Hệ thống pháp luật

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/1998/TT-BVGCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ SỐ 09/1998/TT-BVGCP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN VỀ QUẢN LÝ GIÁ, BÌNH ỔN GIÁ THI HÀNH CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC LUẬT THUẾ MỚI

Để góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Luật thuế giá trị gia tăng bảo đảm công bằng về quyền lợi, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu của Ngân sách Nhà nước và ổn định thị trường trong nước, tránh gây ra những biến động mạnh về giá cả, đặc biệt là giá cả vật tư, hàng hoá quan trọng dùng cho sản xuất và tiêu dùng thiết yếu để ổn định sản xuất và không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Căn cứ điểm 6 Chỉ thị số 41/1998/CT-TTg ngày 17/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tổ chức thực hiện các Luật thuế mới;

Ban Vật giá Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện như sau:

1/ Rà soát lại chi phí, tính toán và xử lý giá bán hợp lý :

- Đối với hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá (bao gồm cả giá do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định) thì không được điều chỉnh tăng giá 6 tháng đầu năm 1999 giữ bình ổn ở mức giá cuối năm 1998. Giá do Nhà nước quy định là giá đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng. Cơ quan quản lý Nhà nước về giá phải phối hợp với các doanh nghiệp rà soát lại chi phí tính toán lại giá cả, công bố bảng giá mới bao gồm : giá chưa có thuế giá trị gia tăng và giá đã có thuế giá trị gia tăng (giá thanh toán đối với người mua, người bán).

- Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền tự định giá của doanh nghiệp thì phải rà soát lại chi phí, xác định giá bán hợp lý được thị trường chấp nhận theo nguyên tắc giữ mức giá đã được hình thành trên thị trường cuối năm 1998, giá bán này đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

Đối với những doanh nghiệp khi tính lại giá theo Luật thuế giá trị gia tăng mà giá bán quá cao không được thị trường chấp nhận phát sinh lỗ thì doanh nghiệp xin miễn giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá và thuộc quyền tự định giá của doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, đổi mới và nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phấn đấu tăng năng suất lao động, giảm chi phí để có giá bán hợp lý, cạnh tranh được trên thị trường trong nước và thị trường thế giới. Nghiêm cấm việc lợi dụng thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng để đầu cơ, tăng giá thu lời bất hợp pháp.

Cơ quan quản lý Nhà nước về giá theo dõi biến động chi phí sản xuất, lưu thông, diễn biến giá cả thị trường trong nước, thế giới để đề xuất những chính sách, biện pháp bình ổn giá, đặc biệt là giá vật tư, hàng hoá quan trọng cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu.

2/ Tăng cường quản lý chi phí sản xuất, chi phí lưu thông của hàng hoá, dịch vụ (bao gồm cả hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền tự định giá của doanh nghiệp)

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên quan tâm đến việc hạch toán chi phí sản xuất, chi phí lưu thông tính trong giá cả hàng hoá dịch vụ, tự tổ chức kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông của đơn vị mình, đề ra những biện pháp phấn đấu giảm chi phí, tăng chất lượng hàng hoá, dịch vụ để bình ổn giá, tăng tích luỹ và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Ngân sách Nhà nước.

Trong năm 1999 Ban Vật giá Chính phủ phối hợp với các cơ quan có liên quan và các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm soát chi phí sản xuất, giá cả đối với doanh nghiệp độc quyền, Tổng Công ty Nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà các doanh nghiệp này sản xuất sản phẩm quan trọng chi phối giá cả thị trường và sản phẩm có tích luỹ lớn cho Ngân sách như : điện, bưu chính viễn thông, cảng biển, lúa gạo, mía đường, phân bón, xi măng, sắt thép, xăng dầu, giấy, bia, thuốc lá và lắp ráp xe gắn máy, ôtô, điện tử...

Đề nghị, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính-Vật giá các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện kiểm soát chi phí, giá cả của một số doanh nghiệp trực thuộc và phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ kiểm soát chi phí, giá cả của doanh nghiệp khác hoạt động trên địa bàn.

Việc tổ chức kiểm soát chi phí, giá cả cần phải được xem xét gắn với những vấn đề về chủ trương, phương hướng đầu tư, sản lượng sản xuất, chất luợng sản phẩm, thị trường tiêu thụ (trong đó có thị trường xuất khẩu), các định mức kinh tế kỹ thuật, năng suất lao động, tiền lương, biến động giá cả thị trường... Trên cơ sở đó đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá thì kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông thực tế hợp lý so với chi phí hình thành trong cơ cấu giá cả, kiểm soát niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết.

Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của doanh nghiệp thì kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông thực tế hợp lý so với giá bán của doanh nghiệp đã đăng ký hoặc niêm yết giá.

Các doanh nghiệp thuộc diện kiểm soát chi phí sản xuất, giá cả nêu trên, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tình hình số liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm soát chi phí, giá cả tại đơn vị mình. Đồng thời, các doanh nghiệp phải báo cáo giá mua, giá bán hàng hoá, giá dịch vụ của doanh nghiệp tại thời điểm thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng cho Sở Tài chính-Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 30/01/1999, mỗi khi chỉnh giá thì phải báo cáo kịp thời để cơ quan quản lý tài chính, giá cả nghiên cứu đề xuất các biện pháp bình ổn giá.

Trong khi thực hiện kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông, giá cả cơ quan quản lý giá, cơ quan tài chính phải phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thực hiện nhanh gọn, không gây phiền hà và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt qua kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông giá cả cần tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp quản lý tốt hơn.

3/ Tăng cường kiểm tra niêm yết giá và bán theo giá niêm yết :

- Đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá : doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam) phải niêm yết giá theo giá mua và giá bán do Nhà nước quy định (giá đã có thuế giá trị gia tăng) phù hợp với chủng loại, quy cách, chất lượng, trọng lượng. Các doanh nghiệp phải bán đúng giá niêm yết nếu bán không đúng giá niêm yết phải bị xử lý theo quy định của Nhà nước.

- Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc quyền định giá của doanh nghiệp : doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hoá dịch vụ do Nhà nước định giá cũng phải niêm yết giá. Giá niêm yết là giá do doanh nghiệp tự định (giá đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) phù hợp với chủng loại, quy cách, chất lượng, trọng lượng, số lượng để mua bán được thuận lợi, văn minh. Doanh nghiệp không được bán cao hơn giá niêm yết và mua thấp hơn giá niêm yết.

Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải niêm yết giá được ban hành trong phụ lục kèm theo thông tư này. Những hàng hoá, dịch vụ ngoài danh mục này thì khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự niêm yết giá thực hiện văn minh thương nghiệp.

Đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính-Vật giá tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai ngay việc hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân niêm yết giá tại nơi mua và bán hàng hoá dịch vụ, thực hiện văn minh thương nghiệp. Đồng thời, kiểm tra xử lý kịp thời những trường hợp không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết như đã quy định ở trên.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước về niêm yết giá, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý theo Điều 3 Nghị định số 91/HĐBT ngày 04/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về chấp hành giá và việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá, Điều 8 Nghị định số 01/CP ngày 03/01/1996 của Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

4/ Theo dõi diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hoá để đề xuất các chính sách biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường đặc biệt là bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán.

Đề nghị các Bộ, các ngành, các địa phương cần xem xét tính toán lại cân đối cung cầu những hàng hoá thuộc phạm vi quản lý của mình để có giải pháp xử lý kịp thời không để gia tăng đột biến. Các Bộ, các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ bảo đảm bình ổn giá những hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính-Vật giá thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây :

a- Tham gia với các ngành có liên quan trong tỉnh (Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp...) nắm sát diễn biến về cung cầu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán (Kỷ Mão) để báo cáo Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có biện pháp thúc đẩy sản xuất, lưu thông thông suốt và chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hoá dự trữ cần thiết bảo đảm nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra đột biến giá cả vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán (Kỷ Mão).

b- Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường-giá cả để báo cáo kịp thời Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, Ban Vật giá Chính phủ. Cụ thể là :

Bắt đầu từ ngày 01/01/1999 trong các báo cáo thường kỳ gửi Ban Vật giá Chính phủ cần bổ sung thêm nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết và khả năng thực hiện bình ổn giá tại địa phương. Trước hết đối với giá : gạo nếp, gạo tẻ ngon, thịt lợn, thịt gà, cá, đậu xanh, măng, hoa quả tươi, chè, thuốc lá, bia, nước ngọt, rượu, đường, bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến (giò, bánh chưng, lạp xường), hàng may mặc, đồ dùng gia đình...

Sở Tài chính-Vật giá các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thị trường, giá cả, kịp thời báo cáo và đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và cung cầu hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán để đầu cơ tăng giá, lừa dối khách hàng, bán hàng giả, hàng lậu trốn thuế...

Từ ngày 01/02/1999 đến ngày 01/03/1999 (trừ những ngày nghỉ Tết) các Sở Tài chính-Vật giá thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh,Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức thu thập thường xuyên và thực hiện chế độ báo cáo nhanh mỗi ngày một lần diễn biến gía cả hàng Tết về Trung tâm Thông tin Ban Vật giá Chính phủ, tại số 3 Mai Xuân Thưởng-Hà Nội, hoặc báo cáo về Trạm liên lạc của Ban Vật giá Chính phủ tại 154 Nam kỳ Khởi nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh để truyền trực tiếp về Hà Nội.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1999. Trong quá trình thực hiện các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sản xuất kinh doanh nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Ban Vật giá Chính phủ để xem xét bổ sung, sửa đổi cho thích hợp.

Nguyễn Ngọc Tuấn

(Đã ký)

PHỤ LỤC

DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ PHẢI NIÊM YẾT GIÁ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 09/1998/TT/BVGCP ngày 31/12/1998 của Ban Vật giá Chính phủ)

1. Lúa gạo, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò; đường, sữa, thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, mỳ ăn liền.

2. Cước vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không, đường sắt, ô tô, đường sông, đường biển; cước bưu chính viễn thông trong nước và quốc tế.

3. Vải, len, dạ, quần áo may sẵn, giầy, dép, xà phòng, bột giặt, giấy, vở học sinh, xe đạp, xe máy, tivi, cassette, tủ lạnh, quạt điện.

4. Xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu.

5. Gạch xây, gạch ốp lát, đồ dùng bằng sành sứ nội thất, máy bơm nước.

6. Thuốc tân dược thông dụng và các dịch vụ y tế thu tiền.

7. Điện, nước, vé trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô, vé thăm quan du lịch.

Ghi chú: Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá mà chưa có tên trong bản danh mục này thì phải niêm yết giá. Đối với những dịch vụ không thể niêm yết giá được thì doanh nghiệp phải thông báo bảng giá đến khách hàng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 09/1998/TT-BVGCP về việc quản lý giá, bình ổn giá thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tổ chức thực hiện các Luật thuế mới do Ban vật giá Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 09/1998/TT-BVGCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/12/1998
  • Nơi ban hành: Ban Vật giá Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: 08/03/1999
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản