Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THỐNG KÊ-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TỔNG KIỂM TRA CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH TOÀN MIỀN BẮC VÀ ĐIỀU TRA ĐIỂN HÌNH TÌNH HÌNH DÂN SỐ PHÁT TRIỂN NĂM 1960

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính
- Chi Cục thống kê các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vỉnh Linh

Cuộc điều tra dân số tiến hành ngày 01/3/1960 trên toàn miền Bắc đã thu được những thắng lợi rực rỡ, đã cung cấp cho Nhà nước những số liệu chính xác làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, và giúp cho các ngành cơ sở vững chắc để xây dựng và điều chỉnh kịp thời các chủ trương, chính sách và chỉ tiêu công tác. Song song với cuộc điều tra dân số, công tác đăng ký hộ tịch cũng đã được củng cố, và bước đầu đi vào nền nếp. Nhận thức đối với công tác này của cấp lãnh đạo, của cán bộ và của nhân dân đã được nâng cao; việc củng cố tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc đã có những biến chuyển tốt, biểu hiện cụ thể bằng tỷ lệ đăng ký ngày một lên cao.

Muốn đảm bảo thu thập số liệu chính xác về sự biến chuyển dân số sau ngày 01/3/1960, bổ sung đầy đủ và kịp thời các số liệu của cuộc điều tra dân số vừa qua, giúp cho việc tính toán tỷ lệ phát triển dân số hàng năm, công tác hộ tịch, phải đảm bảo đăng ký được 100%, các việc sinh, tử, kết hôn xảy ra trong toàn thể nhân dân ta ở miền Bắc. Nhưng hiện nay, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng, công tác hộ tịch vẫn còn có một số khó khăn cần phải giải quyết, và chưa đạt được yêu cầu nói trên.

Để nắm được tình hình thực tế hiện nay của công tác đăng ký hộ tịch, và có kế hoạch đẩy mạnh công tác đó, đảm bảo đến cuối năm 1961 đăng ký 100% các việc sinh, tử, kết hôn trong toàn thể nhân dân ta ở miền Bắc, Bộ Nội vụ chủ trương tiến hành một cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch vào tháng 3/1961. Đồng thời, để nắm được một cách tương đối chính xác sự phát triển dân số trong một năm, sau ngày 01/3/1960, Tổng cục Thống kê chủ trương tiến hành một cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển, lấy những số liệu thu thập được để tính cho toàn miền Bắc. Nội dung của cuộc điều tra điển hình này có nhiều điểm giống nội dung của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch, cho nên Bộ Nội vụ và Tổng cục Thống kê thống nhất ý kiến về việc kết hợp cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch trên toàn miền Bắc và cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển từ ngày 01/3/1961.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển và cuộc tổng kiểm tra công tác hộ tịch nhằm:

- Tính tỷ lệ dân số phát triển trong năm 1960 (như đã làm năm 1959), trên cơ sở đó, nghiên cứu các quy luật về nhân khẩu, đồng thời giúp cho việc ước tính và điều chỉnh số liệu dân số hàng năm;

- Đánh giá đúng kết quả thực tế của việc củng cố công tác hộ tịch từ đầu năm 1960 đến nay, biểu hiện cụ thể bằng tỷ lệ đăng ký các việc sinh, tử, kết hôn so với thực tế đã xảy ra; mặt khác, nắm được cụ thể những địa phương đã làm tốt công tác hộ tịch, những địa phương còn yếu, thấy rõ nguyên nhân, để có kế hoạch tăng cường giúp đỡ, nhằm đẩy mạnh và toàn diện, đảm bảo đạt được tỷ lệ đăng ký 100% các việc sinh tử, kết hôn xảy ra trong nhân dân trên toàn miền Bắc; trên cơ sở đó, Tổng Cục Thống kê sẽ sử dụng, khai thác các số liệu do công tác đăng ký hộ tịch cung cấp, để tính tỷ lệ dân số phát triển mà sau này, không cần phải tổ chức điều tra điển hình tình hình dân số phát triển nữa.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG

Yêu cầu của cuộc tổng kiểm tra công tác hộ tịch là kiểm tra số việc sinh, tử, kết hôn đã thực tế xảy ra và số việc đã đăng ký trên toàn miền Bắc, nhưng chủ yếu là nắm chắc các xã điển hình, để ước tính rộng ra cho toàn thể các xã khác. Những xã điển hình của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch cũng sẽ là những xã điển hình của cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển; như vậy, việc kết hợp giữa hai công tác đó được chặt chẽ, sự lãnh đạo được tập trung thống nhất, cán bộ hướng dẫn thực hiện đầy đủ.

Diện điển hình của hai công tác này quy định như sau:

1. Vùng thành thị:

- Ở ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng va Nam Định, dân số đông, nên tiến hành điều tra khoảng từ 10% đến 15% nhân khẩu;

- Ở các thị xã lớn, có trên 10.000 dân thì tiến hành điều tra khoảng 50% nhân khẩu;

- Ở các thị xã có dưới 10.000 dân thì tiến hành điều tra cả 100% nhân khẩu.

2. Vùng nông thôn.

Căn cứ theo điều kiện thuận lợi và khó khăn của mỗi nơi mà quy định diện điều tra như sau:

- Ven biển, đồng bằng, trung du, từ 10% đến 15% nhân khẩu;

- Miền núi: Từ 7% đến 10% nhân khẩu (không kể các xã rẻo cao). Riêng đối với vùng rẻo cao, mỗi tỉnh điều tra 1 hay 2 xã, vào khoảng 5% dân số vùng rẻo cao.

Đối tượng của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch là tất cả những hộ người Việt Nam trên toàn miền Bắc đã có những việc sinh, tử, kết hôn xảy ra từ ngày 01/3/1960 đến ngày 01/3/1961. Riêng đối với cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển thì chỉ điều tra trong phạm vi những đơn vị hành chính mà các khu, thành, tỉnh đã chọn làm điển hình, với nội dung như sau:

- Số người đi và đến, có chia ra nam, nữ, để tính dân số bình quân trong thời gian từ 01/3/1960 đến 01/3/1961;

- Số trẻ em mới sinh chia theo nam nữ và từng tháng;

- Số người chết chia theo nam nữ và từng tuổi (đối với trẻ em dưới 1 tuổi, lấy theo tháng);

- Tổng số việc kết hôn xảy ra trong thời gian đó.

III. PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Việc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch phải làm toàn diện nhưng có trọng điểm, thống nhất với các đơn vị được chọn làm điển hình của cuộc điều tra dân số phát triển. Khi tiến hành công tác, cần làm nhanh, gọn, nhưng đảm bảo thu thập số liệu đầy đủ và chính xác, tránh bỏ sót, tránh ghi trùng.

Ở cấp tỉnh, huyện, xã và khu phố, cán bộ hộ tịch và cán bộ thống kê phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tranh thủ sự tham gia giúp đỡ của cán bộ công an và y tế. Phải kết hợp công tác này với công tác tuyên truyền học tập, vận động thực hiện bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới ban hành.

1. Phương pháp điều tra cụ thể:

Cán bộ hộ tịch và cán bộ thống kê làm công tác này ở xã, xóm, khu phố sẽ sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp là chính: cán bộ sẽ dựa vào tài liệu dân số ngày 01/3/1960, các sổ hộ tịch, hộ khẩu, thống kê, sổ chứng sinh của các nhà hộ sinh, trạm xá, sổ tử của các bệnh viện và sự phát hiện của nhân dân trong các buổi học tập điều lệ đăng ký hộ tịch mà hội ý, giúp đỡ cán bộ xã, khu phố kiểm kê từng hộ, từng nhân khẩu, số việc sinh, tử, kết hôn đã thực tế xảy ra và số việc đã đăng ký từ 01/3/1960 đến 01/3/1961. Trường hợp thật cần thiết, ví dụ như có sự bất đồng ý kiến hay có sự việc không rõ ràng, thì mới trực tiếp đến các hộ để xác minh cho đúng; nhưng phải chọn lúc nhân dân nghỉ ngơi, sau khi sản xuất, để không làm mất thời gian sản xuất của nhân dân.

Trong những buổi học tập điều lệ đăng ký hộ tịch mới cho nhân dân do Ủy ban hành chính xã tổ chức và khi đến trực tiếp các hộ để xác minh số liệu,cán bộ kiểm tra cần vận động nhân dân đi đăng ký cho hết các việc sinh, tử, kết hôn đã xảy ra từ 01/3/1960 đến 01/3/1961.

2. Tổng hợp số liệu:

Sau khi đã thống nhất số liệu ở xóm, bản, tổ dân phố, việc tổng hợp số liệu sẽ tiến hành như sau:

- Số liệu của cuộc điều tra điển hình tình hình dân số phát triển sẽ tổng hợp ở hai cấp: xã và tỉnh theo biểu mẫu và sự hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.

- Số liệu của cuộc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch sẽ tổng hợp ở ba cấp: xã, huyên, tỉnh, theo biểu mẫu và sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

IV. TỔ CHỨC VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Tổ chức:

Ở cấp khu, thành, tỉnh, và huyện, châu, quận, Ủy ban hành chính có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện công tác tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch và điều tra điển hình tình hình dân số phát triển này.

a) Trong diện điển hình của 2 công tác này, ở cấp tỉnh, Chi cục Thống kê sẽ phối hợp chặt chẽ với cán bộ hộ tịch đồng cấp trực tiếp phụ trách công tác này, đảm nhiệm các công tác xây dựng kế hoạch, chọn xã điều tra điển hình tổ chức huấn luyện, bố trí cán bộ chỉ đạo điều tra và tổng hợp số liệu.

Tùy theo số đơn vị điều tra điển hình, Ủy ban hành chính cần huy động đủ số cán bộ, để bố trí ở mỗi xã, khu phố, một cán bộ kiểm tra. Số cán bộ này có thể lấy trong số cán bộ hộ tịch, thống kê ở tỉnh, huyện và cán bộ phù động đã tham gia công tác điều tra dân số vừa qua.

Ở cấp xã, khu phố, công tác điều tra do Ban thống kê và cán bộ hộ tịch phụ trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính cơ sở. Cán bộ do tỉnh, huyện phái về có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn các cán bộ xã, xóm, bản, khu phố hiểu rõ mục đích, yêu cầu, kế hoạch và phương pháp điều tra, đồng thời trực tiếp cùng trưởng ban thống kê, cán bộ hộ tịch xã, khu phố tiến hành điều tra, với sự tham gia của cán bộ xóm, thôn, bản, và hợp tác xã (thống kê, công an xóm, trưởng xóm, ban quản trị hợp tác xã, tổ trưởng sản xuất).

b) Ngoài diện điển hình, việc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch sẽ do cán bộ hộ tịch phụ trách với sự tham gia công tác chặt chẽ của cán bộ thống kê.

2. Thời gian tiến hành:

Kế hoạch tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch và điều tra điển hình tình hình dân số phát triển phải gắn liền với kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện điều lệ đăng ký hộ tịch. Các khu, thành phố, tỉnh sẽ tùy điều kiện và hoàn cảnh công tác ở địa phương mà bố trí thực hiện trong tháng 3/1961:

- Ở khu, thành, tỉnh: việc chuẩn bị cho hai công tác này như mở hội nghị, lập kế hoạch tiến hành, chọn các xã điển hình, trưng tập huấn luyện cán bộ điều tra nên tiến hành từ cuối tháng 2/1961 đến ngày 10/3/1961.

- Ở Huyện, Quận, Châu: hội nghị thảo luận 2 công tác tiến hành khoảng từ 10/3 đến 15/3/1961.

- Ở xã, thị trấn, khu phố: hội nghị và tiến hành điều tra từ ngày 16/3/1961 kết hợp với việc tuyên truyền học tập điều lệ đăng ký hộ tịch. Việc điều tra, thu nhập, tổng hợp số liệu kết thúc chậm nhất là ngày 31/3/1961.

Các khu, thành phố, tỉnh tổng hợp gửi báo cáo lên Bộ Nội vụ và Tổng cục Thống kê chậm nhất là ngày 25/4/1961, theo biểu mẫu sẽ gửi sau.

Trên đây là những nét chính về chủ trương và kế hoạch đại cương thực hiện tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch và điều tra điển hình tình hình dân số phát triển năm 1960. Bộ và Tổng cục nhấn mạnh một lần nữa cần phải có sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ giữa ngành hộ tịch và ngành thống kê, không những trong đợt công tác này mà còn mãi về sau nữa, để tạo cơ sở chắc chắn cho việc thống kê dân số thường xuyên và tính toán tỷ lệ phát triển dân số hàng năm.

Các khu, thành phố, tỉnh sẽ dựa vào thông tư này và tùy theo tình hình thực tế mà quy định kế hoạch cụ thể cho địa phương mình.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
TỔNG CỤC PHÓ




Nguyễn Đức Dương

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07-TT/LB năm 1961 về việc tổng kiểm tra công tác đăng ký hộ tịch toàn miền Bắc và điều tra điển hình tình hình dân số phát triển năm 1960 do Bộ Nội vụ-Tổng cục Thống kê ban hành

  • Số hiệu: 07-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/02/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Tô Quang Đẩu, Nguyễn Đức Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản