UỶ BAN | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 07-TT/UB/VT | Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 1967 |
HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN THỐNG NHẤT QUẢN LÝ, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC LOẠI QUE HÀN
Căn cứ Quyết định số 114-TTg/CN ngày 18 tháng 9 năm 1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung 15 loại vật tư kỹ thuật vào bảng danh mục thiết bị, vật tư kỹ thuật do Nhà nước thống nhất quản lý, phân phối, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ra thông tư này để hướng dẫn một số điểm cụ thể về việc quản lý, phân phối và sử dụng các loại que hàn.
1. Phạm vi quản lý và phân phối.
Que hàn dùng trong sản xuất và xây dựng gồm nhiều loại, song căn cứ vào tính chất phổ cập và công dụng của các loại que hàn, việc quản lý và phân phối các loại que hàn quy định như sau:
- Tất cả các loại que hàn thép, kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cân đối và lập kế hoạch trình Chính phủ phân phối cho nhu cầu các ngành và các địa phương. Tổng cục Vật tư có trách nhiệm phân phối cho các bộ, các tổng cục, các ngành, các địa phương theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã được Chính phủ phê chuẩn.
- Tất cả các loại que hàn khác (que hàn đồng, que hàn nhôm, v.v…) do Tổng cục Vật tư cân đối và phân phối cho nhu cầu các ngành và các địa phương.
2. Quan hệ hợp đồng giữa cơ quan cung cấp với cơ quan nhập khẩu và cơ quan sản xuất trong nước.
Các đơn đặt hàng cho cơ quan nhập khẩu và đơn vị sản xuất trong nước do Tổng cục Vật tư lập, theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, là chứng từ có hiệu lực pháp lý để đôi bên cùng thực hiện.
3. Quan hệ hợp đồng giữa cơ quan cung cấp và cơ quan tiêu dùng.
Thi hành đúng tinh thần quyết định số 113-TTg/HĐ ngày 11-9-1965 của Thủ tướng Chính phủ quy định các nguyên tắc về ký kết hợp đồng kinh tế trong tình hình mới.
Bắt đầu từ năm 1967, các bộ, các tổng cục, các ngành, các địa phương có nhu cầu sẽ lập kế hoạch cho đơn vị mình theo đúng tinh thần chỉ thị số 90-TTg ngày 14-9-1963 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư hướng dẫn số 91-UB/VT ngày 14-9-1964 của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước như sau :
- Nhu cầu các loại que hàn thép gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Vật tư;
- Nhu cầu các loại que hàn khác gửi cho Tổng cục Vật tư.
5. Việc cung cấp cho các nhu cầu đột xuất ngoài kế hoạch.
Việc cung cấp cho các nhu cầu đột xuất sẽ thi hành theo chế độ dự trữ vật tư của Nhà nước.
6. Tăng cường việc sản xuất, quản lý và sử dụng vật tư.
Khí hậu nước ta có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng que hàn, vì thế cần bảo quản tốt và sử dụng thật hợp lý các loại que hàn.
Các cơ quan cung cấp chẳng những phải quản lý chặt chẽ kế hoạch cung cấp, đồng thời phải giám sát việc bảo quản, sử dụng các loại que hàn đã cung cấp ra.
Các cơ quan, xí nghiệp sản xuất cần cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất, tăng thêm mặt hàng que hàn mới, nhằm dần dần thay thế và giảm bớt khối lượng que hàn nhập khẩu.
Các cơ quan, các đơn vị sử dụng cần thường xuyên phấn đấu tiết kiệm trong tiêu dùng; phải chấp hành nghiêm chỉnh định mức tiêu dùng; phải bảo quản tốt các loại que hàn, và có nhiệm vụ báo cáo sử dụng, tồn kho cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Vật tư và Tổng cục thống kê.
Tổng cục Vật tư thông tư hướng dẫn quy định cụ thể về sản xuất, quản lý, phân phối, sử dụng và bảo quản các loại que hàn.
Trên đây là những vấn đề chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đề nghị các Bộ, các Tổng cục, các ngành, các địa phương nghiên cứu, phổ biến và hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình để thực hiện.
KT. CHỦ NHIỆM ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC |
Thông tư 07-TT/UB/VT-1967 hướng dẫn thực hiện thống nhất quản lý, phân phối và sử dụng các loại que hàn do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 07-TT/UB/VT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 07/02/1967
- Nơi ban hành: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
- Người ký: Đặng Thi
- Ngày công báo: 28/02/1967
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 22/02/1967
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định