BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 1966 |
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LÁI XE Ô TÔ ĐÃ BAN HÀNH CHO THỜI CHIẾN
Kính gửi: | -Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; |
Từ khi Bộ Lao động ban hành chương trình đào tạo công nhân lái xe ô tô theo Quyết định số 16-LĐ/QĐ ngày 05-4-1964 đến nay đã có tác dụng tốt trong việc giảng dạy của các trường, lớp, xí nghiệp, làm cho chất lượng đào tạo được nâng cao hơn trước.
Do nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải đào tạo nhiều công nhân lái xe trong một thời gian ngắn, nên các trường, lớp, xí nghiệp đã rút ngắn nội dung và thời gian đào tạo của chương trình nói trên. Nhưng mỗi nơi thực hiện khác nhau, có nơi rút ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, ngược lại có nơi tăng thời gian nhiều do một số môn lý thuyết không được hợp lý, v.v… Để khắc phục tình trạng nói trên và phục vụ kịp thời cho yêu cầu đào tạo công nhận lái xe ô tô hiện nay, sau khi được sự góp ý kiến của các Bộ, các ngành, các cơ sở có đào tạo công nhân lái xe ô tô, Bộ Lao động hướng dẫn sử dụng chương trình đào tạo công nhân lái xe ô tô đã ban hành vào thời chiến để áp dụng được thống nhất.
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU ĐÀO TẠO
Hiện nay các xí nghiệp, công trường đòi hỏi đào tạo nhiều công nhân lái xe trong một thời gian ngắn để phục vụ cho sản xuất và chiến đấu. Để đạt được yêu cầu đó, các Bộ, các ngành các xí nghiệp, công trường cần dựa vào chương trình đã ban hành, giảm bớt nội dung và thời gian đào tạo thành chương trình đào tạo lái xe ô tô rút ngắn. Công nhân đào tạo theo chương trình này sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục bổ túc thêm lý thuyết và tay nghề tại nơi làm việc để có trình độ toàn diện như công nhân đào tạo theo chương trình cũ.
Chương trình rút ngắn cần đạt được những yêu cầu như sau: Sau khi tốt nghiệp học sinh phải có trình độ giác ngộ chính trị nhất định, có sức khỏe, đạt được trình độ lý thuyết cơ bản của chương trình cũ. Thực tập lái được từ 1.200 đến 1.400km trên đường đồng bằng, thành phố và đường đèo dốc phức tạp bảo đảm an toàn về kỹ thuật và lao động. Biết sửa chữa một số pan thường gặp trên đường công tác, biết chăm sóc bảo dưỡng xe tốt.
1. Chính trị.
Dù thời gian đào tạo lâu hay chóng vẫn phải bảo đảm yêu cầu về mặt chính trị như đã nêu trong chương trình cũ. Trong tình hình mới, yêu cầu về chính trị đối với học sinh lái xe cần chú ý: giáo dục tư tưởng và đặo đức của người lái xe trong tình hình và nhiệm vụ mới “sản xuất tốt, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu”. Có ý thức làm chủ, ý thức tổ chức và kỷ luật cao, có thái độ lao động mới: chủ động, sáng tạo, cần cù và dũng cảm trong sản xuất, quyết tâm nắm vững khoa học và kỹ thuật lái. Thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, chuẩn bị mọi điều kiện để trở thành người công nhân lái xe tốt.
2. Văn hóa.
Không tổ chức học văn hóa trong giờ chính khóa. Nơi nào có điều kiện sẽ tổ chức học văn hóa ngoài giờ sản xuất và học tập.
3. Lý thuyết.
Nói chung không hạ thấp nội dung và yêu cầu về lý thuyết cơ bản so với chương trình cũ. Các trường, lớp, xí nghiệp cần tìm mọi cách để đảm bảo cho học sinh nắm vững nội dung lý thuyết cơ bản cần thiết như: cấu tạo ô tô, luật lệ sa bàn, kỹ thuật lái xe, bảo dưỡng và sửa chữa xe hơi. Hiểu biết nghiệp vụ vận tải trong thời chiến và ngụy trang cất giấu xe. Tinh giảm bớt những phần lý thuyết chưa thật cần thiết về các môn kỹ thuật cơ sở: vật liệu học, vẽ kỹ thuật, nguội, rèn.
Môn lý thuyết nào có thể kết hợp dạy trong thực hành thì nên để giảng cùng với thực hành và phân công cho hướng dẫn viên thực hành giảng như môn kỹ thuật lái xe, sửa chữa và bảo dưỡng xe hơi, như vậy sẽ kết hợp được chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời làm cho học sinh làm quen với việc xử trí với các tình huống hư hỏng trên đường công tác.
Những môn luật lệ sa bàn, luật vận tải đường bộ, biển báo nên mời công an đến giảng và giải đáp thắc mắc để học sinh không bỡ ngỡ, hồi hộp trong kỳ thi sát hạch cuối khóa.
4. Thực hành.
Trong chiến tranh, ngành vận tải phục vụ trực tiếp cho sản xuất và chiến đấu trên khắp các tuyến đường. Vì vậy các trường đào tạo lái xe ô tô cần tổ chức cho học sinh thực tập sát với yêu cầu sản xuất, phục vụ chiến đấu như: cho học sinh thực tập lái thẳng loại trung xa và đại xa. Thực tấp lái từ đơn giản đến phức tạp, uốn nắn thận trọng từ những động tác cơ bản (lên xe, xuống xe, tư thế ngồi lái, các yếu lĩnh đánh tay lái, tập số nguội, phương pháp phát động máy, kinh nghiệm quay ma-ni-ven, chèn xe, đánh signal, v.v…) đến chỗ hướng dẫn học sinh tập: khởi hành xe, dừng xe, lái đường đồng bằng, lái hình số 8, lái đường phức tạp, đường quanh co, lái xe đường trường và thành phố, đường đèo dốc, quay đầu xe, lái đêm, lái không đèn, tập lái tránh máy bay địch công kích, bắn pháo sáng, lái xe kéo thêm rơ-moóc trên các tuyến đường phức tạp v.v… Sửa chữa những pan xăng, pan điện thường gặp trên đường công tác, bảo dưỡng lau chùi xe qua từng thời gian thực tập. Sau thời gian thực tập mỗi học sinh phải tự lái được từ 1.200 đến 1.400 km trên khắp các đường và tình huống phức tạp, đảm bảo an toàn về kỹ thuật và lao động.
5. Sức khỏe
Yêu cầu thể lực của chương trình này như chương trình cũ. Trong tình hình mới cần chú ý tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao quốc phòng, bảo đảm cho học sinh vừa học tập tốt, sản xuất tốt, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt. Chủ yếu là sử dụng ngoài giờ để học sinh rèn luyện thể lực. Sau khi tốt nghiệp phải đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cấp I.
Đối với học sinh đã qua phụ lái ở công trường, xí nghiệp lấy lên đào tạo lái chính, thời gian đào tạo khoảng từ 2 đến 4 tháng.
Đới với học sinh, mới tuyển chưa qua phụ lái thì thời gian đào tạo khoảng từ 4 đến 6 tháng.
Tỷ lệ thời gian phân bổ như sau:
Thời gian đào tạo phụ lái lên lái 2 tháng đến 4 tháng.
Lý thuyết: | |
- Chính trị | 10% |
- Kỹ thuật chuyên môn và kỹ thuật cơ sở | 35% |
Thực tập | 50% |
Các khoản khác | 5% |
Cộng | 100% |
Thời gian đào tạo học sinh mới tuyển 4 tháng đến 6 tháng.
Lý thuyết: | |
- Chính trị | 5% |
- Kỹ thuật chuyên môn và kỹ thuật cơ sở | 25% |
Thực tập | 65% |
Các khoản khác | 5% |
Cộng | 100% |
Thời gian học từng môn, các Bộ, các ngành, các trường, xí nghiệp dựa vào những quy định trong chương trình cũ và tình hình thực tế của từng cơ sở mà sắp bố trí cho thích hợp.
III. HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
Hiện nay đối tượng tuyển sinh của các trường lớp, xí nghiệp có hai nguồn:
- Tuyển những người đã qua phụ lái ở các công trình, xí nghiệp. Cơ bản những anh em này đã nắm được khái quát về cấu tạo xe, sử dụng được những dụng cụ sửa chữa, những hư hỏng thông thường, quay ma-ni-ven, đánh signal, chèn-xe, bảo dưỡng, lau chùi và hàng ngày làm quen với những động tác, tư thế của người lái chính, v.v….
- Tuyển những người ở địa phương, thành phố, công trường, xí nghiệp chưa qua phụ lái.
Do những đặc điểm trên, việc đào tạo lái xe nên áp dụng hai phương pháp sau:
1. Nếu đối tượng là học sinh mới tuyển chưa qua phụ lái, sau khi tuyển sinh vào cho học tập chính trị, xác định thái độ, ổn định tư tưởng, yêu cầu về đạo đức của người lái xe, rồi gửi về các xí nghiệp, cho đi phụ lái khoảng một tháng. Yêu cầu thời gian phụ lái này là làm cho học sinh hiểu biết sơ bộ về nghề lái xe, cấu tạo xe, những pan thông thường, quay ma-ni-ven, đánh signal, bảo dưỡng lau chùi, v.v… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu kiến thức, lý thuyết, thực tập tay nghề cơ bản ở trường. Sau đó tập trung về trường học lý thuyết, thực tập tay nghề cơ bản và thi sát hạch.
2. Nếu đối tượng đào tạo là phụ lái ở xí nghiệp, công trường tuyển lên đào tạo, thì không đi học tập phụ lái một tháng như học sinh mới, chỉ tập trung về trường học tập chính trị, xác định thái độ, ổn định tư tưởng, rồi học tập luôn lý thuyết, thực tập tay nghề cơ bản cho đến khi sát hạch.
Dù đào tạo bằng phương pháp nào, khi mãn khóa học sinh cũng phải tự lái được từ 1.200 đến 1.400 km. Sau khi ra trường, về các cơ sở công tác, học sinh vẫn phải tiếp tục thực tập lái từ 400 đến 600 km an toàn mới được chính thức nhận xét giao xe.
Thực tập tay lái nên bố trí từ 6 đến 10 người một xe là vừa, không nên để nhiều học sinh ngồi chờ nhiều thời gian ở trên xe như thế sẽ bị mệt mỏi, đến lượt tập lái hiệu suất kém. Nên bố trí thực tập xen kẽ, tốp này thực tập lái, tốp kia học lý thuyết hoặc ngồi ở bãi rút kinh nghiệm.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn chung để các Bộ, các ngành, các địa phương sử dụng chương trình lái xe ô tô đã ban hành theo Quyết định số 16-LĐ/QĐ ngày 05-4-1964 vào việc đào tạo công nhận lái xe ô tô trong thời chiến.
Các Bộ, các ngành, các địa phương cần hướng dẫn các trường hợp vận dụng chương trình lái xe ô tô cũ cho phù hợp với tinh thần thông tư này và tình hình thực tế của đơn vị.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn trở ngại gì hoặc có kinh nghiệm gì, các Bộ, các ngành, các địa phương phản ánh cho Bộ Lao động biết để nghiên cứu.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Quyết định 16-LĐ-QĐ năm 1964 ban hành chương trình đào tạo công nhân lái ô-tô, tài xế xe lửa, sửa chữa ô tô của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ
- 2Chỉ thị 124/CT năm 1995 về việc chấn chỉnh công tác đào tạo lái xe ô tô trên các cơ sở đào tạo trong toàn quốc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 55/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Quyết định 16-LĐ-QĐ năm 1964 ban hành chương trình đào tạo công nhân lái ô-tô, tài xế xe lửa, sửa chữa ô tô của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ
- 2Chỉ thị 124/CT năm 1995 về việc chấn chỉnh công tác đào tạo lái xe ô tô trên các cơ sở đào tạo trong toàn quốc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 55/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông tư 09-LĐ/TT-1966 hướng dẫn sử dụng chương trình đào tạo lái xe ô tô đã ban hành cho thời chiến do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 09-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/06/1966
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Bùi Quỳ
- Ngày công báo: 15/08/1966
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 07/07/1966
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định