Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2021/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ “PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT GIỐNG” THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 703/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 5 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống” theo khoản 2 Mục III Điều 1 Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương và địa phương (sau đây gọi chung là đơn vị) có chức năng, nhiệm vụ quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được quy định như sau:

1. Đối với lĩnh vực trồng trọt

a) Khái niệm về cây hằng năm, cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được quy định tại các khoản 8, 18 và 19 Điều 2 Luật Trồng trọt năm 2018.

b) Giống tác giả (đối với cây hằng năm) là giống ban đầu do tác giả chọn tạo ra.

c) Giống đầu dòng là giống được nhân từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng hoặc tương đương.

d) Giống siêu nguyên chủng là hạt giống được nhân từ hạt giống tác giả hoặc được phục tráng theo quy trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

đ) Dòng/giống bố mẹ là dòng/giống để sản xuất hạt lai F1.

e) Giống sạch bệnh là giống sạch một số bệnh nguy hiểm tùy theo từng loại cây trồng.

2. Đối với lĩnh vực chăn nuôi

Khái niệm về dòng/giống vật nuôi mới, đàn giống cấp bố mẹ, đàn nhân giống được quy định tại các khoản 11, 17 và 19 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018.

3. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp

Khái niệm về rừng giống trồng, vườn giống, cây trội (cây mẹ), cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được quy định tại các khoản 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 3 Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính.

4. Đối với lĩnh vực thủy sản

a) Giống bố mẹ là giống được gia hóa, lai, chọn, tạo để sản xuất giống thủy sản thương phẩm.

b) Giống thủy sản sạch bệnh là giống sạch các bệnh được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Điều 4. Nội dung đầu tư

Ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau:

1. Nhập nội, mua bản quyền giống mới

Đầu tư cho đơn vị nhập nội, mua bản quyền dòng/giống mới đối với cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản ngắn ngày (hoặc hằng năm) mà trong nước chưa có hoặc còn thiếu.

2. Bình tuyển cây đầu dòng, cây trội

Đầu tư cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, cây trội. Cây đầu dòng, cây trội sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận phải được bàn giao cho các chủ sở hữu quản lý, khai thác phục vụ nhân giống.

3. Chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống

Đầu tư cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân chăm sóc rừng giống trồng, vườn giống, vườn cây đầu dòng hoặc tương đương (tùy từng loại cây trồng có cách gọi khác nhau); đối với cây nông nghiệp hằng năm, gồm cả chi phí trồng mới.

4. Nhập nội, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống

a) Đầu tư cho đơn vị nhập nội công nghệ sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo giá trị chuyển nhượng bản quyền.

b) Đầu tư cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp và giống thủy sản.

5. Đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ sản xuất giống

Đầu tư bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài cho công chức, viên chức làm công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất giống; người lao động trực tiếp tham gia thực hiện các nội dung của dự án giống.

6. Quản lý chất lượng giống

Đầu tư cho các đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu về giống; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý giống; kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng giống; thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật về giống; đào tạo, tập huấn ngắn hạn về quản lý giống; tuyên truyền sử dụng giống mới, giống đúng tiêu chuẩn chất lượng.

Điều 5. Nội dung hỗ trợ đầu tư

Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động sau:

1. Sản xuất giống các cấp

a) Trồng trọt: Hỗ trợ chi phí sản xuất giống tác giả, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng hoặc tương đương (tùy từng loại cây trồng có cách gọi khác nhau), giống sạch bệnh, dòng/giống bố mẹ để sản xuất hạt lai F1, sản xuất hạt lai F1.

b) Lâm nghiệp: Hỗ trợ chi phí nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; chi phí nhân công thu hái hạt giống từ cây trội, rừng giống trồng, vườn giống để sản xuất cây giống.

c) Chăn nuôi: Hỗ trợ chi phí công kỹ thuật; chi phí thức ăn tinh nuôi đàn giống cấp bố mẹ, đàn nhân giống; chi phí mua tinh, vật tư phối giống và thụ tinh nhân tạo cho gia súc.

d) Thủy sản: Hỗ trợ chi phí sản xuất giống bố mẹ; sản xuất giống thủy sản sạch bệnh.

2. Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống vật nuôi

Hỗ trợ chi phí công kỹ thuật, chi phí thức ăn tinh cho vật nuôi để hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống.

3. Các nội dung hỗ trợ khác

a) Hỗ trợ thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà chuyên gia trong nước chưa thể thực hiện được.

b) Hỗ trợ chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư.

c) Hỗ trợ chi phí hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

4. Mức hỗ trợ cụ thể tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 6. Phương thức đầu tư, hỗ trợ đầu tư

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư thông qua dự án hoặc dự toán do cơ quan quyết định đầu tư hoặc cơ quan được phân công, phân cấp phê duyệt.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Vụ Kế hoạch là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, tổng hợp ý kiến vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư này; phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án giải quyết vướng mắc.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 10 năm 2021.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này; nếu có vướng mắc, các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất

  • Số hiệu: 10/2021/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/08/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 735 đến số 736
  • Ngày hiệu lực: 04/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản