Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07 /1998/TT-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 1998

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ

Thi hành pháp lệnh ngày 30/5/1985 của Hội đồng Nhà nước quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc và Nghị định số: 05/HĐBT ngày 9/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thi hành pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước quy định các danh hiệu vinh dự Nhà nước để tặng các thầy thuốc, thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước số 178 CV/CN ngày 25/6/1996 về việc Chủ tịch nước đồng ý xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú cho các dược sĩ công tác tại bệnh viện và trên cơ sở đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm của đợt phong tặng danh hiệu lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba, Bộ Y tế hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG:

1. Các bác sĩ, thầy thuốc y học dân tộc (gọi chung là thầy thuốc) làm công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, khám chữa bệnh. Nghiên cứu y học, quản lý ở tất cả các đơn vị chuyên môn kỹ thuật y tế từ Trung ương đến địa phương và y tế các ngành.

2. Dược sĩ đại học và dược sĩ trung học (gọi chung là dược sĩ) đang công tác tại các bệnh viện.

3. Các thầy thuốc và dược sĩ ở các cơ quan quản lý trong ngành y tế mà trước đó đã có đủ thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế đối với Thầy thuốc và có đủ thời gian công tác tại bệnh viện đối với dược sĩ (cụ thể là: tối thiểu phải đủ 10 năm trong 15 năm công tác đối với Thầy thuốc nhân dân và đủ 7 năm trong 10 năm công tác đối với Thầy thuốc ưu tú).

Các thầy thuốc mà nhiệm vụ chính là làm công tác đào tạo tại các trường y tế không thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu Thầy thuốc mà thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu Nhà giáo.

Mỗi cá nhân chỉ được xét tặng một trong ba danh hiệu vinh dự của Nhà nước (danh hiệu Nghệ sĩ, Nhà giáo, Thầy thuốc)

II. TIÊU CHUẨN:

A. Thầy thuốc nhân dân:

1. Đạo đức:

Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội. Thiết tha yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì người bệnh và sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo lời Bác Hồ dạy "Lương y như từ mẫu". Khiêm tốn học hỏi, trung thực, đoàn kết và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tôn trọng luật pháp. Luôn là tấm gương sáng trong ngành về nếp sống, tác phong và phẩm chất đạo đức.

2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân:

- Đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và các cấp quản lý thừa nhận, đánh giá cao.

- Có nhiều đóng góp lớn xây dựng đơn vị và ngành về các mặt: phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y dược, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao được chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.

- Có công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến hay ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có giá trị về y dược học hiện đại hoặc y dược học cổ truyền dân tộc đã được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Các công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến phải được Hội đồng khoa học cấp Bộ trở lên công nhận, xếp hạng cao.

3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: thực hiện như điều 2 của Nghị định 05/HĐBT ngày 9/1/1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quy định. Đối với dược sĩ, thời gian công tác Dược tại bệnh viện được tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế.

Tóm lại, Thầy thuốc nhân dân là người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức mẫu mực, trong sáng, có tài năng xuất sắc và cống hiến lớn cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thực sự là tấm gương sáng, được đồng nghiệp và nhân dân tin cẩn, kính trọng, có uy tín rộng rãi trong ngành và trong xã hội.

B. Thầy thuốc ưu tú:

1. Đạo đức: (Như thầy thuốc nhân dân).

2. Tài năng và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân:

- Đạt thành tích xuất sắc nhiều năm, nâng cao được chất lượng, hiệu quả công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, được đồng nghiệp và cấp quản lý trực tiếp thừa nhận.

- Có nhiều đóng góp tích cực xây dựng đơn vị và ngành về các mặt:

Phát triển chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật y dược, cải tiến tổ chức quản lý, do đó nâng cao được chất lượng chuyên môn và hiệu quả phục vụ.

Có đề tài nghiên cứu khoa học , sáng kiến , ứng dụng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật hoặc giải pháp hữu ích có giá trị thuộc y dược học hiện đại hay y dược học cổ truyền dân tộc được ứng dụng rộng rãi có hiệu quả thiết thực ở đơn vị, địa phương.

Các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến này phải được Hội đồng khoa học của đơn vị trực thuộc Bộ, của Sở Y tế hoặc bệnh viện tỉnh công nhận, xếp hạng cao.

3. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: Thực hiện như điều 3 của Nghị định O5/HĐBT ngày 9-1-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quy định đối với dựoc sỹ, thời gian công tác Dược tại bệnh viện được tính thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế

Tóm lại, Thầy thuốc ưu tú là người thầy thuốc có phẩm chất đạo đức mẫu mực, trong sáng có tài năng và thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, được bệnh nhân, đồng nghiệp và nhân dân tin tưởng, quý mến.

C. Một số nguyên tắc xét chọn thầy thuốc nhân dân và thầy thuôc ưu tú:

l. Danh hiệu thầy thuốc nhân dân hay thầy thuốc ưu tú chỉ tặng một lần cho mỗi cá nhân: Người đạt danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, qua quá trình phấn đấu có thể được xét tặng danh hiệuThầy thuốc nhân dân nếu đạt tiêu chuẩn. Thời gian tối thiểu để được đưa ra xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân kể từ lúc được tăng danh hiệu thầy thuốc ưu tú là 6 năm.

2. Tiêu chuẩn hàng đầu phải là phẩm chất đạo đức Tài năng nghề nghiệp và quá trình cống hiến cho ngành là tiêu chuẩn rất quan trọng. Tiêu chuẩn về thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế chỉ là tiêu chuẩn để được vào diện xét chứ không phải là tiêu chuẩn quyết định trong việc xét chọn.

Các đơn vị, địa phương cần vận dụngchặt chẽ các tiêu chuẩn để xét chọn được những thầy thuốc có đức, có tài tiêu biểu cho ngành để đề nghị xét tặngdanh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú .

3. Việc xét tặng danh hiệu Thầy thuốc: Phải quan tâm trước hết đối với thầy thuốc trực tiêp làm chuyên môn kỹ thuật y tế: khám chữa bệnh, y học dự phòng, ytế cộng đồng, nghiên cứu khoa học y dược học.

4. Những người đang bị kỷ luật: Không thuộc đối tượng xét chọn danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú .

5. Đối với các thầy thuốc hiện đang công tác ở các cơ quan quản lý y tế thì :

- Thời kỳ trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế phải được bình xét ở cơ sở chuyên môn kỹ thuật theo tiêu chuẩn Thầy thuốc nhân dân hay Thầy thuốc ưu tú.

- Thời kỳ làm công tác quản lý cũng phải phát huycác thành tích đã đạt được đóng góp tích cực xây dựng ngành.

6. Việc xét chọn phải căn cứ vào các tiêu chuẩn là chủ yếu: nhưng cần vận dụng hợp lý đối với cán bộ có quá trình tham gia chống Pháp , chống Mỹ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ít người, cán bộ công tác ở các vùng cao hẻo lánh , cán bộ tại chỗ ( cán bộ cũ tự nguyện ở lại miền Nam sau giải phóng) đã có nhiều đóng góp tích cực và có hiệu quả trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

III. THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ CÁC CẤP ( GỌI TẮT LÀ HỘI ĐỒNG XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC) :

A. Nhiệm vụ và phương thức hoạt đông của hội đồng các cấp:

1. Chỉ đạo và đôn đốc: Việc xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ở các Bộ, đơn vị, địa phương đảm bảo chất lượng, thời gian và theo đúng các văn bản của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế đã quy định.

2. Hội đồng: Có nhiệm vụ xét chọn và đề nghị lên Hội đồng cấp trên danh sách những cá nhân đạt danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú.

3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, tập thể và bầu phiếu kín: Phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng dự họp thì phiên họp mới hợp lệ. Chỉ những cá nhân đạt ít nhất 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số các thành viên Hội đồng mới được đề nghị lên Hội đồng cấp trên xem xét.

B. Thành lập hội đồng các cấp:

1. Hội đồng trung ương:

Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Y tế là chủ tịch Hội đồng Trung ương.

2. Hội đồng cấp Bộ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Có từ 9 đến 15 thành viên do Bộ trưởng ra Quyết định thành lập.

Hội đồng gồm có: Một đồng chí Lãnh đạo Bộ là Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Công đoàn ngành là phó Chủ tịch (nếu Bộ nào không có tổ chức công đoàn ngành dọc thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ là phó chủ tịch), các uỷ viên là Vụ trưởng một số vụ chức năng, đồng chí phụ trách y tế ngành,

Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ, một số Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú (nếu có) hoặc các thầy thuốc và dược sỹ có năng lực và uy tín đại diện cho các hệ nội, ngoại, y học dự phòng...

3. Hội đồng ở các địa phương (Sở y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương).

Mỗi tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thành lập một Hội đồng cấp tỉnh, có từ 9 đến 15 thành viên do Giám đốc Sở Y tế đề nghị và đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra Quyết định thành lập.

Hội đồng gồm có: Đồng chí Giám đốc Sở y tế là chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch công đoàn ngành y tế địa phương là phó chủ tịch, các uỷ viên là:

Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Trưởng phòng nghiệp vụ y và dược của Sở, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Sở, Chủ tịch hội Y học cổ truyền dân tộc của tỉnh, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, các thầy thuốc và dược sĩ có năng lực và uy tín đại diện cho các hệ nội, ngoại, y học dự phòng...

4. Hội đồng ở các đơn vị trực thuộc Bộ.

Có từ 9 đến 15 thành viên do thủ trưởng các đơn vị ra quyết định thành lập.

Hội đồng gồm có: Thủ trưởng đơn vị là Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Công đoàn đơn vị là Phó Chủ tịch, các uỷ viên là: Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Trưởng phòng nghiệp vụ (hay y vụ), một số Thầy thuốc nhân dân , Thầy thuốc ưu tú (nếu có) hoặc các thầy thuốc và dược sĩ có năng lực và uy tín đại diện cho các khoa, phòng trong đơn vị.

Ở tất cả các Hội đồng các cấp, đều thành lập ban (hay tổ) thư ký để giúp việc Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng ra quyết định. Nơi nào không thành lập Hội đồng (cấp huyện, các đơn vị trực thuộc Sở y tế) cũng cần thành lập ban chỉ đạo (gồm Đảng, Chính quyền, Công đoàn, tổ chức cán bộ) để tiến hành việc xét tặng được chu đáo.

IV. QUY TRÌNH XÉT CHỌN DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ:

Bước 1: Chuẩn bị và quán triệt văn bản xét tặng ở cấp cơ sở.

Họp liên tịch Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên để quán triệt văn bản, quyết định kế hoạch triển khai và thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu thầy thuốc ở đơn vị, địa phương.

Giám đốc Sở y tế, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các văn bản: Pháp lệnh ngày 30/5/1985, Nghị định 05/HĐBT ngay 9/1/1987 và Thông tư hướng dẫn xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuôc ưu tú đến toàn thể cán bộ, công nhân viên chức y tế thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.

Bước 2 : Đề cử của quần chúng.

Sau khi đã nghiên cứu, thảo luận để nắm vững các văn bản xét tặng, lãnh đạo đơn vị tổ chức họp cán bộ công nhân viên, đối chiếu các tiêu chuẩn với thành tích từng cá nhân, để đề cử, những người xứng đáng đạt danh hiệu ở đơn vị, địa phương mình.

Từng đơn vị, địa phưong phải lập danh sách những người được đề cử, kèm theo bản tóm tắt thành tích từng người để niêm yết công khai.

Nếu có điều kiện, có thể tổ chức cho những người được đề cử báo cáo thành tích cá nhân trước cán bộ công nhân viên toàn đơn vị.

Bước 3: Bầu phiếu kín trong Hội nghị các thầy thuốc cơ sở.

- Ở các đơn vị trực thuộc Bộ, việc bầu phiếu kín được thực hiện trong toàn đơn vị.

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị bầu được quy định như sau:

Bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa cấp tỉnh.

Văn phòng Sở Y tế kết hợp với các trạm, trung tâm, đơn vị thuộc Sở.

Trung tâm y tế huyện, quận bao gồm cả bệnh viện huyện, quận, các đội và đơn vị thuộc trung tâm y tế, các trạm y tế xã, phường.

Người được tham gia bầu: các thầy thuốc (bác sĩ, y sĩ,thầy thuốc y học dân tộc), dược sĩ và các cán bộ đại học khác cùng đơn vị công tác.

Kết quả bầu phiếu kín chỉ có giá trị khi có trên 2/3 số người được đi bầu tham gia bỏ phiếu. Chỉ những thầy thuốc nào đạt ít nhất 60% số phiếu tín nhiệm của những người đi bầu mới được đề nghị đưa ra xem xét tại Hội đồng cấp cơ sở.

Sau khi kiểm phiếu, ban bầu cử phải niêm yết hoặc thông báo công khai danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm trong toàn đơn vị, địa phương để cán bộ công nhân viên biết và góp ý kiến.

Bước 4: Xét tặng danh hiệu thầy thuốc tại các Hội đồng.

- Tại các Hội đồng cấp cơ sở (Hội đồng cấp tỉnh hoặc Hội đồng ở đơn vị trực thuộc Bộ).

Sau khi nghiên cứu kỹ báo cáo thành tích cá nhân đối chiếu với tiêu chuẩn xét tặng và được nghe ý kiến phản ảnh của quần chúng, của các phòng chức năng, công đoàn, thanh tra, Hội đồng họp thảo luận và bầu phiếu kín.

Danh sách trúng cử phải được niêm yết hoặc thông báo công khai trong toàn đơn vị, địa phương. Sau khi lấy ý kiến quần chúng, Hội đồng họp lần cuối để quyết định lập danh sách đề nghị lên Hội đồng cấp trên.

Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân vàThầy thuốc ưu tú của các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ phải có ý kiến chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sở tại (ký tên, đóng dấu) trước khi gửi lên Hội đồng cấp trên.

- Tại Hội đồng cấp Bộ: Sau khi nghiên cứu danh sách đề nghị của các đơn vị địa phương thuộc Bộ quản lý, Hội đồng họp, thảo luận, xem xét và bầu phiếu kín.

Danh sách những người đạt số phiếu tín nhiệm Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú phải được đưa ra thăm dò trong toàn ngành. Sau khi đã nghe ý kiến phản ảnh của các đơn vị, địa phương, Hội đồng họp lần cuối để quyết định lập danh sách đề nghị lên Hội đồng Trung ương.

V. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÉT TẶNG DANH HIỆU THẦY THUỐC NHÂN DÂN VÀ THẦY THUỐC ƯU TÚ:

A. Hồ sơ cá nhân:

1. Bản thành tích cá nhân (mẫu 1) không quá 3 trang đánh máy, có xác nhận của thủ trưởng trực tiếp (ký tên, đóng dấu) nộp về Bộ 3 bản.

2. Bản thành tích nghiên cứu khoa học, sáng kiến (mẫu 2) có xác nhận của thủ trưởng đơn vị, địa phương (ký tên, đóng dấu) nộp về Bộ 3 bản.

b. Hồ sơ đề nghị của hội đồng cấp dưới:

1. Tờ trình lên Hội đồng cấp trên (mẫu 3)

2. Báo cáo về qui trình xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú của Bộ, ngành, đơn vị, địa phương.

3. Danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú (mẫu 4) nộp về Bộ 3 bản.

4. Quyết định thành lập Hội đồng.

5. Biên bản bầu phiếu của Hội đồng (mẫu 5) nộp về Bộ 3 bản.

6. Biên bản bầu phiếu của quần chúng: nộp về Bộ 3 bản.

VI. THỜI GIAN TIẾN HÀNH:

Để kịp trình Chính phủ và Chủ tịch nước ra quyết định phong tặng danh hiệuTthầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú vào ngày Thầy thuốc Việt Nam, việc xét chọn danh hiệu Thầy thuốc ở các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải đảm bảo thời gian quy định cho từng lần xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân -Thầy thuốc ưu tú.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 09/BYT-TT ngày 30/7/1996.

Nhận được thông tư này, các đơn vị, địa phương, Bộ, ngành phải tổ chức triển khai thực hiện ngay. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Pháp Chế) để kịp thời hướng dẫn cách giải quyết.

Nơi nhận:
- VPQH - VP Chủ tịch nước
- Ban TCCBCP, VPCP ,
- Ban KGTW, Viện TĐKTNN,
- UBND, SYT các tỉnh TP trực thuộc TW
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ thuộc CP
- Các Đ.vị TT, Y tế các ngành
- Các Vụ, Cục, VP, TTra y tế
- UB 10-80, Tổng hội YDHVN
- Hội CTĐ VN, TW Hội YHCTVN
- CĐYTVN, UBQGDS-KHHGĐ
- Lưu PC - Lưu trữ.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Đỗ Nguyễn Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 07 /1998/TT-BYT hướng dẫn xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 07/1998/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/04/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đỗ Nguyễn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản