BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 07-NV | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 1963 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Bộ Nội vụ thống nhất ý kiến với Bộ Lao động về hướng dẫn việc thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học
Công nhân viên chức Nhà nước (kể cả quân nhân chuyển ngành) đủ tiêu chuẩn, được cử đi học bổ túc hay đào tạo đều thuộc đối tượng thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội; cụ thể gồm:
1. Loại được cử đi học các lớp bổ túc chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ…thời gian từ sáu tháng trở xuống đang hưởng sinh hoạt phí bằng 100% lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có) hoặc thời gian trên sáu tháng đang hưởng sinh hoạt phí bằng 95% lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có).
2. Loại được cử đi học các trường đào tạo như đại học, chuyên nghiệp trung cấp, bổ túc văn hóa công nông… đang hưởng sinh hoạt phí bằng 80%, 90%, 95% lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có) hoặc đang hưởng các chế độ sinh hoạt phí khác.
3. Loại được cử đi học các trường, lớp sơ cấp kỹ thuật, nghiệp vụ, đang hưởng sinh hoạt phí bằng 100%, hoặc 95% lương chính và phụ cấp khu vực (nếu có).
Việc thi hành các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học, nói chung cũng giống như đối với các công nhân, viên chức khác của Nhà nước; nhưng do đặc điểm, yêu cầu của học tập và do khi nghỉ việc để đi học, công nhân viên chức Nhà nước chỉ hưởng một khoản sinh hoạt phí nên một số chế độ cần áp dụng cho thích hợp.
1. Công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học, khi ốm đau hoặc bị tai nạn lao động (kể cả trường hợp bị tai nạn rủi ro), phải nghỉ học để điều trị, nói chung vẫn được hưởng nguyên khoản sinh hoạt phí khi đi học.
Trường hợp ốm đau kéo dài thì từ khi được nhà trường hoặc hội đồng giám định y khoa xác định là không còn đủ sức khỏe để theo học mới chuyển sang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Lúc đó, việc tính thời gian ốm để xét mức trợ cấp sẽ tính từ ngày nghỉ vì ốm đau. Ví dụ: một cán bộ được cử đi học bị ốm đi nằm bệnh viện từ ngày 01 tháng 02 năm 1962, đến ngày 01-6-1962 nhà trường mới xác nhận là không còn đủ sức khỏe để theo học, nếu còn ốm, thì từ ngày 01-6-1962 trở đi chuyển sang hưởng trợ cấp ốm đau theo mức trợ cấp từ tháng thứ tư trở đi.
Quy định này áp dụng đối với công nhân, viên chức đi học đang hưởng sinh hoạt phí bằng tỉ lệ % bậc lương; còn công nhân, viên chức đi học đang hưởng sinh hoạt phí bằng 100% bậc lương thì khi ốm đau cũng chỉ trợ cấp bằng 95% bậc lương và phụ cấp (nếu có) trừ trường hợp đã có thời gian công tác liên tục từ 12 năm thì ba tháng đầu được trợ cấp bằng 100% bậc lương và phụ cấp (nếu có).
2. Nhưng tai nạn xảy ra trong thời gian học tập (kể cả thực tập) cũng được xét đề nghị xác định tai nạn lao động theo những quy định chung về việc này.
3. Nữ công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học khi nghỉ để đi khám thai, nghỉ đẻ, nghỉ vì sảy thai được trợ cấp bằng 100% sinh hoạt phí khi đi học.
4. Đối với công nhân, viên chức Nhà nước chết trong thời gian đi học, nếu đủ điều kiện được hưởng chế độ tiền tuất thì được lấy mức lương trước khi đi học để tính trợ cấp tuất.
Ngoài các điểm quy định cụ thể trên đây, các điểm khác đều theo đúng các văn bản về bảo hiểm xã hội áp dụng chung cho công nhân, viên chức Nhà nước.
- Sau khi được xác định không còn đủ sức khỏe để tiếp tục theo học, người công nhân, viên chức được xếp lương theo thang, bảng lương hiện hành như đã quy định ở thông tư liên Bộ Nội vụ - Lao động số 22-TT-LB ngày 11-4-1962 về việc định mức lương cho những công nhân, viên chức vì ốm đau, chưa được xếp lương năm 1960 (nếu trước khi đi học chưa được xếp theo thang bảng lương ấy). Riêng đối với những người đi học hưởng chế độ sinh hoạt phí thống nhất (32đ80) và chế độ sinh hoạt phí của thương binh ở trại, thì không định lại mức lương; còn trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ có quy định sau.
1. Nơi nào trả sinh hoạt phí cho công nhân, viên chức Nhà nước đi học thì nơi ấy chịu trách nhiệm thi hành các chế độ bảo hiểm xã hội đối với họ và trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội cho Tổng công đoàn.
2. Đối với những người không còn đủ sức khỏe để theo học nữa thì cơ quan đã cử đương sự đi học chịu trách nhiệm giải quyết; nếu cơ quan đó đã giải thể thì cơ quan kế thừa nhiệm vụ sẽ giải quyết; nếu không có cơ quan nào kế thừa thì cơ quan có trường chịu trách nhiệm giải quyết.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ký. Đối với những trường hợp đã thi hành trước, nay không đặt vấn đề truy lĩnh, truy hoàn.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 07-NV năm 1963 hướng dẫn điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước được cử đi học do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 07-NV
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/02/1963
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 4
- Ngày hiệu lực: 15/02/1963
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/1995
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực