Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2003/TT-BKH

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2003

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 07/2003/TT- BKH NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN LẬP CÁC DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ

Căn cứ vào Nghị định của Chính phủ số 61/2003/NĐ- CP ngày 06/06/2003 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ vào Nghị định của Chính phủ số 02/2003/NĐ- CP ngày 14/1/2003 về phát triển quản lý chợ.
Thực hiện khoản 2, Điều 14 Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển quản lý chợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập các dự án quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng chợ như sau:

I. NỘI DUNG DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHỢ

1. Quy định về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý dự án quy hoạch phát triển chợ.

Dự án quy hoạch phát triển chợ là một phần của quy hoạch phát triển ngành thương mại trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một bộ phận của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội lãnh thổ.

Các quy định về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển chợ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 07/2003/NĐ- CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ; Thông tư số 05/2003/TT- BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội- lãnh thổ.

2. Nội dung chủ yếu của dự án quy hoạch phát triển chợ.

Căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành thương mại, quy hoạch phát triển chợ của cả nước do Bộ Thương mại ban hành trong từng thời kỳ; căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội lãnh thổ trên địa bàn; việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển chợ được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch; quy hoạch phát triển chợ có thời gian 10 năm trở lên; sau 5 năm quy hoạch chợ phải rà soát, bổ sung.

Trường hợp xuất hiện các nhân tố mới làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được phê duyệt phải tổ chức nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Các nội dung chủ yếu của các dự án quy hoạch phát triển chợ là:

a/ Xác định vị trí, vai trò của ngành thương mại, của hệ thống chợ đối với nền kinh tế quốc dân, đối với vùng lãnh thổ và các mục tiêu phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống chợ.

b/ Phân tích đánh giá thực trạng phát triển và phân bố mạng lưới kinh doanh thương mại, mạng lưới chợ, những tồn tại cần giải quyết.

c/ Phân tích dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố mạng lưới kinh doanh thương mại, mạng lưới chợ trong thời kỳ quy hoạch; phân tích và dự báo yếu tố thị trường và khả năng mở rộng thị trường, tăng năng lực lưu thông và cạnh tranh của hàng hoá tại các chợ; phân tích và dự báo xu thế phát triển chợ trên thế giới và khu vực.

d/ Xác định quan điểm, mục tiêu và luận chứng các phương án phát triển mạng lưới chợ.

e/ Xây dựng các phương án phát triển và tổ chức không gian bao gồm cả mặt đất, mặt nước.

f/ Tính toán các điều kiện chủ yếu đảm bảo mục tiêu quy hoạch được thực hiện (nhu cầu về vốn, thiết bị, vật tư, lao động.....).

g/ Luận chứng phương án phân bổ các chợ theo từng loại chợ trên các vùng lãnh thổ, nhất là đối với các chợ đầu mối trọng điểm cho việc tiêu thụ nông sản hàng hoá cấp khu vực.

h/ Những vấn đề liên quan đến yêu cầu bảo vệ môi trường bền vững tại các địa bàn thực hiện dự án quy hoạch phát triển chợ.

i/ Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách; đề xuất các phương án thực hiện quy hoạch phát triển chợ theo các giai đoạn phát triển (nhất là giai đoạn 5 năm đầu tiên).

3. Quản lý quy hoạch phát triển chợ

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là người chịu trách nhiệm tổ chức lập và quyết định phê duyệt dự án quy hoạch phát triển chợ, làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư xây dựng chợ. Sở Thương mại/ Sở Thương mại và Du lịch các địa phương là cơ quan quản lý và thực hiện các dự án quy hoạch phát triển chợ trên địa bàn.

- Các Bộ chuyên ngành (Bộ Thuỷ sản đối với chợ thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với chợ nông sản.....) có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển các chợ đầu mối, chuyên ngành cấp vùng do Bộ mình quản lý thực hiện.

- Nguồn vốn thực hiên quy hoạch phát triển chợ được sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

II. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN CHỢ

1. Quy định về đầu tư xây dựng chợ

Các quy định về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án đầu tư xây dựng chợ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ- CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn kèm theo.

Việc đấu thầu thực hiện dự án đầu tư chợ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ về Quy chế đấu thầu và các Thông tư hướng dẫn kèm theo.

2. Nguồn vốn đầu tư

a) Ngân sách trung ương hỗ trợ.

- Hỗ trợ xây dựng hạ tầng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm; chợ chuyên doanh ngành nông sản, thuỷ sản cấp khu vực nhằm tiêu thụ hàng hoá ở các vùng sản xuất tập trung về nông, lâm, thuỷ sản.

- Chợ trung tâm cụm xã, chợ ở xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc các chương trình phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, định canh định cư của Nhà nước thực hiện đầu tư lồng ghép từ các chương trình Quốc gia; chương trình phát triển trung tâm cụm xã.

b) Ngân sách địa phương:

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà chợ của các chợ loại I, chợ ở các đô thị lớn theo quy hoạch, đúng vị trí trọng điểm về kinh tế thương mại của các tỉnh, thành phố, làm trung tâm giao lưu hàng hoá và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

- Đầu tư xây dựng các chợ cửa khẩu quốc gia, quốc tế được hưởng các ưu đãi tại Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu biên giới.

c) Doanh nghiệp, cá nhân là chủ đầu tư dự án xây dựng chợ

- Tự bỏ vốn ra thực hiện dự án là chủ yếu; được huy động vốn của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh để xây dựng nhà chợ, các sạp hàng, quầy hàng, hàng rào, sân, công trình vệ sinh, bãi để xe, công trình hạ tầng trong hàng rào và các hạng mục khác;

- Được sử dụng quyền sử dụng đất, mặt nước và các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng theo quy định hiện hành để đầu tư sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp chợ.

3. Chính sách ưu đãi đầu tư.

3.1. Đối tượng áp dụng và điều kiện ưu đãi đầu tư.

Đối tượng và điều kiện được áp dụng hưởng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ được quy định tại Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và các Thông tư hướng dẫn kèm theo.

3.2. Trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư

Trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư đối với dự án xây dựng chợ thực hiện theo Thông tư số 02/1999/TT- BKH ngày 24/9/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyên khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và Nghị định số 35/2002/NĐ- CP ngày 29/3/2002 của Chính phủ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thực hiện các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các chủ dự án thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng cơ bản và hướng dẫn tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện; nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết.

Trương Văn Đoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07/2003/TT-BKH hướng dẫn lập các dự án quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng chợ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 07/2003/TT-BKH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/09/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Trương Văn Đoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 152
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản