Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/BKH-QLKT

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 03/BKH-QLKT NGÀY 27 THÁNG 2 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN TIÊU THỨC XÁC ĐỊNH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐỘC LẬP QUY MÔ LỚN CÓ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Thực hiện Điều 28 Luật doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;

Được sự uỷ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 47/ĐMDN ngày 3 tháng 1 năm 1996 của Văn phòng Chính phủ);

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định tiêu thức và danh mục doanh nghiệp nhà nước độc lập quy mô lớn có Hội đồng quản trị như sau:

I. PHẠM VI ỨNG DỤNG.

Các doanh nghiệp nhà nước độc lập không là thành viên của các tổng công ty, do Bộ trưởng bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ra quyết định thành lập, là đối tượng áp dụng các quy định theo Thông tư hướng dẫn này.

II. CÁC TIÊU THỨC CƠ BẢN ĐỂ XÁC ĐỊNH QUI MÔ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC:

1. Vốn: Là số vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng bao gồm vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách và vốn doanh nghiệp tự tích luỹ tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 của năm trước khi xét quyết định thành lập Hội đồng quản trị.

2. Lao động: Là số lao động thường xuyên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp (không bao gồm lao động hợp đồng theo vụ, việc) của năm trước khi xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản trị.

3. Doanh thu: bao gồm doanh thu thực hiện về tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh dịch vụ quy định tại Luật thuế doanh thu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế doanh thu, tính cho năm trước khi xem xét quyết định thành lập Hội đồng quản trị.

4. Nộp ngân sách nhà nước: Bao gồm các loại thuế và các khoản nộp khác vào ngân sách theo quy định của Nhà nước, tính cho năm trước khi xem xét quyết định thành lập Hội đồng quản trị.

III. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH QUI MÔ DOANH NGHIỆP VÀ DANH MỤC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐỘC LẬP QUI MÔ LỚN CÓ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ.

1. Để xác định qui mô doanh nghiệp, sử dụng phương pháp tính điểm theo 4 tiêu thức trên đây. Tổng số điểm của doanh nghiệp được xác định căn cứ vào trị số cụ thể về vốn, lao động, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp và căn cứ vào thang điểm ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn này để tính số điểm theo từng tiêu thức và tính tổng số điểm của doanh nghiệp theo tất cả các tiêu thức cộng lại.

2. Các doanh nghiệp có tổng số điểm tính cho tất cả các tiêu thức cộng lại đạt giá trị 100 điểm được coi là doanh nghiệp nhà nước độc lập có quy mô lớn phải tổ chức Hội đồng quản trị.

3. Đối với các doanh nghiệp đạt giá trị từ 75 điểm đến dưới 100 điểm và các doanh nghiệp tuy chưa đạt qui mô trên đây nhưng đã được phê duyệt dự án đầu tư mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu và có khả năng đạt qui mô đó thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào vị trí của từng doanh nghiệp, tính chất sản phẩm và yêu cầu cần thiết phải tổ chức Hội đồng quản trị ở từng doanh nghiệp để quyết định lựa chọn những doanh nghiệp dự kiến tổ chức Hội đồng quản trị để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và uỷ quyền, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng quản trị ở những doanh nghiệp này. Danh sách các doanh nghiệp có quyết định thành lập Hội đồng quản trị được gửi đến Văn phòng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Đối với những doanh nghiệp nhà nước độc lập thuộc diện do Thủ tướng quyết định thành lập, căn cứ vào các yêu cầu trên đây nếu đạt tiêu chuẩn để xem xét đề nghị thành lập Hội đồng quản trị, thì Bộ trưởng bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo để Thủ tướng ra quyết định thành lập Hội đồng quản trị ở những doanh nghiệp đó.

IV. CHỈNH TRỊ SỐ CÁC TIÊU THỨC VÀ DANH MỤC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐỘC LẬP QUY MÔ LỚN CÓ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ.

1. Trị số các tiêu thức về vốn, doanh thu và nộp ngân sách trong thang điểm tính quy mô doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn này hàng năm được chỉnh tương ứng theo hệ số bảo toàn vốn và chỉ số trượt giá do Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê công bố.

2. Căn cứ vào sự biến động về quy mô doanh nghiệp, định kỳ hàng năm, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo để Thủ tướng uỷ quyền ra quyết định hoặc Thủ tuớng trực tiếp ra quyết định bổ sung việc thành lập Hội đồng quản trị ở những doanh nghiệp nhà nước độc lập có quy mô đạt tiêu chuẩn quy định của Thông tư hướng dẫn này.

3. Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập đã tổ chức Hội đồng quản trị sau đây thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo thẩm quyền của mình (quy định tại điểm 4, phần III trên đây) ra quyết định hoặc đề nghị Thủ tướng ra quyết định chuyển những doanh nghiệp này sang áp dụng mô hình doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị.

a. Trong thời gian dài (tối thiểu là 5 năm liền) doanh nghiệp không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn như quy định trong Thông tư hướng dẫn này;

b. Doanh nghiệp trở thành thành viên của Tổng công ty;

c. Doanh nghiệp chia tách thành nhiều doanh nghiệp nhà nước có qui mô không bảo đảm tiêu chuẩn quy định trong Thông tư hướng dẫn này.

4. Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập quy mô lớn hàng năm có quyết định bổ sung thành lập Hội đồng quản trị hoặc chuyển sang áp dụng mô hình không có HĐQT thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải gửi danh sách các doanh nghiệp này đến Văn phòng Chính phủ và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

Căn cứ vào Thông tư này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát lại tất cả các DNNN độc lập trực thuộc để xác định doanh nghiệp có quy mô lớn dự kiến thành lập HĐQT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Việc rà soát lại các doanh nghiệp phải hoàn thành chậm nhất trước tháng 6/1996.

Đỗ Quốc Sam

(Đã ký)

PHỤ LỤC

THANG ĐIỂM TÍNH QUY MÔ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/BKH-QLKT ngày 27 tháng 2 năm 1996 về hướng dẫn tiêu thức xác định doanh nghiệp Nhà nước độc lập quy mô lớn có thành lập Hội đồng quản trị)

TT

Tiêu thức

Trị số

Điểm

Từ 50 tỷ đồng trở lên

40

1

Vốn

Từ 40 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng

35

Từ 30 tỷ đồng đến dưới 40 tỷ đồng

30

Từ 15 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng

25

Từ 1.500 người trở lên

30

2

Lao động

Từ 1.000 người đến dưới 1.500 người

25

Từ 500 người đến dưới 1.000 người

20

Từ 80 tỷ đồng trở lên

15

3

Doanh thu

Từ 60 tỷ đồng đến dưới 80 tỷ đồng

12

Từ 40 tỷ đồng đến dưới 60 tỷ đồng

10

Từ 20 tỷ đồng đến dưới 40 tỷ đồng

8

Từ 10 tỷ đồng trở lên

15

4

Nộp ngân sách

Từ 7 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng

12

Nhà nước

Từ 5 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng

9

Dưới 5 tỷ đồng

7

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/BKH-QLKT-1996 hướng dẫn tiêu thức xác định doanh nghiệp Nhà nước độc lập quy mô lớn có thành lập Hội đồng quản trị do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 03/BKH-QLKT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/02/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Đỗ Quốc Sam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản