Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-TC/TCT

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 1993

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06-TC/TCT NGÀY 19 THÁNG 1 NĂM 1993 QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG THUẾ SUẤT THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI THIẾT BỊ TOÀN BỘ, THIẾT BỊ LẺ

Căn cứ Quyết định số 91/TTg ngày 13-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc nhập khẩu thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ bằng vốn ngân sách Nhà nước cấp phát;
Căn cứ vào thẩm quyền quy định tại Điều 3 - quyết định số 359-HĐBT ngày 29-9-1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ngày 31-3-1992;
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, UBKHNN, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc tính và thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với thiết bị toàn bộ và thiết bị lẻ như sau:

Việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với các lô hàng là thiết bị toàn bộ, hoặc thiết bị lẻ không theo nguyên tắc chung của quy định về cách tra cứu Biểu thuế hiện hành mà sẽ theo nguyên tắc áp dụng theo mức thuế suất của máy móc, thiết bị chính trong lô hàng đó.

1. Thiết bị toàn bộ ở đây được hiểu là một tập hợp máy móc, thiết bị thuộc chương 84 hoặc chương 85 của Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 110/HĐBT, để dùng riêng cho một dự án, một công trình có trang bị công nghệ cụ thể, có các thông số kinh tế - kỹ thuật được mô tả và quy định trong thiết kế của dự án, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải nhập về đồng bộ thông qua một hợp đồng cụ thể theo hình thức trọn gói để sử dụng cho dự án, công trình đó với toàn bộ các nội dung cụ thể được coi là hàng hoá thuộc thiết bị toàn bộ quy định tại Quyết định số 91/TTg ngày 13 tháng 11 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp nếu thiết bị toàn bộ của một dự án, một công trình chỉ được thực hiện một phần hay thực hiện từng phần theo các thời gian cụ thể khác nhau mà không nhập đồng bộ trọn gói một lần theo hợp đồng thì đơn vị phải được Bộ Thương mại kiểm tra xác định và chấp thuận bằng văn bản chính thức.

2. Thiết bị của một dây chuyền sản xuất, một tổ máy của một nhà máy, một xưởng sản xuất, chế biến được hiểu là từng thiết bị, máy móc riêng lẻ đã được định hình trong chế tạo và tiêu thụ với những tiêu chuẩn cụ thể bắt buộc để dây chuyền tổ máy đó có thể hoạt động được bình thường và cũng phải nhập đồng bộ trọn gói theo hợp đồng cụ thể để sử dụng cho dây chuyền sản xuất, tổ máy đó.

Trường hợp nhập riêng lẻ từng máy móc, thiết bị của dây chuyền hoặc nhập vượt định mức tiêu chuẩn cần thiết thì không được coi là thiết bị lẻ của dây chuyền, trạm tổ máy và không được áp dụng mức thuế suất theo máy chính của dây chuyền, tổ máy đó mà phải xếp vào chương, nhóm, phân nhóm cụ thể của mặt hàng đó trong Biểu thuế.

3. Đối với các vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, và phương tiện vận tải (như xăng, dầu, sắt, thép, ô tô...), nếu nhập kèm theo thiết bị lẻ của dây chuyền sản xuất, tổ máy thì không được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của máy chính theo nguyên tắc đã nêu ở trên, mà phải xếp vào chương, nhóm, phân nhóm của mặt hàng đó trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu để tính và thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

4. Hồ sơ cần thiết của thiết bị toàn bộ và thiết bị lẻ để cơ quan Hải quan xem xét áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu; thuế nhập khẩu bao gồm:

- Hợp đồng xuất, nhập khẩu của đơn vị ký với nước ngoài có kèm theo danh mục tập hợp các máy móc, thiết bị nhập khẩu của một dự án, một công trình nhà máy cụ thể (trường hợp xuất nhập khẩu uỷ thác thì phải có hợp đồng xuất nhập khẩu uỷ thác), được Bộ Thương mại phê duyệt và đóng dấu xác nhận.

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc nghiên cứu khả thi công việc thiết kế hoặc bản vẽ chi tiết của dây chuyền sản xuất, tổ máy hoặc mô tả cụ thể về dự án, công trình sẽ lắp đặt, dây chuyền sản xuất sẽ vận hành.

- Giấy phép nhập khẩu chuyến do Bộ Thương mại cấp trong đó có ghi rõ lô hàng là thiết bị toàn bộ của dự án, công trình hoặc thiết bị lẻ của dây chuyền sản xuất, tổ máy của một nhà máy, xưởng sản xuất, chế biến cụ thể nào đó.

- Văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại về việc đồng ý cho thực hiện một phần hay từng phần thiết bị toàn bộ (nếu là nhập không đồng bộ trọn gói theo hợp đồng đã ký).

Căn cứ vào các giấy tờ cụ thể nêu trên và hàng hoá thực xuất hoặc thực nhập của đơn vị, cơ quan Hải quan, nơi làm thủ tục xuất, nhập khẩu cho lô hàng sẽ tính và thu thuế xuất nhập khẩu cho từng chuyến hàng cụ thể và mở sổ theo dõi hàng thực xuất, thực nhập của đơn vị.

Sau khi kết thúc hợp đồng xuất nhập khẩu hàng là thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ; đơn vị phải tổng hợp quyết toán và báo cáo quyết toán việc thực nhập hàng với cơ quan Hải quan. Trên cơ sở báo cáo quyết toán của đơn vị và sổ theo dõi hàng thực xuất, thực nhập cơ quan Hải quan sẽ tính thuế xuất, nhập khẩu tương ứng với số lượng hàng mà đơn vị thực xuất hoặc nhập khẩu.

5. Tất cả các máy móc, thiết bị không được coi là thiết bị toàn bộ hoặc thiết bị lẻ như đã nêu ở trên thì phải tính và thu thuế theo đúng chương, nhóm, phân nhóm hàng cụ thể của mặt hàng đó trong biểu thuế. Trường hợp phát hiện những đơn vị tổ chức cá nhân nào có hành vi man khai, lậu thuế hoặc cố tình tính và thu thuế sai sẽ bị xử phạt theo quy định của Điều 20, 21, 22 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội thông qua ngày 26-12-1991.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-1993. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 06-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/01/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản