Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-GD-CN

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 1957

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ VÀ NHIỆM VỤ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VÀ GIÁO VIÊN BỔ TÚC VĂN HÓA (Ở CÁC NÔNG LÂM TRƯỜNG VÀ CÁC TRẠI THÍ NGHIỆM)

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA

Kính gửi:

- Ông giám đốc Sở Quốc doanh nông nghiệp
- Ông giám đốc Sở Quốc doanh lâm khẩu
- Ông giám đốc Viện trồng trọt và Viện chăn nuôi

Kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch bổ túc văn hóa năm 1956, một số nông lâm trường và các trại thí nghiệm căn bản đã hoàn thành nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ cho công nhân như nông trường: Sông Bôi, Đông-hiếu, lâm khẩn như: Lũng lô, Thanh-hóa, và Nghệ-an. Một số nông lâm trường khác đã mở những lớp bổ túc cấp 1, đã đạt được nhiều thành tích nhưng chưa tổng kết được.

Việc tổ chức giảng dạy cũng đã đi vào nề nếp. Trình độ của cán bộ và công nhân được nâng lên một bước đã có tác dụng tốt đến tư tưởng của anh em và đến công tác sản xuất ở các nông lâm trường.

Tuy vậy ở một số đơn vị cũng còn nhiều thiếu sót về tổ chức và lãnh đạo: - Cán bộ phụ trách để buông xuôi làm đến đâu hay đến đó, thiếu khuyến khích giúp đỡ- chế độ học tập, giảng dạy cũng không được chú trọng.

Năm nay, cần phải coi công tác phát triển văn hóa ở các nông lâm trường và các trại thí nghiệm là một công tác quan trọng trong chính sách bồi dưỡng cán bộ công nhân nhằm mục đích nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, công nhân làm cơ sở cho việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, do đó ổn định tư tưởng, ổn định tổ chức và đẩy mạnh sản xuất.

- Việc lãnh đạo và tổ chức cần được kiện toàn hơn…

Nhiệm vụ năm 1957 là:

- Phát triển bổ túc văn hóa, chủ yếu cấp I (từ lớp 4 trở xuống) và có thể mở một số lớp cấp II (ở những nơi có điều kiện) đồng thời cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy.

Củng cố các tổ chức lãnh đạo học tập văn hóa các cơ sở, đào tạo thêm giáo viên mới, chú trọng bồi dưỡng giáo viên về văn hóa và nghiệp vụ.

Công tác thanh toán nạn mù chữ vẫn phải chú trọng thường xuyên và tích cực đẩy mạnh hoàn thành nhiệm vụ thanh toán.

Các sở quốc doanh nông nghiệp và lâm khẩu đã gửi dự kiến kế hoạch phát triển bổ túc văn hóa. Bộ yêu cầu nghiên cứu thêm và xác định các số liệu cho đúng dự trù các biện pháp thực hiện (cán bộ, kinh phí…)để trình Bộ duyệt trong tháng 2 này.

Để cho việc lãnh đạo và tổ chức công tác bổ túc văn hóa ở các nông lâm trường và các trại có quy củ. Bộ quy định gửi kèm theo các chế độ để áp dụng trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành một chế độ mới.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG





Lê Duy Trinh

CÁC CHẾ ĐỘ VÀ NHIỆM VỤ

ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH VÀ GIÁO VIÊN BỔ TÚC VĂN HÓA
(ở các Nông lâm trường và các trại thí nghiệm)

1) Tổ chức lãnh đạo:

- Ở văn phòng Sở Quốc doanh nông nghiệp và lâm khẩn phải có một cán bộ chuyên trách bổ túc văn hóa, không được kiêm các công tác khác.

- Ở Viện, cử một cán bộ kiêm nhiệm nhưng giảm nhẹ bớt công việc khác.

- Ở mỗi nông lâm trường, trại cử người theo tiêu chuẩn đã quy định (trong thông tư số 11-GD-CN ngày 8-6-1956 của Bộ) cụ thể:

Đơn vị dưới 300 công nhân không có cán bộ chuyên trách mà chỉ có cán bộ kiêm phụ trách, người này phải được giảm nhẹ công việc hoặc một số giờ chuyên môn để phụ trách công tác bổ túc văn hóa.

Đơn vị từ 300 đến 1.000 công nhân cử một cán bộ chuyên trách, trên 1.000 người sẽ cử hai cán bộ chuyên trách:

Trường hợp nơi nào công nhân ở phân tán xa, thì cứ 300 công nhân đến 500 công nhân cử một cán bộ chuyên trách.

Cán bộ này phải có đủ trình độ văn hóa, có một phần kinh nghiệm về công tác bình dân học vụ.

Nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách bổ túc văn hóa:

+ Tổ chức việc học tập:

- Bố trí các lớp

- Xây dựng chương trình (theo đúng chương trình của Nhà bình dân học vụ).

- Sưu tầm tài liệu

- Theo dõi, đôn đốc việc học tập và giảng dạy, đúc kết kinh nghiệm.

- Báo cáo hàng tháng về Sở, hay Viện, Ty giáo dục địa phương.

Chịu trách nhiệm trước Giám đốc hoặc Quản đốc về mặt thực hiện kế hoạch, chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn trước Ty, Khu hay Sở Giáo dục địa phương.

2) Giáo viên:

Chọn trong cán bộ, công nhân có khả năng và có tinh thần tự giác giúp việc giảng dạy. Phải có trình độ văn hóa cao hơn học viên lớp mình phụ trách hai lớp.

Trong khi đợi chế độ mới về phụ cấp giảng dạy, giáo viên vẫn được hưởng các chế độ bồi dưỡng như sau:

a) Sơ cấp và dự bị:

Mỗi lớp 2.000đ một tháng (lớp có từ 10 đến 29 học viên) theo thông tư trước (thông tư số 11 ngày 8-6-1956 của Bộ)

b) Giáo viên cấp I:

Mỗi lớp 2.000đ một tháng (lớp có từ 10 đến 29 học viên và 4.000 đồng một tháng cho

một lớp có từ 30 học viên trở lên)

3) Học viên:

3 tháng đầu năm, cần phát động một phong trào học tập văn hóa sâu rộng trong công nhân (kết hợp hình thức tuyên truyền vận động rộng rãi với phát động cá biệt) làm cho mọi người thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ cần đi học văn hóa và tự nguyện đi dạy.

Đối với lớp 1, 2 (cấp I) cần huy động đông nhất là thanh niên, củng cố và chú trọng đẩy mạnh thanh toán nạn mù chữ tạo điều kiện để học dần lên lớp trên.

Đối với lớp 5, 6, 7 (cấp II) cần có sự bình nghị, nhận xét ưu tiên cho ai đi học trước để tránh tình trạng phát triển ồ ạt hoặc suy bi, thắc mắc thành một phong trào trong đơn vị, gây khó khăn cho việc phát triển cấp I.

- Mỗi tuần phải bảo đảm cho học viên:

6 giờ học văn hóa (ngoài giờ chính quyền). Học vào buổi sáng, trưa hoặc tối, mỗi buổi học mấy giờ tùy hoàn cảnh cụ thể từng nơi mà áp dụng cho thích hợp.

Số giờ học này là một quyền lợi cần phải bảo đảm, các cuộc sinh hoạt học tập khác không được xâm phạm vào giờ này.

4) Khen thưởng:

Chính quyền, Chi bộ và Công đoàn ở các đơn vị sản xuất cần chú ý theo dõi kiểm tra để kịp thời động viên khen thưởng những cán bộ, giáo viên và học viên có nhiều thành tích.

Trong tiêu chuẩn thi đua công tác, cần đề vào tiêu chuẩn giảng dạy và học tập.

Hình thức khen thưởng, tùy thành tích có thể khen:

- Tuyên dương ở đơn vị

- Thư khen của Sở, Viện

- Thư khen của Bộ

- Bằng khen của Bộ

5) Kinh phí:

Tất cả những kinh phí về học tập văn hóa do cán bộ và công nhân nông lâm trường và các trại thí nghiệm đều do đơn vị sản xuất đài thọ tiền lương của cán bộ chuyên trách, giáo viên chuyên nghiệp (nếu có) và tiền phụ cấp dạy cho giáo viên kiêm chức và tất cả kinh phí khác về tổ chức lớp v .v…

6) Phân công trách nhiệm:

Để thấy rõ ràng và dứt khoát nhiệm vụ giữa Ty, Khu Giáo dục địa phương với các nông lâm trường và các trại, đồng thời giúp sự lãnh đạo giữa chính quyền và chuyên môn được chặt chẽ hơn, Bộ đề ra một số nhiệm vụ và trách nhiệm giữa cấp có liên quan công tác như sau:

- Các ông Giám đốc Sở, Viện và các ông Quản đốc các nông lâm trường, các trại chịu trách nhiệm về tổ chức lãnh đạo học tập văn hóa của anh chị em cán bộ công nhân.

- Các đồng chí chuyên trách bổ túc văn hóa ở các đơn vị nói trên phải chịu trách nhiệm về phong trào học tập văn hóa ở các nơi đó, dưới sự lãnh đạo của cấp phụ trách đơn vị mình.

Vạch kế hoạch theo dõi thực hiện kế hoạch học tập văn hóa của cán bộ công nhân và đi dự các cuộc hội nghị văn hóa của Sở, Ty hoặc Khu Giáo dục v .v…

Trên đây nêu lên một số biện pháp để giúp một phần trong việc tổ chức lãnh đạo học tập văn hóa ở các nông lâm trường và các trại. Nhưng yếu tố căn bản là do các đồng chí phụ trách ở các cơ sở quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân là chính.

Trong khi áp dụng các chế độ này, nếu gặp gì trở ngại khó khăn các Sở, Viện phản ảnh để Bộ bổ khuyết thêm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-GD-CN năm 1957 quy định chế độ và nhiệm vụ đối với cán bộ chuyên trách và giáo viên bổ túc văn hóa (ở các nông lâm trường và các trại thí nghiệm) do Bộ Nông Lâm ban hành.

  • Số hiệu: 04-GD-CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/02/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Lê Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 06/03/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản