Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2013/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TƯ VẤN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 103/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ theo quy định Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn có mục tiêu hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

b) Các tổ chức khoa học và công nghệ thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ quá trình tìm kiếm, giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm dịch vụ đánh giá, định giá, giám định công nghệ, môi giới, tư vấn và xúc tiến chuyển giao công nghệ.

2. Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ các bên trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

3. Tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ là tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ có thực hiện hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ đáp ứng theo quy định của Thông tư này.

4. Chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ là cá nhân có trình độ và kinh nghiệm thực hiện hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ đáp ứng theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ

1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động nghề nghiệp và kết quả tư vấn của mình.

2. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan và khoa học của hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ.

3. Bảo mật các thông tin của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ tư vấn, trừ trường hợp được tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ tư vấn đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

Chương 2.

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TƯ VẤN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 4. Nội dung tư vấn chuyển giao công nghệ

1. Tìm kiếm đối tác cung cấp công nghệ và xem xét, đánh giá khả năng thương mại hóa công nghệ.

2. Xem xét năng lực tiếp nhận công nghệ của tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn chuyển giao công nghệ.

3. Tìm kiếm, xem xét và lựa chọn công nghệ được chuyển giao phù hợp với các quy định của pháp luật và các cơ chế chính sách ưu tiên, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ.

4. Xem xét tính phù hợp của sản phẩm do công nghệ tạo ra trên cơ sở:

a) Đánh giá các khả năng, yếu tố về thị trường;

b) Các tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm;

c) Hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.

5. Hỗ trợ việc lập, soạn thảo dự án đầu tư công nghệ và thiết bị, phân tích, tính toán quy mô sản xuất, giá thành công nghệ, cung cấp, lắp đặt thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu và các chi phí liên quan.

6. Thay mặt các bên chuyển giao công nghệ chuẩn bị hồ sơ và đăng ký Hợp đồng chuyển giao công nghệ.

7. Giám sát, đánh giá quá trình đàm phán, soạn thảo, phương thức, ký kết và hỗ trợ thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.

8. Các nội dung tư vấn khác về hoạt động chuyển giao công nghệ.

Điều 5. Phương thức hoạt động của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ

1. Hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ được thực hiện thông qua Hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ giữa tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ và bên có nhu cầu tư vấn chuyển giao công nghệ.

2. Cung cấp các thông tin theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn chuyển giao công nghệ.

3. Cử chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ thực hiện các nội dung theo quy định trong hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ.

4. Tổ chức các hoạt động, sự kiện để đảm bảo hiệu quả quá trình chuyển giao công nghệ.

5. Phương thức hoạt động khác do hai bên thỏa thuận.

Điều 6. Tiêu chuẩn của chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ

Chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có trình độ cao đẳng, đại học trở lên và có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực tư vấn hoặc có chứng chỉ tư vấn chuyển giao công nghệ trong trường hợp pháp luật có quy định.

2. Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm công tác trong hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ.

3. Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ.

Điều 7. Nội dung hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ

1. Hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ phải được thể hiện bằng hình thức văn bản với các nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tư vấn chuyển giao công nghệ;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ;

c) Mục tiêu, nội dung, phạm vi và kết quả cần đạt được của dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ;

d) Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ;

đ) Thời hạn, tiến độ thực hiện dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ;

e) Các thỏa thuận liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả tư vấn chuyển giao công nghệ;

g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

h) Trách nhiệm các bên khi vi phạm hợp đồng;

i) Hiệu lực hợp đồng, thủ tục nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;

k) Chữ ký và đóng dấu của đại diện các bên.

2. Ngoài các nội dung trên, Hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ phải có nội dung của một Hợp đồng dịch vụ theo quy định tại Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ

1. Thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 31 của Luật Chuyển giao công nghệ và xây dựng nội dung hoạt động theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả hoạt động của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức đặt trụ sở chính, theo hướng dẫn tại Thông tư số 35/2011/TT-BKHCN ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chế độ báo cáo thống kê cơ sở về chuyển giao công nghệ, gồm các thông tin cơ bản sau:

a) Tên, số hợp đồng dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ, thời gian ký kết;

b) Tên tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu tư vấn chuyển giao công nghệ;

c) Tên, lĩnh vực công nghệ và sản phẩm cần tư vấn chuyển giao.

3. Các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các quy định tại Thông tư này, còn phải tuân thủ quy định tại Điều 13 Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Điều 9. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

1. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ;

b) Giao Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thực hiện quản lý, theo dõi, thống kê, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ trong toàn quốc.

2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

a) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ trong phạm vi Bộ, ngành và địa phương theo thẩm quyền;

b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, thống kê hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ theo hướng dẫn tại Thông tư số 35/2011/TT-BKHCN ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chế độ báo cáo thống kê cơ sở về chuyển giao công nghệ.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các địa phương và các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Công báo VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, Cục UDPTCN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Chu Ngọc Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08/2013/TT-BKHCN hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 08/2013/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/03/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 213 đến số 214
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản