Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày24 tháng04 năm 1990

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 5/LĐTBXH-TT NGÀY 24-4-1990 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP MẤT SỨC LAO ĐỘNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 60-HĐBT NGÀY 1-3-1990 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào quyết định số 6-HĐBT ngày 1-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành như sau:

I- MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ

Nội dung sửa đổi chủ yếu giải quyết một số điểm không hợp lý về thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nhằm:

1- Điều chỉnh một bước về nguyên tắc phân phối theo lao động, bảo đảm công bằng xã hội, có ưu đãi đối với những người đã có nhiều cống hiến cho đất nước, bảo đảm mối tương quan với các chế độ khác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và mối quan hệ giữa các đối tượng được ưu đãi.

2- Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng sức khoẻ cho công nhân, viên chức, góp phần bảo đảm việc quản lý và sử dụng tốt sức lao động; đồng thời bảo đảm quyền nghỉ việc chính đáng của người lao động.

3- Động viên công nhân, viên chức đề cao kỷ luật lao động, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện chế độ trợ cấp mất sức lao động.

II- NỘI DUNG SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ

1- Thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng

a) Đối tượng thi hành quy định trong điều 1 của quyết định số 60-HĐBT là công nhân, viên chức Nhà nước, bao gồm cả công nhân viên chức quốc phòng và công nhân ngành công an đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước ngày 9-10-1989 (ngày ban hành quyết định số 176-HĐBT).

b) Thời hạn hưởng trợ cấp hàng tháng bằng một nửa thời gian công tác đã quy đổi (trừ một số đối tượng được quy định trong điều 2 của quyết định số 60-HĐBT).

c) Những người không thuộc đối tượng được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định trong điều 2 của quyết định số 60-HĐBT, nếu đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng trước ngày 1-7-1990 thì được hưởng trợ cấp hết tháng 6-1990 theo quy định tại điều 3 của Quyết định số 60-HĐBT.

Thí dụ:

Ông B có thời gian công tác quy đổi 18 năm, nghỉ việc hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng từ 1-11-1980; thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng của ông B là 9 năm, đến tháng 11 -1989 thì hết thời hạn nhưng được hưởng hết tháng 6-1990 mới thôi trợ cấp.

2- Việc giám định lại sức lao động và chế độ đối với người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động.

- Đối với những người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nếu có đề nghị của bản thân đối tượng, của chính quyền địa phương thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết cho đi giám định lại sức lao động. Nếu đủ sức khoẻ thì được giải quyết theo quy định tại thông tư số 48-TBXH ngày 30-9-1985 của Bộ Thương binh và Xã hội (cũ); Nếu sức khoẻ không hồi phục thì được tiếp tục hưởng đến hết thời hạn trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định tại quyết định số 60-HĐBT.

- Sau khi hết thời hạn hưởng trợ cấp, những người thực sự có khó khăn trong đời sống thì được chính quyền địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, quận, thị xã tạo điều kiện sắp xếp việc làm và xem xét, giải quyết trợ cấp cứu tế xã hội.

3- Đối tượng được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Những đối tượng đặc biệt sau khi hết thời hạn hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định chung, được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng quy định trong điều 2 của Quyết định số 60-HĐBT. Dưới đây hướng dẫn rõ thêm một số điểm như sau:

a) Những người bị thương, bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, khi về nghỉ mất sức lao động chưa được xếp hạng thương tật, nhưng sau đó trong quá trình hưởng trợ cấp hàng tháng mà vết thương hoặc bệnh cũ tái phát, được Hội đồng giám định y khoa khám xếp hạng thương tật thì cũng thuộc đối tượng được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

b) Những người bị mất sức lao động từ 81% trở lên là những người đã có xác định của Hội đồng giám định y khoa khi về nghỉ việc hoặc những người trong thời gian hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng bị ốm đau, tai nạn dẫn đến tàn phế, được Hội đồng giám định y khoa xác định mất sức lao động từ 81% trở lên.

c) Những người hết tuổi lao động quy định trong Quyết định số 60-HĐBT thì chia làm 2 thời điểm khác nhau để xét cho tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động.

- Những người về nghỉ mất sức lao động từ ngày ban hành quyết định số 176-HĐBT trở đi thì tính từ khi về nghỉ việc đã hết tuổi lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

- Những người nghỉ mất sức lao động trước ngày ban hành Quyết định số 176-HĐBT thì tính đến 1-1-1990 đã hết tuổi lao động (nam sinh năm 1929 trở về trước, nữ sinh năm 1934 trở về trước).

d) Những người có đủ 5 năm công tác thực tế ở các chiến trường B, C, K, ở biên giới, đảo xa, vùng có nhiều khó khăn, gian khổ là những người thực sự chiến đấu, công tác ở một trong những nơi có hoàn cảnh, điều kiện như vậy mà thời gian cộng lại đủ 5 năm thực tế.

- Vùng biên giới được áp dụng theo Thông tư số 14/LĐ-TT ngày 7-1-1985 của Bộ Lao động (cũ).

- Các đảo xa được vận dụng theo quy định trong thông tư số 16-TBXH ngày 14-5-1981 của Bộ Thương binh và Xã hội (cũ).

- Vùng có nhiều khó khăn, gian khổ là vùng có phụ cấp khu vực 25% hoặc có phụ cấp chiến đấu từ 10% đến 20% theo các quy định ban hành kèm theo Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng.

(Có phụ lục kèm theo Thông tư này).

đ) Những người không nơi nương tựa và không có nguồn thu nhập là những người không còn người thân nuôi dưỡng trực tiếp hoặc gián tiếp và không có nguồn thu nhập nào khác ngoài trợ cấp mất sức lao động.

Những người tuy sống độc thân nhưng có nguồn thu nhập ổn định do lao động, sản xuất, do buôn bán, v.v... thì không thuộc đối tượng được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đối với những đối tượng không nơi nương tựa thì hàng năm, các địa phương cần xem xét hoàn cảnh sinh sống và tình hình thu nhập để quyết định cho tiếp tục hưởng thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Những trường hợp đã cắt trợ cấp thì không đặt vấn đề xem xét lại, nếu hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn thì được xem xét, giải quyết trợ cấp cứu tế xã hội.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đề nghị các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến và giải thích rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung quyết định số 60-HĐBT và Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong toàn thể công nhân, viên chức.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trực tiếp giải quyết chính sách và có kế hoạch triển khai thực hiện theo các bước sau đây:

1- Tổ chức phổ biến sâu về chính sách và biện pháp thực hiện cho cán bộ trong ngành và tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng hưởng chính sách và nhân dân.

2- Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ trợ cấp mất sức lao động đang quản lý. Dựa trên cơ sở hồ sơ hiện quản lý để tính thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng cho từng đối tượng. Nghiêm cấm việc tự ý sửa chữa hồ sơ về thời gian công tác, tuổi đời và tỷ lệ mất sức lao động và kiến quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Trong khi kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện những trường hợp hưởng sai chế độ thì điều chỉnh hoặc cắt trợ cấp kịp thời và đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kỷ luật đối với những cán nhân cố ý thực hiện sai chính sách, chế độ.

3- Trên cơ sở đã tính thời hạn hưởng trợ cấp, phân loại đối tượng hết thời hạn hưởng trợ cấp theo từng tháng, quý, năm và chọn lọc những đối tượng thuộc diện đặc biệt được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng để theo dõi, quản lý thực hiện đúng chính sách.

4- Giám đốc Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội thực hiện việc ra quyết định cho tiếp tục hưởng thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (theo mẫu ở phụ lục). Quyết định phải lưu vào hồ sơ của đối tượng để quản lý. Đối với những người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thu hồi giấy chứng nhận trợ cấp mất sức lao động và giao quyết định thôi trợ cấp cho đối tượng.

5- Củng cố khâu lưu trữ hồ sơ, mở sổ đăng ký theo mẫu của Bộ để quản lý chặt chẽ đối tượng.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghiên cứu giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05/LĐTBXH-TT năm 1990 hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định 60-HĐBT 1990 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 05/LĐTBXH-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/04/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 09/05/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản