Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/2012/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2012

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 15/2011/TT-BTC NGÀY 09/02/2011 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP, TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 ngày 29/11/2006 và các văn bản hướng dẫn;

Căn cứ Luật khoa học công nghệ số 21/2000/QH10 ngày 28/6/2000;

Căn cứ Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-BTC như sau:

“2. Thẩm quyền thành lập

Căn cứ nhu cầu và khả năng tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, cấp có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức của Quỹ. Cấp có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp bao gồm:

a) Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần);

b) Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh);

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc tổng giám đốc, giám đốc (đối với doanh nghiệp không có hội đồng quản trị) của doanh nghiệp”.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung điểm 1.2 khoản 1 Điều 5 Thông tư số 15/2011/TT-BTC như sau:

"1.2 Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển).

b) Mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp.

Máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ phải đảm bảo việc thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

c) Mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin khoa học và công nghệ, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ.

Đối với tài sản cố định nêu tại tiết a, b, c điểm 1.2 khoản 1 Điều này, doanh nghiệp ghi giảm Quỹ tương ứng và không phải trích khấu hao theo dõi hao mòn tài sản cố định.

d) Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

đ) Chi phí cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

e) Chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.

Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất được công nhận bởi cơ quan, tổ chức theo quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Sáng kiến và theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng kinh phí từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để chi thưởng sáng kiến phải theo quy chế quy định cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến (theo Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể hoặc theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định).

f) Chi phí cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

- Các hoạt động hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ theo các danh mục thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc cho phép nghiên cứu, triển khai (như Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ...).

- Các tổ chức, doanh nghiệp trong nước là các tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có chức năng nhiệm vụ theo đúng chuyên ngành cần hợp tác nghiên cứu".

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/8/2012.

2. Các quy định tại Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC trái với Thông tư số 15/2011/TT-BTC thì thực hiện theo Thông tư số 15/2011/TT-BTC kể từ khi Thông tư số 15/2011/TT-BTC có hiệu lực thi hành. Các quy định tại Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC mà không quy định tại Thông tư số 15/2011/TT-BTC thì vẫn tiếp tục thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 105/2012/TT-BTC sửa đổi Thông tư 15/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 105/2012/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/06/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 421 đến số 422
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản