Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ LỢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-TL-TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 1964

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ THƯỞNG TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG Ở CÁC ĐỘI THI CÔNG CƠ GIỚI

Trong quá trình thực hiện chế độ thưởng năng suất lao động do Bộ Lao động hướng dẫn theo Thông tư số 03-LĐ-TT ngày 22-01-1957 và Thông tư số 22-LĐTL ngày 19-10-1957, Bộ ta tuy có văn bản hướng dẫn thi hành ngày 25-10-1962, nhưng xét không thích hợp với hoạt động hiện nay của các đội thi công cơ giới trên các công trường thủy lợi.

Qua kinh nghiệm thực tế đã áp dụng chế độ thưởng tăng năng suất lao động cho các đội cơ giới ở công trường La Ngà (Vĩnh Linh) và Suối Hai (Sơn Tây), nội dung chế độ được hướng dẫn theo các văn bản trên đã lộ ra những khuyết và nhược điểm:

- Đặc điểm của hoạt động thi công một công trình thủy lợi bằng cơ giới cũng làm khó khăn, phức tạp thêm cho việc áp dụng chế độ thưởng tăng năng suất lao động; thời gian hoàn thành công trình kéo dài, việc tính toán khối lượng kế hoạch và nghiệm thu phân ra từng đợt, từng khâu sản xuất rất là phức tạp, sản phẩm làm ra do một tập thể nhân công bao gồm: cán bộ, nhân viên, công nhân sản xuất chính và phụ, dân công... trực tiếp tham gia khối lượng kế hoạch và thực tế thường sai lệch nhau xa do nhiều nhân tố giả tạo chưa được loại trừ, trường hợp hoàn thành công trình trước hoặc sau hạn định cũng còn tùy thuộc ở một số nguyên nhân khách quan khác.

- Căn cứ để thưởng nhằm đảm bảo chắc chắn hiệu quả kinh tế chưa được xác định một cách tương đối chính xác, do đó mức tiền chi để thưởng có thể không phù hợp với mức độ làm lợi cho Nhà nước.

- Đối tượng được thưởng chưa được quy định rõ ràng, cho nên áp dụng thưởng tràn lan bình quân, làm kém tác dụng động viên kích thích, đôi khi còn sinh ra suy bì, làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết sản xuất.

- Cách tính và chia tiền thưởng chưa được hướng dẫn cụ thể và thích hợp, trên thực tế không những gặp nhiều lúng túng mà còn phạm sai lầm, có thể sinh tư tưởng tham ô, gây lãng phí cho công quỹ.

Căn cứ tình hình trên, Bộ ra thông tư này nhằm hướng dẫn cụ thể hơn việc áp dụng chế độ thưởng tăng năng suất lao động cho các đội thi công cơ giới hoạt động trên các công trường thủy lợi.

I. MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ THƯỞNG

Khối lượng công trình thủy lợi có thể thi công bằng cơ giới ngày càng nhiều, các đội thi công cơ giới ngày càng phát triển, cần mở rộng việc thực hiện chế độ thưởng tăng năng suất lao động nhằm tạo điều kiện để thuận lợi cho việc áp dụng chế độ lương trả theo sản phẩm ở các đội thi công cơ giới để thiết thực khuyến khích công nhân ra sức thi đua tăng năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch, sớm phát huy tác dụng của công trình, trên cơ sở đó, có điều kiện làm tăng thu nhập và cải thiện dần đời sống cho công nhân.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC THƯỞNG

Hoàn thành công trình trước hạn định để công trình được sử dụng sớm, phục vụ cho sản xuất, hoặc hoàn thành từng phần công trình (theo mốc, cao trình về độ dài nhất định) nhằm đảm bảo đủ điều kiện để chống lụt, lũ phá hoại công trình đang làm, hoặc có khả năng cần thiết để trữ nước, tưới hoặc tiêu nước theo yêu cầu trước mắt;

Thành tích để xét thưởng là thời gian hoàn thành công trình hoặc từng phần công trình trước hạn định theo yêu cầu của bên giao thầu (A hoặc B) có biên bản hợp đồng do hai bên giao và nhận thầu ký chứng (nếu không yêu cầu thì thành tích vượt thời gian không được xét thưởng).

Lấy định mức về thi công cơ giới của Bộ hoặc của Nhà nước do Bộ hướng dẫn thi hành làm cơ sở để xét thành tích nói trên.

Vượt thời gian hoàn thành chương trình hoặc từng phần công trình theo hạn định, nhưng cần đảm bảo đúng các điều kiện sau đây:

- Không vượt chỉ tiêu lao động bình quân và quỹ lương theo kế hoạch đã duyệt.

- Không tăng xe máy hoặc làm thêm giờ ngoài kế hoạch đã quy định (trường hợp giao thêm xe máy hoặc làm đêm, làm thêm giờ ngoài kế hoạch đã định trước thì phải tính điều chỉnh lại thời gian hoàn thành công trình theo kế hoạch mới).

- Đảm bảo đúng định mức hoặc tiết kiệm theo định mức về sử dụng nhiên, vật liệu.

- Không làm hư hại xe máy, đảm bảo đúng chu kỳ bảo dưỡng của xe máy.

- Khối lượng hoàn thành phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật được bên giao thầu nghiệm thu, có lập biên bản xác định rõ:

·Từng loại khối lượng đã hoàn thành, có đối chiếu với kế hoạch.

·Lượng thời gian hoàn thành trước hạn định.

·Những việc làm vi phạm những điều đã quy định trên để xét so sánh với thành tích được thưởng.

(Biên bản trên phải được đại biểu các bên hữu quan ký chứng).

III. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THƯỞNG

A. Đối tượng trực tiếp:

- Công nhân điều khiển các loại xe máy thi công.

- Cán bộ kỹ thuật trực tiếp ở hiện trường chịu trách nhiệm kiểm tra hướng dẫn kỹ thuật thi công.

- Nhân viên trực tiếp ở hiện trường làm việc thống kê hàng ngày, hàng giờ năng suất thực hiện của từng loại xe máy, tập hợp số liệu kịp thời và chính xác, tổ chức thực hiện những hình thức động viên thích hợp và kịp thời.

- Công nhân sửa chữa trực tiếp phục vụ cho xe máy khi có sự cố ở hiện trường nhằm rút ngắn thời gian chết máy trong giờ hoạt động (trừ công nhân sửa chữa làm việc tiểu, trung tu theo định kỳ ở nơi sửa chữa của đội, đối với số công nhân này nên áp dụng chế độ thưởng tăng năng suất lao động theo khối lượng sửa chữa). (Trường hợp có dân công hoặc lao động thủ công khác tham gia trong các khâu: san, bốc dỡ... cần giao khoán theo khối lượng riêng để tính thưởng hoặc trả công theo khối lượng riêng).

B. Đối tượng gián tiếp:

Trong khi Chính phủ chưa ban hành chế độ thưởng cho cán bộ, công nhân viên phục vụ gián tiếp, khi toàn đơn vị có thành tích vượt kế hoạch rút ngắn thời gian thì các cán bộ, công nhân viên sau đây nếu có thành tích công tác ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi công cũng thuộc đối tượng được xét thưởng, những phần thưởng của những người này phải ít hơn phần thưởng của những người thuộc đối tượng trực tiếp nói trên:

- Đội trưởng hoặc đội phó đi sát hiện trường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thường xuyên.

- Công nhân lái xe vận chuyển vật tư phục vụ cho nhu cầu thi công.

- Công nhân điều khiển máy phát điện và công nhân đường dây phục vụ cho sự hoạt động của xe máy thi công.

- Cán bộ kỹ thuật theo dõi nghiệm thu, chịu trách nhiệm trực tiếp về kỹ thuật và chất lượng công trình đã nghiệm thu.

- Cán bộ định mức theo dõi đối chiếu hàng ngày định mức kế hoạch với thực hiện, phát hiện kịp thời nguyên nhân tăng hoặc hụt mức.

(Tùy tình hình và kết quả thi công của từng hiện trường, tùy sự phân công ở mỗi đội và kết quả công tác của từng người, đội sẽ đề nghị và do công ty xét duyệt trong số đối tượng gián tiếp đã được quy định trên, người nào được thưởng phần thưởng của họ là bao nhiêu, tránh bình quân, tràn lan, kém tác dụng khuyến khích).

IV. CÁCH TÍNH TIỀN THƯỞNG

- Lấy số lượng thời gian hoàn thành công trình hoặc từng phần công trình trước hạn định theo biên bản nghiệm thu đã xác nhận thống nhất giữa hai bên giao và nhận thầu, làm mốc khống chế.

- Lấy lượng thời gian tính theo công thức sau đây để so sánh đối chiếu với mốc khống chế trên.

Khối lượng thực tế

-

Khối lượng thực tế

Năng suất kế hoạch của một công/đội

Năng suất thực hiện của một công/đội

- Xác định chính thức số lượng thời gian hoàn thành trước hạn định (tức là số thời gian đã tiết kiệm được tính bằng công/đội, không được vượt mức khống chế nói trên).

- Mỗi công/đội tiết kiệm được sẽ thưởng bằng 40 đến 60% giá trị tiền lương bình quân (lương cấp bậc + phụ cấp khu vực nếu có, theo định mức kế hoạch) trong một ngày làm việc (theo giờ lao động tiêu chuẩn quy định) của tất cả công nhân điều khiển các loại xe máy thi công.

(Công ty sẽ tùy mức độ cố gắng phấn đấu vượt mức kế hoạch của mỗi đội mà quyết định tỷ lệ thưởng nhiều hay ít trong khoảng đã ấn định trên).

Cuối cùng tính tổng số tiền thưởng theo công thức:

Tổng số tiền thưởng =

Số lượng thời gian đã tiết kiệm được (tính bằng công/đội)

X

40-60% giá trị tiền lương bình quân (theo định mức) một công/đội của công nhân điều khiển các loại xe máy thi công.

(Công ty sẽ hướng dẫn cụ thể cách tính khối lượng, năng suất từng khâu sản xuất và tổng hợp để làm cơ sở chính xác cho việc tính và chia tiền thưởng).

Để đảm bảo việc tính và quyết định số tiền thưởng được tương đối chính xác, cần đi sâu phân tích rõ các lý do tăng năng suất lao động rút ngắn thời gian hoàn thành công trình, chú ý loại trừ các nhân tố giả tạo như tính khối lượng sai, tính năng suất thực tế không đúng, làm đêm, làm thêm giờ hoặc tăng thêm xe máy ngoài kế hoạch, thời tiết tốt, thuận lợi nhiều so với kế hoạch dự phòng v.v... Trường hợp do định mức kế hoạch quá bất hợp lý hoặc do những lý do không chính đáng nào khác làm tăng một cách quá đáng kết quả được thưởng so với tiền lương của công nhân phải kịp thời báo cáo về Bộ để có kế hoạch giải quyết.

V. CÁCH CHIA TIỀN THƯỞNG

- Các đối tượng được thưởng đã quy định trên ngày nào trực tiếp điều khiển các máy móc thi công hoặc làm việc trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả thi công, đều được ghi công.

- Lấy công của đối tượng gián tiếp đổi thành công của đối tượng trực tiếp theo một tỷ lệ nhất định (tỷ lệ này do Công ty nghiên cứu quy định, khoảng không quá 3/5 của phần thưởng thuộc đối tượng trực tiếp).

- Lấy tổng số tiền thưởng chi cho số công (gồm công của đối tượng trực tiếp + công của đối tượng gián tiếp đã tính đổi thành công của đối tượng trực tiếp) tìm giá trị tiền thưởng của một công (theo công của đối tượng trực tiếp).

- Chia tổng số tiền thưởng ra làm hai phần theo các công thức sau đây:

Phần tiền thưởng của đối tượng trực tiếp

=

Tổng số tiền thưởng x Số công của đối tượng trực tiếp

Số công của đối tượng trực tiếp

+

Số công của đối tượng gián tiếp đã tính đổi thành công của đối tượng trực tiếp

Phần tiền thưởng của đối tượng gián tiếp

=

Tổng số tiền thưởng x

Số công của đối tượng gián tiếp để tính đổi thành công của đối tượng trực tiếp

Số công của đối tượng trực tiếp

+

Số công của đối tượng gián tiếp đã tính đổi thành công của đối tượng trực tiếp

Ví dụ: Tổng số tiền thưởng là 1.000đ

Số công của đối tượng trực tiếp là 1.750 công

Số công của đối tượng gián tiếp là 500 công

Nếu theo tỷ lệ một công của đối tượng gián tiếp được thưởng bằng 1/2 công của đối tượng trực tiếp thì đổi ra được:

500

= 250 công của đối tượng trực tiếp

2

Phần tiền thưởng của đối tượng trực tiếp =

1.000 x 1.750

= 875đ

(1.750 + 250)

Phần tiền thưởng của đối tượng gián tiếp =

1.000 x 250

= 125đ

(1.750 + 250)

Việc chia phần tiền thưởng của đối tượng trực tiếp cho cá nhân, nên chia theo công thức sau đây:

Phần tiền thưởng của mỗi người trong đối tượng trực tiếp

=

Phần tiền thưởng chung của đối tượng trực tiếp

x hệ số công của người đó

Hệ số công của anh A + hệ số công của anh B + hệ số công của anh C + ...

(Hệ số công của mỗi người là số công x hệ số cấp bậc lương của người đó.

Ví dụ: Anh A tham gia tất cả được 60 công, hệ số cấp bậc lương của anh là 1,2, như vậy hệ số công của anh A là 1,2 x 60 = 72, lấy bậc lương thấp nhất của một công nhân nào đó làm hệ số cấp bậc lương là 1, đem các bậc lương cao hơn chia cho bậc lương thấp nhất đó để tìm ra hệ số các bậc lương của những bậc lương cao hơn; chú ý: cấp bậc lương theo định mức kế hoạch, không theo cấp bậc lương được hưởng của công nhân).

Việc chia phần tiền thưởng của đối tượng gián tiếp chủ yếu là dựa vào sự phân công, thời gian và kết quả công tác của mỗi người do đội nhận xét đề nghị, Công ty quyết định cách chia cho thích hợp.

Để thi hành tốt thông tư này, Công ty cần có kế hoạch phổ biến sâu rộng nội dung của thông tư, chú ý kiện toàn các tổ chức phụ trách những công tác: định mức, kế hoạch, nghiệm thu, theo dõi chấm công, thống kê số liệu...

Trong quá trình thực hiện chế độ thưởng nói trên chúng ta cần làm theo tinh thần: "mạnh dạn áp dụng" để thiết thực khuyến khích bằng lợi ích vật chất, công nhân tích cực tăng năng suất lao động, nhưng mặt khác phải chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, kiểm tra, thưởng phạt phân minh, nhằm thường xuyên bồi dưỡng tinh thần bảo vệ xe máy, tiết kiệm nhiên vật liệu, làm tốt công trình, để đảm bảo sự nhất trí giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, mặt khác công ty cần đi sát theo dõi tình hình thực hiện ở các đội, kịp thời phản ảnh những mắc mứu khó khăn và cách giải quyết để Bộ rút kinh nghiệm, hướng dẫn bổ sung cụ thể thêm.

Từ nay, chế độ thưởng tăng năng suất lao động ở các đội thi công cơ giới trên các công trường thủy lợi không được áp dụng theo thông tư, văn bản nào khác ngoài thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI
THỨ TRƯỞNG




Trần Quý Kiên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-TL-TT năm 1964 hướng dẫn thi hành chế độ thưởng tăng năng suất lao động ở các đội thi công cơ giới do Bộ Thuỷ lợi ban hành

  • Số hiệu: 10-TL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/05/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ lợi
  • Người ký: Trần Quý Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: 21/05/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản