Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TT

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 1946

THÔNG TƯ

Chủ tịch Chính phủ kính gửi các Bộ trưởng,

Ít lâu nay, xét trong thủ tục hành chính có hai điều khuyết điểm khiến việc pháp chế không có căn bản chắc chắn, và bộ máy hành chính còn rời rạc.

1) Có nhiều công sở thảo nghị định khi cần ra sắc lệnh; có khi hai việc quan trọng không kém nhau, mà một việc do sắc lệnh, một việc do nghị định giải quyết; hoặc nghị định trái với sắc lệnh; hoặc không căn cứ vào luật lệ nào hết.

2) Ngoài ra, nhiều bộ ra nghị định riêng, không hỏi ý kiến bộ nào, tuy việc liên quan đến nhiều bộ khác. Thành thử nhiều việc không giải quyết được trọn vẹn về mọi phương diện chuyên môn.

Tình trạng này cần được sửa đổi ngay.

Vậy các quý bộ sẽ nhắc lại cho các cơ quan mỗi bộ những yếu tắc sau này, phân biệt phạm vi sắc lệnh với phạm vi nghị định và để các bộ cộng tác mật thiết:

I. - THUỘC PHẠM VI SẮC LỆNH

a) Việc tổ chức một bộ phải do sắc lệnh ấn định theo đề nghị của Bộ trưởng chuyên trách.

Khi nào muốn đặt một chức mới, một ngạch nhân viên mới, hoặc một cơ quan phụ thuộc mới, thì phải được bộ Tài chính thỏa thuận, rồi dự thảo sắc lệnh đệ lên hội đồng Chính phủ thảo luận.

b) Cũng cần một sắc lệnh, nếu cơ quan phụ thuộc tiếp xúc với công chúng và khi hành động có thể phạm tới dân quyền cốt yếu: quyền tư hữu, quyền vãng lai, quyền thông thương, quyền doanh nghiệp, v.v…Những vấn đề liên quan đến các quyền này, đáng lẽ phải do một đạo luật giải quyết, song trong khi chờ đợi hiến pháp, ít ra cũng phải có một sắc lệnh quyết định.

II. PHẠM VI NGHỊ ĐỊNH

Các Bộ trưởng sẽ ra nghị định:

a) Tổ chức trong phạm vi bộ, nếu được sắc lệnh ủy quyền.

b) Áp dụng quy chế công chức cho cá nhân (tuyển bổ, thăng thưởng, thuyên chuyển, trừng phạt, v.v…) song phải hỏi ý kiến bộ Tài chính và nha Nhân viên bộ Nội vụ.

c) Nghị định Bộ trưởng có thể quy định trong phạm vi chuyên môn của bộ, song phải căn cứ vào một sắc lệnh đã ban hành. Nếu không thể viện dẫn sắc lệnh ấy, thì phải dự thảo sắc lệnh đã; khi sắc lệnh đã ban hành rồi, và nếu sắc lệnh có ủy quyền cho Bộ trưởng định đoạt tổ chức thì mới được ra nghị định.

d) Một việc liên quan ảnh hưởng đến nhiều bộ thì phải hỏi ý kiến các bộ khác, trước khi quyết định.

Xin các bộ chú ý:

a) Nếu gặp trường hợp khó phân biệt nên thảo nghị định hay nên thảo sắc lệnh, các bộ nên gửi bản dự thảo nghị định hoặc sắc lệnh qua bộ Nội vụ (Nha Pháp chính) để nha ấy phát biểu ý kiến về phương diện pháp chế.

b) Nếu một việc liên quan ảnh hưởng đến nhiều bộ thì phải hỏi ý kiến các bộ ấy, trước khi quyết định.

c) Một khi gặp vấn đề công luật phức tạp, các bộ nên gửi hồ sơ hỏi qua ý kiến bộ Nội vụ (Nha Pháp chính) trước khi giải quyết lấy.

d) Sau khi đã thu nhập được hết thảy ý kiến của các cơ quan chuyên môn cần thiết, các bộ sẽ gửi cả hồ sơ lên Văn phòng Chủ tịch.

Như vậy, hội đồng Chính phủ sẽ đủ tài liệu để thảo luận kỹ càng.

Mong các Quí bộ thông tư cho các cơ quan thuộc quyền biết, để tuân những chỉ thị trên này.

TM. CHÍNH PHỦ
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ




Hồ Chí Minh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-TT năm 1946 về phân biệt phạm vi sắc lệnh với phạm vi nghị định do Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 08-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/04/1946
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Hồ Chí Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 03/05/1946
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản