Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1997/GD-ĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1997

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 06-GD/ĐT NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1252/GD-ĐT NGÀY 11/4/1997 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ

Ngày 11/4/1997 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1252/GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thi và xét tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học chuyên ban và trung học cơ sở từ kỳ thi tốt nghiệp năm học 1996-1997.

Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể sau:

1. VỀ THỜI GIAN LÀM BÀI THI:

Từ năm học 1996-1997, thời gian làm bài thi (không kể thời gian giao đề) của mỗi môn quy định như sau:

1.1. Thi tốt nghiệp trung học cơ sở:

- Môn Văn - Tiếng Việt và môn Toán: 120 phút;

- Các môn còn lại: 60 phút;

1.2. Thi tốt nghiệp phổ thông trung học:

- Môn Văn và môn Toán: 150 phút;

- Các môn còn lại: 90 phút;

1.3. Thi tốt nghiệp trung học chuyên ban:

- Ban Khoa học tự nhiên và Ban khoa học tự nhiên - kỹ thuật:

+ Môn Toán: 150 phút;

+ Các môn còn lại: 90 phút;

- Ban khoa học xã hội:

+ Môn Văn: 150 phút;

+ Các môn còn lại: 90 phút;

2. VỀ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG COI THI:

2.1. Lập các Hội đồng coi thi liên trường: Mỗi Hội đồng thi gồm thí sinh của ít nhất 2 trường PTTH hoặc THCS. Xếp tên thí sinh toàn Hội đồng theo thứ tự a, b, c... Mỗi phòng thi không quá 25 thí sinh. ở những nơi quá khó khăn như hải đảo, vùng cao, vùng sâu... Sở GD-ĐT báo UBND tỉnh để UBND đề nghị và khi được Bộ chấp nhận mới thực hiện việc không thi theo Hội đồng thi liên trường.

Sở GD-ĐT được quyền xem xét và giải quyết các đề nghị về việc không thi theo Hội đồng thi liên trường của các UBND huyện, quận đối với kì thi cấp THCS.

2.2. Tất cả các Hội đồng coi thi (kể cả HĐ thi không liên trường): Chủ tịch, một nửa số Phó chủ tịch và thư ký, tất cả giám thị là người của trường không có học sinh thi tại Hội đồng, được cấp trên điều động đến (đối với các hội đồng quá nhỏ, chỉ bố trí 1 Phó chủ tịch và 1 thư ký thì Phó chủ tịch là người của trường sở tại). Phó chủ tịch thuộc trường sở tại chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ dự thi của học sinh và tiến hành các công việc chuẩn bị thi (chia phòng thi, lập danh sách học sinh dự thi và bảng ghi tên ghi điểm,...) để bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng coi thi. Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và xác nhận tư cách dự thi của thí sinh.

3. VỀ TỔ CHỨC CHẤM THI:

3.1. Lập Hội đồng: mỗi tỉnh, thành phố (đối với thi PTTH, THCB); mỗi quận, huyện (đối với THCS) lập một Hội đồng chấm thi. Tuỳ theo số lượng các bài thi, Sở GD-ĐT quy định và bố trí số cặp giám khảo để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ.

3.2. Để hai giám khảo chấm độc lập một bài thi cần thực hiện các quy định sau:

a. Bài thi đã rọc phách, xếp thành tập 50 bài, kèm theo tờ ghi điểm của người chấm thi. Tổ trưởng giao tập bài cho từng giám khảo.

b. Giám khảo chấm bằng bút đỏ. Điểm bài làm và nhận xét (nếu có) chỉ được ghi vào tờ ghi điểm. Trên bài thi của thí sinh có thể đánh dấu bên lề hoặc gạch dưới những chỗ đáng chú ý. Tuyệt đối không chữa, thêm bớt vào bài làm của thí sinh. Chấm xong tập bài giám khảo nộp cho tổ trưởng để bàn giao cho thư ký.

c. Tập bài thi sau khi đủ hai giám khảo chấm, được thư ký giao lại cho tổ trưởng để hai giám khảo đã cùng chấm tập bài thi xem xét, thống nhất điểm số và ghi điểm vào từng bài thi:

- Nếu thống nhất: ghi lại điểm bằng số và bằng chữ vào khung quy định và kí tên

- Nếu chưa thống nhất: Cùng xem lại, tập trung trao đổi những phần bài chưa thống nhất điểm; nếu cần đề nghị tổ trưởng cùng bàn bạc để đạt được đạt điểm thống nhất.

- Nếu điểm vẫn không thống nhất được: ghi ý kiến từng người vào biên bản để báo cáo Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch căn cứ vào biên bản, tham khảo ý kiếm Phó chủ tịch phụ trách bộ môn và quyết định điểm số bài thi. Trường hợp này cần ghi vào biên bản Hội đồng và thông báo trong cuộc họp tổng kết chấm thi.

4. VỀ TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP PTTH, THCB LẦN THỨ 2:

Để tạo thêm cơ hội tốt nghiệp cho học sinh, từ năm học 1996-1997, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp PTTH, THCB lần thứ 2 cho từng năm học.

4.1 Đối tượng, điều kiện và thủ tục dự thi:

- Học sinh đã dự thi lần thứ 1 nhưng chưa tốt nghiệp và các học sinh gặp sự cố đột xuất khiến không thể dự thi lần thứ 1.

- Học sinh không đủ điều kiện dự thi lần thứ 1, nay muốn thi lần thứ 2, phải đăng ký và được Sở GD-ĐT xem xét giải quyết như các trường hợp năm trước về thi lại.

- Chậm nhất 30 ngày trước ngày thi, học sinh phải đăng ký dự thi với Sở GD-ĐT hoặc tại trường PTTH, THCB được Sở uỷ nhiệm.

4.2 Thời gian thi - Môn thi và số môn thi:

- Ngày thi lần thứ 2 do Bộ quy định và công bố trong biên chế năm học.

- Môn thi và thời gian thi từng môn ở kỳ thi lần thứ 2, như kỳ thi lần 1 của năm học đó. Học sinh chưa tốt nghiệp kỳ thi lần thứ 1 chỉ phải thi các môn có điểm dưới trung bình. Điểm thi lại cùng với điểm các môn trên trung bình được bảo lưu là căn cứ để xét tốt nghiệp kỳ hai.

4.3. Tổ chức hội đồng thi:

Tuỳ theo số lượng học sinh đăng ký dự thi và điều kiện ở từng địa phương, Sở GT-ĐT quyết định tổ chức một hoặc nhiều Hội đồng thi.

4.4. Các quy định về bố trí phòng thi, về coi thi, chấm thi, về tiêu chuẩn tốt nghiệp, xếp loại tốt nghiệp... của kỳ thi lần thứ 2 thực hiện như kỳ thi lần thứ 1.

5. VỀ KHIẾU NẠI ĐIỂM BÀI THI:

Từ kỳ thi năm học 1996-1997, việc giải quyết khiếu nại điểm số bài thi thực hiện theo các quy định sau:

5.1. Học sinh được khiếu nại điểm bài thi nếu điểm thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn đó từ ba điểm trở lên. Mỗi học sinh chỉ được khiếu nại điểm một bài thi.

5.2. Bài thi khiếu nại được làm lại phách sao cho 2 giám khảo chấm lại cho điểm độc lập với chấm lần đầu.

5.3. Nếu điểm chấm lại chênh với điểm chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, phải tổ chức đối thoại giữa cặp chấm lại với cặp chấm lần đầu, điểm mới thống nhất được lấy thay thế điểm cũ để xét tốt nghiệp. Nếu điểm chấm lại chỉ chênh 0,5 điểm thì giữ nguyên điểm chấm lần đầu.

5.4. Các trường hợp thay đổi điểm dẫn đến thay đổi kết quả tốt nghiệp (từ hỏng thành đỗ hay ngược lại), thay đổi xếp loại tốt nghiệp (từ loại khá thành loại giỏi hay ngược lại) Phòng GD-ĐT (đối với thi tốt nghiệp THCS) hoặc Sở GD-ĐT (đối với thi tốt nghiệp PTTH) phải lập danh sách báo cáo Sở (thi tốt nghiệp THCS) hoặc báo cáo Bộ (thi tốt nghiệp PTTH) chuẩn y mới được công bố. Bài chấm lại các trường hợp trên phải bảo quản riêng để cấp trên kiểm tra khi cần thiết.

6. VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT (BỔ SUNG QUY ĐỊNH SAU):

Nếu thí sinh nhờ người khác thi hộ hoặc làm hộ bài thi, Hội đồng coi thi, tổ bộ môn chấm thi hoặc Sở GD-ĐT đã kiểm tra xác minh đúng sự việc trên thì xử lý như sau:

- Đối với thí sinh:

+ Nếu đang thi: đình chỉ không cho thi tiếp các môn còn lại, huỷ kết quả thi;

+ Nếu đã thi xong: Huỷ kết quả thi hoặc thu hồi nếu đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp;

- Đối với người thi hộ hoặc làm bài hộ:

+ Nếu còn đi học: Thông báo cho nhà trường đang học (phổ thông hoặc cao đẳng, đại học...) để áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm.

+ Nếu đã thôi học: Chuyển cho chính quyền hoặc công an để xử lý hành chính.

Các Sở GD-ĐT cần nắm vững các quy định sửa đổi tại Quyết định số 1252/GD-ĐT ngày 11/4/1997 và các điều bổ sung nêu trên để thực hiện từ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, THCB và THCS năm học 1996-1997. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện những vấn đề mới, Sở GD-ĐT làm văn bản báo cáo để Bộ biết và có biện pháp xử lý thống nhất.

Trần Hồng Quân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06/1997/GD-ĐT thực hiện Quyết định 1252/GD-ĐT-1997 về sửa đổi quy định về thi và xét tốt nghiệp Phổ thông trung học, Trung học chuyên ban và Tung học cơ sở do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 06/1997/GD-ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/04/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản