BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-NV | Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 1965 |
Thi hành lệnh phòng không nhân dân, một số cơ quan, cán bộ và nhân dân tạm thời sơ tán ra ngoài các thành phố, thị xã. Bộ Nội vụ quy định một số điểm cụ thể về quản lý, sử dụng, sửa chữa và trả tiền thuê đối với những nhà cửa để lại như sau:
I- VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ TRẢ TIỀN THUÊ NHÀ
1. Đối với nhà cửa của các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp Nhà nước:
- Nếu cơ quan, đơn vị nào nhân dịp sơ tán mà di chuyển hẳn đến cơ sở mới, sau này có thể không cần thiết trở về thành phố, thị xã nữa thì tất cả những nhà cửa để lại, không kể nhà dùng để làm việc, để ở, hay để kinh doanh, sản xuất, không kể là nhà có thu tiền thuê hay không thu tiền thuê, nhà cho cán bộ ở tập thể hay cho cán bộ có tiêu chuẩn ở nhà riêng, phòng riêng đều phải giao cho cơ quan có trách nhiệm thống nhất quản lý: ở Trung ương giao cho Bộ Nội vụ (Cục quản lý nhà đất), ở địa phương giao cho Uỷ ban hành chính (Sở, phòng quản lý nhà, đất) bảo quản, sử dụng.
- Cơ quan, đơn vị nào sơ tán nhưng vẫn giữ lại nhà để sau này trở về chỗ cũ thì phải cử người ở lại trông nom, bảo quản. Nếu là nhà thuê của cơ quan quản lý nhà, đất thì vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê theo hợp đồng.
- Cơ quan, đơn vị nào sơ tán mà trả lại hợp đồng và giao lại nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất bảo quản thì thôi không phải trả tiền thuê. Trường hợp chỉ sơ tán bộ phận, không cần sử dụng đến toàn bộ ngôi nhà, thì có thể được trả lại phần nhà dôi ra và cũng không phải trả tiền thuê đối với phần nhà trả lại ấy. Đồ đạc, tài sản của cơ quan sơ tán chưa di chuyển kịp có thể tạm thời được gửi lại.
2. Đối với nhà của Nhà nước cho công nhân, viên chức và nhân dân thuê:
- Nếu đi sơ tán cả gia đình, không còn ai ở lại giữ nhà, người thuê cần trả lại hợp đồng và giao lại nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất bảo quản. Tiền thuê nhà thôi không phải trả nữa. Sau này trở về, người thuê vẫn ưu tiên được trở về chỗ cũ, hoặc được Nhà nước sắp xếp chỗ ở hợp lý. Trường hợp người thuê còn để lại đồ đạc thì phải thu dọn, niêm phong, khoá kỹ lại rồi báo cáo cho cơ quan quản lý nhà, đất hoặc ban bảo vệ khu phố biết.
- Nếu người thuê nhà đi sơ tán, không còn ai ở lại giữ nhà nhưng vẫn không trả lại hợp đồng, không giao lại nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất thì vẫn phải trả tiền thuê nhà như hợp đồng đã ký kết.
Để tiện cho việc trả tiền thuê nhà, cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân đi sơ tán có thể trả thẳng cho các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã nơi mình công tác, để nhờ cơ quan, đơn vị, hợp tác xã chuyển khoản cho cơ quan quản lý nhà, đất.
3. Đối với nhà cửa của tư nhân cho thuê:
- Cơ quan, cán bộ và nhân dân trong thời gian đi sơ tán cũng được trả lại hợp đồng thuê cho chủ nhà và do đó thôi không phải trả tiền thuê nhà nữa. Đồ đạc vẫn được tạm gửi lại. Diện tích nhà cho thuê của tư nhân vẫn do cơ quan quản lý nhà, đất quản lý để đảm bảo giải quyết chỗ ở cho người thuê sau này trở về.
- Truờng hợp cơ quan, cán bộ và nhân dân vẫn giữ hợp đồng và không trả lại nhà thì vẫn phải trả tiền thuê cho chủ nhà.
4. Bảo vệ các tiện nghi, thiết bị trong và ngoài nhà:
Các cơ quan, đơn vị bàn giao lại nhà, phải giao lại đủ tiện nghi, thiết bị như đã ghi trong hợp đồng; người thuê không được tự ý tháo dỡ thiết bị hoặc chặt phá cây cối chung quanh nhà. Trường hợp vì nhu cầu công tác mà phải dỡ đem đi thứ gì phải được chủ nhà đồng ý (trừ những thứ của mình tự mua sắm lấy).
Để phù hợp với tình hình mới hiện nay, phương hướng sửa chữa nhà cửa tạm thời quy định như sau:
1. Ở những nơi đương có tình hình chiến đấu thì tạm hoãn các việc sửa chữa lớn. Những nhà cửa bị máy bay địch bắn phá đổ nát thì thu gọn lại, bảo quản tốt các nguyên vật liệu để dùng vào việc sửa chữa hoặc xây dựng lại nhà cửa sau này. Việc sửa chữa nhỏ để bảo quản nhà cửa và phục vụ đời sống nhân dân vẫn tiến hành với mức độ cần thiết.
2. Ở những nơi có nguy cơ bị oanh tạc (các thành phố, thị xã lớn) thì nói chung việc sửa chữa lớn cũng chỉ tiến hành đối với những trường hợp thật cần thiết; việc nào có thể tạm hoãn được thì hoãn; việc sơn cửa quét vôi cũng không làm theo quy mô như trước mà chỉ làm ở một vài đường phố chính; việc cải tạo cấu trúc nhà chỉ nên hoàn thành những công trình đương làm dở. Ở những nơi này chủ yếu là sửa chữa nhỏ để phục vụ thiết thực đời sống nhân dân và giữ gìn nhà cửa khỏi trở thành hư hỏng nặng. Những nhà có nguy cơ sắp đổ hoặc những khu nhà tôn, lá, tối tăm ẩm thấp trong thành phố mà dân đã đi rồi thì có thể dỡ bỏ để phân tán bớt dân số và thanh toán nốt những nhà ổ chuột còn lại.
3. Ở những nơi tương đối an toàn, việc sửa chữa nhà cửa vẫn tiến hành toàn diện như phương hướng chung đã đề ra để đáp ứng nhu cầu nhà cửa trước mắt và lâu dài.
4. Kinh phí quản lý và sửa chữa nhà cửa của ngành quản lý nhà, đất vẫn lấy thu để chi là chủ yếu. Nhưng hiện nay do tình hình sơ tán phòng không nên tiền thu về thuê nhà có thể bị giảm đi một phần lớn. Tuy nhiên, không thể vì không thu được mà không sửa chữa nhà cửa, Bộ yêu cầu các Uỷ ban hành chính thành phố, tỉnh chú ý giúp đỡ cơ quan quản lý nhà, đất có kinh phí để sửa chữa nhà, không được lấy tiền thu về cho thuê nhà để chi vào các việc khác ngoài việc quản lý và sửa chữa nhà trong lúc này; đồng thời lãnh dạo chặt chẽ cơ quan quản lý nhà, đất tổ chức thu cho tốt, giáo dục ý thức của công nhân, viên chức và nhân dân nghĩa vụ trả tiền thuê nhà cho Nhà nước.
Trong khi thi hành, nếu các ngành, các cấp gặp những khó khăn cụ thể, đề nghị phản ánh cho Bộ Nội vụ biết.
Ung Văn Khiêm (Đã ký) |
Thông tư 09-NV năm 1965 về việc quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã trong khi sơ tán phòng không do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 09-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/05/1965
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Ung Văn Khiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/05/1965
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định