- 1Quyết định 2156/QĐ-NHNN năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)
- 2Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/1997/TT-NHNN17 | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1997 |
Ngày 29-4-1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/CP về Điều lệ mẫu Quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:
Thông tư này áp dụng đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (viết tắt QTDND) được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xác tín dụng và công ty tài chính.
Mô hình QTDND được tổ chức và hoạt động trên tinh thần tương trợ, liên kết chặt chẽ, vì vậy các quỹ có thể thống nhất sử dụng một biểu tượng chung, thể hiện sức mạnh của hệ thống QTDND.
QTDND được thành lập và hoạt động chủ yếu trên địa bàn phường, xã. Ngoài ra còn có các trường hợp sau:
- QTDND được tổ chức theo liên xã, liên phường là các xã, phường liền kề với xã, phường nơi đặt trụ sở chính trong cùng một huyện, quận, thị xã và phải được UBND những xã, phường đó có văn bản nhất trí.
- QTDND tổ chức theo ngành nghề phải do các tổ chức kinh tế hoặc nghiệp đoàn ngành nghề được pháp luật công nhận, đứng ra tổ chức trong từng loại ngành nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- QTDND doanh nghiệp chỉ được tổ chức trong từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
QTDND được thành lập ở những nơi có đủ những điều kiện sau:
a. Có khả năng huy động vốn để đáp ứng các nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
b. Có yêu cầu của quần chúng và được chính quyền địa phương hoặc tập thể lãnh đạo của doanh nghiệp, nghiệp đoàn ngành nghề nhất trí.
c. Có nguồn cán bộ đủ trình độ và khả năng thực hiện các nghiệp vụ về hoạt động Ngân hàng.
d. Có phương tiện thông tin, liên lạc thuận lợi.
e. Có trụ sở giao dịch phù hợp với hoạt động Ngân hàng.
II. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH
1. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cấp và thu hồi giấy phép hoạt động của các QTDND trên địa bàn quản lý của Chi nhánh. Đối với các QTD đô thị, QTD ngành nghề, QTD doanh nghiệp lớn cần có văn bản cho phép thành lập của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trước khi cấp giấy phép hoạt động.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép.
Trường hợp từ chối cấp giấy phép hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích rõ lý do. QTDND có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, khi thấy lý do từ chối cấp giấy phép hoạt động không thoả đáng.
2. Điều kiện để QTDND được cấp giấy phép hoạt động:
a. Được thành lập ở địa bàn có đủ các điều kiện theo quy định.
b. Đăng ký vốn góp tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định.
c. Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc điều hành phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định.
d. Điều lệ tổ chức hoạt động phải phù hợp với Điều lệ mẫu QTDND được Chính phủ ban hành và các văn bản pháp luật có liên quan.
e. Có phương án hoạt động khả thi.
3. Trình tự cấp giấy phép hoạt động:
Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của các QTDND, nếu đủ các điều kiện theo quy định thì tiến hành ra các quyết định:
- Quyết định chuẩn y danh sách các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành của QTDND.
- Quyết định xác nhận cho phép áp dụng Điều lệ của QTDND.
- Quyết định cấp giấy phép hoạt động cho QTDND.
- Cấp giấy phép hoạt động cho QTDND.
4. Thời hạn đăng ký kinh doanh và khai trương hoạt động:
Chậm nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động, QTDND phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và khai trương hoạt động.
5. Khai trương hoạt động:
a. QTDND muốn khai trương hoạt động phải được cấp giấy phép hoạt động, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có trụ sở giao dịch và cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu hoạt động Ngân hàng.
b. Gửi số vốn pháp định bằng tiền vào tài khoản phong toả mở tại Ngân hàng Nhà nước trước khi khai trương hoạt động tối thiểu 30 ngày. Số vốn này chỉ được giải toả sau khi QTDND khai trương hoạt động.
c. Trước khi khai trương hoạt động ít nhất 15 ngày, QTDND phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương tại địa bàn hoạt động trong 3 ngày liên tục. 6. Thu hồi giấy phép hoạt động:
6.1. QTDND có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động trong những trường hợp sau:
a. Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động có những thông tin cố tình làm sai sự thật.
b. Giải thể tự nguyện.
c. Buộc phải giải thể.
d. Bị tuyên bố phá sản.
e. Chia tách hoặc hợp nhất.
6.2. QTDND chấm dứt hoạt động sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động.
6.3. Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động được Ngân hàng Nhà nước công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
7. Thay đổi nội dung giấy phép, điều lệ:
QTDND phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản và đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khi cần thay đổi:
- Tên của QTDND;
- Bổ sung nội dung điều lệ;
- Mức vốn điều lệ;
- Địa điểm đặt trụ sở chính;
- Nội dung, phạm vi hoạt động.
III. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
1. Huy động vốn:
QTDND được phép huy động vốn dưới các hình thức sau:
a. Nhận tiền gửi: QTDND được nhận tiền gửi của cá nhân, tổ chức dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác theo giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.
b. Vay vốn: QTDND được vay vốn của QTDND Khu vực, QTDND Trung ương, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác và Ngân hàng Nhà nước (nếu có).
2. Cho vay vốn:
- QTDND được cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn đối với các thành viên theo quy định của thể lệ tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
- Các tổ chức và cá nhân lãnh đạo trên địa bàn, dù là thành viên cũng không được phép vay vốn của QTDND quá mức quy định của pháp luật. - Các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành (cùng bố, mẹ, vợ, chồng, con) không được phép giành quyền ưu đãi hơn các thành viên khác khi vay vốn của QTDND.
- Các QTDND không được cho vay và gửi vốn lẫn nhau dưới mọi hình thức.
3. Mở điểm giao dịch trên địa bàn hoạt động:
Các QTDND chỉ được mở điểm giao dịch trên địa bàn hoạt động; đối với các QTD ngành nghề, QTD doanh nghiệp chỉ được mở điểm giao dịch sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
IV. THÀNH VIÊN QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
Khi thành lập QTDND cần có ít nhất 9 thành viên sáng lập. Thành viên sáng lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân có uy tín, năng lực tài chính.
a. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cư trú hợp pháp trên địa bàn hoạt động của QTDND.
b. Đại diện hộ gia đình là chủ hộ hoặc người được uỷ quyền, có đủ tiêu chuẩn là thành viên QTDND.
c. Tổ chức kinh tế, xã hội có trụ sở chính trên địa bàn hoạt động của QTDND nếu tham gia làm thành viên phải cử người đại diện hợp pháp.
Người được uỷ quyền không được uỷ quyền tiếp cho người khác.
Người không còn là đại diện cho pháp nhân đương nhiên không còn là đại diện tại QTDND.
a. Thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết: Mỗi thành viên là một phiếu bầu, không phụ thuộc vào số lượng vốn góp.
b. Thành viên được ra QTDND trong các trường hợp sau:
- Di chuyển nơi cư trú khỏi địa bàn hoạt động của Quỹ;
- Đã chuyển nhượng hết vốn góp cho thành viên khác;
- Thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó giải thể hoặc phá sản;
- Thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó chia tách hoặc hợp nhất mà tổ chức mới không có nhu cầu gia nhập QTDND;
- Thành viên gặp khó khăn đột xuất như: ốm nặng, thiên tai, hoả hoạn, sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Thành viên xin ra QTDND phải có đơn gửi trước 1 tháng để HĐQT xem xét và quyết định.
4. Chấm dứt tư cách thành viên:
Khi chấm dứt tư cách thành viên:
- Thành viên phải thực hiện xong các nghĩa vụ kinh tế đối với QTDND như: Nợ vay của QTDND (bao gồm cả gốc và lãi), các khoản tổn thất phải bồi hoàn, các khoản lỗ trong kinh doanh của QTDND mà thành viên cùng gánh chịu theo quyết định của Đại hội thành viên.
- Thành viên được trả lại vốn góp (vốn xác lập, vốn thường xuyên) theo kết quả năm tài chính của QTDND.
- Thành viên được hưởng các quyền lợi thuộc quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quyết định của Đại hội thành viên.
V. QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH VÀ KIỂM SOÁT
1. Chủ tịch và thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc QTDND đều phải được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y có đủ tiêu chuẩn quản trị và Điều hành hoạt động của QTDND.
2. Những người không được bầu là thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Đã từng bị kết án vì các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và công dân, nhận hối lộ, đưa hối lộ và các tội phạm kinh tế khác;
- Đã từng là thành viên HĐQT, Giám đốc của một công ty phá sản; một tổ chức kinh tế bị đình chỉ hoạt động do vi phạm nghiêm trọng pháp luật;
- Công chức Nhà nước bị buộc thôi việc;
- Người bị tước quyền công dân.
3. Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT không được uỷ quyền trách nhiệm của mình cho những người không phải là thành viên HĐQT.
4. Kiểm soát viên:
a. Điều lệ QTDND có thể quy định kiểm soát viên giám định các chứng từ theo ngày, tuần, kỳ hoặc tháng.
b. Các kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm về phần hành công việc được giao và các chứng từ đã được mình giám định.
c. Quyền lợi của kiểm soát viên do Đại hội thành viên quyết định trên cơ sở công sức đóng góp của kiểm soát viên vào quá trình hoạt động kinh doanh của QTDND.
5. Điều hành QTDND:
a. Điều hành QTDND là Giám đốc do Đại hội thành viên bầu trong số thành viên HĐQT. Đại hội thành viên có thể nghị quyết giao quyền cho HĐQT thay thế, miễn nhiệm Giám đốc trong các trường hợp cần thiết phải thay đổi giữa hai nhiệm kỳ. Trường hợp thay thế Giám đốc không phải là thành viên HĐQT, thì trong khi chờ đến Đại hội thành viên gần nhất để bầu bổ sung vào HĐQT, người được thay thế đó chỉ là quyền Giám đốc.
b. Tiêu chuẩn của Giám đốc:
- Phải là người đã qua đào tạo nghiệp vụ Ngân hàng hoặc Tài chính, Kế toán;
- Không vi phạm 1 trong 4 khoản được quy định tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã Tín dụng và công ty Tài chính;
- Không kiêm nhiệm bất cứ chức vụ nào tại các tổ chức Tín dụng khác, không được đồng thời là người điều hành, kế toán trưởng của các tổ chức kinh tế khác;
- Phải là thành viên có góp vốn thường xuyên vào QTDND.
6. Ban tín dụng:
a. Hội đồng quản trị có thể lựa chọn trong số thành viên của QTDND một thành viên có uy tín, năng lực, trình độ để tham gia thành viên Ban tín dụng.
b. Nguyên tắc hoạt động của Ban tín dụng:
- Ban tín dụng xem xét và quyết định các món cho vay ngoài thẩm quyền của Giám đốc theo đúng thể lệ tín dụng Ngân hàng Nhà nước quy định. Ban tín dụng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
- Mỗi lần họp Ban tín dụng phải có biên bản ghi rõ ý kiến của từng thành viên trong Ban và được lưu giữ riêng theo chế độ bảo quản số sách, chứng từ.
- Các thành viên trong Ban tín dụng phải chịu trách nhiệm vật chất về những khoản đã đồng ý duyệt cho vay, nhưng không thu hồi được do nguyên nhân chủ quan. Nếu thành viên không đồng ý cho vay, được bảo lưu ý kiến và người đó không chịu trách nhiệm vật chất.
VI. TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
1. Việc sử dụng các quỹ của QTDND do Đại hội thành viên quyết định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trên nguyên tắc:
- Không được dùng quỹ dự trữ chung, quỹ bù đắp rủi ro, quỹ phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, quỹ khấu hao cơ bản tài sản cố định để chia cho thành viên dưới bất kỳ hình thức nào.
- Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi là quỹ chung của thành viên, dùng để thưởng cho các thành viên và các nhân viên của QTDND tuỳ theo công lao xây dựng tập thể, ngoài ra cần giành phần đóng góp vào phúc lợi xã hội chung.
2. Phân phối lợi nhuận:
a. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, lợi nhuận còn lại được phân phối:
- Trả bù các khoản lỗ năm trước (nếu có);
- Trích lập quỹ dự trữ chung, quỹ phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, quỹ khen thưởng và phúc lợi;
- Chia lãi vốn góp của thành viên;
- Trích nộp các khoản khác theo điều lệ của Liên minh QTDND (nếu có).
b. Việc phân phối lãi do Đại hội thành viên quyết định theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phải đảm bảo kết hợp hài hoà lợi ích của thành viên và sự phát triển của QTDND.
3. Xử lý lỗ do nguyên nhân khách quan:
a. Lỗ của năm tài chính do Đại hội thành viên quyết định theo hướng:
- Trích từ quỹ dự trữ chung để bù đắp;
- Trích từ vốn góp của thành viên;
- Chuyển sang năm tài chính sau.
b. Lỗ của năm tài chính trước chuyển sang, QTDND có thể dùng lãi của kỳ quyết toán sau để bù.
VII. HỢP NHẤT, CHIA TÁCH, GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN
1. Hợp nhất, chia tách QTDND:
Thủ tục hợp nhất, chia tách thực hiện theo Điều 45 Luật Hợp tác xã. Để đảm bảo chính xác về tài sản, tiền vốn thể hiện trên bản quyết toán tài sản của QTDND đến thời điểm hợp nhất, chia tách. Ban trù bị về hợp nhất, chia tách phải tổ chức kiểm kê, đối chiếu với thực tế các loại tài sản, tiền vốn trước khi xây dựng phương án hợp nhất, chia tách trình Đại hội thành viên.
2. Giải thể Quỹ tín dụng nhân dân:
QTDND giải thể tự nguyện khi bên Tài sản Có đủ bù đắp cho bên Tài sản Nợ.
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
2. Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ quản lý các tổ chức tín dụng nhân dân, thủ trưởng các đơn vị khác có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai và hướng dẫn các QTDND thực hiện thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để hướng dẫn và giải quyết.
Lê Đức Thuý (Đã ký) |
- 1Quyết định 2156/QĐ-NHNN năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)
- 2Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1Quyết định 2156/QĐ-NHNN năm 2012 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)
- 2Quyết định 211/QĐ-NHNN năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ hệ thống hóa 2014-2018
Thông tư 06/1997/TT-NHNN17 hướng dẫn thi hành Điều lệ mẫu Quỹ tín dụng nhân dân kèm theo Nghị định 42/CP-1997 do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 06/1997/TT-NHNN17
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 25/10/1997
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Lê Đức Thuý
- Ngày công báo: 10/01/1998
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 09/11/1997
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực