Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-BYT/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1988

THÔNG TƯ

SỐ 10-BYT/TT NGÀY 8-4-1988 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NGOẠI TỆ DO CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ TÀI TRỢ ĐỂ HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, LÀM DỊCH VỤ, MỞ CÁC LỚP HỌC, HỘI THẢO TRONG NGÀNH Y TẾ

Để việc sử dụng số ngoại tệ hàng năm được các Tổ chức Quốc tế tài trợ cho các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học làm các dịch vụ và tổ chức các lớp học, hội thảo (gọi tắt là hội thảo) trong ngành Y tế mang lại hiệu quả thiết thực, trong khi chờ Nhà nước ban hành quy định chính thức, Bộ Y tế tạm thời hướng dẫn việc quản lý và sử dụng số ngoại tệ nói trên như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Số ngoại tệ do các Tổ chức Quốc tế chuyển cho ngành Y tế để tổ chức các cuộc hội thảo là một nguồn ngoại tệ của Nhà nước giao cho Bộ Y tế sử dụng để nhập thuốc men, hoá chất, máy móc, dụng cụ y tế, xây dựng và sửa chữa để duy trì các cơ sở của ngành.

2. Các đơn vị được sử dụng ngoại tệ phải quản lý và điều hành theo quy định thống nhất của Nhà nước và Bộ Y tế, chấp hành đúng chế độ dự toán và báo cáo quyết toán.

II. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NGOẠI TỆ ĐƯỢC TÀI TRỢ

A. CÁC KHOẢN NGOẠI TỆ MANG TÍNH CHẤT THÙ LAO CHẤT XÁM ĐÃ ĐƯỢC BỘ Y TẾ CHO PHÉP VÀ CÓ THÔNG BÁO CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

1. Các khoản ngoại tệ được các Tổ chức Quốc tế tài trợ mang tính chất thù lao chất xám cho các đề tài, bài viết, bài giảng của cá nhân, tập thể, trước mắt được hưởng theo quy định tại các văn bản số 446-V7 ngày 4-2-1986 và số 3157-V7 ngày 18-7-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

2. Các khoản ngoại tệ của các đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác với các Tổ chức Quốc tế được sử dụng như sau:

- 50% số ngoại tệ được bổ sung cho vốn sự nghiệp để nhập thuốc, máy móc thiết bị củng cố cơ sở vật chất của đơn vị chuyển đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối để chi phí phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học.

- 20% số ngoại tệ được đổi ra giá kiều hối để chi cho các cá nhân hoặc tập thể tác giả và những người có công nghiên cứu.

- 30% đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối để cải thiện đời sống cho cán bộ công, nhân viên của cơ sở nơi đăng cai phục vụ đề tài.

B. CÁC KHOẢN NGOẠI TỆ TÀI TRỢ LÀM DỊCH VỤ, MỞ CÁC HỘI THẢO.

1. Khi nhận được nguồn ngoại tệ tài trợ, các đơn vị đăng cai làm các dịch vụ tổ chức hội thảo làm thủ tục chuyển trực tiếp toàn bộ số ngoại tệ trên vào tài khoản ngoại tệ của Công ty xuất nhập khẩu y tế (Vimedimex) đồng thời gửi dự toán chi tiêu bằng tiền Việt Nam để Bộ Y tế duyệt.

2. Căn cứ vào dự toán chi tiêu của đơn vị đã được Bộ Y tế duyệt, Vimedimex có nhiệm vụ chuyển đổi hoặc tạm ứng ngay một phần hoặc toàn bộ số tiền Việt Nam tương đương số ngoại tệ được sử dụng theo tỷ giá kiều hối cho các đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, làm dịch vụ...

3. Trường hợp các đơn vị có nhu cầu nhập một số nguyên liệu, vật tư, thiết bị, thuốc, hoá chất... để củng cố cơ sở vật chất, hoặc để phục vụ người bệnh; đơn vị phải lập đơn hàng và dự trù số ngoại tệ cần dùng sau khi được lãnh đạo Bộ duyệt thì ký hợp đồng với Vimedimex để Công ty này làm dịch vụ nhập khẩu theo đơn hàng của đơn vị.

Trường hợp đặc biệt đơn vị muốn dùng số ngoại tệ được tài trợ để xây dựng, sửa chữa cơ sở, phải được lãnh đạo Bộ duyệt cho phép.

4. Để tập trung được ngoại tệ nhập thuốc hoá chất và trang bị xây dựng cơ sở vật chất cho ngành, các đơn vị đăng cai làm dịch vụ, tổ chức hội thảo tuyệt đối không được dùng ngoại tệ trực tiếp mua vật tư, hàng tiêu dùng; không chuyển ngoại tệ cho đơn vị ở ngoài ngành hoặc địa phương khác; không được mua đi bán lại lấy chênh lệch giá hoặc phân phối nội bộ.

5. Hàng tháng, Vimedimex phải báo cáo về Bộ Y Tế tình hình thu, chi, số dư của các khoản ngoại tệ đã được các Tổ chức Quốc tế các đơn vị chuyển đến cho Công ty.

6. Để bảo đảm đủ kinh phí phục vụ các đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học, các hội thảo, dịch vụ... Vimedimex sẽ kiến nghị cụ thể với Bộ mức tỷ giá thanh toán khuyến khích từng tháng; vừa bảo đảm đủ kinh phí phục vụ đơn vị, vừa không đưa giá thành những sản phẩm có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu do ngành Y tế sản xuất lên quá cao.

7. Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch) có trách nhiệm thông báo cho Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam , Vimedimex các khoản ngoại tệ mà các Tổ chức Quốc tế dự kiến tài trợ cho ngành trong năm để Vimedimex có thể chủ động lập kế hoạch nhập khẩu.

III. QUY ĐỊNH VỀ CHI TIÊU

A. CHI TIÊU PHỤC VỤ CÁC ĐỀ TÀI HỢP TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÁC DỊCH VỤ LÀM CHO TỔ CHỨC QUỐC TẾ.

1. Căn cứ vào mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình của đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học, dịch vụ đã được ký, đơn vị lập dự toán cụ thể trình Bộ duyệt, xác định các khoản chi cần thiết cho:

- Công tác phí đi thực địa lấy tư liệu, điều tra thực tế.

- Tiền bồi dưỡng làm thống kê số liệu, bồi dưỡng làm nghiên cứu viết tổng kết, vẽ tranh, biểu mẫu...

- Các chi phí làm dịch vụ, xăng, xe, giấy, mực, công in, hoá chất, hao mòn máy móc...

- Tiền thuê nhân công, thuê ô-tô, máy chuyên dùng...

- Tiếp đón đại diện các Tổ chức Quốc tế, cán bộ khoa học nước ngoài sang công tác nghiên cứu... không được lấy tiền trong kinh phí sự nghiệp của Bộ cấp mà phải chi trong số tiền nghiên cứu khoa học được cấp.

2. Trong phạm vi số tiền Việt Nam được Bộ Y tế chi do Vimedimex chuyển (hoặc bằng nguồn kinh phí tự có để phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học) đơn vị đăng cai quản lý việc chi tiêu trên nguyên tắc hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

B. CÁC LỚP HỌC HỘI THẢO.

1. Đối với khách nước ngoài.

Khách nước ngoài được mời hoặc do các Tổ chức Quốc tế cử đến sẽ tự đài thọ tiền vé máy bay đi, về và tiền ăn, ở trong thời gian dự hội thảo, lấy trong số tiền cấp cho hội thảo, nếu chiêu đãi hoặc cấp cho họ tiền ăn, đi lại, ở, trong thời gian hội nghị. Không lấy tiền sự nghiệp chiêu đãi khách hoặc cấp tiền ăn, ở, đi lại cho khách.

2. Đối với khách mời, giảng viên, đại biểu và học viên trong nước.

a. Tổng mức khoán toàn bộ chi tiêu bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối do Vimedimex chuyển đổi trong khoảng 2-2,5 USD/ngày cho khách mời, đại biểu chính thức và cán bộ tổ chức nhân viên phục vụ hội thảo (không kể tiền tàu xe đi về của giảng viên, đại biểu học viên, cán bộ tổ chức).

b) Trong phạm vi mức khoán chi tiêu trên, đơn vị đăng cai chủ động tính toán chi tiền ăn, thuê khách sạn, ô-tô, phương tiện nghe nhìn thí nghiệm, trang trí, công in, dịch và biên soạn tài liệu, bồi dưỡng giảng viên, bữa ăn tổng kết ... sao cho sát với thực tế, tránh tình trạng phô trương, lãng phí không cần thiết.

c) Giảng viên, khách mời, đại biểu, học viên đến dự họp nếu không ăn, không ngủ theo bố trí của Ban tổ chức và có báo trước thì sẽ được thanh toán lại 100% mức tiền ăn thực hiện trong hội nghị (không được thanh toán tiền ở).

d) Đại biểu người địa phương, khách mời từng buổi (phóng viên, vô tuyến truyền hình địa phương), giảng viên được mời giảng từng buổi, lái xe của đại biểu, học viên sẽ được mời cơm bữa trưa theo mức ăn chung của hội nghị. Nếu không ăn sẽ được hưởng 100% mức tiền ăn trưa được đài thọ.

e) Tiền tàu xe đi về của giảng viên, đại biểu, khách mời, cán bộ tổ chức, học viên do Ban tổ chức đài thọ theo quy định của Nhà nước. Khoản chi này được dự trù cụ thể riêng trong dự toán, không tính vào tổng mức chi tiêu quy định ở điểm a, mục 2, phần III.

IV. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA ĐƠN VỊ ĐĂNG CAI

1. Đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học, làm dịch vụ có trách nhiệm xem xét chặt chẽ số người mời tham dự, bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thành phần và báo cáo với Bộ Y tế (các Vụ chủ quản) trực tiếp xét duyệt.

2. Đơn vị đăng cai có nhiệm vụ lập dự toán đúng thời hạn trình Bộ Y tế duyệt, đồng thời làm các thủ tục để tiếp nhận ngoại tệ. Sau khi bản dự toán chi đã được Bộ duyệt, nếu trong quá trình tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học, làm dịch vụ chi tiêu tiết kiệm, đơn vị sẽ được thưởng 30% số tiền Việt Nam đã tiết kiệm được để sử dụng vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi; còn lại 70% sử dụng vào việc mở các hội thảo, tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học tiếp theo hoặc bổ sung kinh phí cho đơn vị.

3. Sau khi kết thúc hội thảo, hoàn thành đề tài nghiên cứu, làm xong dịch vụ 15 ngày, đơn vị phải báo cáo quyết toán chi về Bộ Y tế để Bộ xác định quyết toán và tổng hợp báo cáo Nhà nước.

4. Để thuận tiện cho việc giải quyết kịp thời kinh phí phục vụ hội thảo, khi làm việc với các Tổ chức Quốc tế, các đơn vị chú ý yêu cầu các tổ chức này chuyển số tiền ngoại tệ chi cho hội thảo về Vimedimex trước khi khai mạc 30 ngày.

5. Hiện nay các hội nghị, hội thảo tổ chức ở phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh) đều phải sử dụng cơ sở ăn, ở hội trường của Viện Vệ sinh - Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh để tiết kiệm chi. Chỉ được tổ chức ở cơ sở khác nếu Viện này thiếu chỗ.

6. Số tiền tiết kiệm còn lại sau khi tổ chức hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học, làm dịch vụ phải hạch toán toàn bộ vào hệ thống sổ sách tài khoản kế toán sự nghiệp của đơn vị (Tài khoản 07-08-24.2).

Các loại tài sản, vật tư, trang thiết bị mua sắm bằng tiền tiết kiệm trong chi tiêu mở hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học, làm dịch vụ hoặc bằng nguồn ngoại tệ được tài trợ nhất thiết phải được thể hiện trên tài khoản 01, 22 (nếu là tài sản cố định) 02 (nếu là vật tư) 03 (nếu là vật rẻ tiền mau hỏng) tương ứng với nguồn vốn tự có ghi bổ sung trên TK 24.2.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Phạm Song

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10-BYT/TT-1988 hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn ngoại tệ do các tổ chức quốc tế tài trợ để hợp tác nghiên cứu khoa học, làm dịch vụ, mở các lớp học, hội thảo trong ngành Y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 10-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/04/1988
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Song
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản