Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 1973 |
Thực hiện Thông tư số 436-TTg ngày 13/9/1958 của Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, các Sở, Ty lao động và Bộ Lao động đã tích cực xét và giải quyết các vụ khiếu tố về lao động tiền lương nên đã góp phần đáng kể vào việc hòa giải những tranh chấp trong quan hệ lao động, đã giúp sửa chữa những sai sót của các ngành, các cấp trong việc chấp hành chính sách, chế độ lao động. Do đó nhiều quyền lợi chính đáng của quần chúng lao động đã được giải quyết, quần chúng thêm tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và Chính Phủ, yên tâm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu công tác.
Tuy vậy, việc phân cấp trách nhiệm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về lao động tiền lương giữa Bộ Lao động với các địa phương chưa được quy định rõ, có vụ Bộ giao về địa phương giải quyết thì địa phương cho rằng không đủ thẩm quyền và chuyển trả lại Bộ, ngược lại có vụ địa phương nên chuyển cho Bộ giải quyết thì lại giữ lại để giải quyết. Vì vậy, việc giải quyết có nhiều vụ thường bị chậm trễ. Mặt khác, hiện nay ở trung ương Bộ Lao động phụ trách xét và giải quyết đơn khiếu tố về lao động tiền lương của công nhân, viên chức và quần chúng lao động gồm cả hai khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp trong khi đó ở các địa phương các Sở, Ty lao động vẫn giữ nguyên trách nhiệm như các năm trước và chỉ phụ trách khu vực sản xuất. Như vậy cũng làm cho việc theo dõi chỉ đạo công tác này của Bộ và Ủy ban thêm khó khăn và không kịp thời.
Để khắc phục tồn tại nói trên và nhằm đưa công tác xét giải quyết đơn khiếu tố về lao động tiền lương đi dần vào nề nếp, quy củ, căn cứ nhiệm vụ quyền hạn được Hội đồng Chính phủ quy định tại Nghị định số 187-CP ngày 20/12/1962; Nghị quyết số 29-CP tháng 1/1968 của Hội đồng Chính phủ quy định phân cấp về quản lý kinh tế cho cấp tỉnh, thành phố; Thông tư số 436-TTg ngày 13/9/1958 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm quyền hạn và tổ chức của các cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các loại thư khiếu nại, tố giác của nhân dân, Thông tư số 60-UB/TTr ngày 22/5/1972 của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ hướng dẫn trách nhiệm xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, Bộ Lao động ra Thông tư này quy định việc phân cấp trách nhiệm giữa Bộ Lao động với Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét và giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc chính sách chế độ lao động tiền lương của Nhà nước.
1. Theo quy định hiện hành của Chính phủ, đơn khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan nào, cấp nào, ngành nào thì cơ quan ấy, cấp ấy, ngành ấy xét và giải quyết, nhưng Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm xét, kết luận và ra những quyết định giải quyết những vụ khiếu tố mà nơi xẩy ra tranh chấp không tự giải quyết được.
2. Bộ Lao động chỉ xét những trường hợp không thuộc thẩm quyền của các địa phương và những trường hợp chính quyền của địa phương đã có quyết định giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại.
II. PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ
Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ sử dụng đầy đủ chức năng của các Sở, Ty lao động tiền hành những việc:
a) Hướng dẫn giải quyết khiếu tố ở địa phương:
- Phối hợp với các đoàn thể quần chúng để hướng dẫn, giáo dục công nhân, viên chức trong địa phương (kể cả các cơ sở sản xuất kinh doanh của trung ương) thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm khiếu tố của mình, thấy rõ mục đích ý nghĩa của việc khiếu tố, xác định thái độ khiếu tố đúng đắn và thông hiểu thủ tục khiếu tố.
- Hường dẫn các ngành, các cấp, các cơ sở kinh doanh (kể cả các cơ sở kinh doanh của trung ương) giải quyết nhanh chóng các đơn khiếu tố về lao động tiền lương của công nhân, nhân viên và quần chúng lao động.
- Thống nhất việc giải quyết đơn khiếu tố về lao động tiền lương của công nhân, viên chức cả hai khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp vào Sở, Ty lao động giúp Ủy ban theo dõi giải quyết.
b) Trách nhiệm về xét và giải quyết trực tiếp:
- Những vụ mà các đơn vị cơ quan, xí nghiệp... và các Sở, Ty chủ quản đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại.
- Những vụ xẩy ra ở các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc trung ương quản lý nhưng nội bộ các đơn vị đó không tự giải quyết được.
- Những vụ đó các cơ quan của trung ương Đảng, Chính phủ Ủy ban thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành ở trung ương chuyển về (trong những vụ này có vụ Ủy ban có thể giao cho một cơ quan nào đó giải quyết. Ví dụ: thuộc ngành công nghiệp ở địa phương thì giao cho Sở, Ty công nghiệp... Nhưng Ủy ban phải theo dõi giúp đỡ và báo cáo cho các cơ quan trên biết kết qủa giải quyết).
- Xét giải quyết những phát sinh trong cơ quan Ủy ban và cơ quan của Sở, Ty lao động.
2. Trách nhiệm xét và giải quyết đơn khiếu tố của Bộ Lao động.
a) Trách nhiệm chung về hướng dẫn giải quyết khiếu tố về lao động tiền lương:
- Thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ và đôn đốc các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, các Sở, Ty lao động, các ngành ở trung ương giải quyết tốt đơn khiếu tố về lao động tiền lương của công nhân, viên chức và quần chúng lao động (kể cả việc giải quyết số đơn Bộ chuyển cho các địa phương và các ngành).
- Qua công tác xét, giải quyết đơn khiếu tố, rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm giúp các địa phương và các ngành ở trung ương thực hiện tốt công tác này.
- Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những quy định cần thiết nhằm từng bước đưa công tác xét, giải quyết đơn khiếu tố về lao động tiền lương vào nề nếp.
b) Trách nhiệm về xét và giải quyết trực tiếp:
- Những vụ Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại.
- Những vụ xẩy ra ở các cơ quan Bộ, ngành trung ương mà nội bộ cơ quan đã giải quyết nhưng đương sự chưa thỏa mãn vẫn gửi đơn đến Bộ Lao động khiếu nại.
- Những vụ do các cơ quan của trung ương Đảng, Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội,v.v... chuyển đến (những vụ này hoặc Bộ để lại trực tiếp giải quyết hoặc Bộ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng Bộ phải theo dõi kết qủa và báo cáo cho các cơ quan trên biết).
- Những vụ tùy thuộc quyền của địa phương nhưng xét thấy sự việc xẩy ra có tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong việc vi phạm chính sách, chế độ lao động tiền lương thì Bộ sẽ trực tiếp hoặc cùng với địa phương nơi có vụ khiếu xét và giải quyết.
- Những vụ xẩy ra ở cơ quan Bộ.
Tất cả năm trường hợp trên sau khi Bộ đã có ý kiến giải quyết nhưng một trong hai bên đương sự vẫn chưa thông còn khiếu nại thì Bộ sẽ chuyển sang Ủy ban Thanh tra của Chính phủ hoặc trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
III. MỘT SỐ THỦ TỤC XÉT ĐƠN KHIẾU TỐ VỀ LAO ĐỘNG TIỀN LƯƠNG
Để việc xét, giải quyết khiếu tố được nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi chính đáng của quần chúng, các đơn khiếu tố phải được nghiên cứu kỹ và phân loại. Đơn có nhiều loại khác nhau:
- Loại khiếu nại và loại tố cáo phải chú ý giải quyết loại khiếu nại trước vì quyền lợi của quần chúng bị thiệt thòi. Trong các đơn khiếu nại phải chú trọng nghiên cứu giải quyết trước những vụ mà quyền lợi của người đi khiếu đang bị vi phạm nghiêm trọng; phải hết sức quan tâm xét và giải quyết nhanh, tốt cho những người có đơn khiếu tố là thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có chồng, con đang ở các chiến trường, gia đình có công với cách mạng trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, những người là anh hùng lao động chiến sĩ thi đua...
- Loại khiếu nại và tố cáo không thuộc trách nhiệm cấp mình hoặc cơ quan mình trực tiếp giải quyết thì chuyển ngay cho cơ quan có trách nhiệm đối với vụ khiếu ấy xét, giải quyết, đồng thời báo cho đương sự được biết.
Những vụ cơ quan có trách nhiệm phải trực tiếp giải quyết thì phải lập hồ sơ vụ khiếu. Hồ sơ vụ khiếu gồm có: đơn khiếu tố, các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến vụ khiếu, lời khai của người hiểu biết sự việc hoặc tang vật (nếu có), v.v... Hồ sơ vụ khiếu phải rõ ràng, chính xác để giúp cho sự chứng minh được chặt chẽ.
3. Thời gian giải quyết đơn khiếu tố.
Những đơn không thuộc trách nhiệm giải quyết của cấp mình hoặc cơ quan mình thì phải chuyển ngay cho cơ quan có trách nhiệm giải quyết không để chậm quá 10 ngày. Những đơn thuộc trách nhiệm của cấp mình hoặc cơ quan mình giải quyết thì phải có kế hoạch giải quyết chu đáo. Thời hạn trực tiếp giải quyết một đơn khiếu nại (một vụ) không quá 3 tháng (kể từ khi đơn đã được phân loại). Nếu đơn đã để quá 6 tháng phải xếp vào loại ứ đọng, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm giải quyết các đơn ấy và phải tập trung khả năng thanh toán trong một thời gian nhất định. Cứ 6 tháng một lần các địa phương có một báo cáo số đơn ứ đọng gửi về Bộ nói rõ lý do bị ứ đọng chưa xét, giải quyết được.
Trên đây Bộ nêu một số nguyên tác và quy định việc phân cấp cụ thể trách nhiệm xét và giải quyết các đơn khiếu tố về lao động tiền lương nhằm tăng cường hiệu lực của việc giải quyết khiếu tố phục vụ quần chúng lao động. Quá trình thực hiện nếu có chỗ nào còn mắc mứu, yêu cầu Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, các Sở, Ty lao động phản ảnh về Bộ để Bộ nghiên cứu bổ sung được kịp thời.
| K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
- 1Nghị định 187-CP năm 1963 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 436-TTg năm 1958 quy định trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các loại thư khiếu nại, tố giác (gọi tắt là thư khiếu tố) của nhân dân do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 3Nghị quyết số 29-CP về vị trí kinh tế của cấp tỉnh, thành phố và những nguyên tắc, nội dung chính của việc phân cấp quản lý kinh tế cho cấp ấy do Hội đồng Chính phủ ban hành
Thông tư 06-LĐ/TT-1973 về việc phân cấp trách nhiệm trong việc xét và giải quyết các vụ khiếu tố thuộc chính sách, chế độ lao động tiền lương của Nhà nước do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 06-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/06/1973
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Bùi Quỳ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 30/06/1973
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra