Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 04-TC/HCP/P1 | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 1960 |
SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP HAO MÒN XE ĐẠP TƯ DÙNG ĐI CÔNG TÁC.
Để tránh lãng phí do việc sử dụng và bảo quản không tốt xe đạp công gây ra, đồng thời giúp cán bộ có phương tiện đi lại hàng ngày, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã lần lượt thực hiện chủ trương nhượng xe đạp công cho cán bộ, công nhân, nhân viên theo cách trả tiền dần.
Đi đôi với chủ trương trên, phụ cấp hao mòn xe đạp tư hiện hành cần được nghiên cứu sửa đổi cho thích đáng với phần hao mòn của chiếc xe đạp tư dùng đi công tác.
Sau khi đã có ý kiến thống nhất của các Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các Ủy ban hành chính địa phương, Bộ chúng tôi quy định lại thể lệ phụ cấp hao mòn xe đạp tư như sau:
I. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH THANH TOÁN
Phụ cấp hao mòn xe đạp tư được xây dựng trên mấy nguyên tắc chính:
- Xe dùng đi công tác nhiều (nghĩa là: đi nhiều cây số) được phụ cấp nhiều; đi ít thì phụ cấp sẽ rút đi. Tuy nhiên, mức khởi điểm có phần nào khuyến khích.
- Xe đi trên đường xấu được phụ cấp cao hơn đi trên đường tốt (trường hợp đi nhiều loại đường khác nhau trong một thời gian đi công tác thì đi nhiều trên loại đường nào thì, phụ cấp hao mòn sẽ tính theo loại đường ấy).
- Trường hợp dùng xe ít quá, dưới mức quy định nói ở phần dưới, hao mòn không đáng kể thì không tính phụ cấp. Nếu tính sẽ gây phức tạp (như theo dõi, chứng nhận…) mà số tiền được hưởng tính ra không bao nhiêu.
Những cán bộ, công nhân, nhân viên nào, vì yêu cầu công tác, phải thường dùng xe đạp tư, hàng tháng, nếu đạt được mức cây số ấn định trong bảng phụ cấp dưới đây, được phụ cấp tháng.
LOẠI ĐƯỜNG | 50-100 Cây số | 100-150 Cây số | 150-200 Cây số | 200-250 Cây số | 250-300 Cây số | 300 cây số trở lên |
Đường nhựa (loại I) | 1đ00 | 1đ50 | 2đ00 | 2đ50 | 3đ00 | 3đ50 |
Đường đá, đường đất (loại II) | 1đ50 | 2đ00 | 2đ60 | 3đ20 | 4đ00 | 5đ00 |
LOẠI ĐƯỜNG | 50-100 Cây số | 100-150 Cây số | 150-200 Cây số | 200-250 Cây số | 250-300 Cây số | 300 cây số trở lên |
Đường khu vực Muối miền núi (loại III) | 2đ00 | 2đ80 | 3đ60 | 4đ50 | 5đ50 | 7đ00 |
Đi dưới 50 cây số trong một tháng: không có phụ cấp. |
Để đơn giản cách theo dõi, trong số những cán bộ thường dùng xe đạp tư đi công tác, sẽ chia ra hai loại:
1. Đối với những cán bộ mà nội dung công tác ổn định, có thể ước tính được cây số trung bình phải đi hàng tháng, thì Thủ trưởng cơ quan, tranh thủ ý kiến Công đoàn, nhận định để trả phụ cấp hao mòn khoán tháng, theo bảng phụ cấp trên, không phải chứng minh bằng giấy đi đường.
Thí dụ: một ủy viên huyện thường dùng xe đạp tư xuống xã và thỉnh thoảng lên tỉnh, có qua một số đường trải nhựa, nếu được cơ quan nhận định là trung bình, hàng tháng phải đi chừng 180 cây số, thì được phụ cấp khoán tháng theo loại đường II và mức phụ cấp là 2đ60 một tháng.
Đối với những cán bộ loại này, một khi cơ quan đã duyệt mức phụ cấp khoán tháng rồi thì, sau đó, không phải duyệt lại hàng tháng nữa, dù mức cây số có hơn kém đôi chút. Chỉ nên xét lại mức phụ cấp trong trường hợp lúc đầu nhận định không sát, sai lệch rõ ràng hoặc khi tính chất công tác thay đổi (kể cả trường hợp đau ốm, nghỉ phép…) có ảnh hưởng nhiều đến mức cây số trung bình đi được hàng tháng.
2. Đối với những cán bộ thường dùng xe đạp đi công tác, nhưng nội dung công tác không ổn định, có tháng đi nhiều, có tháng đi ít, cơ quan không thể nhận định để trả phụ cấp khoán tháng như trên được, thì sẽ căn cứ vào số cây số thực sự đã đi được trong tháng để trả phụ cấp tháng, theo mức ấn định ở bảng phụ cấp.
Nếu đi dưới 50 cây số trong một tháng, thì có thể gộp những cây số đi được trong một quý để tính phụ cấp. Nếu cả trong một quý không đạt được mức cây số tối thiểu (50) thì bỏ đi, không chuyển từ quý này sang quý khác.
(Cách thức theo dõi, chứng nhận số cây số đi được của loại cán bộ này do các Bộ (ở Trung ương ) và các Ủy ban hành chính (ở địa phương ) nghiên cứu quy định, trên tinh thần đơn giản nhưng chính xác).
3. Ngoài số cán bộ thường dùng xe đạp đi công tác nói trên, những cán bộ khác, công tác tỉnh, trong tháng thỉnh thoảng mới dùng xe thì mỗi lần đi công tác, nếu đi được 10 cây số trở lên (kể cả đi lẫn về), được phụ cấp tính theo cây số:
Loại đường I: 0,015 một cây số,
Loại đường II: 0,02 một cây số,
Loại đường III: 0,03 một cây số,
Đi dưới 10 cây số trong một ngày: không có phụ cấp.
Khi đi công tác từng đợt nhiều ngày liền thì được cộng tất cả những cây số đi được, từ ngày ra đi đến ngày trở về cơ quan, để tính phụ cấp (khác với trước là chỉ những ngày đi được 15 cây số mới được tính).
Thí dụ: đồng chí A đi công tác một đợt 4 ngày liền,
- Ngày thứ nhất: đi 15 cây số trên đường loại 2
- Ngày thứ hai: 8 - - 1
- Ngày thứ ba: 7 - - 1
- Ngày thứ tư: 20 - - 2
Cộng 50 cây số.
Theo quy định trên, vì đường đi nhiều trên loại đường 2 nên đồng chí A được lĩnh:
0đ02 x 50 = 1đ00
Chú thích:
1. Việc nhận định cho cán bộ được phụ cấp hao mòn khoán tháng do các Bộ (ở Trung ương ) và các Ủy ban hành chính (ở địa phương ) định, nhưng cần được lãnh đạo chặt chẽ, tránh tình trạng tràn lan.
2. Việc phân loại đường đi công tác (loại 1, 2 hay 3) do các Ty Tài chính nghiên cứu và trình Ủy ban đồng cấp duyệt.
3. Hướng giải quyết phụ cấp hao mòn xe đạp tư là chuyển đại bộ phận những người dùng xe đạp tư vào loại được hưởng phụ cấp tháng: không cần thiết chia ra lưu động thường xuyên và bất thường và cũng không quy định khu vực hoạt động. hễ cán bộ nào đạt được mức cây số ấn định trong bảng phụ cấp là tính phụ cấp tháng.
Do đó, không có trường hợp nào mà cán bộ vừa lĩnh phụ cấp khoán tháng, vừa lĩnh phụ cấp tính theo cây số, mỗi khi ra ngoài khu vực cũ.
4. Cách ghi chép giấy đi đường thường gặp khó khăn khi phải lấy chứng thực của cấp xã, vì ở xã không làm việc theo giờ hành chính.
Từ nay, cán bộ xuống xã, không nhất thiết phải lấy chứng thực của cấp xã, mà chỉ cần có chứng nhận của Ủy ban hành chính huyện về cây số đã đi và loại đường ở xã.
Thông tư này áp dụng từ ngày ban hành, chung cho các khu vực: sản xuất, sự nghiệp, hành chính, và không đặt vấn đề truy hoàn hoặc truy lĩnh về những trường hợp đã giải quyết rồi.
Tuy nhiên, để các Ủy ban hành chính các tỉnh có thời gian nghiên cứu, hướng dẫn thi hành tốt Thông tư này, ngày áp dụng ở các địa phương có thể xê dịch trong vòng một tháng sau, kể từ ngày ban hành Thông tư.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Thông tư 290-TC/TVHC-1 năm 1962 về việc trả phụ cấp hao mòn xe đạp, mô tô, mô-bi-lét tư dùng đi công tác do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 184-TC-HC năm 1956 về phụ cấp đi đường do Bộ tài chính ban hành
- 3Thông tư 432-TC/HCP năm 1956 Sửa đổi Thông tư 184-TC/HCP về phụ cấp đi đường của những người đi công tác bằng xe đạp tư do Bộ Tài chính ban hành
- 1Thông tư 290-TC/TVHC-1 năm 1962 về việc trả phụ cấp hao mòn xe đạp, mô tô, mô-bi-lét tư dùng đi công tác do Bộ Tài Chính ban hành
- 2Thông tư 184-TC-HC năm 1956 về phụ cấp đi đường do Bộ tài chính ban hành
- 3Thông tư 432-TC/HCP năm 1956 Sửa đổi Thông tư 184-TC/HCP về phụ cấp đi đường của những người đi công tác bằng xe đạp tư do Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 04-TC/HCP/P1 năm 1960 sửa đổi chế độ phụ cấp hao mòn xe đạp tư dùng đi công tác do Bộ Tài Chính ban hành.
- Số hiệu: 04-TC/HCP/P1
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/02/1960
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra