Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 101/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Ngày 31 tháng 10 năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 129/2006/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (sau đây gọi là Nghị định số 129/2006/NĐ-CP); ngày 02 tháng 4 năm 2008 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Quy chế biên giới, Quy chế khu vực biên giới, Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển) mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định số 129/2006/NĐ-CP phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

1.2. Phạm vi khu vực biên giới đất liền bao gồm các xã, phường, thị trấn có địa giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền quy định tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Nghị định số 34/2000/NĐ-CP).

1.3. Phạm vi khu vực biên giới biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo được quy định tại Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển (sau đây gọi là Nghị định số 161/2003/NĐ-CP).

1.4. Khu vực cửa khẩu bao gồm khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và cảng biển:

- Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền là các khu vực cụ thể được quy định tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi là Nghị định số 32/2005/NĐ-CP).

- Cảng biển bao gồm vùng đất và vùng nước cảng được quy định tại Điều 5 Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng biển.

2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

2.1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2.2. Người chưa thành niên vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

3.1. Người có hành vi vi phạm thuộc tình thế cấp thiết.

3.2. Người có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

3.3. Người thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất ngờ.

3.4. Người thực hiện vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

3.5. Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

3.6. Hết thời hiện xử phạt theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP.

3.7. Hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội.

4. Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

4.1. Phạt cảnh cáo

Hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng chủ yếu đối với cư dân cư trú ở khu vực biên giới có trình độ văn hóa xã hội còn hạn chế, động cơ, mục đích vi phạm do không hiểu biết hoặc nhận thức không đầy đủ mà vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc có hoàn cảnh khó khăn được Ủy ban nhân dân nơi cư trú xác nhận.

4.2. Phạt tiền

Nghị định số 129/2006/NĐ-CP quy định mức tiền phạt tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng. Khi áp dụng hình thức phạt tiền phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đối tượng cụ thể để quyết định mức xử phạt cho phù hợp.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt được giảm xuống, nhưng không thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể được tăng lên, nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức tối đa của khung tiền phạt.

4.3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP bổ sung hai biện pháp khắc phục hậu quả để áp dụng đối với một số hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia: buộc phải rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới và buộc nộp lại giấy phép đi bờ đã cấp cho thuyền viên, nhân viên khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng.

Khi áp dụng hai biện pháp này cần chú ý:

- Biện pháp buộc phải phải rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu như: vi phạm về cư trú, đi lại, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu; người nước ngoài vào vành đai biên giới, khu vực biên giới không có giấy tờ theo quy định.

- Biện pháp buộc nộp lại giấy phép đi bờ chỉ áp dụng đối với thuyền viên, nhân viên nước ngoài khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng đã được cấp giấy phép đi bờ nhưng không chấp hành quy định về thời gian, phạm vi được phép đi bờ và các nội dung ghi trong giấy phép.

II. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG II CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 129/2006/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới (quy định tại Điều 7)

1.1. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 7, điểm b khoản 3 Điều 7 là hành vi viết, vẽ, tẩy xóa nội dung ghi trên mốc quốc giới hoặc hành vi đập, phá, di chuyển mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới; xây kè, đào kênh, mương, đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối, kênh, rạch biên giới hoặc những hành vi khác làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới, làm sai lệch dấu hiệu đường biên giới quốc gia.

1.2. Hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 7 là hành vi in ấn, sao chụp, xuất bản bản đồ, sách, báo, tài liệu về đường biên giới quốc gia khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc thể hiện sai lệch về đường biên giới quốc gia trên bộ, trên biển.

1.3. Hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 là hành vi khoan, đào hoặc sử dụng các thiết bị công nghệ để thăm dò địa chất hoặc hành vi khai thác cát, sỏi, khoáng sản trong khu vực biên giới làm sạt lở kè đập trên sông, suối biên giới dẫn đến sai lệch đường biên giới hoặc sạt lở, đổ vỡ mốc quốc giới.

2. Hành vi vi phạm các quy định về qua lại biên giới, xâm canh, xâm cư và các hành vi khác gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người ở khu vực biên giới (quy định tại Điều 8)

2.1. Hành vi qua lại biên giới không có giấy tờ theo quy định của pháp luật được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 là hành vi của người cư trú ở khu vực biên giới (cư dân biên giới) qua lại biên giới không có các giấy tờ sau:

- Tuyến biên giới Việt Nam – Trung quốc phải có giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới (trường hợp giấy thông hành không có ảnh thì phải kèm theo chứng minh thư của mình) hoặc giấy thông hành nhập, xuất cảnh (sử dụng cho mục đích tham quan, du lịch) theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.

- Tuyến biên giới Việt Nam – Lào phải có một trong các giấy tờ sau:

+ Giấy thông hành biên giới;

+ Giấy chứng minh biên giới hoặc giấy chứng minh nhân dân có xác định đăng ký hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới.

+ Giấy chứng nhận cư dân biên giới.

- Tuyến biên giới Việt Nam - Cam Pu Chia phải có một trong các giấy tờ sau:

+ Giấy chứng minh biên giới hoặc giấy chứng minh nhân dân có xác định đăng ký hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới.

+ Giấy thông hành biên giới.

2.2. Hành vi qua lại biên giới không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 được áp dụng đối với hai trường hợp sau:

- Trường hợp 1: cư dân cư trú ở khu vực biên giới bên này được phép sang khu vực biên giới bên kia, nhưng không đi qua đúng cửa khẩu quy định (gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ hoặc đường qua lại theo thỏa thuận).

Ví dụ: Người trong khu vực biên giới bên này được phép sang khu vực biên giới bên kia nhưng không đi qua cửa khẩu quy định mà đi qua đường mòn hoặc qua sông, suối không cho phép qua lại.

- Trường hợp 2: người Việt Nam, người nước ngoài được phép xuất, nhập cảnh nhưng không qua đúng cửa khẩu quy định (gồm cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế) mà đi qua cửa khẩu phụ hoặc đường qua lại theo thỏa thuận.

2.3. Hành vi vi phạm quy định về thời gian qua lại biên giới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 (thời gian ở lại Việt Nam hoặc nước ngoài) được áp dụng đối với cư dân cư trú ở khu vực biên giới bên này được phép qua khu vực biên giới bên kia nhưng lưu lại quá thời gian quy định theo Hiệp định về quy chế biên giới đã được ký kết giữa Việt Nam với nước láng giềng.

Ví dụ: Tuyến biên giới Việt Nam – Lào thì cư dân cư trú trong khu vực biên giới bên này khi sang khu vực biên giới bên kia được lưu lại 07 ngày, nếu quá thời hạn trên mà không xin phép chính quyền xã, bản nơi mình cư trú hoặc đồn biên phòng gần nhất bên mình để gia hạn tạm trú là vi phạm về thời gian qua lại biên giới (thời gian ở lại Việt Nam hoặc nước ngoài).

2.4. Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy chứng minh biên giới hoặc giấy chứng minh nhân dân có xác định đăng ký hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới, giấy chứng nhận hoặc giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8, khi xử lý hành vi này thì áp dụng để xử phạt đối với cả người cho mượn, cho thuê và người mượn, người thuê các loại giấy tờ trên.

2.5. Hành vi do người được phép qua lại biên giới nhưng đi vượt quá phạm vi quy định, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 là cư dân cư trú trong khu vực biên giới bên này được phép qua khu vực biên giới bên kia nhưng đi quá phạm vi một xã hoặc đơn vị hành chính tương đương trở lên tiếp giáp đường biên giới đối diện khu vực biên giới bên mình.

2.6. Hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, hàng cấm qua biên giới quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8, được áp dụng để xử phạt đối với cư dân cư trú trong khu vực biên giới và ngoài khu vực biên giới, cả chủ hàng trực tiếp vận chuyển hoặc thuê vận chuyển và người mang vác, vận chuyển thuê hàng hóa, hàng cấm qua biên giới.

Hàng cấm bao gồm: ma túy, vũ khí, chất nguy hiểm về cháy nổ, công cụ hỗ trợ, tài liệu phản động, văn hóa phẩm độc hại, các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương).

2.7. Hành vi vượt biên giới làm ruộng, rẫy, vườn, săn bắn, kinh tế lâm thổ sản, khoáng sản, thủy sản và các hoạt động khác trái pháp luật quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 được áp dụng để xử phạt đối với cả người cư trú ở khu vực biên giới và người ở ngoài khu vực biên giới.

2.8. Hành vi xâm cư ở khu vực biên giới quy định tại điểm c khoản 4 Điều 8 là hành vi của người cư trú ở khu vực biên giới nước này sang khu vực biên giới nước tiếp giáp thực hiện một trong các hành vi sau: làm nhà, lấy vợ (chồng) và sinh sống, làm ăn trái phép tại đó.

3. Hành vi vi phạm quy định cư trú, đi lại, hoạt động trong khu vực biên giới (quy định tại Điều 9)

3.1. Cư trú trái phép khu vực biên giới là hành vi của những người không được phép cư trú ở khu vực biên giới quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 34/2000/NĐ-CP, cụ thể:

- Người không có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới;

- Người không có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới.

- Người không thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang có trụ sở làm việc thường xuyên ở khu vực biên giới;

- Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới;

- Người nước ngoài (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác).

3.2. Đi lại, hoạt động trái phép trong khu vực biên giới là hành vi của cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài vào khu vực biên giới nhưng không có giấy tờ hoặc có hành vi vi phạm quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 11 của Nghị định số 34/2000/NĐ-CP Điều 10, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định số 161/2003/NĐ-CP.

3.3. Hành nghề trái phép trong khu vực biên giới được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam hay nước ngoài tiến hành các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hoặc các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nhưng không có giấy phép.

Mức xử phạt đối với từng hành vi trên phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức, biện pháp xử lý theo Nghị định số 129/2006/NĐ-CP.

4. Hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ công trình biên giới, biển báo, vùng cấm trong khu vực biên giới (quy định tại Điều 10).

Công trình biên giới quy định tại khoản 3 Điều 10 bao gồm: hầm, hào công sự chiến đấu, phòng thủ, lô cốt, đài quan sát, đường tuần tra biên giới, hệ thống ra đa, trạm thu phát sóng vô tuyến và các công trình kỹ thuật khác phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nằm trong khu vực biên giới đất liền và khu vực biên giới biển.

5. Hành vi vi phạm các quy định của người và phương tiện trong khu vực biên giới biển (quy định tại Điều 12)

Vi phạm hành chính trong khu vực biên giới biển của người, phương tiện là những hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển được quy định tại Nghị định số 161/2003/NĐ-CP.

6. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa xảy ra ở khu vực biên giới (quy định tại Điều 13)

6.1. Đường thủy nội địa quy định tại Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bao gồm: luồng, âu tầu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

6.2. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa xảy ra ở khu vực biên giới, cảng biển có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Trưởng Đồn biên phòng và Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 10, Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31 của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP.

Mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2005/NĐ-CP.

7. Hành vi vi phạm quy định ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu (quy định tại Điều 14)

7.1. Đối tượng áp dụng bao gồm người ngoài khu vực biên giới và cư dân biên giới có hành vi vi phạm các quy định ra, vào, hoạt động trong khu vực cửa khẩu và hành vi nhập cảnh, xuất cảnh không đúng các cửa khẩu quy định.

7.2. Đối với hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do người Việt Nam và nước ngoài thực hiện thì áp dụng theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tư, an toàn xã hội.

III. THẨM QUYỀN VÀ NGUYÊN TẮC XỬ PHẠT QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG III CỦA NGHỊ ĐỊNH 129/2006/NĐ-CP

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1.1. Chỉ có những người được quy định tại Điều 15, 16, 17 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

1.2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 15; Điều 16; Điều 17 của Nghị định số 129/2006/NĐ-CP có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 41 của pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật.

1.3. Điều 15 quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội Biên phòng:

- Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 200.000 đồng.

- Đội trưởng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng.

- Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

- Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 40.000.000 đồng.

Về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP, khi xử lý vi phạm cần chú ý:

- Thẩm quyền buộc rời khỏi khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới thuộc Trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh nơi có biên giới đất liền.

- Thẩm quyền buộc nộp lại giấy phép đi bờ đã cấp cho thuyền viên, nhân viên khi tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cảng thuộc Trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh có biên giới biển.

2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền

2.1. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia không thuộc thẩm quyền của mình, thì lực lượng phát hiện đầu tiên phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý ban đầu chuyển giao cho Bộ đội Biên phòng hoặc cơ quan có thẩm quyền xử phạt nơi gần nhất để xử lý.

2.2. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện; nếu có tranh chấp về thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo.

2.3. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau:

- Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc về người đó.

- Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

- Nếu các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

2.4. Khi phạt tiền, thẩm quyền xử phạt của những người quy định tại các điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Nếu mức tiền phạt tối đa của khung hoặc biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả dự kiến áp dụng không thuộc thẩm quyền của mình, phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền.

3. Thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn

Chỉ có những người quy định tại khoản 3 Điều 15, Chỉ huy trưởng Hải đoàn Biên phòng và những người có thẩm quyền quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 129/2006/NĐ-CP mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính.

Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn, người có thẩm quyền phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan.

Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm việc xử lý, người có thẩm quyền căn cứ tính chất, hậu quả hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn sau:

3.1. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

- Việc tạm giữ người chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ ra quyết định xử lý hành chính.

- Nghiêm cấm giữ người vi phạm hành chính trong các nhà tạm giữ, phòng tạm giam hình sự và những nơi không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ.

- Thời hạn tạm giữ người vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tính từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm và không được quá 48 giờ theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

- Theo yêu cầu của người tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người thân trong gia đình, cơ quan, nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Khi tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên sáu giờ thì người ra quyết định tạm giữ nhất thiết phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết bằng văn bản hoặc điện thoại, fax hoặc các phương tiện thông tin khác. Nếu vì lý do khách quan mà không thể thông báo được phải báo cho người bị tạm giữ biết và ghi vào sổ theo dõi người bị tạm giữ hành chính.

- Trong thời gian bị tạm giữ, mọi chi phí cho việc ăn uống, sinh hoạt, điều trị bệnh (nếu có) của người bị tạm giữ do bản thân hoặc gia đình họ chịu trách nhiệm. Trường hợp người bị tạm giữ hoặc gia đình họ không thể tự bảo đảm, thì nơi tạm giữ có trách nhiệm đảm bảo theo quy định của pháp luật.

3.2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

-Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì đội trưởng và tương đương được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, đội trưởng và tương đương phải báo cáo Thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ người và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trường hợp không được sự đồng ý thì đội trưởng và tương đương phải hủy ngay quyết định và trả lại tang vật, hàng hóa, phương tiện đã tạm giữ.

- Việc quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải lập biên bản theo quy định, yêu cầu đương sự và người làm chứng cùng ký tên vào biên bản.

- Việc kéo dài thời hạn tạm giữ theo quy định tại khoản 5 Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện bằng văn bản.

3.3. Khám người theo thủ tục hành chính

- Khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm viên, kiểm soát thị trường khi đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính.

Sau khi khám xong phải báo cáo ngay bằng văn bản do Thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ người và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.

- Trước khi khám người, người thực hiện lệnh khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người phải thực hiện nguyên tắc nam khám nam, nữ khám nữ và có người cùng giới chứng kiến. Mọi trường hợp khám người phải lập biên bản theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3.4. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính

- Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

- Những người có thẩm quyền tạm giữ người theo quy định tại Điều 45 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm viên, kiểm soát thị trường đang thi hành công vụ có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.

- Khi khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện vận tải, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện vận tải và một người chứng kiến.

Trường hợp chủ phương tiện, đồ vật vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến và lập biên bản theo mẫu quy định.

3.5. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Những người có thẩm quyền tạm giữ người thì có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tang vật, phương tiện được cất giấu trước khi tiến hành.

Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, việc đi lại gặp khó khăn, để đảm bảo đối tượng không tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm thì cơ quan tiến hành khám xét phải có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ đối tượng, nơi ở của người vi phạm trước khi có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định.

- Khi tiến hành khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và có người chứng kiến. Trong trường hợp chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện của chính quyền địa phương và hai người chứng kiến.

- Không được khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Mọi trường hợp khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biên bản phải giao cho chủ nơi bị khám một bản.

IV. THỦ TỤC XỬ PHẠT QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG IV CỦA NGHỊ ĐỊNH 129/2006/NĐ-CP

Xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục đã được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 129/2006/NĐ-CP và Thông tư này.

1. Thủ tục đơn giản

1.1. Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, và văn bản hướng dẫn thi hành, được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200.000 đồng.

1.2. Khi xử phạt theo thủ tục đơn giản người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Quyết định xử phạt phải ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu quy định. Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gửi cho cha, mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người chưa thành niên vi phạm đang học tập.

Trường hợp phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành. Trường hợp không nộp tiền tại chỗ thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước theo thời hạn được ghi trong quyết định.

2. Lập biên bản vi phạm hành chính

2.1. Khi xử phạt hành vi vi phạm hành chính trên 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Nếu hành vi vi phạm rõ ràng không cần xác minh và thuộc thẩm quyền của mình thì ra ngay quyết định xử phạt.

2.2. Đối với vụ vi phạm hành chính khó xác định ngay là vi phạm hành chính hay tội phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh theo quy định.

2.3. Không lập biên bản vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

- Vụ việc rõ ràng có dấu hiệu của tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì không được lập biên bản vi phạm hành chính mà phải lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang để tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự;

- Hàng hóa chưa xác định được chủ sở hữu, người sử dụng, người quản lý hợp pháp; hàng cấm, hàng buôn lậu, hàng hóa buôn bán trái phép qua biên giới và phương tiện sử dụng để vận chuyển thì tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo mẫu quy định.

3. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

3.1. Đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì chuyển giao cho Kho bạc nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.2. Đối với các tang vật, phương tiện khác như: vũ khí, công cụ hỗ trợ, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, vật có giá trị lịch sử, văn hóa, bảo vật quốc gia; cổ vật; hàng lâm sản quý hiếm và các tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan nhà nước chuyên ngành, để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.

3.3. Đối với tang vật là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổ chức bán ngay theo hình thức bán công khai. Trường hợp cần bán khẩn cấp để bảo đảm giá trị hàng hóa, vật phẩm thì cơ quan ra quyết định tịch thu tự tổ chức bán theo hình thức bán công khai, đồng thời có văn bản thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp biết.

Số tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc nhà nước theo quy định. Nếu sau này không quyết định tịch thu thì số tiền trên trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp.

3.4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại điểm 3.1, 3.2, 3.3 của khoản này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3.5. Đối với tang vật, phương tiện hợp pháp bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

3.6. Trường hợp hàng hóa, tang vật được niêm phong, thì khi mở niêm phong phải có mặt đầy đủ những người đã tham gia niêm phong. Nếu người tham gia niêm phong vắng mặt mà có lý do chính đáng, thì phải mời người khác chứng kiến việc mở niêm phong và ghi rõ vào biên bản.

4. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

4.1. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngoài việc xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản, người có thẩm quyền được tiến hành xử phạt tại chỗ đối với hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có mức tiền phạt trên 200.000 đồng xảy ra ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, trên sông, suối biên giới, trên biển, những vùng đi lại khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính và phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp vào Kho bạc nhà nước không quá bảy ngày kể từ ngày thu tiền phạt; các trường hợp khác không quá hai ngày. Trường hợp thu tiền phạt trên sông, trên biển thì thời hạn là hai ngày, kể từ ngày vào đến bờ.

4.2. Đối với hành vi có mức phạt tiền trên 200.000 đồng mà không tiến hành xử phạt tại chỗ, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vi phạm có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

4.3. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày giao quyết định xử phạt cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, quá thời hạn trên nếu tổ chức, cá nhân bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, thì ra quyết định cưỡng chế theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

4.4. Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.

4.5. Quyết định xử phạt phải được gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

4.6. Sau khi ra quyết định xử phạt hành chính (kể cả phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền), cơ quan ra quyết định xử phạt phải gửi thông báo về địa phương nơi người bị xử phạt hiện đang cư trú hoặc tới cơ quan, đơn vị, nhà trường, nơi họ đang công tác, học tập để phối hợp, quản lý giáo dục công dân.

5. Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và cấp dưới:

5.1. Trưởng Đồn biên phòng.

5.2. Chỉ huy trưởng biên phòng Cửa khẩu cảng

5.3. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh.

5.4. Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

6. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

6.1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội, thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm đó cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Nghiêm cấm giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.

6.2. Đối với trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người ra quyết định xử phạt phải hủy quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hủy quyết định xử phạt phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

6.3. Trong trường hợp hồ sơ vi phạm đã được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định tại điểm 6.1. của khoản này, nhưng xét thấy hành vi vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định phải gửi tra hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt đối với vụ vi phạm đó theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ tư lệnh Biên phòng có trách nhiệm:

Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quán triệt nội dung Nghị định số 129/2006/NĐ-CP, Thông tư này đến các cấp, các ngành ở địa phương; tuyên truyền, phố biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân để thống nhất thực hiện theo quy định;

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Hàng năm tiến hành sơ kết, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện về Bộ Quốc phòng.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Tòa án nhân dân tối cao
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- BQLKKTCKQT Bờ Y;
- Công báo;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc BQP;
- Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu VT, PC.

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quanh Thanh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 101/2008/TT-BQP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 101/2008/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/07/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phùng Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 417 đến số 418
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 05/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản