BỘ NÔNG LÂM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 05-NL/TCCB | Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 1960 |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỨC LƯƠNG CÔNG NHÂN VIÊN XÍ NGHIỆP NGƯ NGHIỆP
Kính gửi: | - Ông Giám đốc Vụ Ngư nghiệp, |
Bộ đã có quyết định thành lập các xí nghiệp quốc doanh đánh cá Lạch bằng, Cửa hội, Nhật lệ. Để công việc của xí nghiệp tiến hành được tốt, căn cứ các chế độ lao động và chính sách tiền lương hiện hành và tình hình sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên xí nghiệp ngư nghiệp hiện nay, Bộ ra thông tư này tạm thời quy định mức lương cho công nhân viên các xí nghiệp ngư nghiệp nhằm mục đích cải thiện đời sống công nhân viên bước đầu từ liên đoàn hợp tác xã sản xuất chuyển sang xí nghiệp quốc doanh, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm chủ nhân xí nghiệp, ra sức học tập trau dồi nghề nghiệp phấn khởi thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước đã giao phó.
I. QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC MỨC LƯƠNG VÀ ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LƯƠNG
Tất cả công nhân viên được sắp xếp vào biên chế của xí nghiệp ngư nghiệp được hưởng mức lương tạm thời sau đây:
Đối với công nhân viên trực tiếp sản xuất:
1. Công nhân viên thuyền đánh cá thủ công, vận tải bằng ca nô hoặc thuyền buồm kể cả công nhân, thuyền trưởng, thuyền phó, đội trưởng, đội phó hưởng các mức lương: 40đ00, 43đ35, 48đ45, 56đ10.
- Công nhân viên thuyền đánh cá lắp máy hưởng mức lương (kể cả thuyền trưởng): 40đ00, 43đ35, 48đ45, 56đ10, 63đ73.
- Ngoài mức lương trên, công nhân viên trực tiếp làm việc ngoài biển mỗi ngày đêm được hưởng một khoản phụ cấp 1đ00 nếu đi ra ngoài khơi, 7 hào nếu đi động, 5 hào nếu làm ven bờ và vận tải đường sông.
2. Đối với công nhân viên chế biến mắm và các loại công nhân khác hưởng các mức lương: 30đ00, 34đ00, 37đ00, 40đ00, 43đ00, 48đ50.
3. Đối với nhân viên hành chính xí nghiệp:
- Cán bộ lãnh đạo từ các trưởng, phó ban hành chính và chuyên môn đến quản đốc hưởng các mức lương: 47đ00, 52đ00, 58đ50, 67đ00.
- Các nhân viên nghiệp vụ, hành chính hưởng các mức lương:
30đ00; 33đ00; 37đ00; 42đ00; 47đ00
(Riêng những cán bộ lãnh đạo hoặc nhân viên do ban thống nhất trung ương, tỉnh hoặc Bộ cử đến đã sắp xếp lương rồi thì giữ nguyên ngạch bậc không điều chỉnh lên hoặc xuống).
- Đối với những công nhân viên phù động tạm thời tùy sự cần thiết, thì dựa các mức lương của mỗi loại công việc mà trả các mức lương quy định trên tương đương với công nhân viên chính thức cùng một trình độ. Trường hợp đặc biệt cần phải thuê mướn, mức lương cao hơn thì xí nghiệp thỉnh thị Bộ.
- Những chế độ do các liên đoàn liên quy định trước kia (như chia thu hoạch cá, v.v…) đều bãi bỏ.
II. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ SINH HOẠT PHÚC LỢI XÃ HỘI
Tất cả công nhân viên chính thức của xí nghiệp hoặc công nhân viên phù động tạm thời đều được hưởng các chế độ quy định của Chính phủ đã ban hành cho công nhân viên biên chế hay phù động tạm thời của xí nghiệp quốc doanh (sẽ có các văn bản sao lục riêng).
Được thi hành các chế độ và tiền lương quy định trên kể từ ngày 1/3/1960 cho đến khi có quy định khác thay đổi. Tháng 2/1960 xí nghiệp trả sinh hoạt phí cho tất cả công nhân viên như chế độ sinh hoạt phí của tập đoàn đã cấp phát tháng 1/1960.
Để thực hiện thông tư này được nhanh gọn, kịp thời đảm bảo sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên nhằm gây tinh thần phấn khởi trong xí nghiệp đẩy mạnh thi đua xây dựng xí nghiệp và hoàn thành kế hoạch Nhà nước, trước hết cấp lãnh đạo xí nghiệp cần nghiên cứu kỹ mục đích và nội dung thông tư này để có kế hoạch phổ biến trong công nhân viên thông suốt và chấp hành cho tốt. Đồng thời Ban Quản đốc cùng với các ban chỉ huy đội sản xuất dự kiến mức lương cho từng người để đưa ra cho anh chị em công nhân viên tham gia ý kiến xây dựng, sau đó Ban Quản đốc, Đảng ủy xí nghiệp xét lại điều chỉnh rồi quyết định công bố và phát lương (không đặt vấn đề bình nghị).
Trong việc tiến hành phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng ủy xí nghiệp và các chi bộ. Cần chú trọng công tác giáo dục và lãnh đạo tư tưởng, đề phòng những hiện tượng không tốt xảy ra, từ chỗ hưởng một chế độ tự túc tự cấp có tính chất bình quân của tập đoàn, nay chế độ lương bổng, hưởng thụ theo lao động có phân biệt đãi ngộ giữa trình độ nghề nghiệp công tác giữa người này với người kia mà sinh ra sự suy bì thắc mắc hoặc ngược lại đòi hỏi chế độ cho công bằng tuyệt đối với hợp lý ngay một lúc.
Cũng trong dịp này cần giáo dục tinh thần chủ nhân xí nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với Nhà nước, chấp hành đầy đủ kỷ luật lao động, tôn trọng của công, phát huy nhiệt tình lao động xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng ỷ lại trong công tác, trong sản xuất.
Vụ Ngư nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn các xí nghiệp thi hành thông tư và theo dõi việc thực hiện và báo cáo kết quả.
KT.BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM |
- 1Nghị định 182-TTg năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 2Nghị định 162-NĐ-LB năm 1956 về ấn định mức lương tối thiểu cho công nhân viên các xí nghiệp Quốc doanh do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp - Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành
- 3Nghị định 64-NL/NĐ năm 1959 về thang lương công nhân đánh cá biển bằng thuyền buồm và thuyền buồm lắp máy và quy định chế độ trang bị phòng hộ lao động và vệ sinh an toàn đối với công nhân trực tiếp đi đánh cá do Bộ trưởng Bộ Nông Lâm ban hành.
Thông tư 05-NL/TCCB năm 1960 quy định tạm thời mức lương công nhân viên xí nghiệp ngư nghiệp do Bộ Nông Lâm ban hành.
- Số hiệu: 05-NL/TCCB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 02/04/1960
- Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
- Người ký: Lê Duy Trinh
- Ngày công báo: 04/05/1960
- Số công báo: Số 18
- Ngày hiệu lực: 01/03/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định