Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10–NV

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 1972

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ĐỔI SỔ TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT VÀ VIỆC QUẢN LÝ THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH BỊ THƯƠNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Hiện nay, có hai chế độ thương tật đang được song song thi hành đối với thương binh: chế độ trợ cấp thương tật theo tiêu chuẩn thương tật 6 hạng áp dụng đối với thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong bị thương trong cuộc kháng chiến chống Pháp (dưới đây gọi tắt là thương binh cũ) và chế độ trợ cấp thương tật theo tiêu chuẩn thương tật 8 hạng áp dụng đối với thưong binh và những người bị thương trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (dưới đây gọi tắt là thương binh mới).

Trong khi chưa nghiên cứu thống nhất chế độ trợ cấp thương tật đối với thương binh được, trước mắt, để việc thi hành chính sách được thuận tiện và việc quản lý thương binh được chặt chẽ, cần thống nhất việc quản lý và thi thi hành chế độ giữa thương binhcũ và thương binhmới (về sổ trợ cấp, về cách quản lý và về kinh phí cấp phát trợ cấp).

Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc đổi sổ trợ cấp thương tật, việc đăng ký quản lý và về kinh phí trợ cấp thương tật đối với thương binh cũ như sau:

I. VIỆC ĐỔI SỔ TRỢ CẤP

Trước đây, mỗi thương binh cũ được cấp một sổ phụ cấp thương tật dùng để lĩnh phụ cấp và một giấy chứng nhận thương binh dùng để hưởng các chế độ ưu đãi.

Nay quy định đổi lại cho mỗi thương binh cũ một sổ trợ cấp thương tật giống như sổ của thương binh mới (khác với sổ của thương binh mới là ở trang 4 của sổ, phía trên ảnh của thương binh, có đóng dấu "thương binh chống Pháp") vừa dùng để hưởng các chế độ ưu đãi vừa dùng để lĩnh phụ cấp thương tật.

1. Việc đổi sổ trợ cấp thương tật cho thương binh cũ do Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố phụ trách, Các Ty, Sở thương binh xã hội chịu trách nhiệm giúp Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đổi sổ cho những thương binh chính thức cư trú tại địa phương mình gồm thương binh về gia đình, thương binh đang ở các trại, trường thương binh của địa phương hoặc của trung ương đóng tại địa phương, thương binh công tác ở các cơ quan xí nghiệp, công nông lâm trường, các trường học của địa phương hoặc của trung ương đóng tại địa phương.

Riêng đối với thương binh cũ còn tại ngũ thì Bộ Nội vụ sẽ bàn với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, rồi sẽ có hướng dẫn sau:

2. Việc đổi sổ trợ cấp thương tật cho thương binh cũ tiến hành như sau:

a). Các địa phương phải phổ biến cho thương binh biết chủ trương đổi sổ, hướng dẫn mỗi thương binh làm 2 bản khai hưởng trợ cấp thương tật (theo mẫu in sẵn) có chứng nhận của Ủy ban hành chính xã, khu phố (nếu là thương binh về gia đình) hoặc của cơ quan, của trại, xí nghiệp, trường (nếu là thương binh đang công tác, đang ở các trại, trường thương binh) để bổ sung cho hồ sơ cũ (gửi về Bộ 1 bản) và dùng làm tài liệu quản lý ở địa phương các địa phương lưu 1 bản). Cần nắm chắc số thương binh thuộc địa phương mình quản lý để có kế họach hướng dẫn kê khai được nhanh, gọn.

b). Nơi nào đã trích lục được hồ sơ gốc của thương binh lưu lại tại Bộ thì đối chiếu bản trích lục đó với bản khai của thương binh và sổ phụ cấp, nếu khớp nhau thì tiến hành đổi sổ nếu có những điểm không khớp nhau, hoặc có vấn đề nghi vấn (như giả mạo thương binh, được cấp 2 sổ phụ cấp…) thì phải nghiên cứu kỹ để giải quyết cho đúng hoặc hỏi lại Bộ trước khi giải quyết. Bộ sẽ đăng ký lại số sổ trợ cấp thương tật của thương binh để việc quản lý được chặt chẽ.

Nơi nào chưa có điều kiện trích lục hồ sơ gốc của thương binh, thì gửi hoặc cử cán bộ mang các bản khai của thương binh về Bộ để đăng ký lại số sổ rồi tiến hành việc đổi sổ mới cho thương binh (sau này sẽ làm trích lục để hoàn chỉnh hồ sơ quản lý tại địa phương).

Các sổ trợ cấp thương tật mới đều phải dán ảnh của thương binh và đóng dấu mới có giá trị sử dụng.

3. Các địa phương phải đổi xong sổ trợ cấp cho thương binh cũ trong năm 1972, để kể từ ngày 01-01-1973 trở đi tất cả các thương binh cũ (trừ số thương binh còn tại ngũ) đều dùng sổ trợ cấp mới để hưởng các chế độ ưu đãi và lĩnh phụ cấp thương tật.

II. VIỆC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ.

Cùng với việc đổi sổ trợ cấp, các địa phương phải tiến hành đăng ký quản lý chặt chẽ thương binh cũ thuộc địa phương mình quản lý.

- Phải tổ chức lưu giữ cẩn thận hồ sơ của từng thương binh (gồm một bản trích lục hồ sơ, một bảnkhai sổ cũ…) và phải mở sổ đăng ký theo dõi như hướng dẩn của Bộ tại công văn số 2083-CSTB ngày 28-07-1971.

- Khi có thương binh cũ chuyển đi địa phương khác, thì các Ty, Sở Thương binh xã hội phải làm đầy đủ thủ tục di chuyển như đối với thương binh mới.

III. VỀ KINH PHÍ CẤP PHÁT TRỢ CẤP.

Trước đây, kinh phí trảphụcấp thương tật cho thương binh cũ gồm nhiều nguồn: kinh phí trung ương (đối với thương binh còn tại ngũ) kinh phí địa phương (đối với thương binh về gia đình) kinh phí thuộc quỹ lương (đối với thương binh công tác ở cơ quan hành chính sự nghiệp).

Sau khi đổi sổ trợ cấp, kể từ ngày 01-01-1973 trở đi, sẽ thống nhất nguồn kinh phí trả phụ cấp thương tật cho thương binh cũ vào ngân sách trung ương. Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc quản lý kinh phí và cấp phát phụ cấp thương tật cho thương binh cũ.

Đề nghị các địa phương có kế hoạch thực hiện nhanh, gọn và chính xác việc đổisổ trợ cấp và quản lý thương binh cũ theo đúng hướng dẫn trên đây.

Trong khi thực hiện, có gì mắc mứu, các địa phương cần phản ánh kịp thời cho Bộ Nội vụ biết để nghiên cứu, giải quyết.

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thiệp

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10–NV-1972 về việc đổi sổ trợ cấp thương tật và việc quản lý thi hành chế độ đối với thương binh bị thương trong cuộc kháng chiến chống Pháp do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/05/1972
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Đình Thiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 08/06/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản