BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1959 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Trước những thắng lợi về phát triển kinh tế của phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trước những bước nhảy vọt của Trung Quốc, phong trào lao động xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta đang dâng lên một cách mạnh mẽ. Không kể công nhân trong nhà máy đang lao động quên mình, quân đội, cán bộ, học sinh và nhân dân các thành phố, các thị trấn cũng đã hăng hái tham gia sản xuất và kiến thiết xã hội chủ nghĩa theo kế hoạch Nhà nước. Anh chị em đã vận chuyển hàng chục vạn thước khối đất, đá; đã đào mương, đắp đường, xây cống, chế tạo máy móc, sản xuất nông cụ, sản xuất phân bón, v.v…, đóng góp với các ngành một phần quý báu nhằm phục vụ cho quốc kế dân sinh. Bên cạnh những thắng lợi to lớn về vật chất đã đạt được, phong trào lao động xã hội chủ nghĩa còn nhằm mục đích và đã thu được những kết quả sâu rộng trong việc giáo dục cho mọi người ý thức lao động, tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, phong trào vừa nở, việc huy động lại ồ ạt, cán bộ phụ trách ở nhiều nơi không có kinh nghiệm nên cách tổ chức làm việc còn nhiều thiếu sót. Hiện nay ý thức tự bảo vệ khi lao động chưa ăn sâu trong đầu óc mọi người. Trong khi làm việc một số còn đùa nghịch coi thường những nguy hiểm, như để xe bò đầy đất tự lao xuống dốc, cuốc ẩu cả vào chân vào tay người khác, đố nhau sờ vào giây điện xem điện giật thế nào, hoặc cố sán tới gần nơi nổ bộc phá để dòm ngó, do đó đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Một số người khác không chú ý giữ vệ sinh thường thức: đang làm bùn đất tay còn nhơ bẩn cũng cầm quà bánh ăn, chỗ làm việc bụi nhiều cũng không chịu tìm cách che bịt mũi mồm, hoặc ỉa đái lung tung không đúng vào những chỗ quy định. Vì những thiếu sót nói trên, một số anh chị em bị nhiễm trùng đã mắc những bệnh về các bộ máy tiêu hóa và hô hấp.
Kỹ thuật sản xuất ở một số công trường còn thủ công luộm thuộm có nơi đã để anh chị em đào đất theo kiểu hàm ếch khiến đất sụt đè chết người, có nơi không sắm gầu mà cứ để anh chị em vét bùn ở những chỗ có mảnh chai, mùn rác, nhơ bẩn bằng tay không, nên hàng ngày hàng trăm người đã bị mảnh chai mảnh sắt đâm đứt tay khiến có người bị nhiễm trùng uốn ván đã chết. Việc đặt giây điện nhiều nơi cũng làm cẩu thả: giây chăng thấp lại đặt trên những cột tre sơ sài nên hàng ngày đã có người bị điện giật vì đổ cột, hoặc vì va chạm phải giây điện.
Tổ chức vệ sinh phòng bệnh ở một số nơi chưa chu đáo: nước uống và nước rửa sạch sẽ cho anh chị em đều thiếu, không có kế hoạch chống mưa, chống nắng, chống bụi nhất là chống bụi về mùa hanh ở những nơi làm việc có nhiều bụi như bãi rác để bụi bẩn bay lên mù mịt, chưa bố trí đủ cầu tiêu, hố đái hoặc đã bố trí đủ nhưng không có kế hoạch thường xuyên giữ gìn những nơi này được sạch sẽ. Ngay cả việc săn sóc cho những người đau ốm có nơi cũng còn chưa làm được đầy đủ: trạm cứu thương đặt quá ít, thuốc men thiếu, dụng cụ chữa bệnh thiếu và cách làm việc ở một vài nơi còn quan liêu như hàng ngày chưa cử y tá đến tận nơi làm việc để săn sóc băng bó tại chỗ cho những trường hợp có thể làm tại chỗ được.
Tất cả những thiếu sót nói trên đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của anh chị em, trở ngại cho sản xuất và đã ảnh hưởng ít nhiều tới lòng phấn khởi tham gia lao động xã hội chủ nghĩa của các tầng lớp nhân dân.
Để bảo vệ sức lao động, để giữ vững và đẩy mạnh hơn nữa phong trào lao động xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần hết sức chú ý đến công tác bảo hộ lao động, nhất là tại những công trường lớn đang huy động hàng nghìn vạn người để làm những công việc dồn dập và nặng nhọc về đất và đá. Công tác nói trên chủ yếu có những việc sau đây:
1. TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC ĐỂ NÂNG CAO Ý THỨC BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LÀM VIỆC
Muốn làm tốt công tác bảo hộ lao động thì tuyên truyền giáo dục là một việc hết sức cần thiết. Trong đà phấn khởi thi đua sản xuất, trong lúc đang say mê với công việc, anh chị em cũng dễ quên nhãng việc đề phòng tai nạn lao động. Mặt khác nhiều tai nạn đã xảy ra do anh chị em không biết cách làm việc an toàn hay cũng nhiều khi do đã coi thường nguy hiểm của công việc, không chấp hành nghiêm chỉnh những nội quy của công trường. Những tai nạn nói trên có thể tránh được nếu việc tuyên truyền giáo dục trong anh chị em được sâu rộng và thường xuyên liên tục. Đôi nơi đã chú ý làm việc này tại công trường; như vậy chưa đủ mà cần phải tiến hành tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo hộ lao động, phổ biến kinh nghiệm đề phòng tai nạn lao động cho anh chị em ngay tại các cơ quan, các trường học, các khu phố, trong buổi tổ chức để huy động nhân lực ra công trường, nhằm mục đích chuẩn bị tốt về tư tưởng cho mọi người trước khi bắt tay vào lao động.
Sau mỗi buổi hoặc mỗi đợt làm ngắn ngày cần tổ chức để từng tổ, từng nhóm có thể kiểm điểm về mặt thực hiện an toàn lao động, kịp thời rút ra những kinh nghiệm nhằm làm cho công tác bảo hộ lao động thu được kết quả tốt. Việc này có thể kết hợp với kiểm điểm thực hiện mức đã ấn định.
Việc tuyên dương những thành tích về sản xuất không nên tách rời với tuyên dương những thành tích về bảo hộ lao động. Có nhận xét để khen thưởng trên cả hai mặt mới động viên được mọi người khi thi đua sản xuất cũng phải tích cực thi đua để thực hiện an toàn lao động; nhưng cũng cần tránh lệch lạc như khi tuyên truyền quá nhấn mạnh về nguy hiểm chết người làm anh chị em sợ sệt, ảnh hưởng đến nhiệt tình lao động, hoặc như quá nặng về an toàn để ảnh hưởng tới sản xuất, không đúng với phương châm: an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Để thực hiện an toàn lao động cần làm những việc sau đây:
a) Bố trí hợp lý nhân lực: Nguồn nhân lực làm lao động xã hội chủ nghĩa thường gồm cả nam giới, nữ giới, trong đó lại chia ra nhiều hạng: già, trẻ (có khi có cả các em dưới 16 tuổi), người khỏe, người yếu, người quen lao động, người chưa quen lao động. Nếu ta không bố trí công việc cho thích hợp với từng loại người thời không những ta không tận dụng được khả năng của người khỏe mà có khi còn làm ảnh hưởng không tốt đến sức lực của một số em nhỏ, của một số người tương đối yếu không thích hợp với những công việc nặng nhọc như ngâm mình dưới nước bốc bùn, khuân vác những vật nặng v.v…
b) Áp dụng một giờ giấc làm việc thích hợp: Những công trường sử dụng nhân lực làm lao động xã hội chủ nghĩa thường cách xa nơi ở của anh chị em, việc tập hợp anh chị em mỗi người ở mỗi ngả để đưa đến nơi làm việc thường lềnh kềnh mất nhiều thì giờ, mặt khác công việc ở công trường thường là làm về bùn đất dễ nhơ bẩn ướt át cần phải tắm rửa sau mỗi buổi làm, vì vậy cần nghiên cứu để anh chị em có một giờ giấc làm việc thích hợp, ví dụ có thể giảm bớt thời gian nghỉ vào buổi trưa để anh chị em đến làm muộn một chút vào buổi sáng và về sớm hơn một chút vào buổi chiều v.v… Kết hợp với việc trên cần giáo dục ý thức không để giờ chết, người nọ phải chờ đợi người kia quá lâu, tập trung và làm việc đúng giờ. Như thế sẽ tránh được tình trạng đi quá sớm về quá muộn, ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt hàng ngày và đến sức khỏe của anh chị em (nhất là trong những ngày giá lạnh về mùa đông).
c) Đề phòng tai nạn lao động: Ngoài việc anh chị em sẽ được tuyên truyền giáo dục nhiều về ý thức bảo hộ lao động từ cơ quan, trường học, khu phố trước khi tới công trường, ngay tại công trường, hàng ngày, cũng cần phải nhắc nhở anh chị em cách thức đề phòng tai nạn lao động. Công trường phải lo sắm cho anh chị em những phương tiện cần thiết để làm việc được an toàn, sửa chữa những đường đi lại cho bằng phẳng thuận tiện, cào nhặt sắt vụn, mảnh chai trên những lối đi, rào chắn và đặt biển báo ở những nơi nguy hiểm như thùng vôi, giếng sâu, bảng cắt điện v.v… Có làm được, như vậy số tai nạn lao động mới giảm bớt và kết quả về phương diện sản xuất mới được nâng cao.
d) Kỹ thuật sản xuất phải đảm bảo an toàn lao động: Các công trường cần kiểm tra lại xem kỹ thuật sản xuất của mình có đảm bảo an toàn không. Cố gắng nghiên cứu cải tiến phương pháp và phương tiện làm việc để giảm nhẹ sức lao động như dùng xe thô sơ để vận tải thay gánh bằng vai, dùng cầu lao thay vác đất v.v… Như vậy ngoài việc hạn chế được số người mắc bệnh tật hoặc tai nạn còn nâng cao được hiệu suất công tác của mọi người, thực hiện được tốt những kế hoạch đã đề ra.
e) Vệ sinh phòng bệnh: Việc tổ chức vệ sinh phòng bệnh ở nhưng nơi càng tập trung đông người càng cần thiết và càng cần phải chu đáo hơn. Nếu không săn sóc cứu chữa kịp thời cho những người đau ốm không những sức khỏe của những anh chị em đó bị giảm sút mà còn làm cho những anh chị em khác sẽ kém tin tưởng vào sự săn sóc về mặt này của công trường, rụt rè trong lao động, kém phấn khởi trong công tác. Ngược lại, một tổ chức vệ sinh phòng bệnh chu đáo, ngoài việc bảo vệ được sức khỏe cho anh chị em sẽ có tác dụng tốt đối với mọi người về phương diện tư tưởng, tạo ra được một luồng dư luận phấn khởi trong quần chúng, củng cố và đẩy mạnh được phong trào tham gia lao động xã hội chủ nghĩa. Nó sẽ làm cho mọi người thấy được tính chất tốt đẹp và lành mạnh của các công trường lao động xã hội chủ nghĩa trong việc rèn luyện con người và bảo vệ con người.
Để lãnh đạo chặt chẽ công tác bảo hộ lao động trên các công trường lao động xã hội chủ nghĩa, Ủy ban Hành chính các địa phương sẽ đặt trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo sản xuất phải phụ trách an toàn lao động, sẽ chỉ thị và giao trách nhiệm cho mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ quan trực thuộc thi hành tốt thông tư này. Giữa những bộ phận huy động và sử dụng nhân lực cần có một sự phối hợp chặt chẽ để có kế hoạch ăn khớp giáo dục kịp thời cho mọi người về ý thức bảo vệ lao động và thực hiện an toàn lao động trên các công trường. Giữa Ban chỉ huy công trường cần có phân công rõ rệt để có người chịu trách nhiệm thực sự về công tác này mà nội dung cụ thể là tuyên truyền giáo dục ý thức bảo hộ lao động, sử dụng cán bộ kỹ thuật của công trường để nghiên cứu những biện pháp đề phòng tai nạn lao động, giảm nhẹ sức lao động và đôn đốc thi hành những biện pháp về vệ sinh phòng bệnh.
Các cơ quan Lao động cần tăng cường công tác kiểm tra giúp các công trường những kế hoạch thực hiện cần thiết, thường xuyên tập hợp tình hình thi hành bảo hộ lao động ở các công trường để kịp thời uốn nắn những đơn vị có thiếu sót, báo cáo với Ủy ban hành chính địa phương để giúp đỡ giải quyết cho công trường những khó khăn của họ khi thực hiện bảo đảm an toàn lao động, báo cáo với Bộ những khó khăn mắc mứu mà địa phương không giải quyết được và góp ý kiến để Bộ nghiên cứu giải quyết.
Trong quá trình thi hành văn bản này các cơ quan Lao động địa phương còn cần kịp thời rút ra những kinh nghiệm tốt để phổ biến cho các đơn vị trong địa phương nhằm làm cho công tác bảo hộ lao động trên các công trường lao động xã hội chủ nghĩa thu được nhiều kết quả.
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Thông tư 18-LĐ-TT-1964 hướng dẫn biện pháp đề phòng tai nạn lao động về mắt đối với công nhân cơ khí do Bộ Lao động ban hành
- 2Thông tư 15-LĐ/TT năm 1958 về việc đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp tư doanh do Bộ Lao Động ban hành
- 3Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Chỉ thị 13/1998/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 70-CT về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo hộ lao động do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Thông tư 18-LĐ-TT-1964 hướng dẫn biện pháp đề phòng tai nạn lao động về mắt đối với công nhân cơ khí do Bộ Lao động ban hành
- 2Thông tư 15-LĐ/TT năm 1958 về việc đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động ở các xí nghiệp tư doanh do Bộ Lao Động ban hành
- 3Thông tư 3871-CN năm 1958 về việc tăng cường công tác bảo hộ lao động do Phủ Thủ tướng ban hành
- 4Chỉ thị 13/1998/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 70-CT về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo hộ lao động do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 06-LĐ/TT năm 1959 về tăng cường công tác bảo hộ lao động trên các công trường lao động Xã hội chủ nghĩa do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 06-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/02/1959
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: 11/03/1959
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 10/03/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định