BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-TT/PC | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1970 |
Hệ thống cầu, đường bộ của ta phần lớn là tiếp thu của Pháp để lại, vốn đã xấu và yếu lại bị địch đánh phá trong những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Hiện nay, tuy đã cố gắng khôi phục, sửa chữa nhưng nói chung còn nhiều nhược điểm và chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải ngày càng lớn, trong khi đó thì các loại xe nặng ngày càng phát triển nhiều. Ngoài ra, trong những năm chiến tranh do yêu cầu khẩn trương phục vụ cho chiến đấu và sản xuất, nhiều cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường, nhiều đơn vị quân đội đã không thực hiện tốt được những quy định về bảo vệ an toàn đường, cầu, phá, như đã cho xe có bánh xích, xe nặng vượt quá tải trọng thiết kế của cầu, đường hoạt động thường xuyên trên các tuyến đường ôtô công cộng nhưng không xin phép cơ quan giao thông vận tải, không theo sự hướng dẫn về việc đi lại đối với các loại xe này của cơ quan quản lý cầu,đường. Cho đến nay tuy địch đã buộc phải ngừng đánh phá miền bắc, tình hình đã tương đối đi vào ổn định, nhưng tình trạng đó vẫn còn kéo dài chưa khắc phục được. Do đó đã làm cho cầu, đường nhiều tuyến vốn đã xấu và yếu từ trước càng phát sinh biến dạng, hư hỏng nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của vận tải ô tô, gây lãng phí nhiều tiền của của Nhà nước. Thậm chí còn gây ra những tai nạn giao thông rất đáng tiếc.
Để kịp thời ngăn ngừa những hiện tượng làm hư hại cầu, đường hoặc gây ra tai nạn giao thông, bảo đảm cho giao thông vận tải được an toàn, thông suốt nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân, Bộ quy định:
I. VIỆC ĐI LẠI CỦA XE CÓ TRỌNG TẢI LỚN TRÊN ĐƯỜNG Ô TÔ CÔNG CỘNG
1. Các xe có trọng tải từ 10 tấn trở xuống (ký hiệu BK) được chạy trên tất cả các tuyến đường ôtô công cộng thuộc trung ương quản lý. Còn đối với các tuyến đường thuộc địa phương quản lý thì do các Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định và công bố.
2. Các xe có trọng tải trên 10 tất của tất cả các cơ quan, các ngành (kể cả quân sự) khi đi trên đường ôtô công cộng do trung ương hoặc do địa phương quản lý đều phải liên hệ với Cục quản lý đường bộ hoặc các sở, ty giao thông vận tải để xin giấy phép và bàn biện pháp bảo đảm an toàn cho xe hoạt động.
Các sở, ty giao thông vận tải chỉ xét và cấp giấy phép cho những trường hợp xe đi trong phạm vi tỉnh hoặc thành phố.
II. VIỆC ĐI LẠI CỦA XE CÓ BÁNH XÍCH
1. Các loại xe bánh xích của tất cả các cơ quan, các ngành (kể cả quân sự) đi lại trên các tuyến đường ôtô công cộng do trung ương hoặc do địa phương quản lý đều phải xin phép cơ quan giao thông vận tải như trường hợp đối với xe có trọng tải trên 10 tấn quy định ở điểm 2 phần I trên đây. Đồng thời phải bảo đảm các điều kiện bảo vệ an toàn giao thông sau đây:
a) Phải có băng cao su bọc xích hoặc có guốc gỗ đệm xích. Trường hợp không có những trang bị bảo vệ này thì phải lót ván hoặc tôn ở hai vệ bánh xích đi, hoặc chuyển bằng loại xe bàn.
b) Phải cho xe đi vào đúng những đường quy định và phải tôn trọng mọi sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý đường bộ.
2. Đối với xe có bánh xích mới nhập từ nước ngoài vào khi cần đưa đi các nơi mà nơi đó có đường sắt chạy đến thì nhất thiết phải vận chuyển bằng đường sắt. Nếu chỉ tạm thời phân tán xe bánh xích ra khỏi ga, cảng, thì cũng phải dùng loại xe bàn để chuyển đi, trường hợp không có xe bàn thì phải áp dụng theo các quy định ở điểm 1 trong phần này.
1. Cục quản lý đường bộ phải thường xuyên nắm vững tình hình cầu, đường trên tất cả các tuyến, kể cả các tuyến đường do địa phương quản lý. Đồng thời phải nghiên cứu quy định những điều kiện, những biện pháp cụ thể về kỹ thuật, nghiệp vụ để hướng dẫn cho các sở, ty giao thông vận tại trong việc xét, cấp giấy phép cho xe nặng và xe có bánh xích đi lại trong địa phương.
2. Các sở, ty giao thông vận tải có trách nhiệm báo cáo ngay tình hình và khả năng trọng tải của cầu đường thuộc địa phương mình quản lý (kể cả các đường địa phương) cho Cục quản lý đường bộ. Mỗi khi có sự thay đổi về cầu, đường trong địa phương phải kịp thời báo cáo về Cục để tiện việc xét và cấp giấy phép cho các loại xe qua lại.
3. Trong việc xét giấy phép cho xe có trọng tải lớn đi lại ở địa phương, nếu gặp trường hợp có những loại xe nặng vượt quá trọng tải cầu, đường mà khả năng các sở, ty giao thông vận tải không có biện pháp nào giải quyết cho xe qua lại an toàn được thì báo cáo ngay về Cục quản lý đường bộ, Cục có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương giải quyết những trường hợp này.
4. Ông Cục trưởng Cục quản lý đường bộ, các ông Giám đốc sở giao thông vận tải và Trưởng ty giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thi hành thông tư này. Phải tăng cường công tác kiểm tra an toàn giao thông vận tải và có kế hoạch hướng dẫn các đoạn, hạt bảo dưỡng đường bộ đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ an toàn cầu đường, thường xuyên kiểm tra xe cộ đi lại trên các tuyến đường, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những hiện tượng vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn cầu, đường, phà, an toàn giao thông vận tải.
5. Những hành động vi phạm đến những quy định trong thông tư này sẽ tùy theo trường hợp nặng, nhẹ mà xử lý bằng các hình thức như:
- Phê bình
- Lập biên bản vi phạm chuyển sang cơ quan công an địa phương để phạt tiền theo mức phạt đã quy định đối với xe cơ giới trong luật đi đường bộ.
- Tạm thu giấy phép lái xe, bằng lái xe chuyển sang cơ quan công an địa phương xử lý;
- Bắt bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra cho cầu, đường, phà.
Trường hợp vi phạm gây thiệt hại nặng cho cầu, đường, phà hoặc gây ra tai nạn giao thông thì cơ quan quản lý đường bộ có thể lập biên bản truy tố trước tòa án theo luật pháp hiện hành của Nhà nước.
6. Các cán bộ giao thông vận tải được quyền lập biên bản xử lý những vi phạm các quy định trong thông tư này là những cán bộ đã được quy định ở điểm “a”, điều 1 trong quyết định số 2116-QĐ ngày 17/07/1968 của Bộ về việc ủy quyền kiểm soát, lập biên bản và xử lý các vụ vi phạm điều lệnh về kỷ luật an toàn giao thông vận tải thời chiến.
7. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho những quy định trong công văn số 1022 của Bộ ban hành ngày 25-06-1961. Những quy định trước đây của các địa phương về sự đi lại của các loại xe nặng và xe có bánh xích trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Đề nghị các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính các địa phương phổ biến rộng rãi thông tư này cho các cấp, các đơn vị thuộc quyền biết và thực hiện./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
Thông tư 02-TT/PC-1970 quy định việc đi lại trên đường ô tô công cộng đối với các loại xe có trọng tải lớn và xe có bánh xích do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 02-TT/PC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/01/1970
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Tường Lân
- Ngày công báo: 31/01/1970
- Số công báo: Số 2
- Ngày hiệu lực: 22/01/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định