Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 09-LB/YT/GD | Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 1973 |
HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC
Hòa bình đã được lập lại, sự nghiệp giáo dục phát triển ngày càng lớn, học sinh đi học ngày càng đông. Trong thời kỳ địch đánh phá, các trường học phải phân tán, sơ tán, sức khỏe học sinh, giáo viên bị giảm sút, các nề nếp về vệ sinh nhiều nơi không được giữ tốt. Trường lớp, bàn ghế thiếu hụt, hư hỏng nhiều; năm nay hầu hết các địa phương, học sinh phải học tập suốt cả mùa hè.
Thi hành Chỉ thị số 48-TTg/NG ngày 02/6/1969 của Thủ tướng Chính Phủ về việc giữ gìn, nâng cao sức khỏe học sinh; thi hành Nghị quyết cuộc họp liên tịch giữ hai Bộ Y tế và Giáo dục ngày 09/3/1973, hai Bộ đã nhất trí đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác y tế trường học hiện nay như sau.
1. Phát động sâu rộng phong trào vệ sinh, nếp sống văn minh trong nhà trường, củng cố xây dựng nề nếp, thôi quen tốt về vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân: Giáo dục học sinh giữ gìn thân thể, đầu tóc, quần áo sạch, tay sạch, móng tay ngắn, chân đi guốc dép, không uống nước lã, không hút thuốc; học sinh gái từ 13 tuổi trở lên biết vệ sinh gái (vệ sinh lao động, vệ sinh kinh nguyệt...).
- Vệ sinh hoàn cảnh: thường xuyên giữ gìn vệ sinh trường lớp. Nhà trường phải có thùng rác, có hố rác, có đủ hố tiêu, hố tiểu sạch cho nam, nữ.
- Vệ sinh học tập: giáo dục học sinh ngồi học, đọc viết, đúng tư thế (không nghiêng đầu, vẹo cổ, lệch vai, không tì ngực vào bàn...) học ở nhà buổi tối phải có đèn sáng, thực hiện nghiêm túc thời gian nghỉ ngơi giữa các tiết học, thực hiện ngủ đúng giờ.
- Vệ sinh lao động: giáo dục lao động vừa sức, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với sức khỏe. Khối lương mang vác, gánh không quá 2/3 trọng lượng cơ thể, thời gian lao động không kéo dài, dụng cụ lao động phải nhẹ nhàng phù hợp với tầm vóc học sinh..
2. Tích cực khắc phục khó khăn để giải quyết bàn ghế, ánh sáng.
Không để học sinh phải ngồi đất hoặc đứng để học. Phải sửa chữa bàn nghế, bảng hư hỏng, sắp xếp bàn ghế hợp lý. Nếu phải học chung phòng học thì không được chênh quá 3 lớp (ví dụ lớp 1 có thể ngồi chung bàn ghế của lớp 2 và 3, không ngồi chung bàn ghế của lớp 4, lớp 5). Bàn ghế phải đúng quy cách (theo 6 loại đã quy định) .
Bảo đảm đủ ánh sáng cho học sinh học (từ 50 lux trở lên). Trong lớp quét vôi trắng, mở thêm cửa sổ, tăng bóng đèn điện (nơi có điện). Có bảng rộng, đủ kích thước, sơn đen, treo bảng đúng quy định, chữ viết to nét, rõ ràng.
Các học sinh mắt kém hoặc thấp nhỏ nên cho ngồi các bàn trên gần bảng.
3. Tích cực phòng bệnh mùa hè, mùa đông cho học sinh.
Mùa hè: Tổ chức để học sinh có nước đun sôi để uống, không uống nước lã, không ăn rau sống, không ăn thức ăn ôi thiu. Đi học phải mang nón mũ, không chơi đùa ngoài trời nắng. Nhà trường không tổ chức diễn tập, nói chuyện ngoài trời nắng. Phát động phong trào trồng cây xanh trong nhà trường. Ở thành phố, thị xã, các trường có điều kiện cần đề nghị mắc quạt trần. Cố gắng tránh học vào trưa (từ 11giờ đền 14 giờ) nhất là đối với học sinh nhỏ (các trường ở miền núi cao, mát có thể sắp xếp thì giờ cho thích hợp).
Tăng cường các nguồn nước sạch cho nhà trường nhất là trường nội trú để học sinh tắm rửa, như thêm vòi nước, đào thêm giếng nước, có nhà tắm cho nam, nữ.
Vận động học sinh tích cực tham gia diệt ruồi, muỗi, chuột.
Mùa đông: giáo dục học sinh và vận động phụ huynh học sinh cho học sinh mặc ấm, ăn uống nóng, ăn thức ăn có nhiều đạm, mỡ.
Sắp xếp thời gian học tập không quá sớm về buổi sáng, không quá muôn vào buổi chiều, nhất là đối với các học sinh nhỏ. Tránh các cuộc họp ban đêm và ngoài trời. Ở các trường miền núi cần vận động chống lạnh cho học sinh. Mua ni lông trong làm cửa. Ở thành phố tăng thêm đèn điện.
4. Làm tốt công tác phòng, chống dịch:
Y tế địa phương phối hợp với nhà trường tổ chức tiêm chủng, uống thuốc sinh hóa phòng bệnh cho tất cả giáo viên và học sinh (100%), có sổ sách ghi chép đầy đủ rõ ràng và giữ nhiều năm. Đối với học sinh mẫu giáo, vỡ lòng chú ý triệt để uống thuốc phòng bại liệt, chủng đậu.
Nhà trường có biện pháp tích cực và kịp thời phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của y tế (khai báo, cách ly, cho nghỉ học, tiêm chủng, uống thuốc, giờ thuốc phòng, v.v...).
5. Tích cực tham gia phong trào vệ sinh địa phương.
Nhà trường phải gương mẫu về vệ sinh, đồng thời làm nồng cốt trong phong trào vệ sinh, nếp sống văn minh ở địa phương: thôn xóm, đường phố, gia đình, tập thể.
6. Tích cực đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao.
Đi đôi với công tác vệ sinh, phòng bệnh, cần thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn.
Đối với những học sinh đã bị cong vẹo cột sống thì áp dụng phương pháp chữa bằng thể dục chỉnh hình đã được phổ biến (nhà trường phối hợp với cơ quan y tế và thể thao ở địa phương hướng dẫn và đôn đốc học sinh thực hiện).
7. Chú ý việc ăn uống cho học sinh.
Vận động phụ huynh học sinh cho học sinh ăn sạch, ăn no, ăn đủ, vận động phong trào ăn 3 bữa, ăn có đủ chất dinh dưỡng chủ yếu là chất đạm cải tiến nấu ăn chế biến cho ngon miệng, cơm nóng, canh nóng. Cần lưu ý đặc biệt đến các trường có ký túc xá. Phát động phong trào mỗi học sinh “trồng 2 cây, nuôi 1 con” để tăng thêm chất dinh dương cho học sinh.
8. Tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Trong khi chờ đợi có tổ chức mạng lưới khám bệnh chữa bệnh thích hợp, hiện nay các địa phương cần thực hiện tốt các việc sau đây:
a) Điều tra cơ bản và quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên.
Muốn quản lý sức khỏe học sinh và giáo viên và tiến hành phòng bệnh chữa bệnh, cần phải điều tra cơ bản. Ở mỗi thành phố, mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi thị xã, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục để tiến hành điều tra bệnh tật, thể lực, vệ sinh và tiến hành lập y bạ ở một số trường điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung mở rộng diện.
Trạm y tế xã, tiểu khu có nhiệm vụ quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên ở xã và tiểu khu của mình. Bệnh viện tỉnh, thành quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên của trường cấp III tỉnh, thành bệnh viện khu phố, huyện, thị xã quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên trường cấp III huyện, khu phố, thị xã.
b) Khám, chữa bệnh:
Ở xã, tiểu khu: trạm y tế xã và tiểu khu có trách nhiệm chính và thường xuyên khám, chữa bệnh cho học sinh, giáo viên. Đối với nhà trường hiện nay y tế và tiểu khu chú ý tập trung chữa các bệnh về mắt (đặc biệt mắt hột), bệnh giun sán, bệnh bướu cổ ở miền núi. Đối với các bệnh chuyên khoa khác như tai mũi họng, răng hàm mặt,v.v ... thì khám phát hiện theo khả năng của mình, để gửi lên tuyến trên có kế hoạch đến xã hoặc chữa tại bệnh viện.
Ở huyện, khu phố, thị xã: các bệnh viện huyện, khu phố, thị xã có nhiệm vụ:
- Trực tiếp khám, chữa bệnh cho học sinh và giáo viên trường cấp II của huyện, khu phố, thị xã đồng thời tạo mọi điều kiện thuận tiện để khám chữa bệnh cho các học sinh, giáo viên cấp I, cấp II ở các tuyến y tế xã và tiểu khu giới thiệu lên. Cần tổ chức một bàn khám bệnh riêng cho học sinh trong hệ thống phòng khám bệnh của bệnh viện. Nếu thiếu cán bộ và phương tiện thì quy định ngày khám riêng cho học sinh và giáo viên trong tuần, nhất là khám chuyên khoa (răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt...).
- Tổ chức khám, chữa các bệnh chuyên khoa cho giáo viên, học sinh trong toàn huyện, khu phố, thị xã. Đối với các xã, tiểu khu gần cạnh bệnh viện thì tổ chức khám chữa tại bệnh viện. Đối với các xã xa bệnh viện phải có kế hoạch tổ chức khám chữa lưu động đến các xã, tiểu khu.
Ở thành, tỉnh: Bệnh viện thành, tỉnh phải trực tiếp khám chữa cho trường cấp III của thành, tỉnh và rút kinh nghiệm để chỉ đạo tuyến huyện, xã trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên cũng như sẵn sàng khám, chữa bệnh cho giáo viên, học sinh ở các tuyến dưới đưa lên.
Các cửa hàng dược phẩm chú ý phân phối đủ các thuốc cần thiết để phòng bệnh, chữa bệnh cho nhà trường (chú ý các thuốc thông thường như thuốc giun, thuốc chữa mắt, mũi họng, v.v...).
Các bệnh viện tỉnh, thành phố, khu phố, huyện cần chú ý tích cực đào tạo bồi dưỡng cho y tế xã, tiểu khu về các chuyên khoa (mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt.,v.v..) tăng thêm số giường nằm chữa bệnh tại bệnh viện cho trẻ em.
1. Phổ biến thông tư này kèm theo kế hoạch cụ thể của Sở, Ty y tế và Sở, Ty Giáo dục đến các Ủy ban hành chính xã, Đảng ủy xã, y tế xã và thông suốt đến tận trường lớp, đến giáo viên, học sinh để thực hiện cho tốt.
2. Chú ý tích cực xây dựng và củng cố tổ chức mạng lưới làm công tác y tế trường học. Đây là khâu rất quan trọng cần thường xuyên làm cho tốt.
Trong khi chờ đợi nghiên cứu có một tổ chức mạng lưới thích hợp, thì hai ngành y tế - giáo dục cần có cán bộ chuyên trách ở các Sở, Ty, phòng, xã và trường.
Ngành y tế: Mỗi Sở, Ty có 1 bác sĩ hoặc y sĩ tại văn phòng ty (phòng nghiệp vụ, chuyên môn hoặc tổng hợp...) chuyên trách công tác y tế trường học.
Ở trạm vệ sinh phòng dịch có 1 bác sĩ hoặc y sĩ chuyên trách vệ sinh trường học.
Ở phòng y tế huyện, thị xã, khu phố, trạm y tế xã và tiểu khu có y sĩ chuyên trách y tế trường học.
Các bác sĩ, y sĩ nói trên là chuyên trách, không được coi là làm thêm, làm tạm thời, và không được thay đổi công tác.
Ngành y tế cần bước đầu để chuyên khoa hóa đội ngũ cán bộ y tế làm công tác y tế trường học, coi như là một chuyên khoa, các cán bộ này chọn chủ yếu trong các cán bộ chuyên khoa nhi, để chăm lo sức khỏe cho các học sinh.
Ngành giáo dục: Có cán bộ thể dục, vệ sinh chuyên trách công tác này ở Sở, Ty. Có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi công tác này ở các phòng giáo dục, ở các trường và có mạng lưới ở các lớp học. Ở Sở, Ty, tốt nhất là có bác sĩ hoặc y sĩ chuyên trách và sẽ do ngành y tế cung cấp và bồi dưỡng về chuyên môn hoặc do cán bộ thể dục, thể thao kiêm nhiệm và được ngành y tế bồi dưỡng, hướng dẫn thêm về chuyên môn. Các cán bộ y tế chuyên trách công tác y tế trường học tại ngành giáo dục, không được chuyển sang làm công tác y tế cơ quan (khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ, nhân viên cơ quan phòng Sở, Ty).
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục.
Công tác này trước đây còn yếu, nay phải chú ý làm thật tốt.
Nhà trường tổ chức phổ biến học điều lệ vệ sinh, nội quy vệ sinh, và các chỉ thị, thông tư của trên về công tác sức khỏe học sinh.
Ngành y tế phối hợp với các ngành giáo dục để biên soạn và phổ biến các bài học về vệ sinh cho học sinh, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng một số bệnh phổ biến trong học sinh (cận thị, cong vẹo cột sống, mắt hột, giun sán, răng miệng, các bệnh dịch thông thường...).
Đối với học sinh phổ thông cấp I, cấp II, các thầy giáo, cô giáo, cần kiểm tra sạch sẽ, vệ sinh học sinh trước khi vào học tiết I của buổi học.
Biên soạn tài liệu, sách để bồi dưỡng cho giáo viên làm công tác vệ sinh trường học.
Hai ngành phối hợp làm một số tranh ảnh cần thiết để phổ biến đến tận các trường lớp (như ngồi học đúng tư thế, vệ sinh răng miệng, mắt, họng, tay...). Tổ chức nói chuyện rộng rãi cho phụ huynh học sinh cách giữ gìn vệ sinh, chăm lo sức khỏe cho con em, và sử dụng các hình thức khác như tuyền truyền trên đài, báo, phim, đèn chiếu...
4. Chỉ đạo thí điểm, xây dựng điển hình:
Mỗi tỉnh, thành, mỗi huyện, khu phố, xã, đều phải chỉ đạo thí điểm và xây dựng điển hình.
Cần tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào xây dựng trường tiên tiến. Năm nay mỗi tỉnh thành, mỗi huyện, khu phố, thị xã đều phải xây dựng được một số trường tiên tiến về thể dục vệ sinh, trên cơ sở đó mà xây dựng trường tiên tiến về các mặt, đồng thời chọn và xây dựng trường điển hình về thể dục vệ sinh của tỉnh, thành, huyện, khu phố và của xã.
Tổ chức tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm của các điển hình, của các đơn vị tiên tiến để đẩy mạnh và mở rộng phong trào chung.
5. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Ở tỉnh, thành, huyện, khu phố, xã hai ngành y tế, giáo dục có kế hoạch phối hợp kiểm tra thường kỳ về vệ sinh trường học.
Ở xã, mỗi tháng kiểm tra các trường trong xã một lần.
Ở huyện, khu phố và tỉnh thành, kiểm tra ít nhất mỗi học kỳ một lần. Có sơ kết, hết năm kiểm tra để tổng kết.
6. Hai ngành y tế và giáo dục cần tích cực đề nghị với cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của các đoàn thể để cải thiện cơ sở vật chất cho nhà trường, có thêm phòng học, bàn ghế, các công trình vệ sinh cần thiết (hố xí, hố tiêu, nhà tắm, giếng nước, đèn điện,v.v...).
Trong tình hình hiện nay, cần hết sức chú ý tăng cường công tác y tế trường học để phục hồi và nâng cao sức khỏe học sinh, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hai Bộ Y tế và Giáo dục đề ra một số công việc chính như trên. Các Sở, Ty y tế và giáo dục cần nghiên cứu kỹ để cùng các ngành, các đoàn thể có liên quan bàn bạc cụ thể và tổ chức thực hiện tốt kể từ năm học 1973-1974.
K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC | K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Thông tư 09-LB/YT/GD-1973 hướng dẫn công tác y tế trường học do Bộ Y tế - Bộ Giáo dục ban hành
- Số hiệu: 09-LB/YT/GD
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 07/06/1973
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Y tế
- Người ký: Hồ Trúc, Hoàng Đình Cầu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 22/06/1973
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra