Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105-TT/PC | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1987 |
Để thi hành các quy định trên đây của Hội đồng Bộ trưởng, Trọng tài kinh tế Nhà nước ra thông tư hướng dẫn công tác thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, công tác giám sát xét xử và kháng cáo như sau:
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ Nhà nước quy định, Trọng tài kinh tế tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế một cách có kế hoạch, hướng trọng tâm vào những cơ sở sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, của ngành hoặc của địa phương để hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo đúng các quy định của pháp luật, tích cực phòng ngừa vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan; khi có dấu hiệu vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp xử lý cần thiết, tăng cường kỷ luật Nhà nước, bảo đảm chế độ hợp đồng kinh tế và các chính sách, chế độ quản lý kinh tế có liên quan được chấp hành nghiêm chỉnh.
2. Thẩm quyền thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành.
a) Trọng tài kinh tế Nhà nước tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở của nền kinh tế quốc dân thuộc các cấp, các ngành không phân biệt đơn vị kinh tế cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của các ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các huyện, quận và cấp tương đương bao gồm các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể.
b) Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (gọi chung là Trọng tài kinh tế tỉnh) tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở nằm trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, bao gồm các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc tỉnh, trực thuộc huyện, các đơn vị kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tư nhân có quan hệ hợp đồng với kinh tế quốc doanh ở trong tỉnh và cả các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc các ngành Trung ương đóng tại địa phương theo thẩm quyền quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trên vùng lãnh thổ.
c) Trọng tài kinh tế huyện, quận và cấp tương đương (gọi chung là Trọng tài kinh tế huyện) tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở thuộc quyền quản lý của cấp huyện bao gồm các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc huyện, các đơn vị kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tư nhân có quan hệ hợp đồng kinh tế với kinh tế quốc doanh ở trong huyện.
d) Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc Bộ, Tổng cục quản lý.
Trọng tài viên là người phụ trách cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế. Trong những trường hợp cần thiết, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành trực tiếp hoặc cử nhiều trọng tài viên cùng tiến hành một cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế. Tham gia cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế còn có một số cán bộ pháp lý giúp việc và tuỳ theo tính chất, yêu cầu của cuộc thanh tra có thể mời đại diện của ngành liên quan như kế hoạch, vật giá, thanh tra cùng tham gia.
3. Thủ tục thanh tra hợp đồng kinh tế.
a) Khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế ở các đơn vị kinh tế cơ sở, Trọng tài kinh tế phải thông báo cho đơn vị kinh tế được thanh tra biết trước ít nhất là 10 ngày trước ngày tiến hành thanh tra, để sắp xếp công việc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cuộc thanh tra hợp đồng kinh tế.
Việc thanh tra hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế tỉnh đối với các đơn vị kinh tế cơ sở của các ngành Trung ương đóng tại địa phương cần nhằm chủ yếu vào những hợp đồng kinh tế có quan hệ với các đơn vị kinh tế cơ sở của địa phương. Khi tiến hành thanh tra, cần thông báo cho Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục chủ quản biết, để có sự phối hợp nếu cần.
b) Khi tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế, người phụ trách cuộc thanh tra phải làm việc trực tiếp với thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra; trường hợp thủ trưởng đi vắng, người thay mặt phải là cấp phó hoặc người được thủ trưởng uỷ quyền.
Căn cứ yêu cầu của cuộc thanh tra, người phụ trách cuộc thanh tra yêu cầu thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra báo cáo về tình hình chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ở đơn vị nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm vướng mắc, khó khăn trong ký kết và thực hiện hợp đồng cùng những kiến nghị cần giải quyết, cung cấp các bản hợp đồng kinh tế đã ký và các tài liệu, số liệu cần thiết có liên quan phục vụ cho công tác thanh tra hợp đồng kinh tế ở đơn vị. Nếu phát hiện những sai sót trong ký kết và thực hiện hợp đồng thì cần giúp đỡ, hướng dẫn cho đơn vị sửa chữa kịp thời. Nếu có dấu hiệu vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế, thì phải tìm rõ nguyên nhân, rút ra kết luận, có các biện pháp xử lý đúng đắn, bảo đảm chế độ hợp đồng kinh tế được chấp hành nghiêm chỉnh.
c) Trong quá trình tiến hành thanh tra hợp đồng kinh tế, nếu phát hiện có vấn đề cần yêu cầu, kiến nghị với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp, trọng tài viên phải báo cáo với Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp mình xem xét và ra văn bản chính thức.
Kết thúc cuộc thanh tra phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.
Trường hợp đơn vị kinh tế được thanh tra không nhất trí với điểm nào ghi trong biên bản thì được ghi ý kiến của mình cùng với các tài liệu chứng minh, giải thích cần thiết kèm theo và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền biết.
Biên bản phải có chữ ký của người phụ trách cuộc thanh tra, của thủ trưởng đơn vị kinh tế được thanh tra hoặc người được thủ trưởng đơn vị uỷ quyền.
d) Sau cuộc thanh tra, người phụ trách cuộc thanh tra phải báo cáo Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp mình về kết quả thanh tra kèm theo biên bản thanh tra để giám sát, và nếu xét thấy cần thiết có văn bản chính thức gửi các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những kiến nghị ghi trong biên bản; tiếp tục theo dõi, yêu cầu đơn vị kinh tế được thanh tra và các đơn vị kinh tế có liên quan báo cáo kết quả khắc phục những sai sót, vi phạm theo những biện pháp và thời hạn do mình đề ra (nếu có). Quá thời hạn quy định, nếu những sai sót, vi phạm không được khắc phục thì coi như cố tình vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế phải đưa ra Trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử.
a) Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố và của trọng tài viên cấp mình; Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình; Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế huyện, quận và của trọng tài viên cấp mình. Chủ tịch Trọng tài kinh tế huyện, quận giám sát tính đúng đắn, hợp pháp các quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình.
Chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày ký quyết định xét xử, Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố phải gửi quyết định xét xử kèm theo biên bản xét xử đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước; Trọng tài kinh tế huyện, quận phải gửi quyết định xét xử kèm theo biên bản xét xử đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, để tiến hành giám sát.
b) Khi giám sát các quyết định xét xử, Chủ tịch Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành cần xem xét kỹ việc xét xử có đúng thẩm quyền Nhà nước quy định không? Nội dung giải quyết vụ, việc quy lỗi gây ra tranh chấp và vi phạm, mức tiền phạt và tiền bồi thường có phù hợp với các quy định của pháp luật không? Nếu phát hiện nội dung quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình, kể cả quyết định xét xử của Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế (nếu có) có những sai phạm về các vấn đề trên, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế cùng cấp có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định cũ và ra quyết định mới.
Nếu phát hiện nội dung quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế cấp dưới có những sai phạm, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp trên trực tiếp (như Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước đối với Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố; Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố đối với Trọng tài kinh tế huyện, quận) yêu cầu Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp dưới sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định đó, và có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định cũ và ra quyết định mới đối với vụ, việc thuộc thẩm quyền xét xử của mình, nhưng đã uỷ quyền cho Trọng kinh tế cấp dưới xét xử.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp trên yêu cầu sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định xét xử, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp dưới phải báo cáo Trọng tài kinh tế cấp trên kết quả thi hành văn bản đó.
c) Thời hạn giám sát các quyết định xét xử là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xét xử kèm theo biên bản xét xử của Trọng tài kinh tế cấp dưới gửi đến.
Thẩm quyền xét xử của Trọng tài kinh tế các cấp, các ngành đối với các tranh chấp và vi phạm hợp đồng hợp đồng kinh tế vẫn được thực hiện theo các quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng tại Nghị định số 75-CP ngày 14-4-1975 ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế Nhà nước và Nghị định số 62-HĐBT ngày 17-4-1984 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trọng tại tài kinh tế Bộ, tỉnh, huyện. Dưới đây là những quy định hướng dẫn về công tác xét xử kháng cáo:
a) Nếu không tán thành quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế các bên đương sự có quyền kháng cáo. Trong khi chờ đợi xét xử kháng cáo, các bên vẫn phải chấp hành quyết định xét xử đó.
Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố xét xử kháng cáo các quyết định xét xử của trọng tài viên cấp mình đối với những vụ, việc thuộc thẩm quyền xét xử của mình. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận xét xử kháng cáo các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế huyện, quận.
Đối với những vụ, việc do trọng tài kinh tế cấp trên uỷ quyền xét xử, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp uỷ quyền đó xét xử kháng cáo.
Nếu không tán thành quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, tổng cục, các bên đương sự có quyền kháng cáo đến Bộ trưởng, Tổng cục trưởng. Nếu không tán thành quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, các bên đương sự có quyền kháng cáo đến Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố. Nếu không tán thành quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, các đương sự có quyền kháng cáo đến Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.
Quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố có giá trị cuối cùng.
b) Khi gửi đơn kháng cáo đến Trọng tài kinh tế có thẩm quyền, bên kháng cáo phải gửi cho bên kia một bản.
Nội dung đơn kháng cáo cần ghi rõ lý do kháng cáo, kháng cáo về những điểm gì trong quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế, những yêu cầu cần được giải quyết.
Đơn kháng cáo do thủ trưởng đơn vị (hoặc người được uỷ quyền ký trong hợp đồng kinh tế) ký tên và đóng dấu của đơn vị. Đồng thời phải kèm theo đơn kháng cáo hồ sơ liên quan, chú trọng cung cấp những chứng cứ mới làm sáng tỏ nội dung kháng cáo.
Thời hạn gửi đơn kháng cáo là 1 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xét xử. Thời hạn xét xử kháng cáo là 2 tháng kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo, trừ những vụ, việc có nhiều khó khăn, phức tạp thì thời hạn xét sử kháng cáo có thể đến 4 tháng.
Khi xét xử kháng cáo Trọng tài kinh tế có thẩm quyền phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, có thái độ khách quan, vô tư, thận trọng, chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu những tình tiết mới nảy sinh, trên cơ sở đó mà có những quyết định chính xác. Nếu xét thấy nội dung kháng cáo là đúng đắn thì kiên quyết sửa sai; ngược lại nếu xét thấy nội dung kháng cáo là không đúng đắn thì kiên quyết bảo vệ quyết định xét xử trước đây, nhằm bảo đảm các quyết định xét xử kháng cáo được đúng đắn, đúng pháp luật.
Cơ quan xét xử kháng cáo phải gửi ngay quyết định xét xử kháng cáo đến các bên đương sự và Ngân hàng liên quan để thi hành. Trường hợp Ngân hàng đã thi hành quyết định xét xử mà nay cơ quan xét xử kháng cáo có thay đổi quyết định về mức tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, thì Ngân hàng phải trích trả lại cho phù hợp, kể cả tiền trích nộp vào tài khoản của Trọng tài kinh tế.
c) Các quyết định xét xử kháng cáo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố cần được gửi ngay đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước; của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận cần được gửi ngay đến Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố để giám sát tính đúng đắn, thống nhất của pháp luật.
Trong quá trình giám sát, nếu xét thấy quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố chưa đúng pháp luật, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Trọng tài kinh tế có liên quan sửa đổi hoặc huỷ bỏ; nếu xét thấy quyết định xét xử kháng cáo của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận chưa đúng pháp luật thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, quận có liên quan sửa đổi hoặc huỷ bỏ; nếu xét thấy quyết định xét xử kháng cáo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chưa thoả đáng, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước trao đổi với Bộ trưởng, Tổng cục trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố liên quan để sửa đổi lại. Qua trao đổi mà không có sự nhất trí, thì Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng để giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các Thông tư của Trọng tài kinh tế Nhà nước (bao gồm Thông tư số 36-TT/PC ngày 16-9-1986 hướng dẫn công tác thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế; Thông tư số 38-TT/PC ngày 26-9-1986 hướng dẫn công tác giám sát xét xử và xét xử kháng cáo) và những quy định trước đây trái với Thông tư này.
Tô Duy (Đã ký) |
- 1Quyết định 217-HĐBT năm 1987 ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh Xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh của Hội đồng Bộ trưởng
- 2Nghị định 62-HĐBT năm 1984 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh và huyện do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 105-TT/PC 1987 hướng dẫn công tác thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, công tác giám sát xét xử và xét xử kháng cáo do Trọng tài Kinh tế Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 105-TT/PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 31/12/1987
- Nơi ban hành: Trọng tài kinh tế Nhà nước
- Người ký: Tô Duy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra