Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/1999/TT-BKH | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1999 |
Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể về việc quản lý các dự án quy hoạch sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước như sau:
1. Phân loại các dự án quy hoạch
Các dự án quy hoạch gồm:
1.1 Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cả nước; vùng liên tỉnh; vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
1.2 Dự án quy hoạch phát triển ngành theo quy định của Chính phủ;
1.3 Dự án quy hoạch xây dựng gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị và nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị- nông thôn và quy hoạch xây dựng chuyên ngành (hệ thống giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước, thông tin liên lạc, các công trình xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường...).
2. Vốn lập các dự án quy hoạch
2-1. Vốn lập các dự án quy hoạch bao gồm vốn điều tra, khảo sát, nghiên cứu để lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch;
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước;
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng (liên tỉnh, vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và lãnh thổ;
- Dự án quy hoạch phát triển ngành, bao gồm cả qui hoạch hệ thống các khu công nghiệp, qui hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi toàn quốc.
- Dự án qui hoạch xây dựng vùng, qui hoạch chung đô thị, khu dân cư nông thôn.
- Các dự án quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định
2-3. Các dự án quy hoạch sau đây không sử dụng vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước để cân đối:
- Dự án quy hoạch xây dựng chi tiết các khu chức năng đô thị và nông thôn;
- Dự án quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...;
- Dự án quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị mới;
- Dự án quy hoạch chi tiết chuyên ngành để phục vụ việc lập các dự án đầu tư.
Nguồn vốn để thực hiện các quy hoạch này huy động từ các dự án đầu tư và được tính vào giá thành thực hiện các dự án đầu tư.
3. Phân cấp quản lý vốn các dự án quy hoạch.
Vốn để lập các dự án quy hoạch được phân cấp quản lý như sau:
3.1 Các dự án quy hoạch do Trung ương quản lý.
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội cả nước
- Dự án quy hoạch phát triển ngành, bao gồm cả qui hoạch hệ thống các khu công nghiệp, qui hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi toàn quốc.
- Dự án quy hoạch quy hoạch xây dựng vùng, qui hoạch chung xây dựng đô thị và nông thôn, qui hoạch xây dựng các vùng trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý Nhà nước về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, qui hoạch phát triển ngành, trực tiếp tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cả nước, vùng liên tỉnh, vùng trọng điểm và các dự án quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Xây dựng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, trực tiếp tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch xây dựng các vùng trọng điểm, vùng liên tỉnh, quy hoạch xây dựng chung các đô thị loại 1, loại 2; quy hoạch xây dựng một số khu dân cư nông thôn và các dự án qui hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Các Bộ quản lý ngành tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch phát triển ngành, qui hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3.2 Các dự án quy hoạch do địa phương quản lý:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các dự án quy hoạch sau:
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Dự án qui hoạch xây dựng vùng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Dự án quy hoạch chung các đô thị và quy hoạch chi tiết các đô thị loại 3, loại 4, loại 5.
- Dự án quy hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Uỷ ban nhân dân các thành phố loại 1, loại 2 trực tiếp tổ chức thực hiện các dự án qui hoạch chi tiết theo sự phân cấp của Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh.
4. Kế hoạch lập các dự án quy hoạch sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước:
4.1 Về chủ trương:
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cả nước, qui hoạch vùng kinh tế, qui hoạch vùng trọng điểm, quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp trong cả nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, qui hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm và quy hoạch chung các đô thị loại 1, loại 2 do Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án quy hoạch phát triển ngành (bao gồm cả qui hoạch phát triển của khu Công nghiệp, qui hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi toàn quốc) do các Bộ quản lý ngành nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất của các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua chủ trương. Căn cứ vào đó, các Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và thông qua đề cương hoặc nhiệm vụ qui hoạch, dự toán chi tiết của các dự án qui hoạch.
Các dự án qui hoạch khác (ngoài quy định tại khoản 4, mục 4.1) do các Bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chủ trương phù hợp với điểm 2.2.
4.2. Tổng hợp và giao kế hoạch.
a) Các Bộ ngành và địa phương căn cứ hướng dẫn tại khoản 3 của thông tư này lập kế hoạch đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước hàng năm, đề nghị danh mục dự án và vốn đầu tư cho công tác quy hoạch.
b) Căn cứ khả năng nguồn vốn Ngân sách hàng năm của Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối mức vốn ghi kế hoạch cho công tác qui hoạch của các Bộ và địa phương để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cùng với kế hoạch đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước.
c) Sau khi Quốc hội thông qua kế hoạch Ngân sách do Chính phủ trình, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước đến các Bộ ngành và địa phương, trong đó có tổng số vốn dành cho công tác quy hoạch.
d) Căn cứ vào mức vốn được giao, các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí cụ thể mức vốn cho từng dự án, đăng kí với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để theo dõi thực hiện và cấp phát vốn.
Các dự án qui hoạch được bố trí kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền thông qua về chủ trương lập dự án quy hoạch, mỗi dự án phải có đề cương, khối lượng công việc hoặc nhiệm vụ dự án qui hoạch và dự toán chi phí do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
5. Quản lý cấp phát và thanh quyết toán vốn đối với các dự án quy hoạch
5.1. Cấp vốn tạm ứng:
a) Điều kiện cấp vốn tạm ứng:
Các dự án quy hoạch được cấp vốn tạm ứng khi đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Có văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương hoặc nhiệm vụ dự án quy hoạch.
- Dự toán chi phí cho công tác quy hoạch được duyệt.
- Có trong kế hoạch vốn quy hoạch.
- Có hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu.
b) Mức vốn tạm ứng:
Mức vốn tạm ứng cho dự án quy hoạch bằng 25% đến 50% giá trị hợp đồng, nhưng không vượt kế hoạch vốn hàng năm của dự án quy hoạch.
Trường hợp kế hoạch vốn cả năm thấp hơn mức vốn tạm ứng theo quy định trên thì cơ quan cấp vốn tiếp tục cấp tạm ứng cho hợp đồng trong kế hoạch năm sau đến khi đạt mức tạm ứng theo quy định.
c) Thu hồi vốn tạm ứng:
Vốn tạm ứng cho dự án quy hoạch được thu hồi vào từng lần cấp phát thanh toán cho khối lượng công tác quy hoạch hoàn thành theo nguyên tắc:
- Thời điểm thu hồi bắt đầu vào kỳ thanh toán khối lượng quy hoạch hoàn thành lần đầu.
- Mức vốn tạm ứng thu hồi trong số vốn thanh toán mỗi lần tương ứng với tỷ lệ tạm ứng.
Vốn tạm ứng có thể được thu hồi sớm hơn quy định nêu trên nếu chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất và đề nghị.
Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi hết mà dự án không được ghi kế hoạch tiếp hoặc bị đình chỉ thực hiện, chủ đầu tư phải giải trình với cơ quan cấp vốn về tình hình sử dụng vốn tạm ứng chưa thu hồi, đồng thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền xử lý.
5.2 Cấp vốn thanh toán khối lượng quy hoạch hoàn thành:
a) Các dự án quy hoạch được cấp phát vốn khi có đủ các điều kiện sau:
- Văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ dự án quy hoạch.
- Dự toán chi phí cho công tác quy hoạch được duyệt.
- Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thành lập Ban Quản lý dự án, thông báo người phụ trách công tác kế toán .
- Có kế hoạch khối lượng quy hoạch chi tiết thực hiện trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu.
- Có khối lượng quy hoạch hoàn thành đủ điều kiện thanh toán, phù hợp với dự toán được duyệt.
b) Khối lượng công tác quy hoạch hoàn thành được cấp vốn thanh toán là khối lượng thực hiện được nghiệm thu phù hợp với nội dung vốn theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hợp đồng kinh tế đã ký kết.
c) Để được cấp vốn thanh toán khối lượng quy hoạch hoàn thành, chủ đầu tư gửi đến cơ quan cấp vốn các tài liệu sau (ngoài các tài liệu đã gửi ban đầu):
- Biên bản nghiệm thu khối lượng công tác quy hoạch hoàn thành của cơ quan nghiên cứu đề xuất.
- Bảng tính chi tiết giá trị khối lượng hoàn thành kèm theo bảng tổng hợp kinh phí.
- Các chứng từ thanh toán khác.
Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp vốn kiểm tra và cấp phát vốn cho chủ đầu tư, đồng thời thanh toán cho đơn vị nhận thầu và thu hồi số vốn đã tạm ứng theo nguyên tắc quy định tại khoản 5.1 điểm c của Thông tư này.
Khi dự án quy hoạch hoàn thành đã nghiệm thu, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chưa có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch), nếu trong hợp đồng kinh tế không có quy định ràng buộc thì chủ đầu tư phải báo cáo với cơ quan quản lý và cơ quan tài chính cấp có thẩm quyền để được thanh toán hết tiền cho đơn vị nhận thầu theo đúng hợp đồng kinh tế.
5.3. Quyết toán các dự án quy hoạch khi kết thúc năm kế hoạch và kết thúc dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết toán dự án theo quy định quản lý tài chính hiện hành.
6. Kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch.
Theo chức năng quản lý Nhà nước của mình các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng sẽ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình triển khai và sử dụng nguồn vốn qui hoạch, đề xuất những biện pháp xử lý thích hợp.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng và hết năm, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo tình hình triển khai dự án, sử dụng và cấp phát thanh toán đến cơ quan cấp trên, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, Thành phố tổng hợp chung trong báo cáo về đầu tư và xây dựng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Tổng Cục Thống kê.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Nội dung nghiên cứu dự án quy hoạch, qui trình, qui phạm, đơn giá và định mức theo chức năng quy định tại Điều 8 của Qui chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo NĐ52/1999/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ có hướng dẫn riêng.
Trong quá trình thực hiện có những vấn đề mới phát sinh, đề nghị các Bộ ngành, địa phương phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu bổ sung.
Trần Xuân Giá (Đã ký) |
Thông tư 05/1999/TT-BKH hướng dẫn quản lý các dự án quy hoạch do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành
- Số hiệu: 05/1999/TT-BKH
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/11/1999
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Trần Xuân Giá
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 47
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra