Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH – TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 017-TT/LB

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 1962

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH THỨC TRÍCH NỘP KINH PHÍ CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thi hành điều 68 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội với công nhân viên chức Nhà nước và các điều 2, 4, 5, 6, 7, của nghị định số 39-CP ngày 22-03-1962 của Hội đồng Chính phủ;

Bộ Tài chính và Tổng công đoàn Việt nam hướng dẫn cụ thể việc trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

I. CĂN CỨ ĐỂ TÍNH KINH PHÍ TRÍCH NỘP CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Theo Điều 2 và Điều 5 của nghị định số 39/CP ngày 22-03-1962 nói trên, hàng tháng các cơ quan chính quyền và đoàn thể nhân dân, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường… của Nhà nước phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội một số tiền tính bằng 4,7% so với số tiền lương thực trả cho công nhân viên chức trong tháng đó.

1. Quỹ tiền lương để làm căn cứ tính số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ 4,7% nói trên là tổng số tiền mà hàng tháng cơ quan, xí nghiệp… đã thực chi để trả lương cho tổng số cán bộ công nhân viên chức nằm trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch lao động tiền lương của Nhà nước đã duyệt cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp (kể cả các cơ quan đoàn thể nhân dân), các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường trong tháng đó, bao gồm mọi khoản chi về lương đã được Hội đồng Chính phủ quy định trong nghị định số 14/CP ngày 01-02-1961 về thành phần tổng mức tiền lương của Nhà nước.

2. Kinh phí trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội. Lương của cán bộ, công nhân, viên chức thuộc chỉ tiêu biên chế và quỹ tiền lương nói trên do nguồn kinh phí nào trả (kinh phí hành chính, kinh phí sự nghiệp văn xã, kinh phí sự nghiệp kiến thiết kinh tế, kinh phí kinh doanh tự túc theo lối bù trừ chênh lệch, kinh phí kinh doanh sản xuất v.v…) thì số tiền nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội cũng do nguồn kinh phí đó trả.

II. VIỆC GHI CHI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HAY KẾ HOẠCH TÀI VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN XÍ NGHIỆP

1. Đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp: (kể cả các đoàn thể nhân dân, các cơ quan sự nghiệp văn xã và kiến thiết kinh tế), số tiền trích nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước cấp phát trong dự toán kinh phí của các cơ quan đó và ghi vào mục III “phụ cấp xã hội”, tiết 2 “Tiền trích nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội”.

2. Đối với các xí nghiệp: Số tiền nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội do xí nghiệp chi và tính vào giá thành sản phẩm.

3. Đối với các đơn vị kiến thiết cơ bản: Số tiền nộp theo tỷ lệ 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội tính vào mục xã hội (chi phí gián tiếp) của dự toán kiến thiết.

4. Đối với các nhà ăn, nhà trẻ:

- Nhà ăn nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả cho cấp dưỡng và nhân viên nhà ăn. Số tiền nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội chi trong số thu của nhà ăn gồm có tiền cơ quan, xí nghiệp trợ cấp (1đ80 theo đầu người ăn) và số tiền thu 5% vào mức ăn thực tế của cán bộ công nhân viên chức.

- Nhà trẻ nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả các bảo mẫu của nhà trẻ. Số tiền nộp 4,7% cho quỹ bảo hiểm xã hội ghi trong dự toán chi của nhà trẻ.

5. Đối với các trường học:

a) Cán bộ, công nhân viên chức của trường:

Việc trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với quỹ tiền lương đã thực trả cán bộ, công nhân, viên chức thuộc chỉ tiêu biên chế, tiền lương của trường, thực hiện theo cách thức quy định ở trên.

b) Học sinh, sinh viên là cán bộ, công nhân, viên chức được cử đi học đã cắt biên chế ở cơ quan, xí nghiệp, hưởng sinh hoạt phí theo tỷ lệ % lương do trường đài thọ:

Nhà trường phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với tổng số tiền trợ cấp theo tỷ lệ % lương cho các học sinh, sinh viên là cán bộ, công nhân được cử đi học. Số tiền trích nộp 4,7% này do quỹ học bổng của trường đài thọ và ghi vào một tiết riêng để tiện việc theo dõi.

c) Cán bộ được cử đi học các lớp bồi dưỡng văn hóa, chính trị và nghiệp vụ vẫn thuộc biên chế cơ quan, xí nghiệp… vẫn lĩnh lương ở cơ quan,xí nghiệp… (hưởng 100% hay theo tỷ lệ % lương):

cơ quan trả lương phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội 4,7% so với tổng số tiền lương đã thực trả những cán bộ, công nhân đó và phải gửi toàn bộ số tiền lương cho nhà trường để nhà trường trả lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho những cán bộ và công nhân đó trong trường hợp ốm đau, sinh đẻ… về việc thanh toán giữa nhà trường và các cơ quan xí nghiệp sẽ có quy định sau.

III. THỜI GIAN NỘP KINH PHÍ CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Vì căn cứ để tính số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội là số tiền lương thực chi hàng tháng của cơ quan, xí nghiệp… nên thời gian quy định thống nhất để các cơ quan, nộp tiền cho quỹ bảo hiểm xã hội là từ ngày 01 đến hết ngày 05 đầu tháng sau (nghĩa là sau khi trừ xong lương tháng trước).

Thí dụ: trong các ngày 1, 2, 3, 4, 5 tháng 04-1962 các cơ quan, xí nghiệp cho Liên hiệp công đoàn số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 03-1962.

2. Riêng tháng 12 hàng năm, để bảo đảm việc nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội và việc thanh toán các khoản chi về bảo hiểm xã hội được dứt khoát của năm nào vào năm ấy, nên đến ngày 31 tháng 12 nếu còn những khoản chi về lương hay bảo hiểm xã hội của tháng 12 chưa thanh toán xong phải để chi sang tháng 01 năm sau, thì các khoản chi đó được tính vào thực chi quỹ lương hay tạm ứng cho bảo hiểm xã hội của tháng 12 năm đó. Nhưng thời gian nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 12 không được kéo dài quá ngày 15 tháng 01 năm sau.

IV. CÁCH TÍNH KINH PHÍ NỘP CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Đối với các cơ quan, xí nghiệp hiện đang trả lương cán bộ, công nhân, viên chức. Sau thời gian lao động một lần vào cuối tháng hoặc trả làm 2 kỳ:

a) Cuối mỗi tháng, lấy tổng số tiền đã thực trả cán bộ, công nhân, viên chức nhân với 4,7% để biết số kinh phí phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội.

b) Lấy tổng số tiền đã ứng chi cho quỹ bảo hiểm xã hội trừ với số kinh phí phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội để biết quỹ bảo hiểm xã hội còn thừa hay thiếu để thanh toán với Tổng công đoàn hoặc với Liên hiệp công đoàn đã được Tổng công đoàn ủy nhiệm.

Thí dụ:

- Tổng số lương đã thực trả trong tháng là 5.260đ

- Kinh phí phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội là:

= 247đ22

- Tổng số các khoản đã ứng chi về bảo hiểm xã hội là 200đ.

- Số tiền còn lại để nộp Tổng công đoàn hay Liên hiệp công đoàn (tài khoản quỹ bảo hiểm xã hội) là:

247đ22 – 200đ = 47đ22

2. Đối với các cơ quan, xí nghiệp hiện đang trả lương cán bộ, công nhân, viên chức trước thời gian lao động làm một kỳ hoặc 2 kỳ:

Cách tính tiền trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

a) Kỳ lương đầu tháng, cơ quan xí nghiệp vẫn trả cán bộ, công nhân, viên chức 60% lương và kỳ giữa tháng 40% như thường lệ, vì chưa biết trong tháng đó cán bộ công nhân viên chức nào ốm đau chuyển sang quỹ bảo hiểm xã hội là 4,7% tổng số tiền lương đã phát trong 2 kỳ.

b) Cuối tháng biết rõ số ngày cán bộ, công nhân viên chức ốm, cơ quan, xí nghiệp tính lương những ngày ốm của những cán bộ ấy trừ vào lương tháng sau.

Thí dụ:

Tháng 2-1962: tổng số tiền lương đã phát trước là 5.260đ

- Số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội là:

5.260đ x 4,7% = 247đ22

- Cuối tháng 02-1962, cơ quan biết rõ trong tháng ấy có 2 cán bộ ốm:

1. Ông A lương tháng 56đ ốm 5 ngày

2. Ông B lương tháng 73đ ốm 7 ngày

Số tiền phải trừ dần vào lương tháng 03-1962 là:

- Ông A: 5 ngày: = 10đ75

- Ông B: 7 ngày:

73đ x 7

= 19đ60

26

Cộng:

30đ35

Thực chi quỹ tiền lương tháng 03-1962 sẽ là:

5.260đ – 30đ35 = 5.229đ65

Số kinh phí phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội trong tháng 03-1962 là: 5.229đ65 x 4,7% = 245đ80

Cuối tháng 03-1962, biết rõ số cán bộ công nhân viên chức ốm thì lại tính lương những ngày ốm để tính trừ lần vào lương tháng 04-1962…

Riêng đến tháng 12-1962, lương ứng trước cho những ngày ốm trong tháng 12-1962 phải thu để giảm chi quỹ lương tháng 12-1962 trong thời gian chỉnh lý quyết toán tháng 12-1962.

Thí dụ: tháng 12-1962: tổng số tiền lương phát trước cho cán bộ 2 kỳ là: 5.370đ

Trong tháng 11-1962 có 3 cán bộ ốm:

- Ông X: ốm 5 ngày, lương 56đ

- Ông Y: ốm 4 ngày, lương 50đ

- Ông Z: ốm 2 ngày, lương 73đ

Số tiền phải trừ dần vào lương tháng 12-1962 là:

- Ông X: 5 ngày: = 10đ75

- Ông Y: 4 ngày: = 7đ69

- Ông Z: 2 ngày: = 5đ44

Cộng: 23đ88

Cuối tháng 12-1962 biết được trong tháng 12 có một cán bộ ốm 20 ngày, lương 73đ, số tiền phải trừ vào lương tháng 12-1962 là:

= 56đ15

Thực chi quỹ tiền lương tháng 12 sẽ là:

5.370đ – (23,88 + 56,15) = 5.289đ97

V. VIỆC TẠM ỨNG VÀ THANH TOÁN TIỀN TẠM ỨNG CHI CHO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

1. Từ đầu đến cuối tháng, nếu quỹ bảo hiểm xã hội phải chi những khoản trợ cấp ốm đau, trợ cấp mất sữa, trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động, trợ cấp về hưu trí, về mai táng phí, về thai sản… cơ quan, xí nghiệp sẽ tạm ứng số tiền cần thiết trong phạm vi hạn mức dự toán của mình.

Hết tháng, sau khi đã tính xong và biết số tiền mà cơ quan, xí nghiệp phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội trong tháng đó, quỹ bảo hiểm xã hội phải thanh toán ngay số tiền cơ quan, xí nghiệp đã tạm ứng.

Nếu số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hơn số tiền đã tạm ứng thì cơ quan, xí nghiệp phải nộp trả quỹ bảo hiểm xã hội số tiền còn lại, nếu số tiền phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội ít hơn số tiền đã tạm ứng chi thì Ban bảo hiểm xã hội cơ quan, xí nghiệp báo cáo lên Tổng công đoàn hoặc Liên hiệp công đoàn để chuyển trả lại cho cơ quan xí nghiệp số tiền còn thiếu, tháng nào cho dứt khoát tháng ấy.

Thí dụ:

1. Số tiền phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 02-1962 là 247đ22. Trong tháng 02-1962, cơ quan đã tạm ứng cho quỹ bảo hiểm xã hội để trợ cấp: - bà C mất sữa: 10đ – ông D 1 tháng lương thôi việc vì mất sức lao động 73đ. Vậy số tiền phải nộp trả Tổng công đoàn hay Liên hiệp công đoàn là:

247đ22 – (10+73đ) = 164đ22

Còn trợ cấp ốm đau về tháng 02-1962 vì trừ lần vào quỹ tiền lương tháng 03-1962, thì cũng thanh toán với quỹ bảo hiểm xã hội tháng 03-1962.

2. Tháng 3-1962: Tổng số tiền lương sau khi trừ đi số tiền lương mà cơ quan đã trả trước cho những ngày ốm của ông A và ông B tháng 02-1962 (30đ35) còn lại là:

5.260đ – 30đ35 = 5.229đ65

Số tiền phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội về tháng 03-1962 là:

5.229đ65 x 4,7% = 245đ80

Số tiến cơ quan đã tạm ứng cho quỹ bảo hiểm xã hội để trả trợ cấp, cho ông A và ông B những ngày nghỉ ốm về tháng 02-1962 là:

- Ông A: 80% lương trong 5 ngày ốm

= 8đ60

- Ông B: 90% lương trong 7 ngày ốm

= 17đ64

Cộng là 26đ24

Trong tháng 03-1962 cơ quan lại tạm ứng cho quỹ bảo hiểm xã hội:

- Trả bà C mất sữa: 10đ

- Trả một số cán bộ về hưu: 230đ

Cách thanh toán quỹ bảo hiểm xã hội như sau:

- Số tiền phải trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội là: 245đ80

- Số tiền đã tạm ứng cho quỹ bảo hiểm xã hội là: 26đ24 + 10đ + 230đ = 266đ24. Liên hiệp công đoàn phải cấp hoàn trả cơ quan:

266đ24 – 245đ80 = 20đ44

Như vậy tháng 02-1962 sau khi đã nộp 164đ22 vào tài khoản của Liên hiệp công đoàn đã được Tổng công đoàn ủy nhiệm, tháng 03-62 sau khi đã được Liên hiệp công đoàn cấp hoàn trả 20đ44, việc thanh toán kinh phí giữa cơ quan, xí nghiệp và quỹ bảo hiểm xã hội là xong.

Còn những cán bộ, công nhân, viên chức ốm như ông A, B, X… đã lĩnh 100% lương trong những ngày không làm việc thì tháng sau phải hoàn trả cơ quan, xí nghiệp số tiền chênh lệch giữa lương và trợ cấp xã hội. Cụ thể như sau:

Trong 5 ngày nghỉ việc vì ốm, ông A chỉ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng 80% lương:

= 8đ60

Nhưng ông A đã lĩnh trước cả 5 ngày lương là:

= 10đ75

Nên tháng sau phải trả lại cơ quan:

10đ75 – 8đ00 = 2đ15

- Trong 7 ngày nghỉ việc vì ốm, ông B chỉ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội:

= 17đ64

Nhưng ông đã lĩnh trước cả 7 ngày lương là:

= 19đ60

Nên tháng sau phải hoàn trả lại cơ quan:

19đ60 – 17đ64 = 1đ96

Nhưng số tiền phải trả lại cơ quan, xí nghiệp như trên sẽ trừ ngay vào kỳ phát lương tháng sau.

2. Riêng các cơ quan hành chính sự nghiệp, ngoài số kinh phí được cấp phát theo hạn mức, không có khoản kinh phí nào khác, nên nếu có trường hợp cơ quan đã chi hết hạn mục dự toán rồi mà quỹ bảo hiểm xã hội còn thiếu tiền để chi cho những trường hợp thường xuyên hay đột xuất trong tháng đó thì Ban bảo hiểm xã hội cơ quan có nhiệm vụ lập dự trù xin Liên hiệp công đoàn hay Tổng công đoàn cấp phát kinh phí.

3. Trường hợp thật cần thiết nếu quỹ bảo hiểm xã hội của Liên hiệp công đoàn hay Tổng công đoàn cũng không còn tiền để cấp phát cho các Ban bảo hiểm xã hội cơ quan thì Liên hiệp công đoàn và Tổng công đoàn có thể đề nghị với cơ quan Tài chính đồng cấp tạm ứng một số tiền cần thiết.

Hết tháng Liên hiệp công đoàn và Tổng công đoàn phải thanh toán trả cơ quan Tài chính số tiền đã vay.

VI. VIỆC QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG, NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG

1. Theo điều 67 và 70 của điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội. Tổng công đoàn Việt nam chịu trách nhiệm quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và toàn bộ sự nghiệp bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước. Ban bảo hiểm xã hội cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường có trách nhiệm đôn đốc trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội và quyết định việc chi cấp tiền bảo hiểm xã hội theo thể lệ đã ban hành, kiểm tra việc thu chi các khoản tiền bảo hiểm xã hội, các bộ phận tài vụ, nhân sự, thống kê lao động và tiền lương của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường có trách nhiệm phục vụ công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội của công đoàn cơ sở và thủ trưởng các đơn vị này có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc các bộ phận ấy làm tốt công tác nói trên.

2. Căn cứ vào các điều quy định trên thì từ nay trở đi các bộ phận tài vụ (hoặc kế toán, quản trị) của các cơ quan xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường có nhiệm vụ chấp hành đúng và đầy đủ chế độ quản lý thu chi quỹ bảo hiểm xã hội và các chế độ kế toán, báo cáo,… về quỹ bảo hiểm xã hội theo các quy định của Tổng công đoàn Việt nam.

3. Các cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám đốc việc trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội đúng tỷ lệ và căn cứ đã quy định (4,7% thực chi quỹ tiền lương).

VII. VIỆC BÁO CÁO THU CHI QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Hàng tháng, các Ban bảo hiểm xã hội cơ quan, xí nghiệp… có trách nhiệm cùng với bộ phận tài vụ (kế toán, quản trị) của các cơ quan, xí nghiệp… làm báo cáo về tình hình thu chi và quản lý kế hoạch thu chi quỹ bảo hiểm xã hội ở đơn vị mình gửi lên Liên hiệp công đoàn cấp trên (đã được Tổng công đoàn ủy nhiệm quản lý trực tiếp quỹ bảo hiểm xã hội).

VIII. SƠ KẾT TÌNH HÌNH THU CHI VÀ QUẢN LÝ KẾ HOẠCH THU CHI QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI QUÝ I VÀ QUÝ II NĂM 1962

Trong thời gian qua, vì chưa có những quy định cụ thể về cách thức trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội các cơ quan, xí nghiệp… mới tạm ứng kinh phí để chi về các khoản trợ cấp cán bộ, công nhân, viên chức theo các chế độ bảo hiểm xã hội.

Để thanh toán cụ thể và rứt khoát số tiền của các cơ quan, xí nghệp đã tạm ứng chi cho quỹ bảo hiểm xã hội và số tiền các cơ quan, xí nghiệp phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội trong quý I và quý II năm 1962, các cơ quan, xí nghiệp cần tiến hành sơ kết ngay các khoản thu chi về bảo hiểm xã hội quý I và quý II theo quy định sau đây:

a) Đối với những cơ quan đã sơ kết xong tình hình thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý I:

- Cần xem xét lại việc trích nộp, nếu có điểm nào chưa đúng với những quy định trong văn bản này thì điều chỉnh lại cho số liệu được chính xác.

- Xúc tiến ngay việc sơ kết thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý II năm 1962.

b) Đối với những cơ quan xí nghiệp tới nay chưa sơ kết tình hình thu chi quỹ bảo hiểm xã hội, cần làm ngay báo cáo thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội quý I-1962 trước và gửi đến Liên hiệp công đoàn, đồng thời tiếp tục làm ngay báo cáo thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý II-1962.

c) Mẫu báo cáo: Báo cáo sơ kết thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý I và quý II-1962 phải làm theo mẫu thống nhất do Tổng công đoàn hướng dẫn và gửi cho Liên hiệp công đoàn để Liên hiệp công đoàn tổng hợp gửi lên Tổng công đoàn.

d) Thời hạn báo cáo:

- Sơ kết quý I-1962:

Chậm nhất đến ngày 20-06-1962, các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường phải sơ kết xong quý I-1962 và gửi báo cáo đến Liên hiệp công đoàn khu, tỉnh, thành phố và công đoàn ngành dọc.

Chậm nhất đến ngày 30-06-1962, các Liên hiệp công đoàn khu, tỉnh, thành phố và công đoàn ngành dọc phải tổng hợp xong báo cáo quý I-1962 gửi lên Tổng công đoàn Việt nam.

- Sơ kết quý II-1962:

Chậm nhất đến ngày 15-07-1962, các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường phải gửi báo cáo thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý II-1962 đến Liên hiệp công đoàn khu, tỉnh, thành phố và công đoàn ngành dọc.

Chậm nhất đến ngày 30-07-1962, các Liên hiệp công đoàn khu, tỉnh, thành phố và công đoàn ngành dọc phải tổng hợp xong báo cáo quý II-1962 gửi Tổng công đoàn Việt nam.

e) Những quy định cụ thể trong việc thanh toán thu chi quỹ bảo hiểm xã hội quý I và quý II năm 1962:

a) Theo nguyên tắc điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1962.

b) Những cơ quan, xí nghiệp… nào chưa kịp phổ biến điều lệ, chính sách bảo hiểm xã hội cho cán bộ, công nhân, viên chức, thì riêng chế độ ốm đau được hoãn lại 1 tháng, nhưng bắt đầu từ ngày 01-02-1962, toàn bộ chế độ bảo hiểm xã hội nhất thiết phải được thi hành.

c) Theo bản triết tính cụ thể của Liên bộ Tài chính, Lao động, Nội vụ, Tổng công đoàn thì trong tỷ lệ 4,7% so với thực chi quỹ lương nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức trong những ngày nghỉ vì ốm đau chiếm 2,8%. Như vậy:

- Trong tháng 01-1962 nơi nào đã thi hành toàn bộ các chế độ bảo hiểm xã hội (kể cả chế độ trợ cấp ốm đau do quỹ bảo hiểm xã hội trả) từ ngày 01-01-1962 thì phải nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ 4,7% so với thực chi quỹ lương tháng 01-1962 và thanh toán theo thực chi.

- Trong tháng 01-1962, nơi nào vẫn trả lương cán bộ, công nhân, viên chức trong những ngày nghỉ việc vì ốm đau vào quỹ lương thì chỉ phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ (4,7% - 2,8%) 1,9% so với thực chi quỹ lương trong tháng 01-1962.

- Trong tháng 01-1962, nơi nào đã trả trợ cấp cán bộ, công nhân, viên chức trong những ngày nghỉ vì ốm đau vào quỹ bảo hiểm xã hội từ ngày 16-01-1962 trở đi thì trong tháng 01-1962 phải trích nộp cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ (4,7% - 1,4%) 3,3% so với thực chi quỹ lương tháng 01-1962.

- Còn những tháng sau 2, 3, 4, 5, 6… tất cả các cơ quan, xí nghiệp đều phải nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội hàng tháng theo tỷ lệ 4,7% so với thực chi quỹ tiền lương trong tháng. Cơ quan, xí nghiệp nào chậm nhất đến ngày 01-02-1962 vẫn chưa thi hành chế độ bảo hiểm xã hội về trợ cấp ốm đau mà vẫn trả 100% lương cho cán bộ, công nhân, viên chức cho những ngày họ nghỉ vì ốm đau thì các cơ quan, xí nghiệp đó phải tính lại để thi hành kể từ ngày 01-02-1962 và phải trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ 4,7% so với thực chi quỹ tiền lương.

Số tiền lương đã trả cho cán bộ, công nhân, viên chức ốm đau phải điều chỉnh lại theo chế độ trợ cấp ốm đau quy định ở điều 7 chương II của điều lệ bảo hiểm xã hội số tiền chênh lệch phải truy hoàn trả quỹ lương.

Nhưng để chiếu cố trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn của một số cán bộ, công nhân, viên chức ốm đau, cơ quan, xí nghiệp có thể phối hợp với Công đoàn để xét cụ thể từng trường hợp và giải quyết việc truy hoàn bằng cách cho trừ dần vào lương hàng tháng, nhưng tối đa không được kéo dài quá 3 tháng.

Trong khi tiến hành nếu gặp khó khăn trở ngại gì đề nghị các Bộ, các cơ quan trung ương, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố báo cáo cho Bộ Tài chính và Tổng công đoàn biết để nghiên cứu biện pháp giải quyết.

TM. BAN CHẤP HÀNH
TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
TỔNG THƯ KÝ




Trần Danh Tuyên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Sơn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 017-TT/LB năm 1962 hướng dẫn cách thức trích nộp kinh phí cho quỹ bảo hiểm xã hội do Bộ Tài chính-Tổng công đoàn Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 017-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 09/06/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Thanh Sơn, Trần Danh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản