với đơn vị ủy quyền; đơn vị ủy quyền xét duyệt và tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách của mình theo quy định.
5. Về quản lý, kế toán các khoản vay, trả nợ của ngân sách trung ương, các khoản huy động để đầu tư theo khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước và trả nợ của ngân sách cấp tỉnh.
a. Quản lý, kế toán các khoản vay của ngân sách trung ương, huy động đầu tư của ngân sách cấp tỉnh:
- Các khoản vay trong nước, ngoài nước của ngân sách trung ương và các khoản huy động để đầu tư của ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước, là khoản nợ phải trả, được quản lý, kế toán trên các tài khoản phải trả của ngân sách các cấp tương ứng.
+ Đối với các khoản chênh lệch giá bán trái phiếu so với mệnh giá và các khoản chiết khấu được kế toán theo dõi trên tài khoản riêng; cuối năm, trường hợp có dư Có sẽ được tính là khoản thu của ngân sách, trường hợp dư Nợ sẽ được tính là khoản chi của ngân sách.
+ Đối với các khoản vay bằng ngoại tệ, được theo dõi, hạch toán bằng tiền đồng Việt Nam, đồng thời phải theo dõi, kế toán theo nguyên tệ. Việc quy đổi theo tỷ giá hạch toán hàng tháng thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Định kỳ vào đầu tháng, Kho bạc Nhà nước thực hiện điều chỉnh lại số dư nợ bằng tiền đồng Việt Nam trên các tài khoản phải trả của các cấp ngân sách theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định; đồng thời, số phát sinh chênh lệch tăng, giảm (nếu có) tương ứng do đánh giá lại dư nợ được hạch toán, theo dõi riêng trên tài khoản chênh lệch tỷ giá (không hạch toán vào thu, chi ngân sách) để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách theo đúng tỷ giá đã hạch toán ngân sách tại thời điểm phát sinh.
- Đối với các khoản vay ngoài nước để chi cho các dự án theo phương thức ghi thu, ghi chi, căn cứ thông báo giải ngân của Nhà tài trợ và các hồ sơ, chứng từ có liên quan, thực hiện hạch toán ngân sách nhà nước như quy định tại khoản 7 Mục II Thông tư này.
b. Quản lý, kế toán các khoản chi trả nợ:
- Chi trả nợ lãi và phí (nếu có) các khoản vay trong nước và ngoài nước của ngân sách: thực hiện hạch toán vào chi ngân sách các cấp tương ứng.
- Đối với các khoản trả nợ gốc, bao gồm cả trả các khoản huy động để đầu tư của ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 điều 8 Luật Ngân sách nhà nước: thực hiện hạch toán giảm nợ trên các tài khoản phải trả của các cấp ngân sách tương ứng, nhưng vẫn được tổng hợp báo cáo chung vào chi của ngân sách nhà nước để đảm bảo cân đối ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.
6. Về chi trả nợ của ngân sách trung ương:
a. Chi trả nợ trong nước:
- Đối với các khoản trái phiếu Chính phủ (gồm cả bán lẻ, đấu thầu, bảo lãnh, phát hành theo lô lớn, trái phiếu đặc biệt), tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc; phí phát hành trái phiếu đấu thầu qua thị trường chứng khoán và bảo lãnh phát hành; phí thanh toán đối với các Trung tâm lưu ký chứng khoán; không thực hiện kiểm soát dự toán đối với từng khoản thanh toán, chi trả, nhưng phải đảm bảo trong phạm vi tổng dự toán chi trả nợ của ngân sách trung ương Quốc hội quyết định hàng năm. Trường hợp nhu cầu chi trả nợ vượt tổng dự toán chi trả nợ của ngân sách trung ương được duyệt cả năm, Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Kho bạc Nhà nước thực hiện xuất quỹ để thanh toán, đồng thời hạch toán giảm nợ vay (đối với các khoản trả nợ gốc) và hạch toán chi (đối với các khoản trả lãi, phí) của ngân sách trung ương theo quy định tại điểm b khoản 5 Mục II Thông tư này.
- Đối với những khoản nợ trong nước khác do Bộ Tài chính trực tiếp vay và theo dõi, quản lý nợ, thực hiện chi trả bằng lệnh chi tiền theo quy định hiện hành. Căn cứ lệnh chi tiền của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện xuất quỹ để thanh toán, chi trả, đồng thời hạch toán giảm nợ vay (đối với các khoản trả nợ gốc) và hạch toán chi (đối với các khoản trả lãi, phí) của ngân sách trung ương theo quy định tại điểm b khoản 5 Mục II Thông tư này.
b. Chi trả nợ ngoài nước:
- Không thực hiện kiểm soát dự toán đối với từng khoản chi trả nợ ngoài nước, nhưng phải đảm bảo trong phạm vi tổng dự toán chi trả nợ nước ngoài của ngân sách trung ương Quốc hội quyết định hàng năm.
- Căn cứ yêu cầu thanh toán, trước ngày đến hạn trả nợ 07 ngày làm việc (trừ những trường hợp phải chờ thông báo của chủ nợ mới xác định được số phải thanh toán, chi trả), Bộ Tài chính lập lệnh chi, kèm theo lịch trả nợ và các tài liệu có liên quan (nếu có) gửi Kho bạc Nhà nước để hạch toán vào Tabmis, trong đó hạch toán giảm khoản vay và hạch toán chi của ngân sách trung ương theo quy định tại điểm b khoản 5 Mục II Thông tư này, và thực hiện xuất quỹ thanh toán, chi trả cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
7. Về hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ tài trợ trực tiếp cho dự án.
Ngay sau khi nhận được thông báo giải ngân vốn ngoài nước của các nhà tài trợ cho các dự án và các hồ sơ, chứng từ có liên quan, Bộ Tài chính lập lệnh ghi thu, ghi chi gửi Kho bạc Nhà nước để thực hiện hạch toán kịp thời vào ngân sách, trong đó, hạch toán thu ngân sách nếu là các khoản viện trợ không hoàn lại, hạch toán theo dõi nợ trên tài khoản phải trả nếu là các khoản vay theo quy định; đồng thời, hạch toán ghi chi ngân sách cho các dự án trong trường hợp đã đủ các điều kiện thực hiện ghi chi theo quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ; trường hợp chưa đủ điều kiện ghi chi ngân sách thì theo dõi trên các tài khoản tạm ứng để quản lý và hạch toán vào chi ngân sách sau khi đã có đủ các điều kiện chi theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và được áp dụng từ năm ngân sách 2009; các quy định trước đây trái với Thông tư này đều không còn hiệu lực thi hành.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và cấp dưới tổ chức thực hiện.
Trong giai đoạn triển khai Tabmis, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện Chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước áp dụng cho Tabmis; thực hiện chuyển đổi dữ liệu từ các hệ thống phần mềm tin học hiện hành của Kho bạc Nhà nước sang Tabmis, đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng kịp thời các thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành ngân sách.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 432/2003/QĐ-TTg phê duyệt Báo cáo khả thi Dự án "Cải cách quản lý tài chính công" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 19/2007/QĐ-BTC về Quy chế hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với các khoản vay và viện trợ nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 4Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 5Nghị định 77/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
- 6Thông tư 59/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 7Công văn 5301/BNN-TC hướng dẫn bổ sung điều hành ngân sách năm 2013 đối với lĩnh vực chi thường xuyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Thông tư 107/2008/TT-BTC bổ sung một số điểm về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 107/2008/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 18/11/2008
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Nguyễn Công Nghiệp
- Ngày công báo: 03/12/2008
- Số công báo: Từ số 624 đến số 625
- Ngày hiệu lực: 18/12/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực