Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2020/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT HƯỚNG DẪN VỀ TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG DIỆN TÍCH CÔNG TRÌNH SỰ NGHIỆP THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là các hạng mục công trình trong các cơ sở đào tạo, bao gồm: Các phòng học, giảng đường; các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành; thư viện (hoặc trung tâm học liệu); các phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên; khu hoạt động thể chất (nhà thi đấu thể thao, nhà tập thể thao, sân tập thể thao trong nhà, sân tập thể thao ngoài trời và bể bơi); ký túc xá; khu dịch vụ tổng hợp (nhà ăn, căn tin, tạp hóa); trạm y tế; nhà để xe; phòng nghỉ cho giảng viên.

2. Diện tích chuyên dùng được xác định là diện tích sàn tính theo kích thước thông thủy (không tính diện tích hành lang, cầu thang, sảnh, ban công, chân tường, cột, hộp kỹ thuật) thuộc các hạng mục công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Điều 3. Mục đích

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo quy định tại Thông tư này được sử dụng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo lập kế hoạch và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê công trình sự nghiệp; quản lý, sử dụng các công trình sự nghiệp.

Điều 4. Căn cứ xác định tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng

1. Quy mô học sinh, sinh viên, giảng viên quy đổi theo định hướng phát triển của cơ sở đào tạo.

2. Chuyên ngành đào tạo ổn định theo định hướng phát triển của cơ sở đào tạo.

3. Yêu cầu đào tạo của các chuyên ngành để xác định số lượng các hạng mục công trình chuyên dùng.

Điều 5. Tiêu chuẩn, định mức, phương pháp tính toán xác định diện tích chuyên dùng cho các công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

1. Hội trường từ 250 chỗ trở lên

Diện tích chuyên dùng của các Hội trường được xác định như sau:

SHT = A x K

Trong đó: SHT là tổng diện tích chuyên dùng của hội trường từ 250 trở lên, đơn vị tính là mét vuông (m2);

A là số chỗ ngồi;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

2. Giảng đường có quy mô từ 200 chỗ trở lên

Diện tích chuyên dùng của các giảng đường 200 chỗ trở lên được xác định như sau:

S= A x K

Trong đó: S là tổng diện tích chuyên dùng của giảng đường có quy mô từ 200 chỗ trở lên, đơn vị tính là m2;

A là số chỗ của giảng đường;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

3. Giảng đường có quy mô từ 100 chỗ trở lên

Diện tích chuyên dùng của các giảng đường 100 chỗ trở lên được xác định như sau:

SGĐ1 = A x K

Trong đó: SGĐ1 là tổng diện tích chuyên dùng của giảng đường có quy mô từ 100 chỗ trở lên, đơn vị tính là m2;

A là số chỗ của giảng đường;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

4. Phòng học thông thường dưới 100 chỗ

a) Đảm bảo số phòng học đáp ứng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo;

b) Diện tích chuyên dùng các phòng học được xác định như sau:

SPH = SCN1 SCN2 ··· SCNn

Trong đó: SPH là tổng diện tích chuyên dùng của các phòng học thông thường dưới 100 chỗ, đơn vị tính là m2;

SCN1, SCN2,… SCNn là diện tích chuyên dùng phòng học của mỗi chuyên ngành được xác định như sau:

Trong đó: CN1, CN2,..CNn là số chuyên ngành đào tạo;

i là số thứ tự năm học của học sinh, sinh viên trong một chuyên ngành;

T là tổng số tiết học lý thuyết của 1 học sinh, sinh viên trong năm thứ i của một chuyên ngành;

A là tổng số học sinh, sinh viên năm thứ i của một chuyên ngành;

2.160 là số tiết học tối đa trong một năm học mà 01 chỗ học có thể đạt được, tính toán trên cơ sở chương trình học 1 năm gồm 2 học kỳ, mỗi học kỳ 15 tuần, mỗi tuần học 6 ngày và mỗi ngày học tối đa 12 tiết;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

5. Phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành

a) Đảm bảo số phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo;

b) Diện tích chuyên dùng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành được xác định như sau:

STN = STN1 STN2 ··· STNn

Trong đó: STN là tổng diện tích chuyên dùng phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành, đơn vị tính là m2;

STN1, STN2,… STNn là diện tích chuyên dùng phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành của mỗi chuyên ngành; được xác định như sau:

Trong đó: TN1, TN2,..TNn là số loại phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành;

i là số thứ tự năm học của học sinh, sinh viên trong một chuyên ngành;

T là tổng số tiết học của 1 học sinh, sinh viên trong năm thứ i sử dụng một loại phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành;

A là tổng số học sinh, sinh viên năm thứ i sử dụng một loại phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành;

2.160 là số tiết học tối đa trong một năm học mà 01 chỗ học có thể đạt được, tính toán trên cơ sở chương trình học 1 năm gồm 2 học kỳ, mỗi học kỳ 15 tuần, mỗi tuần học 6 ngày và mỗi ngày học tối đa 12 tiết;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

6. Thư viện

Diện tích chuyên dùng của các Thư viện được xác định như sau:

STV = A x K

Trong đó: STV là tổng diện tích chuyên dùng của thư viện, đơn vị tính là m2;

A tối thiểu bằng 25% tổng số học sinh, sinh viên và giảng viên quy đổi;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

7. Ký túc xá

Diện tích chuyên dùng của các Ký túc xá được xác định như sau:

SKTX = A x K

Trong đó: SKTX là tổng diện tích chuyên dùng của ký túc xá, đơn vị tính là m2;

A là số học sinh, sinh viên có nhu cầu ở nội trú;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

8. Khu hoạt động thể chất

a) Diện tích chuyên dùng cho các hạng mục công trình thể thao được xác định theo tiêu chuẩn hiện hành cho từng môn;

b) Nhà thể thao đa năng có kích thước tối thiểu 42m x 24m x 12,5m.

9. Diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên:

a) Mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2;

b) Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2;

c) Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

10. Phòng chờ cho giảng viên

a) 20 phòng học có 01 phòng chờ cho giảng viên;

b) Diện tích chuyên dùng của phòng chờ là 3m2/giảng viên, với diện tích phòng không nhỏ hơn 24m2/phòng.

11. Khu dịch vụ tổng hợp

Diện tích chuyên dùng của các Khu dịch vụ tổng hợp được xác định như sau:

SDV = A x K

Trong đó: SDV là tổng diện tích chuyên dùng của khu dịch vụ tổng hợp, đơn vị tính là m2;

A tối thiểu bằng 30% quy mô học sinh, sinh viên;

K là định mức diện tích, đơn vị tính là m2.

12. Trạm y tế: Tổng diện tích chuyên dùng của Trạm Y tế tối đa không quá 300m2, bao gồm: Phòng trạm trưởng và y bác sỹ trực; Phòng khám; Phòng tiêm và thủ thuật; Phòng y tá hồ sơ kiêm phát thuốc; Kho thuốc và dụng cụ; Phòng bệnh nhân; Phòng ăn cho bệnh nhân.

13. Nhà để xe

a) Nhà để xe đảm bảo đủ chỗ để xe cho số lượng xe của 30% đến 60% tổng số học sinh, sinh viên và từ 60% đến 90% tổng số giảng viên, cán bộ, nhân viên;

b) Tiêu chuẩn diện tích: 0,9m2/xe đạp; 2,5m2/xe máy; 25m2/ôtô;

Bố trí khu vực để xe cho học sinh, sinh viên khuyết tật gần lối vào.

14. Nhà vệ sinh

a) Khu vệ sinh cán bộ, giảng viên, nhân viên: bố trí theo các khối phòng chức năng, trường hợp khu riêng biệt cần đặt ở vị trí thuận tiện cho sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường. Bố trí phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt; bảo đảm số lượng thiết bị: đối với nam 01 chậu tiểu/15 người, 01 chậu xí/20 người, 01 chậu rửa tay/04 chậu xí nhưng không được ít hơn 01; đối với nữ 01 chậu xí/15 người, 01 chậu rửa tay/02 chậu xí nhưng không được ít hơn 01;

b) Khu vệ sinh học sinh, sinh viên: bố trí theo các khối phòng chức năng, trường hợp khu riêng biệt cần đặt ở vị trí thuận tiện cho sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường. Bố trí phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt, bảo đảm cho học sinh, sinh viên khuyết tật tiếp cận sử dụng; bảo đảm số lượng thiết bị: đối với nam 01 tiểu nam, 01 xí và 01 chậu rửa cho 30 học sinh, sinh viên, có tường/vách ngăn giữa chỗ đi tiểu và xí; đối với nữ 01 xí và 01 chậu rửa cho 30 học sinh, sinh viên.

15. Định mức diện tích chuyên dùng (hệ số K) (Phụ lục kèm theo).

Điều 6. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với quy định tại Thông tư này thì tiếp tục thực hiện. Trường hợp không phù hợp với quy định tại Thông tư này thì tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình sự nghiệp giáo dục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì không xác định lại tiêu chuẩn, định mức theo quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ sở đào tạo căn cứ quy định tại Thông tư này, xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, trình cơ quan cấp trên trực tiếp ban hành hoặc xin ý kiến ủy quyền cho ban hành.

2. Các cơ sở đào tạo tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư căn cứ quy định tại Thông tư này xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của đơn vị.

3. Quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng được công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ sở đào tạo.

Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 3 năm 2020.

2. Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ sở đào tạo và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 03/2020/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/02/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ
  • Ngày công báo: 23/02/2020
  • Số công báo: Từ số 235 đến số 236
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản