Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/1998/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN SỐ 08/1998/TT-BVHTT NGÀY 7 THÁNG 12 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 10/1998/NĐ-CP NGÀY 23/1/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Ngày 23/1/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/1998/NĐ-CP về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong đó có quy định: "Đối với những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà theo quy định phải có Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hành nghề, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động kinh doanh của mình theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại Giấy phép đầu tư, không phải xin Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hành nghề". (Điều 5 NĐ 10/1998 NĐ-CP).

Đối với việc kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hoá thông tin, trong Qui chế lưu hành, kinh doanh phim, bằng đĩa hình, bằng đĩa nhạc; bán, cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nơi công cộng; quảng cáo, viết, đặt biển hiệu ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ có quy định: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh chiếu phim, băng hình, biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ, hát karaokê, các hình thức giải trí khác phải có Giấy phép hành nghề do Sở Văn hoá - Thông tin sở tại cấp. Sau khi có Giấy phép hành nghề phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh và sau khi có đăng ký kinh doanh mới được hoạt động. (Điều 18 và Điều 19 NĐ 87/CP).

Để thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật; căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 58 - Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật ngày 12/11/1996 Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc thẩm định hồ sơ và đăng ký hành nghề đối với các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Doanh nghiệp) kinh doanh các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá như sau:

Điều 1:

Nghi định số 10/1998 NĐ-CP đã quy định văn hoá là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Việc xét cấp Giấy phép đầu tư cho các Doanh nghiệp trong đó có kinh doanh các hoạt động sau đây cần phải có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin:

a) Chiếu phim;

b) Khiêu vũ;

c) Biểu diễn nghệ thuật;

d) Hát karaokê;

d) Quảng cáo;

e) Chụp ảnh, in phóng ảnh;

f) Triển lãm Văn hoá nghệ thuật;

g) Chế bản điện tử, in bao bì, in nhãn hàng;

h) Phát hành xuất bản phẩm;

i) Trò chơi điện tử;

k) Các hình thức vui chơi giải trí khác.

Doanh nghiệp muốn kinh doanh các hoạt động nêu trên, khi xin cấp Giấy phép đầu tư phải ghi rõ trong Hồ sơ dự án các điều kiện để hoạt động đối với từng lĩnh vực cụ thể theo quy định hiện hành.

Bộ Văn hoá - Thông tin thẩm định đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng hoạt động chế bản điện tử, in bao bì, in nhãn hàng chưa phân cấp quản lý cho các Sở Văn hoá - Thông tin vì vậy tất cả các doanh nghiệp muốn kinh doanh chế bản điện tử, in bao bì, in nhãn hàng đều do Bộ Văn hoá - Thông tin thẩm định. Văn bản thẩm định của Bộ Văn hoá - Thông tin đồng gửi Sở Văn hoá - Thông tin nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở.

Sở Văn hoá - Thông tin thẩm định đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Trừ hoạt động chế bản điện tử, in bao bì, in nhãn hàng). Văn bản thẩm định của Sở Văn hoá - Thông tin đồng thời gửi Bộ Văn hoá - Thông tin (Vụ Kế hoạch) để báo cáo.

Thời hạn có văn bản thẩm định quy định tại Điều này không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

Điều 2:

Các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép đầu tư trong đó có ghi rõ ngành nghề nói tại Điều 1 Thông tư này khi hoạt động chỉ cần có văn bản đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin sở tại, không cần phải xin Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép hành nghề như quy định tại Điều 5 Nghị định số 10/1998/NĐ-CP nhưng trong quá trình hoạt động vẫn phải tuân theo các quy định hiện hành đối với từng ngành nghề. Ví dụ: Doanh nghiệp được phép hoạt động khiêu vũ khi mời ca sĩ nước ngoài vào biểu diễn tại vũ trường thì ca sĩ đó phải được Sở Văn hoá - Thông tin cho phép mới được biểu diễn; Doanh nghiệp được phép hoạt động karaokê chỉ được sử dụng các bài hát đã được cơ quan Văn hoá thông tin cho phép.

Văn bản đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin phải ghi rõ:

- Tên doanh nghiệp, tên của chủ kinh doanh;

- Số Giấy phép đầu tư được cấp, cơ quan cấp, thời hạn hoạt động;

- Ngành nghề kinh doanh ghi trong Giấy phép đầu tư;

- Địa điểm hoạt động của ngành nghề kinh doanh đã đăng ký;

Kèm theo văn bản đăng ký phải có bản sao Giấy phép đầu tư.

Điều 3:

Các doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy phép đầu tư nhưng trong giấy phép không ghi rõ được kinh doanh các ngành nghề nói tại Điều 1 Thông tư này, nay muốn kinh doanh các ngành nghề đó phải xin cơ quan cấp giấy phép bổ sung ngành nghề kinh doanh vào Giấy phép đầu tư. Cơ quan cấp giấy phép sẽ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở văn hoá - Thông tin như đã nói tại Điều 1 Thông tư này. Khi kinh doanh ngành nghề được bổ sung, Doanh nghiệp chỉ cần có văn bản đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin như đã nói tại Điều 2 Thông tư này.

Điều 4: Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Lưu Trần Tiêu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08/1998/TT-BVHTT hướng dẫn Nghị định 10/1998/NĐ-CP về biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 08/1998/TT-BVHTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/12/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Lưu Trần Tiêu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản