Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2014/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2014

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HỆ CHÍNH QUY BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 09/2012/TT-BGDĐT NGÀY 05 THÁNG 3 NĂM 2012 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TẠI THÔNG TƯ SỐ 24/2012/TT-BGDĐT NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 2012, THÔNG TƯ SỐ 03/2013/TT-BGDĐT NGÀY 20 THÁNG 2 NĂM 2013, THÔNG TƯ SỐ 21/2013/TT-GDĐT NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM 2013, THÔNG TƯ SỐ 24/2013/TT-BGDĐT NGÀY 04 THÁNG 7 NĂM 2013 VÀ THÔNG TƯ SỐ 28/2013/TT-GDĐT NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 2013 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 24/2012/TT-GDĐT ngày 29 tháng 6 năm 2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 2 năm 2013, Thông tư số 21/2013/TT-GDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2013, Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 7 năm 2013 và Thông tư số 28/2013/TT-GDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 6 năm 2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 2 năm 2013, Thông tư số 21/2013/TT-GDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2013, Thông tư số 24/2013/TT-GDĐT ngày 04 tháng 7 năm 2013 và Thông tư số 28/2013/TT-GDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:

1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 2. Tổ chức tuyển sinh

1. Hằng năm, các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức một đến hai lần tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Bộ GD&ĐT) quy định cụ thể thời gian tuyển sinh.

2. Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

3. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định sau đây:

a) Xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung quy định tại Phụ lục kèm theo và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 2a của Thông tư này; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh tại khoản 2 Điều này;

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh;

b) Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác;

c) Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định;

d) Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành;

đ) Thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quảsau khi kết thúc kỳ tuyển sinh theo quy định của Quy chế này.

4. Đối với các trường tổ chức tuyển sinh theo kỳ thi chung:

a) Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường;

b) Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học và trường cao đẳng (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng các trường) sử dụng đề thi chung của Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển;

c) Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu: các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT; các môn năng khiếu do các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi và chấm thi.

5. Các trường không tổ chức thi tuyển sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.”

2. Bổ sung Điều 2a sau Điều 2 như sau:

Điều 2a. Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng

1. Đề án tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

b) Hình thức, nội dung tuyển sinh phải phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình giáo dục phổ thông; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh;

c) Các tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển rõ ràng;

d) Được dư luận đồng tình ủng hộ.

2. Bộ GD&ĐT tiếp nhận và công bố nội dung dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường trên trang thông tin điện tử của Báo Giáo dục và Thời đại và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác để xã hội góp ý hoàn thiện đề án.

Trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày trường nộp đề án tự chủ tuyển sinh hợp lệ, Bộ GD&ĐT tạo xác nhận bằng văn bản đề án tự chủ tuyển sinh của trường đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và công bố các đề án tự chủ tuyển sinh đã được xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định.

3. Trách nhiệm của các trường tổ chức tuyển sinh riêng:

a) Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi;

b) Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch;

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi (nếu có) diễn ra an toàn, nghiêm túc;

d) Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát;

đ) Công khai kết quả tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.”

3. Khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Hoạt động thanh tra tuyển sinh thực hiện theo quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) chỉ đạo thanh tra Bộ, thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Chánh thanh tra Sở GD&ĐT ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra độc lập để tiến hành thanh tra tuyển sinh theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra.”

4. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung đối tượng 01 như sau:

“- Đối tượng 01: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015”.

b) Sửa đổi, bổ sung đối tượng “Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên” thuộc đối tượng 03 như sau:

“+ Quân nhân, công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định;”

c) Bổ sung đối tượng sau đây vào đối tượng 04:

“+ Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên;”

d) Sửa đổi đối tượng “Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học” thuộc đối tượng 04 như sau:

“+ Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng;”

5. Bổ sung đối tượng ưu tiên sau vào đối tượng 05 tại điểm b khoản 1 Điều 7:

“+ Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở.”

6. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại điểm b khoản 1 Điều 7 như sau:

a) Đối tượng 06 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“+ Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở ngoài khu vực đã quy định thuộc nhóm ưu tiên 1;

+ Con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động dưới 81%;

+ Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%;

+ Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

+ Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Con của người có công giúp đỡ cách mạng.”

b) Bổ sung đối tượng sau đây vào đối tượng 07:

“+ Người khuyết tật nặng;”

7. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 7 như sau:

“e) Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải;

Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, đã tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển thẳng vào cao đẳng theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức, nếu chưa tốt nghiệp trung học được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học.”

8. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 7 như sau:

“a) Đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong Hội thi khoa học kĩ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức và đã tốt nghiệp trung học, sau khi thi tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy đủ số môn quy định theo đề thi chung, có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho vào học.”

9. Bổ sung nội dung sau vào điểm b khoản 4 Điều 7:

“- Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 được quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 nếu học trung học tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có các xã trên;”

10. Gạch đầu dòng thứ nhất và gạch đầu dòng thứ ba của điểm c khoản 4 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“- Khu vực 1 (KV1) gồm:

Các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành.

- Khu vực 2 (KV2) gồm:

Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc KV1).”

11. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu của điểm b khoản 1 Điều 8 như sau:

“b) Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp.”

12. Sửa đổi tên Điều 8 và sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi tên Điều 8 như sau:

"Điều 8. “Thủ tục đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển"

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 8 như sau:

"a) Hồ sơ ĐKDT gồm có:

- Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2.

- Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường).

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có). Những thí sinh là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng, giấy chứng nhận để hưởng ưu tiên, gồm: bản sao hợp lệ Quyết định trợ cấp, phụ cấp đối với người có công của cơ quan có thẩm quyền;

- Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi và giấy báo trúng tuyển.

- Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ theo yêu cầu của trường tổ chức tuyển sinh riêng;”

13. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 7 Điều 22 như sau:

“đ) In 3 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp thí sinh để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.”

14. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 2 Điều 33 như sau:

a) Nguyên tắc chung

- Các trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, sau khi trừ số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường Dự bị đại học được phân về trường); căn cứ vào thống kê điểm do máy tính cung cấp đối với các đối tượng và khu vực dự thi; căn cứ vào quy định về khung điểm ưu tiên và vùng tuyển; căn cứ tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, ban Thư ký trình HĐTS trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển;

- Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành đào tạo tương ứng với các khối thi.

b) Quy định cụ thể

- Căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo;

- Sau khi công bố phương án điểm trúng tuyển, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển), gửi các sở GD&ĐT giấy triệu tập đối với thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh (có đóng dấu đỏ của trường) đối với tất cả các thí sinh còn lại, kể cả thí sinh thi năng khiếu để các sở GD&ĐT chuyển cho thí sinh;

- Đối với thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi, trường tổ chức thi có nhiệm vụ: in và gửi giấy báo dự thi, tổ chức thi, chấm thi. Trước ngày 10/8 hằng năm, trường tổ chức thi in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường và dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để các trường này xét tuyển. Trường không tổ chức thi gửi Giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, Giấy chứng nhận kết quả thi cho sở GD&ĐT, để các sở GD&ĐT gửi cho thí sinh;

- Những trường có ngành năng khiếu, nếu không tổ chức thi vào những ngành này, được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi vào ngành đó tại trường khác có thi môn văn hóa theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.”

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 35 như sau:

“2. Trên cơ sở đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 tháng 10 hàng năm đối với trường đại học và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường cao đẳng.”

16. Sửa đổi, bổ sung đoạn 1 của khoản 1, khoản 3 Điều 40 như sau:

“1. Người tham gia công tác tuyển sinh có hành vi vi phạm quy chế (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi tuyển sinh), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định tại Luật viên chức, Luật cán bộ, công chức và các văn bản quy định về xử lý kỷ luật viên chức, công chức và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục;

3. Việc xử lý những cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên cơ hữu của các trường ngoài công lập không phải là công chức, viên chức vi phạm Quy chế Tuyển sinh, do Hiệu trưởng quyết định xử lý theo quy định của luật lao động và Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

17. Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 Điều 40 như sau:

“h) Cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi sau đây:

- Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường;

- Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định;

- Tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành;

- Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu.”

Điều 2. Bãi bỏ quy định của ý thứ 2, 3 và 4 tại điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 04/7/2013; điểm e khoản 7 Điều 22 của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 4 năm 2014.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội; (Để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (Để báo cáo)
- Uỷ ban VHGD TNTNNĐ của QH; (Để báo cáo)
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục; (Để báo cáo)
- Ban Tuyên giáo Trung ương; (Để báo cáo)
- Bộ trưởng (Để báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Như Điều 4;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

PHỤ LỤC

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN TUYỂN SINH RIÊNG
(Kèm theo Thông tư số: 06/2014/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 03 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đề án tuyển sinh của trường bao gồm các nội dung sau:

I. Mục đích và nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh

1. Mục đích

2. Nguyên tắc

II. Phương án tuyển sinh

1. Phương thức tuyển sinh

Các trường có thể lựa chọn và quyết định phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Đối với mỗi phương thức tuyển sinh lựa chọn cần làm rõ:

a) Tiêu chí xét tuyển;

b) Lịch tuyển sinh của trường;

c) Phương thức đăng ký của thí sinh;

d) Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh: vận dụng quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy để xây dựng các mức ưu tiên;

e) Lệ phí tuyển sinh: thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Phân tích ưu, nhược điểm của phương án tuyển sinh

a) Sự phù hợp của phương thức tuyển sinh với đặc thù các ngành đào tạo của trường và với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

b) Các yếu tố đảm bảo chất lượng, sự công bằng của phương thức tuyển sinh đề xuất.

c) Thuận lợi, khó khăn của nhà trường, học sinh khi trường triển khai phương án tuyển sinh;

d) Các hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh khi triển khai phương ántuyển sinh và các giải pháp chống tiêu cực.

3. Điều kiện thực hiện phương án tuyển sinh.

a) Điều kiện về con người;

b) Cơ sở vật chất.

III. Tổ chức thực hiện

a) Nội dung công việc cần thực hiện trong quy trình tổ chức thi - tuyển sinh tương ứng với phương thức tuyển sinh lựa chọn:

Trong từng công việc cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện.

b) Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện công tác tuyển sinh;

c) Công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan,...

d) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trước, trong và sau khi kết thúc tuyển sinh theo quy định.

e) Sự phối hợp và hỗ trợ của các ban, ngành địa phương trong các khâu của công tác tuyển sinh.

IV. Lộ trình và cam kết của trường

V. Phụ lục của đề án

a) Dự thảo Quy chế tuyển sinh riêng của trường; các văn bản hướng dẫn;

b) Kết quả tuyển sinh của trường 5 năm qua;

c) Các ngành, chuyên ngành và trình độ đào tạo của trường;

d) Danh mục các nguồn lực (cơ sở vật chất và đội ngũ) để thực hiện đề án.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/2014/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy kèm theo Thông tư 09/2012/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 06/2014/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/03/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Bùi Văn Ga
  • Ngày công báo: 28/03/2014
  • Số công báo: Từ số 403 đến số 404
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 13/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản