Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/LĐTBXH-DD

Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ04/ LĐTBXH-DD NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO HỘ GIA ĐÌNH DI DÂN RA ĐẢO

Việc tổ chức di dân ra lập nghiệp trên các đảo là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm thực hiện phân bố lao động dân cư, khai thác tiềm năng kinh tế vùng biển và góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển.

Thực hiện Quyết định số 773/TTg ngày 21/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình khai thác sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng.

Thực hiện Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 cảu Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ trợ cấp cho các hộ gia đình được di dân ra đảo như sau:

1. Phạm vi áp dụng:

Áp dụng cho các đảo có nhu cầu nhận dân đến để định cư lâu dài trên đảo, có dự án phát triển kinh tế xã hội (gọi chung là dự án phát triển kinh tế mới trên đảo) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được đưa vào kế hoạch đầu tư của Nhà nước.

2. Đối tượng được trợ cấp:

Đối tượng được hưởng trợ cấp bao gồm:

- Các hộ gia đình (tối thiểu có từ 2 lao động trở lên, thông thạo nghề biển) tình nguyện di chuyển ra đảo để làm ăn và sinh sống lâu dài theo các chương trình, dự án.

- Thanh niên xung phong tham gia xây dựng kinh tế; bộ đội, cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ và quản lý đảo hết thời gian nghĩa vụ, có nhu cầu đưa gia đình ra đảo hoặc thành lập gia đình riêng tình nguyện ở lại đảo lâu dài.

- Hai loại đối tượng nói trên phải được ghi vào kế hoạch di dân hàng năm.

3. Mức trợ cấp:

3.1. Nơi đi: Các đối tượng được hưởng trợ cấp như sau:

- Được thanh toán cước vận chuyển người và hành lý (hành lý tối đa 300kg/hộ).

Ở những địa phương đã có phương tiện vận tải công cộng, thì thanh toán theo giá cước vận chuyển của ngành giao thông vận tải, những địa phương chưa có phương tiện vận tải công cộng thì được thanh toán theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến của cơ quan vận tải.

- Được trợ cấp tiền ăn đường, thuốc phòng và trợ cấp khó khăn ban đầu cụ thể là:

+ Đối với những đảo cách đất liền từ 50 hải lý trở xuống mức trợ cấp là: 1.200.000 đồng/hộ cho những hộ di dân nội tỉnh; 1.300.000 đồng/hộ cho những hộ di dân ngoại tỉnh.

+ Đối với những đảo cách đất liền trên 50 hải lý, mức trợ cấp là: 1.600.000 đồng/hộ cho những hộ di dân nội tỉnh; 1.700.000 đồng/hộ cho những hộ di dân ngoài tỉnh.

3.2. Ở trên đảo:

- Được trợ cấp lương thực một năm (12 tháng), bình quân một nhân khẩu là 15kg/tháng tính từ ngày đến đảo.

Giá gạo (giá bán tại vùng đảo) hàng năm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính thống nhất quy định.

- Được cấp kinh phí để xây dựng một căn hộ nhà cấp 3 có diện tích xây dựng là 30 m2 (24 m2 nhà ở, 6 m2 công trình phụ) và bể chứa nước sinh hoạt; theo đơn giá xây dựng cơ bản tại đảo do Uỷ ban nhân dân địa phương (tỉnh, thành phố) có đảo quy định.

- Được cấp đất thổ cư và đất sản xuất theo điều kiện thực tế đất đai ở từng đảo và theo quy định hiện hành.

- Được vay vốn từ Ngân sách (chương trình 773 hoặc các chương trình khác) để phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình mức thấp nhất là 5 triệu đồng/hộ; mức cao nhất là 10 triệu đồng/hộ. ở những nơi thành lập tổ hợp đánh bắt hải sản, được hỗ trợ vay vốn để đóng một tàu đánh cá có công suất từ 45 - 60 CV và mua sắm ngư cụ đánh bắt từ các nguồn vốn Ngân sách thuộc các chương trình trên trong khuôn khổ kế hoạch Ngân sách Nhà nước bố trí hàng năm. Mức vay và thời gian thu hồi vốn vay do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố) quyết định.

3.3. Những khoản chi phí chung (cấp cho cơ quan tổ chức thực hiện):

- Khoản chi phí chung được tính gấp hai lần so với mức quy định tại Mục III, điểm 4, Thông tư số 07/LĐTBXH ngày 12/5/1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Chế độ quản lý và cấp phát:

Chế độ quản lý và cấp phát kinh phí áp dụng như Thông tư số 07/LĐTBXH ngày 12/5/1993 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các địa phương cần phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/LĐTBXH-DD-1995 hướng dẫn về chế độ trợ cấp cho hộ gia đình di dân ra đảo do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 04/LĐTBXH-DD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/02/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/02/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 06/05/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản