Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-BYT/TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 1992

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ07-BYT/TT NGÀY 7 THÁNG 5 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 500/BYT-QĐ NGÀY 10/4/1992 CỦA BỘ Y TẾ BAN HÀNH QUI CHẾ "HÀNH NGHỀ DƯỢC TẠI NHÀ THUỐC"

Ngày 10/4/1992, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 500/BYT-QĐ kèm theo Quy chế "Hành nghề dược tại nhà thuốc". Để giúp các địa phương triển khai kịp thời Quy chế trên, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể một số điểm sau đây:

1. Đối tượng áp dụng Quy chế "Hành nghề dược tại nhà thuốc" là những cá nhân xin mở nhà thuốc có mức vốn thấp hơn mức vốn pháp định (70 triệu đồng) được quy định kèm theo Nghị định số 221/HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về cụ thể hoá một số điểm trong Luật doanh nghiệp tư nhân.

2. Địa điểm mở nhà thuốc là một điều kiện quan trọng nhằm đáp ứng những đòi hỏi cần thiết về chuyên môn để đảm bảo chất lượng thuốc, là một nơi riêng biệt (cách biệt) không được bán chung với các nhóm hàng khác (thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm ...); trong các chợ dược sĩ chủ nhà thuốc muốn đặt địa điểm bán thuốc cũng phải đủ điều kiện như quy định của Quy chế. Mặt khác, địa điểm mở nhà thuốc cũng là nơi thể hiện tính đặc biệt của nơi bán thuốc và những người làm nghề thuốc, do vậy tuyệt đối không cấp giấy "Chứng nhận hành nghề dược tư nhân" nếu địa điểm mở nhà thuốc không đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 khoản 1 của Quy chế "Hành nghề dược tư nhân tại nhà thuốc".

3. Người bán thuốc phải có trình độ chuyên môn từ Dược tá trở lên. Những người bán thuốc trước đây do Sở y tế đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ có trình độ bán thuốc nay muốn tiếp tục hành nghề bán thuốc tại nhà thuốc phải được đào tạo lại theo chương trình dược tá.

4. Dược sĩ chủ nhà thuốc có thể xin đổi địa điểm nhà thuốc nhưng chỉ được xin đổi sau 1 năm kể từ ngày cấp giấy "Chứng nhận hành nghề dược tư nhân" hoặc giấy chấp thuận về địa điểm lần trước đó. Trước khi chấp thuận địa điểm mới, Sở Y tế phải kiểm tra và sau đó có văn bản thông báo cho đương sự và báo cho UBND huyện biết để tiện việc kiểm soát.

5. Công đoàn y tế các cấp, hội và chi hội y dược học, trường đại học và trung học Y dược, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể không được mở nhà thuốc tập thể theo quy định của Công văn số 462/CN ngày 12 tháng 2 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh, phòng khám đa khoa nếu có nhu cầu mở nhà thuốc phục vụ thì giao cho khoa Dược cử 1 DSĐH có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Quy chế "Hành nghề dược tại nhà thuốc" đứng tên đăng ký.

- Biển hiệu không được mang tên cơ quan, tập thể, bệnh viện ...

- Không được ép buộc bệnh nhân phải mua thuốc ở nhà thuốc đặt tại bệnh viện.

- Thầy thuốc và nhân viên y tế không được vừa điều trị vừa bán thuốc cho bệnh nhân.

- Nhà thuốc tư tại bệnh viện không được gây cản trở sự hoạt động chuyên môn của hiệu thuốc quốc doanh đặt tại bệnh viện.

6. Các Sở Y tế tổ chức học tập Quy chế "Hành nghề Dược tại nhà thuốc" cho các dược sĩ chủ nhà thuốc, đồng thời hướng dẫn những nhà thuốc đang hoạt động khẩn trương làm lại thủ tục theo quy định. Các Sở Y tế cần thành lập ngay Hội đồng xét cấp giấy "Chứng nhận hành nghề Dược tư nhân" (CNHNDTN) cho các đối tượng có đủ điều kiện trước ngày 30/6/1992 để đương sự có đủ thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo Nghị định 66-HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Những nhà thuốc đang hoạt động nếu xét thấy không đủ điều kiện quy định của Quy chế hành nghề dược tại nhà thuốc phải thu hồi giấy phép hành nghề trước ngày 30/6/1992.

Các nhà thuốc tư nhân có mức vốn lớn hơn 70 triệu đồng bắt buộc phải đăng ký theo Luật doanh nghiệp tư nhân theo Thông tư số 03/BYT-TT ngày 27 tháng 3 năm 1992 của Bộ Y tế.

7. Sở Y tế tổ chức in sẵn và bắt buộc các chủ nhà thuốc mua Quy chế mới ban hành theo Quyết định 500/BYT-QĐ ngày 10/4/1992 và các biểu mẫu kèm theo, làm biển đeo vào áo (card) có dán ảnh 3x4cm. Card có kích thước: dài 8,5cm, rộng 4,5cm nội dung ghi:

- Tên nhà thuốc tư

- Họ và tên

- Chức danh

- Số (theo thứ tự của Sở cấp giấy CNHNDTN).

Card này cho 2 đối tượng: Dược sĩ chủ nhà thuốc và người bán hàng.

8. Sau khi đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận hành nghề dược tư nhân, các Sở Y tế tỉnh, thành phố cần báo cáo về Bộ tình hình và số lượng nhà thuốc tư nhân đã cho phép hành nghề.

Nguyễn Văn Đàn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07-BYT/TT năm 1992 hướng dẫn Quyết định 500/BYT-QĐ 1992 ban hành Quy chế Hành nghề dược tại nhà thuốc do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 07-BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/05/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Văn Đàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản