TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 002-TT/LB | Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1979 |
HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA CỦA CÔNG NHÂN
Căn cứ vào điểm b, điều 22 Nghị định số 182-CP ngày 26-4-1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành Quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.
Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với các Bộ, các ngành, các đoàn thể quần chúng có liên quan, Ủy ban thanh tra của Chính phủ và Tổng công đoàn Việt Nam ra thông tư hướng dẫn cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và nội dung hoạt động của đội kiểm tra của công nhân như sau.
I. MỤC ĐÍCH VIỆC TỔ CHỨC ĐỘI KIỂM TRA CỦA CÔNG NHÂN
Việc tổ chức đội kiểm tra của công nhân nhằm :
- Thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức bằng kiểm tra việc phân phối hàng hóa tiêu dùng, phân phối nhà ở, phục vụ đời sống ở địa phương.
- Kết hợp công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước với việc kiểm tra giám sát của đông đảo quần chúng để giúp đỡ các tổ chức làm công tác phân phối, phục vụ đời sống nhân dân, phát huy mặt tốt, ngăn ngừa và khắc phục mặt tiêu cực, thực hiện phân phối công khai, đúng chính sách, đúng tiêu chuẩn, đối tượng, công bằng, thuận tiện, tăng cường cải tiến quản lý, thực hiện nghiêm chỉnh 4 chế độ, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
II. TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA CỦA CÔNG NHÂN
1. Tổ chức :
Đội kiểm tra của công nhân ở khu phố, quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là đội kiểm tra của công nhân ở quận, huyện) do công đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức và ra quyết định thành lập.
Nơi chưa có tổ chức công đoàn thì do Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân tổ chức và ra quyết định thành lập.
Đội kiểm tra của công nhân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức và ra quyết định thành lập.
Thành phần đội kiểm tra của công nhân gồm những người tích cực trong các ban thanh tra của công nhân ở đơn vị cơ sở và có thể lấy thêm trong số cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan, xí nghiệp (kể cả cơ quan, xí nghiệp trung ương đóng tại địa phương), những cán bộ, công nhân, viên chức về hưu có nhiệt tình cách mạng, trung thực, liêm khiết, có năng lực và có điều kiện hoạt động, được thủ trưởng và công đoàn cơ sở hoặc tổ về hưu giới thiệu. Khi kiểm tra những việc có liên quan đến thanh niên, phụ nữ, trẻ em thì đội kiểm tra của công nhân có đại diện của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ.
Đội kiểm tra của công nhân có từ 5 đến 15 người, khi cần thiết đội kiểm tra có thể chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có từ 2 đến 5 người. Đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, tổ phó ở cấp nào do công đoàn cấp đó chỉ định. Số đội kiểm tra của công nhân ở mỗi tỉnh, thành phố, quận, huyện nhiều hay ít là căn cứ vào khả năng tổ chức và yêu cầu về công tác kiểm tra ở nơi đó mà quyết định.
2. Nhiệm vụ :
Đội kiểm tra của công nhân ở cấp nào chịu sự chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của công đoàn và Ủy ban nhân dân cấp đó, và được sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ kiểm tra của Ủy ban thanh tra cùng cấp.
Đội kiểm tra của công nhân có nhiệm vụ từng thời gian kiểm tra các cơ sở phân phối hàng hóa tiêu dùng, phân phối nhà ở và phục vụ đời sống ở địa phương như :
- Các quầy hàng, cửa hàng của công ty mậu dịch quốc doanh, công ty hợp doanh thuộc các ngành lương thực, thực phẩm, nội thương, y tế, văn hóa.
- Các cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã mua bán ở các phường, thị trấn, thị xã, quận, huyện.
- Các quầy hàng, cửa hàng sửa chữa, phục vụ.
- Các cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển lương thực, thực phẩm.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh, phát thuốc.
- Nơi phục vụ đi lại bến bãi, vui chơi, giải trí công cộng.
- Các cơ quan phân phối nhà ở.
Ngoài những đối tượng kiểm tra nói trên, đội kiểm tra của công nhân có thể tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối hàng tiêu dùng, phân phối nhà ở, phục vụ đời sống trong xí nghiệp, cơ quan của Nhà nước, nếu công nhân, viên chức ở nơi đó yêu cầu.
Nội dung kiểm tra gồm những mặt chủ yếu dưới đây :
- Kiểm tra việc phân phối hàng hóa tiêu dùng, phân phối nhà ở, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần ở địa phương có công bằng, hợp lý, đúng chính sách, chế độ, đối tượng không.
- Kiểm tra về phương thức phân phối, phương thức phục vụ nhân dân có thuận tiện, hợp lý, nhanh chóng không.
- Kiểm tra về cân, đong, đo, đếm có đủ số lượng, trọng lượng, có đảm bảo đúng giá cả, chủng loại không.
- Kiểm tra về tinh thần thái độ của nhân viên phục vụ khách hàng, giờ giấc đóng, mở cửa hàng, vệ sinh cá nhân và nơi làm việc.
Yêu cầu của công tác kiểm tra là thiết thực giúp cho cơ sở và cá nhân hiểu rõ và làm đúng chính sách, chế độ, điều lệ, nội quy đã ban hành, giúp họ thực hiện nhiệm vụ khi gặp khó khăn, kiến nghị đơn vị và cá nhân phải kịp thời sửa chữa những quyết điểm thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, đề nghị biểu dương những đơn vị và cá nhân làm tốt nhiệm vụ, đề nghị xử lý những đơn vị và cá nhân cố tình vi phạm chính sách, chế độ.
3. Quyền hạn :
Đội kiểm tra của công nhân có quyền :
a) Yêu cầu người phụ trách đơn vị hoặc cá nhân nơi đến kiểm tra cung cấp tình hình, số liệu, chứng từ cần thiết và trả lời những vấn đề của đội đặt ra để phục vụ công tác kiểm tra.
b) Yêu cầu người phụ trách đơn vị cho ngừng ngay việc phân phối những mặt hàng đã mất phẩm chất rõ ràng như thực phẩm bị thiu thối, lương thực bị mối mọt, mục nát v.v… cho sửa ngay những việc làm sai chính sách, chế độ quy định của Nhà nước, của ngành, của địa phương, thay ngay những dụng cụ cân, đong, đo không hợp pháp hoặc sửa chữa lại cho đúng.
c) Kiến nghị biểu dương, khen thưởng những đơn vị và cá nhân làm tốt nhiệm vụ, kiến nghị xử lý những đơn vị và cá nhân cố làm sai chính sách, chế độ.
d) Lập biên bản kiểm tra có chữ ký của đội kiểm tra, người phụ trách hoặc người thay mặt đơn vị và cá nhân người được kiểm tra.
Biên bản phải lập thành 4 bản :
- Một bản giao cho đơn vị được kiểm tra để thi hành.
- Một bản đội kiểm tra giữ để theo dõi.
- Một bản gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm tra để yêu cầu giúp đỡ và đôn đốc thực hiện.
- Một bản gửi công đoàn cấp trên để báo cáo.
4. Phương pháp hoạt động của đội kiểm tra của công nhân.
Đội kiểm tra của cấp nào hoạt động theo chương trình kế hoạch của Ủy ban nhân dân và công đoàn cấp đó. Mỗi lần kiểm tra cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng kiểm tra và phải chuẩn bị chu đáo để tiến hành kiểm tra được nhanh gọn, chính xác, đạt hiệu quả thiết thực.
Đội kiểm tra của công nhân ở các quận, huyện chỉ tiến hành kiểm tra những vấn đề đơn giản, không đòi hỏi mất nhiều thời gian nghiên cứu, điều tra xác minh, và chỉ hoạt động trong phạm vi quận, huyện đã được phân công, không điều động sang quận, huyện khác.
Trường hợp đội kiểm tra ở quận, huyện phát hiện hoặc nghi vấn thấy có vấn đề phức tạp, nếu đi sâu kiểm tra phải mất nhiều thời gian thì báo cáo lên công đoàn cấp trên xem xét, giải quyết.
Đội kiểm tra phải giữ bí mật tình hình hàng hóa và tài liệu, số liệu của cơ sở được kiểm tra.
Đội kiểm tra của tỉnh, thành phố cũng hoạt động theo quy định trên đây, nhưng chú trọng đi vào kiểm tra những vấn đề quan trọng, phức tạp, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và có tác dụng trong phạm vi toàn tỉnh, toàn thành phố.
5. Điều kiện và phương tiện hoạt động của đội kiểm tra của công nhân :
a) Cấp thẻ kiểm tra :
Thẻ kiểm tra do Ủy ban nhân dân và công đoàn cấp tổ chức đội kiểm tra ký và giao cho công đoàn tổ chức việc cấp phát và quản lý.
Thẻ kiểm tra có giá trị theo thời gian ghi trong quyết định thành lập và chỉ có giá trị sử dụng trong khi tiến hành nhiệm vụ kiểm tra có từ hai người trở lên.
Người được cấp thẻ kiểm tra có trách nhiệm :
- Giữ gìn cẩn thận thẻ kiểm tra và sử dụng thẻ đúng mục đích, nghiêm cấm việc cho mượn hoặc lợi dụng thẻ kiểm tra vào việc tư lợi.
- Khi mất thẻ kiểm tra phải báo ngay cho đội trưởng, đội phó, tổ trưởng, tổ phó hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để đề phòng kẻ gian lợi dụng.
- Phải trả lại thẻ kiểm tra cho cơ quan cấp thẻ khi hết hạn hoặc khi thôi không làm công tác kiểm tra.
Thẻ kiểm tra được in theo mẫu thống nhất và do Tổng công đoàn Việt Nam đài thọ kinh phí in thẻ.
b) Thời gian hoạt động :
Ngoài việc tự nguyện dùng thời gian ngoài giờ sản xuất, công tác để đi làm công tác kiểm tra, những công nhân, viên chức tham gia công tác kiểm tra mỗi năm còn được sử dụng 15 ngày trong giờ sản xuất, công tác để hoạt động, học tập, hội họp và bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra.
Thủ trưởng và công đoàn cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để anh chị em yên tâm, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ được giao.
c) Điều kiện và phương tiện hoạt động :
Trong những ngày đi làm công tác kiểm tra, đi dự hội nghị, dự các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác kiểm tra, những công nhân, viên chức tham gia đội kiểm tra vẫn được hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp nếu có. Nếu là công nhân trực tiếp sản xuất thì do kinh phí công đoàn đài thọ, nếu là công nhân, viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp thì vẫn do đơn vị cử đi đài thọ theo Thông tư số 7-LĐ/TT ngày 3-4-1959 của Bộ Lao động. Ngoài ra, anh chị em còn được hưởng chế độ bồi dưỡng, tiền tàu xe, công tác phí do kinh phí công đoàn đài thọ.
Tổng công đoàn Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ SỞ VÀ CÁ NHÂN NƠI ĐƯỢC KIỂM TRA
Thủ trưởng đơn vị và cá nhân nơi được kiểm tra, sau khi đối chiếu thẻ kiểm tra và giấy chứng minh của cán bộ kiểm tra, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây ;
1. Cộng tác chặt chẽ, giúp đỡ tận tình và tạo điều kiện thuận lợi để đội kiểm tra tiến hành công tác được dễ dàng, nhanh chóng.
2. Cung cấp đầy đủ tình hình, tài liệu cần thiết và giải đáp đúng đắn những vấn đề mà đội kiểm tra đặt ra.
3. Phải ký tên vào biên bản của đội kiểm tra.
Nếu có điểm nào không nhất trí với đội kiểm tra thì có quyền ghi ý kiến của mình vào biên bản.
4. Có kế hoạch và biện pháp thi hành nghiêm chỉnh những kiến nghị của đội kiểm tra đã ghi trong biên bản và phải báo cáo kết quả sửa chữa với công đoàn (nơi trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động của đội kiểm tra) và cơ quan quản lý cấp trên của mình.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH
1. Đối với Ủy ban nhân dân và Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân và công đoàn quận, huyện.
Ủy ban nhân dân và Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân và công đoàn quận, huyện có trách nhiệm tổ chức lãnh đạo các đội kiểm tra của công nhân hoạt động theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn đã quy định trong thông tư này. Căn cứ vào chủ trương và kế hoạch chung giữa Ủy ban nhân dân và công đoàn, Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn quận, huyện là cơ quan thường trực chỉ đạo sự hoạt động của các đội kiểm tra.
a) Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn, quận, huyện có trách nhiệm :
- Chỉ đạo việc thành lập đội kiểm tra của công nhân ở quận, huyện, trực tiếp phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức đội kiểm tra ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội kiểm tra.
- Chủ trì phối hợp với cơ quan thanh tra chỉ đạo đội kiểm tra hoạt động theo đúng nhiệm vụ và quyền hạn đã quy định.
- Khi cần thiết, có thể chỉ đạo các đội kiểm tra cùng tiến hành kiểm tra một vấn đề trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố, một khu vực.
- Cùng cơ quan thanh tra đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương thực hiện đầy đủ các kiến nghị đúng đắn của đội kiểm tra.
Đối với trường hợp không nhất trí giữa đội kiểm tra với đơn vị và cá nhân được kiểm tra thì chậm nhất sau 15 ngày, kể từ khi nhận được biên bản, công đoàn cùng với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở được kiểm tra cử cán bộ đến xem xét, kịp thời kết luận đúng sai và thông báo lại cho cơ sở được kiểm tra và đội kiểm tra biết.
- Từng thời kỳ thông qua kết quả từng đợt kiểm tra, đề xuất với các ngành ở trung ương và địa phương có biện pháp cải tiến việc phân phối và phục vụ đời sống, tăng cường công tác quản lý, bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách cho phù hợp.
- Theo dõi tình hình hoạt động của các đội kiểm tra, sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời, báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của đội kiểm tra của công nhân với cơ quan chính quyền và công đoàn cấp trên.
- Quản lý việc cấp phát và thu hồi thẻ kiểm tra.
b) Công đoàn ngành phân phối phục vụ ở trung ương và địa phương có trách nhiệm :
- Thường xuyên nắm tình hình và kết quả qua các đợt kiểm tra để phối hợp với chuyên môn tăng cường công tác giáo dục công nhân, viên chức trong ngành nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng cải tiến tổ chức và công tác để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
- Kịp thời biểu dương những người tốt, việc tốt, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực như tham ô, móc ngoặc, bớt xén, cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà…
- Phổ biến cho công nhân, viên chức trong ngành nắm được nội dung quyền hạn, nhiệm vụ của đội kiểm tra của công nhân phối hợp, cộng tác, giúp đỡ đội kiểm tra mỗi khi đến kiểm tra ở đơn vị cơ sở thuộc ngành mình.
2. Đối với các ngành phân phối hàng hóa tiêu dùng, phân phối nhà ở và phục vụ đời sống ở địa phương thủ trưởng, các ngành có trách nhiệm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội kiểm tra của công nhân hoạt động như :
- Thực hiện chế độ công khai các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước và hướng dẫn của ngành trong việc phân phối hàng hóa tiêu dùng, nhà ở và phục vụ đời sống ở địa phương để làm cơ sở cho đội kiểm tra hoạt động.
- Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của đội kiểm tra đặt ra thuộc trách nhiệm cấp mình phải giải quyết theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Qua hoạt động và kết quả phát hiện của các đội kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo cơ sở kịp thời phát huy mặt tốt, chấn chỉnh sửa chữa mặt thiếu sót nhằm phát huy hiệu lực của công tác kiểm tra của quần chúng, đề cao ý thức trách nhiệm trong công tác phục vụ đời sống nhân dân ở địa phương.
3. Đối với Ủy ban thanh tra tỉnh, thành phố, quận, huyện, ban thanh tra các ngành phân phối, phục vụ đời sống, ban thanh tra phường, tiểu khu.
a) Ủy ban thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban thanh tra quận, huyện có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân :
- Cùng công đoàn kiểm tra, đôn đốc các cấp trong việc tổ chức các đội kiểm tra của công nhân.
- Từng thời kỳ tham gia với công đoàn về nội dung và phương pháp hoạt động, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, kiểm tra hoạt động, của các đội kiểm tra của công nhân.
- Cùng với ban thanh tra các ngành phân phối, phục vụ, tham gia với công đoàn trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội kiểm tra.
- Thanh tra các ngành phân phối phục vụ, các cấp ở địa phương về việc tiếp thu, xem xét, trả lời và thực hiện các kiến nghị đúng đắn của các đội kiểm tra.
- Tiếp thu, xem xét và trả lời những vấn đề phát hiện của các đội kiểm tra và của công đoàn thuộc trách nhiệm của ủy ban thanh tra phải giải quyết, khi cần thiết, chỉ đạo việc phối hợp lực lượng giữa thanh tra Nhà nước, thanh tra nhân dân để giúp đỡ, hỗ trợ các đội kiểm tra của công nhân.
b) Ban thanh tra các ngành phân phối, phục vụ ở địa phương có trách nhiệm giúp thủ trưởng :
- Thanh tra các đơn vị trong ngành về việc xem xét giải quyết và trả lời các kiến nghị đúng đắn của các đội kiểm tra của công nhân.
- Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ đặc điểm của ngành, đề xuất ý kiến với ủy ban thanh tra và công đoàn về nội dung kiểm tra cho sát với ngành mình, tham gia với công đoàn bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra cho sát với ngành mình, tham gia với công đoàn bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra về phần ngành mình cho đội kiểm tra.
- Tiếp thu, xem xét và trả lời những vấn đề phát hiện của các đội kiểm tra thuộc trách nhiệm của ban thanh tra phải giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội kiểm tra của công nhân hoạt động có hiệu lực.
c) Ban thanh tra nhân dân phường, tiểu khu, ban thanh tra công nhân ở cơ sở có trách nhiệm cộng tác chặt chẽ với đội kiểm tra của công nhân khi tiến hành kiểm tra ở địa phương hoặc ở đơn vị mình như cung cấp tài liệu, tình hình, phối hợp cùng kiểm tra, giám sát việc sửa chữa các khuyết điểm qua phát hiện và kiến nghị của đội kiểm tra.
Cá nhân và tập thể đội kiểm tra của công nhân có nhiều thành tích trong quá trình hoạt động được xét khen thưởng về vật chất và tinh thần theo chế độ khen thưởng đối với cán bộ và đoàn viên công đoàn.
Nếu phạm sai lầm khuyết điểm thì tùy theo lỗi nặng nhẹ, Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn quận, huyện có thể góp ý phê bình, thu hồi thẻ kiểm tra hoặc đề nghị với đơn vị nơi người đó công tác xem xét xử lý theo chế độ kỷ luật hiện hành.
Những cá nhân và đơn vị được kiểm tra, nếu có hành động cố tình cản trở việc kiểm tra thì tùy theo mức độ sự việc mà đề nghị xử lý theo chế độ kỷ luật hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng trong phạm vi cả nước, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch thực hiện từng bước vững chắc.
Trong khi thi hành nếu gặp khó khăn trở ngại, yêu cầu các Ủy ban nhân dân và Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, các bộ, các ngành phản ảnh cho Ủy ban thanh tra của Chính phủ và Tổng công đoàn Việt Nam nghiên cứu hướng dẫn tiếp.
TM. BAN THƯ KÝ | K.T. CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị định 182-CP năm 1979 Quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 528-NQ/HĐNN7 về việc đổi tên Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ thành Uỷ ban Thanh tra Nhà nước do Hội đồng nhà nước ban hành
Thông tư 02-TT/LB-1979 hướng dẫn việc tổ chức và nội dung hoạt động của đội kiểm tra của công nhân do Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 002-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 22/10/1979
- Nơi ban hành: Tổng Công đoàn Việt Nam, Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Đôn, Nguyễn Tam Ngô
- Ngày công báo: 30/11/1979
- Số công báo: Số 22
- Ngày hiệu lực: 22/10/1979
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định