Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/2005/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2005

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN CHUYÊN TRÁCH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA QUA BIÊN GIỚI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 65/2004/QĐ-TTG,NGÀY 19/04/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ban hành kèm theo Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg, ngày 19/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế). Sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (sau đây gọi tắt là lực lượng kiểm soát hải quan) bao gồm cán bộ, công chức, đơn vị hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan quy định tại Điều 3 của Quy chế.

Cán bộ, công chức thuộc lực lượng kiểm soát hải quan (sau đây gọi tắt là cán bộ kiểm soát hải quan) được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, các kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm soát hải quan.

2. Các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan được áp dụng thống nhất trong toàn lực lượng kiểm soát Hải quan nhằm thu thập, xử lý thông tin phục vụ thông quan, kiểm tra sau thông quan và đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan

1.1. Thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan là hoạt động trọng tâm của các đơn vị chuyên trách thuộc lực lượng kiểm soát hải quan thông qua việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chủ động thực hiện phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phục vụ thông quan và kiểm tra sau thông quan; phục vụ việc xây dựng chính sách và quản lý hải quan hiện đại.

Thông tin nghiệp vụ hải quan được quản lý và chỉ được sử dụng đúng mục đích theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

1.2. Căn cứ tính chất và phân cấp quản lý sử dụng, thông tin nghiệp vụ hải quan được thu thập từ hai nguồn cụ thể như sau:

a) Thông tin công khai

- Thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và ngoài nước.

- Thông tin từ các đơn vị nghiệp vụ hải quan, từ việc khai báo hải quan và các cơ sở dữ liệu chung của ngành Hải quan.

- Thông tin từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

- Thông tin từ Hải quan các nước và tổ chức Hải quan quốc tế.

b) Thông tin bí mật

- Thông tin từ cơ sở bí mật của lực lượng kiểm soát hải quan và từ kết quả hoạt động của các đơn vị kiểm soát hải quan.

- Thông tin tố giác vi phạm pháp luật về hải quan của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Thông tin từ cơ quan chống buôn lậu của hải quan nước ngoài.

- Thông tin do cán bộ chuyên trách thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan trực tiếp thu thập.

1.3. Phương pháp thu thập thông tin nghiệp vụ hải quan

Thông tin nghiệp vụ hải quan được thu thập thông qua các phương pháp sau:

a) Khai thác thông tin từ các nguồn công khai trong ngành Hải quan, trong nước và ngoài nước.

b) Khai thác thông tin từ báo cáo nghiệp vụ của các đơn vị kiểm soát hải quan.

c) Thu thập thông tin bí mật thông qua việc sử dụng cơ sở bí mật, mua tin và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

d) Tiến hành trao đổi thông tin nghiệp vụ với các cơ quan chức năng trong nước và cơ quan chống buôn lậu của hải quan nước ngoài trên cơ sở các thoả thuận đa phương, song phương.

đ) Cử cán bộ hải quan ra nước ngoài để trực tiếp thu thập, xác minh thông tin khi cần thiết.

1.4. Trình tự xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan

Thông tin nghiệp vụ hải quan được xử lý theo trình tự sau:

a) Đánh giá, đối chiếu, phân tích, làm rõ thông tin thu thập được.

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.

c) Cung cấp thông tin cho các cá nhân, đơn vị có thẩm quyền sử dụng.

d) Kiểm tra, đánh giá hiệu quả thông tin đã cung cấp.

1.5. Các đơn vị thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, gồm 02 cấp:

a) Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan;

b) Các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Cục Hải quan tỉnh).

2. Điều tra nghiên cứu nắm tình hình

2.1. Điều tra nghiên cứu nắm tình hình là biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng kiểm soát hải quan được thực hiện trên cơ sở thu thập, xử lý thông tin nhằm chủ động đề ra phương án, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh thích hợp.

2.2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan các cấp trong điều tra nghiên cứu nắm tình hình

a) Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý báo cáo kết quả điều tra nghiên cứu nắm tình hình của các đơn vị kiểm soát cấp dưới; trực tiếp điều tra nghiên cứu nắm tình hình những tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm.

b) Các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh thực hiện điều tra nghiên cứu nắm tình hình trong phạm vi địa bàn hoạt động được phân công và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan theo quy định.

c) Bộ phận Kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu và tương đương trực tiếp điều tra nghiên cứu nắm tình hình trong địa bàn hoạt động được phân công và báo cáo kết quả cho đơn vị kiểm soát cấp trên theo quy định.

3. Cơ sở bí mật

3.1. Cơ sở bí mật của lực lượng kiểm soát hải quan là người cộng tác bí mật, ngoài biên chế của ngành Hải quan, được lực lượng kiểm soát hải quan tuyển chọn, quản lý và sử dụng theo quy định, nhằm phục vụ công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

3.2. Tuyển chọn, quản lý và sử dụng cơ sở bí mật thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Quy chế và quy định cụ thể của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

4. Biện pháp sưu tra

4.1. Sưu tra là biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng kiểm soát hải quan được tiến hành trên cơ sở kết quả thu thập, xử lý thông tin và điều tra nghiên cứu nắm tình hình; là việc lực lượng kiểm soát hải quan tiến hành điều tra nghiên cứu về những đối tượng cụ thể có điều kiện, khả năng liên quan hoặc có biểu hiện nghi vấn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác.

4.2. Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phụ trách công tác kiểm soát quyết định việc xét duyệt và phân loại đối tượng sưu tra.

4.3. Phân công trách nhiệm

a) Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác sưu tra; trực tiếp tiến hành công tác sưu tra theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, các đối tượng hoạt động xuyên quốc gia, đa quốc gia, có tính quốc tế; phân công bộ phận chuyên trách theo dõi công tác này.

b) Các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh trực tiếp tổ chức thực hiện công tác sưu tra trên địa bàn; phân công cán bộ thực hiện sưu tra, quản lý hồ sơ đối tượng sưu tra; phân công tổ chuyên trách theo dõi công tác này.

5. Đấu tranh chuyên án

5.1. Chuyên án do lực lượng kiểm soát hải quan tiến hành là hoạt động điều tra trinh sát, được chỉ đạo tập trung, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp, phương tiện kỹ thuật, chiến thuật nghiệp vụ, để đấu tranh với đối tượng buôn lậu hoạt động có tổ chức, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

5.2. Nguyên tắc đấu tranh chuyên án

a) Bí mật;

b) Tập trung, thống nhất, kịp thời, kiên quyết, thận trọng;

c) Điều tra sâu, xác minh kỹ, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

5.3. Thẩm quyền quyết định lập chuyên án

a) Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu quyết định lập chuyên án có tính chất phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều tỉnh.

b) Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phụ trách công tác kiểm soát quyết định lập chuyên án trong phạm vi địa bàn hoạt động được phân công.

6. Trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến và trinh sát kỹ thuật

6.1. Trinh sát nội tuyến là biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Cán bộ kiểm soát hải quan được giao nhiệm vụ trực tiếp, đóng vai ngụy trang tiếp cận đối tượng để thu thập hoặc kiểm tra, đánh giá độ tin cậy của thông tin, tài liệu nhằm phục vụ cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

6.2. Trinh sát ngoại tuyến là biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, do lực lượng kiểm soát hải quan tổ chức bí mật giám sát, theo dõi diễn biến hoạt động bên ngoài của đối tượng cần điều tra để phát hiện quan hệ, sơ bộ xác minh, xác định hành vi phạm pháp hoặc giải quyết những yêu cầu nghiệp vụ khác trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

6.3. Trinh sát kỹ thuật là biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, do lực lượng kiểm soát hải quan tổ chức thực hiện bằng cách bí mật sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

6.4. Các biện pháp trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến và trinh sát kỹ thuật chủ yếu được sử dụng trong đấu tranh chuyên án. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền quy định tại điểm 6.5, mục này quyết định sử dụng các biện pháp trinh sát này.

6.5. Thẩm quyền quyết định sử dụng các biện pháp trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến và trinh sát kỹ thuật

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phụ trách công tác kiểm soát quyết định sử dụng các biện pháp trinh sát đối với đối tượng đặc biệt.

b) Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh phụ trách công tác kiểm soát quyết định sử dụng các biện pháp trinh sát trong các trường hợp khác.

7. Tuần tra kiểm soát

7.1. Tuần tra kiểm soát là biện pháp nghiệp vụ, do lực lượng kiểm soát hải quan tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn cụ thể nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

7.2. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan lực lượng kiểm soát hải quan chủ trì; ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan lực lượng kiểm soát hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng khác tiến hành tuần tra kiểm soát.

7.3. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa bàn, các đơn vị kiểm soát hải quan thực hiện tuần tra kiểm soát định kỳ hoặc đột xuất, công khai hoặc bí mật; áp dụng các chiến thuật, kỹ thuật tuần tra kiểm soát, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và sử dụng các loại phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí theo quy định của pháp luật.

8. Vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

8.1. Vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (sau đây gọi tắt là vận động quần chúng) là biện pháp nghiệp vụ, do lực lượng kiểm soát hải quan tham mưu và trực tiếp thực hiện vận động quần chúng rộng rãi và cá biệt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của chính quyền, các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội, các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân tạo điều kiện, giúp đỡ cơ quan hải quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hải quan và phục vụ thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan.

8.2. Cơ quan hải quan các cấp, công chức, nhân viên hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chấp hành các quy định của pháp luật về Hải quan; thường xuyên củng cố mối quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Để đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm toàn diện việc tổ chức thực hiện Thông tư này:

1.1. Quy định cụ thể việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

1.2. Xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng kiểm soát hải quan theo ba cấp:

a) Cấp Tổng cục: Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị chuyên trách thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; tham mưu và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành; trực tiếp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

b) Cấp Cục Hải quan tỉnh: có các đơn vị chuyên trách thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; tham mưu và trực tiếp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động của Cục Hải quan tỉnh; chấp hành chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Điều tra chống buôn lậu.

c) Cấp Chi cục Hải quan cửa khẩu và tương đương: có Bộ phận Kiểm soát hải quan trực tiếp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan tại địa bàn của đơn vị mình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chấp hành chỉ đạo nghiệp vụ của đơn vị chuyên trách cấp trên.

1.3. Trang bị cho lực lượng kiểm soát hải quan các loại phương tiện nghiệp vụ, gồm: các loại phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập, lưu trữ thông tin, tài liệu; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện giao thông; hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

3. Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương;
- Toà án Nhân dân Tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
Cơ quan thuộc Chính phủ
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp
- UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, KBNN, Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Lưu: VT, TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 102/2005/TT-BTC hướng dẫn Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới kèm theo Quyết định 65/200465/2004/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 102/2005/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 21/11/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 3 đến số 4
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản