Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NV/CB

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 1960

THÔNG TƯ

NÓI RÕ THÊM MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHẾ ĐỘ NỬA CUNG CẤP

Kính gửi:

- Các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương
- Các Ủy ban Hành chính khu, thành phố,
- Ban cán sự Hành chính Lao – Hà – Yên,
- Các Ủy ban Hành chính tỉnh và khu vực Vĩnh Linh

Qua thời gian thi hành Thông tư số 529-TTg của Thủ tướng phủ ngày 08-12-1958 và Thông tư số 84-TT/NV của Bộ Nội vụ ngày 24-12-1958 về chế độ nửa cung cấp, các cơ quan, địa phương có hỏi một số điểm, nay Bộ tôi xin nói rõ thêm như sau:

1. Đối với cán bộ có tiêu chuẩn nhà ở tối đa 100, 75, 30 m2 nếu có cha mẹ, vợ hay chồng, con không phân biệt là cán bộ, nhân viên hay không mà cũng ở chung nhà ấy và sử dụng nhà, điện trong phạm vi mức tối đa đã quy định thì những người trong gia đình không phải trả tiền nhà và điện. Về nước, mỗi người trong gia đình trả một tháng 100 đồng.

Thí dụ: Một giám đốc Vụ bậc 14/21, lương và phụ cấp khu vực là 126.560đ có cha mẹ, vợ và 2 con (vợ là cán bộ) sử dụng nhà ở 30m2 , loại nhà 150đ một m2, 1 ngọn điện 60 watt và nước; mỗi tháng phải trả là:

- Nhà, điện:

126.560đ x 3

= 3.796đ

100

Nước 5 người : 100 x 5 = 500đ

Cộng 4.296đ

Nếu ở nhà 40m2, 2 ngọn điện 60 watt và nước thì mỗi tháng phải trả là:

- Trả phần trong tiêu chuẩn 3.796đ

- Trả thêm phần ngoài tiêu chuẩn:

Trả về nhà 150đ x (40m2 – 30) = 1.500đ

Trả về điện 1.200 (2 ngọn – 1) 1.200đ

- Nước 5 người : 100 x 5 500đ

Cộng: 6.996đ

2. Các cán bộ từ Chánh phó giám đốc các cơ quan trung ương và các chức vụ cùng hưởng một tiêu chuẩn nhà ở tối đa 30m2 không có tiêu chuẩn người phục vụ (như cần vụ trước đây).

Còn các việc như bảo quản, vệ sinh nhà ở và nấu ăn thì cơ quan tùy tình hình cụ thể mà giải quyết, cần chú ý làm cho cán bộ được thuận lợi trong việc ăn, ở và phù hợp với tinh thần tiết kiệm chung.

Thí dụ: Ăn ở bếp tập thể của cơ quan nhưng có thể mức ăn khác hơn, hoặc nếu nhiều cán bộ trên ở tập tung một chỗ thì có thể bố trí người cấp dưỡng chung. Về vệ sinh chỗ ở (nhà xí, quét dọn quanh nhà…) thì hoặc là người cấp dưỡng trên kiêm nhiệm hoặc là mỗi ngày cơ quan phân công người lao động đến làm.

3. Tiêu chuẩn nhà ở của cán bộ, cộng nhân, nhân viên trong biên chế ở nhà tập thể của cơ quan mỗi người là 3m25; chỗ để bàn, ghế trong 1 buồng tập thể (tức là buồng nhiều người ở tập thể) cũng bao gồm trong số 3m25 đó.

4. Để tiện lợi cho việc sinh hoạt của cán bộ, công nhân, nhân viên trong trường hợp thật cần thiết như có con nhỏ trong một buồng cần 2 ngọn đèn và khi dùng thường dùng 1 ngọn (tắt ngọn này, mở ngọn kia) thì chỉ thu tiền 1 ngọn đèn chính, không thu cả hai ngọn. Về giây, bóng đèn và tổn phí mắc ngọn đèn phụ thì do cán bộ, nhân viên ấy tự do. Cơ quan nên nhắc nhở anh, chị em sử dụng với tinh thần tiết kiệm.

5. Đối với một số cán bộ, công nhân, nhân viên thường đi công tác lưu động thì cơ quan sẽ xét cụ thể, nếu đi vắng từ 2 tháng trở lên thì tuy phải dành chỗ ở nhưng không thu tiền về nhà ở, điện, nước trong những tháng đi vắng.

6. Về việc thu tiền nhà ở, điện, nước của những người không được tăng thu nhập và những người được tăng không bằng số tiền phải trả nói ở điều 3, điều 4, mục B trong Thông tư số 84-TT/NV của Bộ Nội vụ ngày 24-12-1958, xin nói rõ thêm:

- Những người mà thu nhập mới so với thu nhập cũ không tăng (đứng nguyên hay bảo lưu) thì phần sử dụng về nhà ở, điện, nước bản thân người ấy và con không phải trả tiền. Nếu từ tháng 2-1959 về sau mà cán bộ ấy dùng thêm nhà ở, điện, nước thì sẽ trả phần thêm ấy bắt đầu từ tháng dùng thêm.

Thí dụ: Một cán bộ bậc 7/21 ở trường hợp phải bảo lưu, có 3 con ở buồng 8m2, một ngọn đèn 40 watt và 4 người dùng nước, từ tháng 5-1958 đến nay và về sau vẫn sử dụng như trên thì không thu tiền nhà ở, điện, nước. Nếu từ tháng 2-1959 cán bộ ấy ở thêm 3m2 thì cơ quan sẽ thu phần thêm 3m2.

- Những người mà thu nhập mới so với thu nhập cũ được tăng không bằng mức tiền phải trả về nhà ở, điện, nước thì được tăng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Nếu từ tháng 2-1959 về sau mà cán bộ ấy dùng thêm thì sẽ trả phần thêm ấy bắt đầu từ tháng dùng thêm.

Thí dụ: Một cán bộ bậc 7/21 được tăng 400đ có 3 con ở 1 buồng 8m2 (loại nhà 150đ một m2) , 1 ngọn đèn 40 watt và 4 người sừ dụng nước - từ tháng 05-1958 đến nay và và sau vẫn sử dụng như trên thì mỗi tháng chỉ trả 400đ.

Nếu từ tháng 2-1959, cán bộ ấy ở thêm 3m2 thì cơ quan sẽ thu như sau:

Từ tháng 5-1958 đến tháng 1-1959 thu mỗi tháng: 400đ.

Từ tháng 2-1959 về sau, thu mỗi tháng: 400đ + 450đ = 850đ.

- Trong hai trường hợp trên, nếu vợ hoặc chồng là cán bộ, nhân viên cùng ở chung thì người được tăng chỉ trả trong phạm vi 3m25, 200đ điện và 100đ nước theo tỷ lệ 1% lương và phụ cấp khu vực.

- Từ tháng 5-1958 đến nay nơi nào đã thu tiền nước của con cán bộ, công nhân, nhân viên trong 2 trường hợp trên thì nay đều trả lại cho cán bộ, nhân viên ấy.

7. Tiêu chuẩn sử dụng nhà ở, điện, nước chỉ áp dụng đối với người ở trong biên chế, không áp dụng đối với những người phù động, tạm tuyển. Riêng đối với người phù động, tạm tuyển tuy chưa được đưa vào biên chế nhưng đã làm việc lâu dài, thường xuyên như người trong biên chế, đã và đang sử dụng nhà ở, điện, nước trong cơ quan thì cách thu tiền được tạm áp dụng như cán bộ, công nhân, nhân viên trong biên chế.

Còn được người công nhật, phù động, tạm tuyển làm có tính chất tạm thời nếu đã và đang sử dụng nhà ở, điện nước trong cơ quan thì thu tiền theo mức độ sử dụng và theo giá cung cấp đã quy định.

8. Việc bỏ khoản dầu thắp cho cá nhân áp dụng từ 1-2-1959, còn số dầu thắp cán bộ, công nhân, nhân viên đã sử dụng từ tháng 5-1959 đến 31-1-1959 thì không phải trả tiền.

Ở những nơi như trại giam, đồn, trạm, vì công tác phải chong đèn suốt đêm, thì tuy có sử dụng vào sinh hoạt cá nhân cũng được miễn trả tiền dầu.

9. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên làm công tác có trụ sở ở các xã rẻo cao, ở các đồn, trạm biên phòng miền núi mà nhà ở do anh em góp sức xây dựng, hoặc tuy có trụ sở nhưng vì công tác phải lưu động thường xuyên thì được miễn trả tiền nhà.

10. Đối với cán bộ, công nhân, nhân viên ở Hà Nội trước đây không ở nhà của cơ quan đã được cấp 2.500đ hay 4.500đ tiền ra ăn ở ngoài, khi thi lương 1958, thu nhập cũ cao hơn thu nhập mới, thì được cộng khoản tiền đó vào thu nhập cũ để tính bảo lưu. Nhưng nếu sau khi thi hành lương 1958, thu nhập cũ cao hơn thu nhập mới, thì được cộng khoản tiền đó vào thu nhập để tính bảo lưu. Nhưng nếu sau khi thi hành lương 1959 cán bộ, công nhân, nhân viên ấy trở lại ở nhà của cơ quan hay được điều động hẳn về địa phương thì phải trừ khoản 2.500đ hay 4.500đ đó trong thu nhập cũ và tính lại chênh lệch.

Thí dụ: 1 cán bộ ở Hà Nội ra ăn ở ngoài thu nhập cũ 58.000đ gồm cả 4.500đ ăn, ở ngoài; thu nhập mới 56.000đ.

Như vậy được bảo lưu 2.000đ.

Nay cán bộ ấy vào lại ở cơ quan hay được điều hẳn về địa phương, sẽ tính lại như sau:

- Thu nhập cũ 58.000đ – 4.500đ : 53.500đ

- Thu nhập mới ………………..: 56.000đ

Như vậy cán bộ ấy không còn bảo lưu nữa và lãnh theo lương mới: 56.000đ.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-NV/CB năm 1960 về nói rõ thêm một số điểm về chế độ nửa cung cấp do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-NV/CB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/02/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: 04/03/1959
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 07/03/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản