Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆN NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-PC

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1967

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC VẬN DỤNG TRONG THỜI CHIẾN ĐIỀU 15 CỦA VĂN BẢN ĐIỀU LỆ (BAN HÀNH THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 47-NĐ NGÀY 12-6-1958 CỦA BỘ GIAO THÔNG BƯU ĐIỆN) VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG, THUYỀN BUỒM ĐI BIỂN VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG NHỮNG PHƯƠNG TIỆN ẤY

Điều 15 Nghị định số 47-NĐ ngày 12-6-1958 ([1])của Bộ Giao thông và bưu điện quy định: “Phương tiện vận tải thô sơ, kể cả bè mảng phải có đủ số thuyền viên cần thiết để bảo đảm an toàn trong khi đi đường. Thuyền viên phải đủ 18 tuổi và có kinh nghiệm đi sông nước”. Quy định này thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta nhằm bảo đảm an toàn cho giao thông vận tải đối với con người, đối với hàng hóa, đối với phương tiện, vận tải. Các cơ quan có trách nhiệm đăng ký và kiểm tra phải hết sức coi trọng.

Nhưng hiện nay, trong tình hình cả nước có chiến tranh, yêu cầu nhân lực cho vận tải phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống của nhân dân ngày càng lớn, mà số thuyền viên thì có hạn. Việc vận dụng điều 15 nói trên cần phải được linh hoạt để vừa bảo đảm được nguyên tắc an toàn, vừa thích ứng được với tình hình mới.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc vận dụng điều 15 Nghị định số 47-NĐ đã ban hành ngày 12-6-1958 (1) như sau:

Cơ quan đăng ký các cấp, khi cấp giấy phép lưu hành cho phương tiện vận tải thô sơ, cần đảm bảo nguyên tắc an toàn như điều 15 Nghị định số 47-NĐ (1) đã quy định.

Trường hợp cơ sở vận tải thiếu nhân lực phải bố trí thuyền viên không đủ như số thuyền viên đã quy định trong giấy phép lưu hành thì phải được cơ quan đăng ký cho phép.

Trên đường đi nếu có thuyền viên bị ốm, bị thương, bị tai nạn phải nằm lại điều trị hoặc bị chết, số thuyền viên không đủ như đã quy định thì cần xét thỏa đáng cho từng trường hợp không nên coi mọi trường hợp thiếu thuyền viên đều là vi phạm pháp luật.

Trường hợp cần thuyền viên, nhưng không có đủ người 18 tuổi, nếu cơ quan đăng ký xét thấy thể lực, sức khỏe và nghiệp vụ có đủ để bảo đảm an toàn vận tải thì vẫn có thể cho đăng ký, nhưng không được đăng ký những người dưới 16 tuổi.

Bộ yêu cầu các cơ quan đăng ký cấp giấy phép lưu hành và các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành phải nghiên cứu quán triệt thông tư này để thi hành cho đúng đắn, tránh gây trở ngại cho công tác vận tải phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống của nhân dân.







K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG





Dương Bạch Liên

([1]) Theo công văn số 1605-VP/PC ngày 29-6-1967, Bộ Giao thông vận tải đã đính chính: “Điều 15 của bản điều lệ ban hành theo nghị định số 47-NĐ ngày 12-6-1958…”

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02-PC-1967 hướng dẫn vận dụng trong thời chiến Điều 15 của Văn bản Điều lệ (theo Nghị định 47-NĐ-1958) về việc đăng ký các phương tiện vận tải đường sông, thuyền buồm đi biển và việc quản lý các kinh doanh vận tải bằng những phương tiện ấy do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 02-PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/05/1967
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Dương Bạch Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 30/05/1967
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản