Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1001-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1956

THÔNG TƯ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 1001-TTG, NGÀY 10-8-1956 VỀ VIỆC TỔ CHỨC NGÀNH CẢNH SÁT NHÂN DÂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh.
Bộ Nội vụ.
Bộ Công an.
Bộ Tài chính.
Uỷ ban hành chính các liên khu, khu, thành phố.
Uỷ ban hành chính các tỉnh.

Từ ngày hoà bình lập lại do tình hình phát triển nhu cầu về mặt trị an xã hội cũng mở rộng, ngành cảnh sát thuộc Bộ Công an hoạt động ở các thành phố và các thị xã đã lập thêm nhiều bộ phận khác nhau như : cảnh sát hộ tịch, cảnh sát giao thông, cảnh sát cứu hoả, cảnh sát kinh tế, v.v. Lực lượng này ngày càng đông đảo nên cần thiết phải thành lập Cục Cảnh sát nhân dân để chuyên trách công tác xây dựng, quản lý huấn luyện, giáo dục các loại cảnh sát nhân dân trong toàn quốc về nghiệp vụ, chính trị, quân sự và văn hoá.

Tiếp theo nghị định số 982-TTg ngày 28-7-1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân, Thủ tướng phủ xin nói thêm một số vấn đề để các Bộ và các cấp thi hành.

1. Về tổ chức

Trong điều 1 của nghị định chỉ mới quy định việc thành lập Cục Cảnh sát nhân dân, còn việc tổ chức cơ quan cảnh sát nhân dân ở cấp khu và tỉnh sẽ do Ông Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể sau. Trong khi chờ đợi, các khu, tỉnh hãy căn cứ vào biên chế năm 1956 đã ấn định cho ngành công an mà sắp xếp cho đủ số Cảnh sát làm việc.

Trong khi nghị định cũng không nói đến Cảnh sát biên phòng. Liên Bộ Công an - Quốc phòng sẽ quy định dứt khoát Cảnh sát biên phòng thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh. Trong khi chờ đợi, cảnh sát biên phòng vẫn là một loại cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, phải được củng cố để bảo vệ biên giới, bờ biển, kiểm soát sự qua lại biên giới, trường bay, hải cảng, cụ thể là phải được tuyển đủ số biên chế ấn định. Cho nên các địa phương có biên giới, trường bay, bờ biển, không được coi nhẹ hoặc viện cớ nghị định không nói đến mà từ chối không chú trọng giải quyết những khó khăn, của công an biên phòng.

2. Về nhiệm vụ

Ngành cảnh sát nhân dân có những nhiệm vụ sau đây:

- Cảnh sát hộ tịch phụ trách quản lý hộ khẩu.

- Cảnh sát giao thông phụ trách công tác quản lý giao thông trong thành phố.

- Cảnh sát cứu hoả phụ trách công tác phòng hoả cứu hoả trong nhân dân.

- Cảnh sát kinh tế phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, các hầm mỏ.

- Cảnh sát vũ trang phụ trách công tác các trại giam, các trại lao cải và làm nhiệm vụ tiễu phỉ trừ gian.

Trong điều 2 của nghị định đã nói "việc canh gác các trại giam và trại lao cải hiện nay là do bộ đội cảnh vệ phụ trách, nay giao Cảnh sát nhân dân phụ trách". Liên Bộ Công an - Quốc phòng sẽ quy định cụ thể các nguyên tắc và thể thức thi hành về việc cảnh sát vũ trang thay thế cho bộ đội cảnh vệ gác trại giam và trại lao cải. Trong khi chờ đợi, các đơn vị bộ đội cảnh vệ vẫn phải làm công việc canh giữ cho tốt đến khi có nghị quyết dứt khoát của Liên Bộ Công an - Quốc phòngvà có lực lượng cảnh sát và vũ trang thay thế, tuyệt đối không được sao nhãng.

Sau khi bàn giao, từng địa phương sẽ căn cứ theo tỷ lệ một cảnh sát vũ trang canh gác 10 phạm nhân mà ấn định số lượng cảnh sát nhân dân trong biên chế địa phương. Nếu với số cảnh sát nhân dân hiện có mà còn thiếu thì Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sẽ dựa theo tiêu chuẩn của ngành Công an mà tuyển dụng cho đủ số để canh gác các trại giam và lao cải.

3. Về cấp phát và trang bị

Việc cấp phát quần áo, trang bị vũ khí cho cảnh sát nhân dân theo điều 3 của nghị định sẽ thi hành theo nguyên tắc sau đây:

Tất cả các khoản lương, quần áo và trang bị của người Cảnh sát nhân dân ở bậc thấp nhất (theo thang 17 bậc) cộng lại thì cao hơn lương một người công chức ở bậc thấp nhất một ít, nhưng không được vượt quá mức của người chiến sĩ bộ đội. Liên Bộ Nội vụ, Công an, Tài chính có quy định cụ thể riêng.

- Vũ khí trang bị cho Cảnh sát nhân dân (kể cả cảnh sát biên phòng và cảnh sát về hoá trang) thuộc ngành công an đều do Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh cung cấp, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ cùng ấn định số lượng và thể thức thi hành.

Việc thành lập ngành cảnh sát nhân dân bao gồm các lực lượng vũ trang và nửa vũ trang thuộc ngành công an là một công tác quan trọng để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam.

Mong các Bộ có liên quan, các Uỷ ban hành chính liên khu, khu, thành phố và tỉnh chú ý thi hành tốt Nghị định số 982 - TTg và thông tư này.

Phan Kế Toại

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1001-TTg năm 1956 về việc tổ chức ngành Cảnh sát nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1001-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/08/1956
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản