Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2024/TT-BCA

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG HÌNH PHẠT TÙ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

Căn cứ Luật Đặc xá;

Căn cứ Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù của lực lượng Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù và thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, Công an cấp xã (gọi chung là Công an các đơn vị, địa phương).

2. Người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Điều 3. Biểu mẫu, sổ theo dõi thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng

1. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu, sổ theo dõi sử dụng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng (Phụ lục kèm theo).

2. Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng; hằng năm dự trù số lượng biểu mẫu, sổ theo dõi để in, cấp phát cho Công an các đơn vị, địa phương hoặc hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương in một số loại biểu mẫu, sổ theo dõi thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng.

3. Trường hợp cần chỉnh sửa nội dung mục thông tin trong biểu mẫu, sổ theo dõi, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện. Trường hợp cần bổ sung, bãi bỏ, thay thế biểu mẫu, sổ theo dõi, Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định.

Điều 4. Cơ sở dữ liệu tái hòa nhập cộng đồng

1. Cơ sở dữ liệu tái hòa nhập cộng đồng quản lý thông tin về tái hòa nhập cộng đồng phục vụ công tác quản lý nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng; tích hợp, trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm, Trung tâm thông tin, dữ liệu nghiệp vụ của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu về quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự.

2. Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng xây dựng cơ sở dữ liệu tái hòa nhập cộng đồng thống nhất từ Bộ tới Công an cấp xã; hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, cài đặt, quản trị, bảo trì, cập nhật, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu tái hòa nhập cộng đồng.

Điều 5. Thực hiện báo cáo, thống kê công tác tái hòa nhập cộng đồng

1. Công an cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thực hiện báo cáo, thống kê công tác tái hòa nhập cộng đồng theo định kỳ.

a) Thống kê số liệu người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng hằng tháng (Mẫu HCD-12);

b) Báo cáo kết quả thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng quý, 06 tháng, năm (Mẫu HCD-13).

2. Thời gian, hình thức, nội dung báo cáo, thống kê thực hiện theo chế độ báo cáo, thống kê của Bộ Công an và hướng dẫn của Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Điều 6. Kinh phí thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng của lực lượng Công an nhân dân

1. Kinh phí thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng của Công an các đơn vị, địa phương từ nguồn kinh phí nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP; được bố trí trong dự toán chi an ninh hằng năm của Bộ Công an giao cho Công an các đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an Tòan xã hội.

2. Kinh phí thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu với chính quyền địa phương đảm bảo ngân sách hoặc huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Việc tiếp nhận tiền, ngoại tệ, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác từ nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng cho các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.

Chương II

THỰC HIỆN TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ, GIÁM SÁT, GIÁO DỤC, GIÚP ĐỠ NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG HÌNH PHẠT TÙ

Điều 7. Đối tượng thuộc diện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ

1. Đối tượng thuộc diện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ, bao gồm:

a) Người chấp hành xong án phạt tù, gồm phạm nhân chấp hành xong án phạt tù và người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chấp hành xong thời gian thử thách đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích;

b) Người được đặc xá, gồm phạm nhân được đặc xá và người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá chưa được xóa án tích.

2. Thời gian thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ từ ngày chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá cho đến khi có căn cứ kết thúc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư này.

3. Công an cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về cư trú thực hiện các nội dung quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.

4. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang chấp hành thời gian thử thách được tiếp nhận, quản lý theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Điều 8. Tiếp nhận thông báo về phạm nhân trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo phạm nhân hết thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự, thông báo về quyết định đặc xá theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Đặc xá, Công an cấp xã phải kiểm tra thông tin về cư trú, các nội dung khác có liên quan và phối hợp với gia đình phạm nhân để xác định chính xác nơi phạm nhân sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá.

Trường hợp địa chỉ về cư trú trong thông báo đã thay đổi hoặc có căn cứ xác định phạm nhân sẽ không về nơi cư trú ghi trong thông báo, Công an cấp xã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản thông báo cho cơ quan, đơn vị đã gửi thông báo phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, thông báo về quyết định đặc xá để xác minh, làm rõ nơi về cư trú của phạm nhân (Mẫu HCD-03).

2. Công an cấp xã phải kiểm tra, nắm chắc tình hình có liên quan, chủ động để tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá trở về cộng đồng.

Điều 9. Thực hiện tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

1. Khi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trình diện, Trưởng Công an cấp xã phân công cán bộ trực tiếp làm việc với họ. Nội dung làm việc gồm:

a) Thông báo về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá;

b) Nắm tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá;

c) Hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đăng ký và quản lý cư trú, cấp căn cước công dân đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá;

d) Tư vấn, hỗ trợ thông tin về tạo việc làm, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và những vấn đề cần thiết khác để sớm tái hòa nhập cộng đồng;

đ) Yêu cầu người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức, địa phương nơi làm việc, học tập, cư trú;

e) Lập biên bản làm việc với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, trong đó yêu cầu họ cam kết không vi phạm pháp luật, không tái phạm tội (Mẫu HCD-05);

g) Lập phiếu thông tin người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-02).

2. Hết thời hạn trình diện trong giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá mà người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá chưa đến trình diện, Trưởng Công an cấp xã phải cử cán bộ phối hợp với gia đình xác minhthực hiện:

a) Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã về nơi cư trú, Công an cấp xã yêu cầu họ đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trình diện và thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tiếp tục không đến trình diện mà không có lý do chính đáng, Công an cấp xã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (Mẫu HCD-04), đồng thời chủ động phối hợp với gia đình người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá để thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

b) Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá không về nơi cư trú, Công an cấp xã phối hợp với thân nhân, gia đình họ để xác minh xem họ đang ở đâu và tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để giải quyết, xử lý (Mẫu HCD-04).

3. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đến trình diện tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã không đúng với địa chỉ về cư trú trong giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá thì Công an cấp xã yêu cầu họ khai báo thông tin, xác định rõ lý do không về cư trú tại địa chỉ trong giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá.

Nếu xác định việc người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về cư trú tại địa phương là đúng quy định của Luật Cư trú thì Công an cấp xã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thủ tục tiếp nhận theo khoản 1 Điều này và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nêu trong giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá.

Điều 10. Phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

1. Căn cứ vào đặc điểm nhân thân người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và tình hình thực tế ở địa phương, Công an cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội cấp xã để tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác và người là thành viên trong tổ chức đó thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ; đảm bảo mỗi một người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá phải có một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày làm việc với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, Trưởng Công an cấp xã tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định về phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ (Mẫu HCD-06, HCD-07).

3. Công an cấp xã phối hợp với tổ chức, cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành kế hoạch thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

4. Công an cấp xã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã để đề nghị người được phân công quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá báo cáo theo định kỳ hằng quý như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày đầu của tháng đầu trong quý, người được phân công quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ gửi bản báo cáo về kết quả quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-08) cho Ủy ban nhân dân cấp xã (qua Công an cấp xã);

b) Công an cấp xã lưu bản báo cáo vào hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục, làm căn cứ đánh giá và phân loại người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

Điều 11. Hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

1. Hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là bộ phận của hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ lưu giữ hệ thống những tài liệu phản ánh công tác quản lý người tái hòa nhập cộng đồng (NV). Mỗi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá lập 01 hồ sơ, gồm các tài liệu sau:

a) Bìa hồ sơ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-01);

b) Phiếu thông tin quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-02);

c) Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá (Mẫu PT70, PT72 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BCA ngày 07 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, theo dõi, quản lý người ở cơ sở lưu trú);

d) Thông báo về ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù (Mẫu PT71 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BCA), thông báo về quyết định đặc xá (nếu có);

đ) Biên bản làm việc với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-05);

e) Báo cáo đề xuất về phân công tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-06);

g) Quyết định về phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-07);

h) Báo cáo kết quả quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-08);

i) Báo cáo đề xuất về kết thúc thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-10);

k) Quyết định về kết thúc thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-11);

l) Phiếu lý lịch tư pháp, quyết định xóa án tích của Tòa án; văn bản khác có giá trị xác định người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá được xóa án tích;

m) Tài liệu có liên quan khác.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày làm việc với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, Công an cấp xã phải lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

3. Việc lập, đăng ký, quản lý, sử dụng và kết thúc hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá thực hiện theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ nghiệp vụ trong Công an nhân dân.

4. Hồ sơ quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện theo quy định tại Thông tư số 65/2019/TT-BCA.

Điều 12. Đánh giá và phân loại người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

1. Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá được đánh giá và phân loại thành một trong bốn nhóm sau:

a) Nhóm A: Có ý thức chấp hành pháp luật; có điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng như đã có việc làm ổn định; sống trong môi trường tốt; có cuộc sống ổn định;

b) Nhóm B: Có ý thức chấp hành pháp luật nhưng còn gặp khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng như: Không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định; cuộc sống gặp khó khăn; bản thân còn tự ti, mặc cảm;

c) Nhóm C: Còn chưa có ý thức chấp hành pháp luật, không thực hiện yêu cầu quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ của tổ chức, người được phân công trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ; còn có những điều kiện, khả năng vi phạm pháp luật như sống ở môi trường phức tạp về an ninh, trật tự; hòan cảnh sống, hòan cảnh gia đình dễ dẫn đến vi phạm pháp luật;

d) Nhóm D: Đang ở trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Công an cấp xã thực hiện đánh giá, phân loại người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá sau khi nhận được bản báo cáo về kết quả quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

3. Định kỳ hằng quý, Công an cấp xã lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá theo từng nhóm, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (Mẫu HCD-09) và lưu hồ sơ chuyên đề nghiệp vụ lưu giữ hệ thống những tài liệu phản ánh công tác quản lý người tái hòa nhập cộng đồng.

4. Căn cứ đặc điểm, tình hình, điều kiện thực tế, Công an các địa phương tổ chức khảo sát, điều tra Tòan bộ người chấp hành án xong án phạt tù, người được đặc xá trên địa bàn để phục vụ yêu cầu công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Điều 13. Thực hiện xem xét việc xóa án tích

1. Công an cấp xã rà soát những trường hợp đủ điều kiện xóa án tích, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá thực hiện:

a) Trường hợp đương nhiên được xóa án tích quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự: Công an cấp xã hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá thực hiện các thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp.

b) Trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 71, Điều 72 Bộ luật Hình sự: Công an cấp xã hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá viết đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm có nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập thực hiện các thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích.

2. Sau khi nhận được phiếu lý lịch tư pháp, quyết định của Tòa án xác định xóa án tích tại khoản 1 Điều này, Công an cấp xã lưu hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá và làm thủ tục kết thúc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

Điều 14. Kết thúc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

1. Các trường hợp kết thúc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ

a) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã được xóa án tích (có phiếu lý lịch tư pháp, quyết định xóa án tích hoặc văn bản xác định đã được xóa án tích);

b) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã thay đổi nơi cư trú (có văn bản thông báo và chuyển hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá cư trú cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá đến cư trú);

c) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã định cư ở nước ngoài (có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định người chấp hành xong án phạt tù đã định cư ở nước ngoài);

d) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá mất tích (đã có quyết định của Tòa án tuyên bố về người mất tích);

đ) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá chết (đã có giấy chứng tử hoặc biên bản xác định người chết; quyết định của Tòa án tuyên bố người đã chết);

e) Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá phạm tội mới bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã đi chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ phạm nhân.

2. Công an cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định kết thúc quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (Mẫu HCD-10, HCD-11) và đưa ra khỏi danh sách thuộc diện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ.

Điều 15. Thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với các trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đặc xá thì thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ ngay sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được giấy chứng nhận đặc xá.

2. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đã thay đổi nơi cư trú thì Công an cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đang cư trú (nơi đi) tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo, chuyển hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá đến cư trú (nơi đến) và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện biết.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đi, Công an cấp xã nơi đến phải tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã để tiếp tục thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

3. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá phải chấp hành các hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân thì thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng đối với người phải chấp hành hình phạt bổ sung, đồng thời thực hiện tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ theo quy định tại Thông tư này.

4. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Công an cấp xã tiếp tục quản lý hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá; thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ họ sau khi chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cư trú tại địa phương.

Chương III

THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG HÌNH PHẠT TÙ

Điều 16. Thực hiện thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng

1. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện:

a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác tái hòa nhập cộng đồng trên các phương tiện truyền thông Công an nhân dân;

b) Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương;

c) Tổ chức thực hiện công tác vận động quần chúng tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng;

d) Tổ chức các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình trên địa bàn;

e) Tổ chức tập huấn, hội nghị về công tác tái hòa nhập cộng đồng.

2. Nội dung, hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.

Điều 17. Thực hiện trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý

1. Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, Công an cấp xã tổ chức thực hiện trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý đối với người chấp hành xong hình phạt tù quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP.

2. Công an cấp xã phải thực hiện tư vấn riêng hoặc tư vấn nhóm đối với người chấp hành xong hình phạt tù mới được tha khỏi cơ sở giam giữ phạm nhân về cư trú tại địa phương; hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích và các vấn đề cần thiết khác.

Điều 18. Thực hiện đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù

1. Hằng năm, Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, Công an cấp xã căn cứ vào tình hình người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện:

a) Dạy nghề, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù;

b) Huy động doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù;

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

2. Công an các địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Điều 19. Xây dựng các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng

1. Căn cứ đặc điểm, tình hình, điều kiện thc tế, Công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng.

2. Việc xây dựng mô hình tái hòa nhập cộng đồng chú trọng gắn với xây dựng phong trào Tòan dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2024.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thì thực hiện theo các văn bản mới.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện Thông tư này.

3. Quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng) để kịp thời hướng dẫn./.

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

PHỤ LỤC

DANH MỤC BIỂU MẪU CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG
(Kèm theo Thông tư số 10/2024/TT-BCA ngày 15/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an)

STT

Tên biểu mẫu

Ký hiệu

Đơn vị

Khổ

(Cm)

Mặt in

1

Sổ theo dõi người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

SHCD

C

29.7 x 21

4

2

Bìa hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-01

tờ

50 x 33

2

3

Phiếu thông tin người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-02

tờ

A4

3

4

Thông báo về thay đổi thông tin địa chỉ về cư trú của phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù.

HCD-03

tờ

A4

2

5

Báo cáo về người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá không trình diện.

HCD-04

tờ

A4

2

6

Biên bản làm việc với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-05

tờ

A4

3

7

Báo cáo đề xuất về phân công thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-06

tờ

A4

2

8

Quyết định về phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-07

tờ

A4

2

9

Báo cáo về kết quả quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá

HCD-08

tờ

A4

3

10

Danh sách phân loại người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (theo quý)

HCD-09

tờ

A4

3

11

Báo cáo đề xuất về kết thúc thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-10

tờ

A4

2

12

Quyết định về việc kết thúc thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá.

HCD-11

tờ

A4

2

13

Thống kê số liệu người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.

HCD-12

tờ

A4

3

14

Báo cáo kết quả thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng (quý, 06 tháng, năm).

HCD-13

tờ

A4

7

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2024/TT-BCA quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 10/2024/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 613 đến số 614
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản