Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-NV

Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 1965

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 01/NV NGÀY 6 THÁNG 1 NĂM 1965 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 114/CP NGÀY 29-7-1964 VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT Ở CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/CP ngày 29 tháng 7 năm 1964 về việc thống nhất quản lý nhà, đất ở các thành phố, thị xã. Bộ Nội vụ giải thích và hướng dẫn việc thi hành Nghị định này như sau:

I - MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT

Để thoả mãn phát triển nhu cầu kinh tế, văn hoá và để cải thiện đời sống nhân dân, nhà cửa ở các thành phố, thị xã ngày càng được xây dựng thêm nhiều; khối lượng nhà cửa do Nhà nước quản lý ngày càng lớn. Nhưng việc quản lý nhà cửa trước đây còn rất phân tán, mỗi ngành, mỗi địa phương quản lý một cách khác nhau, chưa theo những chính sách, chế độ thống nhất. Do đó, việc phân phối, điều chỉnh nhà cửa còn gặp nhiều khó khăn, việc sử dụng nhà còn nhiều bất hợp lý và việc giữ gìn, sửa chữa nhà còn nhiều thiếu sót.

Về đất, việc quản lý cũng chưa thống nhất. Còn có tình trạng nhiều cơ quan quản lý, phân phối đất chưa có cơ quan nắm được tình hình đất để phân phối, sử dụng theo quy hoạch.

Vì vậy, việc thống nhất quản lý nhà, đất ở các thành phố, thị xã nhằm mục đích:

1. Bảo đảm quản lý nhà, đất theo các chính sách, chế độ, thể lệ thống nhất của Nhà nước.

2. Làm cho việc sử dụng nhà, đất được hợp lý, tận dụng khả năng nhà cửa hiện có.

3. Đưa việc xây dựng và sửa chữa nhà cửa vào kế hoạch đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhà làm việc của cơ quan Nhà nước và nhà ở của công nhân, viên chức và nhân dân.

II - PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ NỘI VỤ TRONG VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ ĐẤT

Theo Điều 1 của Nghị định thì toàn bộ nhà, đất ở các thành phố, thị xã, không phân biệt là của cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, tổ chức xã hội hay tư nhân và sử dụng vào mục đích gì, đều được Nhà nước thống nhất quản lý theo chính sách, chế độ, thể lệ do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Tuy Nhà nước bước đầu chỉ quy định phạm vi thống nhất quản lý nhà, đất ở các thành phố, thị xã nhưng đối với những nhà, đất ở các thị trấn lớn và những nhà do các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước xây dựng ở ngoài các thành phố, thị xã, thì các ngành, các cấp cũng phải căn cứ theo tinh thần thống nhất quản lý nhà, đất của Nhà nước mà tiến hành quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh, bảo quản sửa chữa nhà theo chính sách, chế độ, thể lệ chung đã được Nhà nước quy định.

Bộ Nội vụ là cơ quan được Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm: nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện việc thống nhất quản lý nhà, đất theo chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước và giám sát các ngành, các cấp trong việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

III - CÁC LOẠI NHÀ PHÂN CẤP CHO CÁC BỘ, CÁC NGÀNH QUẢN LÝ TỪNG MẶT HAY MỌI MẶT

A- NHỮNG LOẠI NHÀ DO BỘ NỘI VỤ QUẢN LÝ VỀ MỌI MẶT:

Ngoài việc nghiên cứu, hướng dẫn và giám sát việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ do Hội đồng Chính phủ ban hành, theo Điều 2 của Nghị định, Bộ Nội vụ còn được Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh, bảo quản, sửa chữa... những nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở, nhà phúc lợi tập thể, nhà vắng chủ, và nhà cho thuê của tư nhân đã giao Nhà nước quản lý (gọi là nhà cải tạo). Trong việc quản lý này, có những việc Bộ Nội vụ trực tiếp quyết định, có những việc Bộ Nội vụ giao cho các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cụ thể:

Đối với nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở, nhà phúc lợi tập thể của các cơ quan, đoàn thể trung ương đóng tại Hà Nội thì Bộ Nội vụ trực tiếp quyết định việc việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh, và duyệt kế hoạch sửa chữa. Còn đối với nhà vắng chủ, nhà cải tạo, và nhà ở các khu tập thể và các khu lao động do Nhà nước mới xây dựng thì Bộ Nội vụ giao Uỷ ban hành chính Hà Nội trực tiếp phụ trách việc cho thuê, thu tiền, sửa chữa để thống nhất việc tổ chức bộ máy tài vụ và sửa chữa nhà cửa ở địa phương.

Đối với tất cả những loại nhà nói ở Điều 2 của Nghị định như vừa kể trên mà ở các địa phương khác thì hoàn toàn do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý về mọi mặt. Bộ Nội vụ chỉ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện theo các chính sách, chế độ, thể lệ do Hội đồng Chính phủ ban hành và theo các quy định cụ thể của Bộ Nội vụ.

Để nói rõ về tính chất của mỗi loại nhà và mức độ quản lý của Bộ Nội vụ, nay giải thích thêm như sau:

1. Nhà dùng để làm việc hành chính:

Nhà dùng để làm việc hành chính là những nhà dùng làm trụ sở hay văn phòng của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các đoàn thể trong đó bao gồm cả nhà làm hội trường, phòng họp, phòng tiếp khách.

Nói chung, toàn bộ nhà dùng để làm việc hành chính đều do Bộ Nội vụ quản lý, trừ những nhà dùng để làm việc hành chính của các ngành sản xuất, kinh doanh mà ở liền với xí nghiệp, cửa hàng... thì của ngành nào do ngành đó quản lý cùng với những nhà dùng vào việc sản xuất, kinh doanh để thuận tiện cho việc sử dụng nhà cửa của các ngành đó.

Những nhà dùng để làm việc hành chính xây dựng hoặc mua bằng vốn của Nhà nước cấp và những công sở do ta tiếp quản của địch, hiện nay do các cơ quan, đoàn thể sử dụng theo chế độ cung cấp, chưa áp dụng chế độ cho thuê, thu tiền, thì các cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm bảo quản và tự đứng ra sửa chữa khi nhà bị hư hỏng. Kế hoạch sửa chữa phải được Bộ Nội vụ duyệt trước khi xin Bộ Tài chính cấp kinh phí (ở địa phương thì do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt).. Sau này, khi nhà dùng để làm việc hành chính cũng áp dụng thống nhất chế độ cho thuê thu tiền như đối với nhà ở thì lúc đó việc sửa chữa sẽ do cơ quản lý nhà, đất đảm nhiệm.

2. Nhà ở:

Nhà ở là những khu nhà tập thể của các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, những khu lao động do Nhà nước xây dựng, và những nhà của cơ quan quản lý nhà, đất cho công nhân, viên chức và nhân dân thuê để ở.

Toàn bộ nhà nói trên do Bộ Nội vụ quản lý và từ nay đều thống nhất áp dụng chế độ cho thuê, thu tiền. Những cơ quan, công nhân, viên chức và nhân dân sử dụng nhà đều phải trả tiền thuê nhà hàng tháng cho cơ quan quản lý nhà, đất theo giá Nhà nước quyđịnh. Cơ quan quản lý nhà, đất thu tiền thuê nhà thì có trách nhiệm sửa chữa khi nhà bị hư hỏng.

Đối với những nhà của các xí nghiệp dùng quỹ phúc lợi (quỹ xí nghiệp) tự mình xây dựng riêng (không kể ở trong hay ở ngoài xí nghiệp) thì thuộc ngành nào do ngành đó quản lý về mọi mặt. Bộ Nội vụ không quản lý trực tiếp loại nhà này mà chỉ hướng dẫn, giám sát việc thi hành các chính sách, chế độ chung của Chính phủ quy định.

3. Nhà phúc lợi tập thể:

Nhà phúc lợi tập thể là những nhà dùng làm nhà an dưỡng tập thể, nhà trẻ, nhà y tế cơ quan, câu lạc bộ... Loại nhà này cũng do Bộ Nội vụ quản lý như đối với nhà ở nói trên.

Đối với những nhà phúc lợi tập thể ở xen kẽ với những nhà dùng để làm việc hành chính, có tính chất phụ thuộc vào trụ sở cơ quan, thì quản lý như đối với nhà dùng để làm việc hành chính.

4. Nhà cho thuê của tư nhân trong diện cải tạo đã giao Nhà nước quản lý (gọi tắt là nhà cải tạo) và nhà vắng chủ:

Nói chung, hai loại nhà này đều do Bộ Nội vụ quản lý như Điều 2 của Nghị định đã quy định. Nhưng vì việc quản lý nhà còn liên quan đến việc giáo dục, cải tạo và thi hành chính sách đối với cá nhân các chủ nhà, nên Bộ Nội vụ chỉ quản lý về mặt chính sách, còn nhà ở địa phương nào do Uỷ ban hành chính địa phương đó quản lý việc phân phối, sử dụng, cho thuê, thu tiền, sửa chữa... dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Riêng đối với những nhà cải tạo và nhà vắng chủ do các cơ quan, đoàn thể Trung ương đóng tại Hà Nội đang sử dụng thì Bộ Nội vụ qua Cục quản lý nhà, đất trực thuộc Bộ quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh như điểm 3, Điều 6 trong Nghị định của Hội đồng Chính phủ đã quy định. Việc cho thuê, thu tiền, sửa chữa thì vẫn giao cho địa phương phụ trách.

Đặc biệt, đối với những nhà cải tạo và nhà vắng chủ cho các đoàn ngoại giao và các cơ quan đại diện kinh tế, văn hoá của nước ngoài thuê thì, theo điểm 4, Điều 6 của Nghị định, Bộ Nội vụ qua Cục quản lý nhà, đất trực thuộc Bộ quyết định việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh và trực tiếp cho thuê, thu tiền, sửa chữa để thuận tiện cho việc phục vụ kịp thời các yêu cầu đặc biệt của các Đoàn ngoại giao và của các cơ quan của nước ngoài. Việc trả tiền thuê cố định cho các chủ nhà trong diện nhà cải tạo và việc giáo dục tư tưởng, chính sách cho họ vẫn do Uỷ ban hành chính địa phương trực tiếp phụ trách.

Từ nay, đối với toàn bộ nhà cải tạo và nhà vắng chủ bất kỳ do cơ quan nào sử dụng và sử dụng vào mục đích gì, đều phải trả tiền thuê nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất địa phương. Việc sửa chữa hai loại nhà này do cơ quan quản lý nhà, đất đảm nhiệm.

Nếu có trường hợp cơ quan, đoàn thể nào muốn xin được quản lý về mọi mặt một số nhà nào đó trong 2 loại nhà này để thuận tiện cho công tác chuyên môn của mình thì phải cùng với Uỷ ban hành chính địa phương đề nghị Bộ Nội vụ quyết định.

B - NHỮNG LOẠI NHÀ DO CÁC BỘ, CÁC NGÀNH QUẢN LÝ VỀ TỪNG MẶT HAY MỌI MẶT:

Do tính chất, đặc điểm của công tác chuyên môn hoặc do đặc điểm của chế độ quản lý sản xuất, kinh doanh của các Bộ, các ngành, Hội đồng Chính phủ đã giao cho các Bộ, các ngành được quản lý về từng mặt hay mọi mặt những loại nhà sau đây:

1. Loại nhà giao các Bộ, các ngành quản lý về mặt sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ các Bộ, các ngành đó:

Những nhà dùng vào việc công tác chuyên môn, khoa học, y tế, văn hoá, giáo dục như: Viện nghiên cứu, Bệnh viện, Viện điều dưỡng, Viện bảo tàng, trường học.. nếu thuộc các ngành ở Trung ương thì, dù xây dựng ở Hà Nội hay ở các địa phương khác, đều do ngành ấy quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ ngành, căn cứ theo các chế độ chung của Chính phủ quy định. Việc bảo quản và sửa chữa những nhà này do các ngành tự đảm nhiệm nhưng kế hoạch sửa chữa cũng vẫn phải được Bộ Nội vụ xét duyệt trước khi xin Bộ Tài chính cấp kinh phí.

Nếu những loại nhà trên thuộc các ngành chuyên môn ở địa phương thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có thể quản lý về mọi mặt, hoặc có thể giao cho các ngành chuyên môn quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ các ngành ấy.

2. Loại nhà giao các Bộ, các ngành quản lý về mọi mặt:

- Những nhà dùng vào việc sản xuất, kinh doanh như nhà máy, cửa hàng, kho chứa hàng, khách sạn, rạp hát, nhà ga, bến tàu... thuộc vốn cố định của những ngành đã thi hành chế độ hạch toán kinh tế thì của ngành nào do ngành đó quản lý về mọi mặt (sử dụng, phân phối, điều chỉnh bảo quản, sửa chữa, nộp khấu hao cơ bản cho Nhà nước...) theo chế độ chung của Chính phủ quy định.

- Những doanh trại quân đội, nhà làm việc của các cơ quan Quốc phòng và những nhà ở do Bộ quốc phòng tự xây dựng thì do Bộ quốc phòng quản lý về mọi mặt theo chế độ chung của Chính phủ quy định. Việc giao cho Bộ quốc phòng được quản lý mọi mặt những loại nhà này, không những để sử dụng nhà cửa cho thích hợp với yêu cầu của công tác quân sự, mà còn sử dụng được khả năng của bộ đội để tham gia vào việc bảo vệ và sửa chữa nhà cửa.

- Những doanh trại của lực lượng Công an nhân dân vũ trang do Bộ Công an quản lý về mọi mặt theo các chế độ chung của Chính phủ quy định, cũng giống như chế độ quản lý đối với doanh trại quân đội.

Tất cả những loại nhà nói ở mục B, phần III này, tuy do các Bộ, các ngành quản lý về từng mặt hay mọi mặt nhưng vẫn phải chịu sự hướng dẫn, giám sát của Bộ Nội vụ trong việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ của Hội đồng Chính phủ ban hành. Khi các Bộ, các ngành không sử dụng những nhà đó vào các việc nói trên thì phải giao lại cho Bộ Nội vụ quản lý (nếu là nhà thuộc các ngành ở địa phương thì giao lại cho Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý).

IV - VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ ĐẤT TRONG CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

Tất cả những loại đất nói ở Điều 2 của Nghị định gồm: đất công, đất sa bồi, đất bỏ hoang, đất không có chủ, đất vắng chủ và đất cho thuê của tư nhân đã giao Nhà nước quản lý trong các thành phố, thị xã đều do Bộ Nội vụ quản lý. Nhưng để thuận tiện cho công tác, Bộ Nội vụ chỉ quản lý chủ yếu về mặt chính sách, chế độ, thể lệ, còn việc quản lý về mặt sử dụng, phân phối, điều chỉnh thì do các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phụ trách. Các Uỷ ban hành chính địa phương cũng cần chú ý đến các mặt công tác quản lý khác như đo đạc, vẽ bản đồ và lập hồ sơ các loại đất để nắm được tình hình toàn bộ về đất đai trong các thành phố, thị xã và đưa việc sử dụng đất vào quy hoạch.

V - VIỆC THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA TƯ NHÂN

Theo Điều 5 của Nghị định, tất cả những nhà, đất của tư nhân ở các thành phố, thị xã đều phải được đăng ký và chịu sự giám sát của Nhà nước trong việc sửa chữa và chuyển dịch quyền sở hữu. Nếu là nhà cho thuê thì phải chấp hành đúng điều lệ cho thuê nhà do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Mục đích của việc đăng ký và giám sát của Nhà nước nói trên là nhằm nhắc nhở, đôn đốc chủ nhà phải thường xuyên giữ gìn và sửa chữa nhà cửa, ngăn chặn những hành vi đầu cơ, trục lợi trong việc cho thuê nhà và nghiêm cấm những việc chuyển dịch, mua bán nhà, đất không hợp pháp.

VI - NHIỆM VỤ CỦA CỤC QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT THUỘC BỘ NỘI VỤ

Điều 6 của Nghị định đã quy định những nhiêm vụ của Cục quản lý nhà, đất trong việc giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, hướng dẫn và giám sát việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ về nhà, đất. Nay nói rõ thêm về một số nhiệm vụ và quyền hạn của Cục như sau:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc:

Cục quản lý nhà, đất được Bộ Nội vụ uỷ nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ về nhà, đất. Trong khi hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thi hành chính sách, chế độ, thể lệ, nếu thấy những hiện tượng thiếu sót thì Cục quản lý nhà, đất có quyền góp ý kiến và đề nghị các ngành, các địa phương bổ khuyết.

2. Góp ý kiến trong việc lập kế hoạch xây dựng mới đối với nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở, nhà phúc lợi tập thể:

Hàng năm, các ngành, các Uỷ ban hành chính địa phương phải báo cáo cho Bộ Nội vụ biết nhu cầu và chủ trương, kế hoạch của từng ngành, từng địa phương và xây dựng mới đối với nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở, nhà phúc lợi tập thể.

- Đối với nhu cầu cây dựng mới của các cơ quan, đoàn thể Trung ương đóng tại Hà Nội, Cục quản lý nhà, đất tổng hợp nhu cầu, làm đề nghị xây dựng chung toàn thể các cơ quan, đoàn thể trung ương.

Đối với nhu cầu của các địa phương, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch xây dựng chung cho toàn tỉnh, thành phố. Cục quản lý nhà, đất giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, góp ý kiến về các kế hoạch đó trước khi các Uỷ ban hành chính địa phương gửi lên Uỷ ban kế hoạch Nhà nước .

3. Quyết định việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh nhà cửa của cơ quan, đoàn thể trung ương đóng tại Hà Nội.

Theo điểm 3, Điều 6 trong Nghị định, Cục quản lý nhà, đất giúp Bộ Nội vụ quyết định việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh những nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở, nhà phúc lợi tập thể của các cơ quan, đoàn thể trung ương đóng tại Hà Nội. Nay nói rõ thêm như sau:

a) Các cơ quan, đoàn thể Trung ương sử dụng nhà phải theo tiêu chuẩn về diện tích do Nhà nước quy định và theo mục đích kiến trúc của mỗi loại nhà. Trường hợp các cơ quan, đoàn thể sử dụng nhà không theo đúng mục đích kiến trúc hoặc ở quá tiêu chuẩn do Nhà nước quy định thì Cục quản lý nhà, đất sẽ cùng với các cơ quan, đoàn thể bàn bạc để sắp xếp, điều chỉnh lại việc sử dụng nhà cửa cho hợp lý trong phạm vi nội bộ từng cơ quan, đoàn thể. Trường hợp phân phối, điều chỉnh nhà cửa từ cơ quan này sang cơ quan khác hoặc cần thay đổi mục đích sử dụng nhà cửa, thì phải do Bộ Nội vụ quyết định.

Các cơ quan, đoàn thể nhất thiết không được tự ý thay đổi việc sử dụng nhà (như chuyển nhà dùng để làm việc hành chính thành nhà ở hoặc nhược lại...) đổi nhà từ cơ quan này sang cơ quan khác hoặc mua nhà của dân mà chưa có sự đồng ý của Bộ Nội vụ .

b) Trong việc phân phối nhà mới, Cục quản lý nhà, đất căn cứ vào tình hình và nhu cầu về nhà cửa của các cơ quan, đoàn thể và tuỳ theo khả năng nhà cửa của Nhà nước hiện có, làm phương án đưa ra Hội đồng phân phối nhà cửa duyệt trước khi xin Bộ Nội vụ quyết định chính thức. Cục quản lý nhà, đất chỉ phân phối nhà cửa cho đơn vị Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và đoàn thể Trung ương mà không trực tiếp phân phối cho từng cá nhân riêng lẻ hoặc từng gia đình.

Việc bố trí, sắp xếp phân phối lại nhà cửa cụ thể cho các cơ sở trực thuộc và công nhân, viên chức trong từng cơ quan của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đoàn thể trung ương quyết định theo sự hướng dẫn của Cục quản lý nhà, đất.

VII - NHIỆM VỤ CỦA UỶ BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Theo Điều 7 của Nghị định, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện việc thống nhất quản lý nhà, đất trong địa phương mình, dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Như vậy, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý nhà, đất ở địa phương, lãnh đạo việc chấp hành toàn bộ chính sách, chế độ, thể lệ của Hội đồng Chính phủ về thống nhất quản lý nhà, đất ở địa phương mình. Do đó uỷ ban phải tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đoàn thể ở địa phương chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

Đối với các loại nhà, đất thuộc diện Bộ Nội vụ quản lý (nói ở Điều 2 của Nghị định) mà ở địa phương thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý về mọi mặt dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ .

Đối với những nhà dùng vào công tác chuyên môn khoa học, y tế, văn hoá, giáo dục, nếu có sự cần thiết ở địa phương phải giao lại cho các ngành quản lý về mặt sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ ngành, thì Uỷ ban hành chính cần phải xét duyệt kế hoạch sửa chữa những loại nhà đó.

Đối với những nhà của các cơ quan Trung ương xây dựng ở địa phương thì Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không trực tiếp quản lý nhưng Uỷ ban có trách nhiệm thay mặt Bộ Nội vụ hướng dẫn, giám sát việc thi hành chính sách, chế độ, thể lệ và góp ý kiến với các cơ quan này trong việc bổ khuyết những thiếu sót (trừ những nhà của các cơ quan, đoàn thể trung ương đóng tại Hà Nội đã có Cục quản lý nhà, đất trực tiếp phụ trách).

VIII - TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT

A - Ở TRUNG ƯƠNG:

1. Đối với trách nhiệm quản lý nói chung, Cục quản lý nhà, đất giúp Bộ Nội vụ phụ trách các việc nói ở Điều 6 của Nghị định và giải thích ở phần VI của Thông tư này.

Đối với các cơ quan quản lý nhà, đất ở địa phương, Cục quản lý nhà, đất có trách nhiệm chỉ đạo về nghiệp vụ, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ và các chủ trương công tác của Bộ Nội vụ về quản lý nhà, đất.

2. Ở mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, mỗi đoàn thể trung ương cần có một bộ phận hoặc một hay hai cán bộ chuyên trách để giúp mình trong việc quản lý nhà cửa chung cho cả cơ quan và các cơ sở trực thuộc.

Bộ phận công tác này đặt trong văn phòng các Bộ, cơ quan, đoàn thể và cần có quan hệ chặt chẽ với Cục quản lý nhà, đất Bộ Nội vụ để có sự hướng dẫn về nghiệp vụ.

B - Ở ĐỊA PHƯƠNG:

Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ Nội vụ và Hội đồng Chính phủ về công tác quản lý nhà, đất ở địa phương. Để giúp mình trong công tác này, Uỷ ban hành chính tỉnh có thể tổ chức Phòng hoặc bộ phận chuyên trách. Nơi nào cần lập Phòng hoặc bộ phận, Uỷ ban hành chính cần đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn trước khi ra quyết định thành lập.

Ở thành phố trực thuộc Trung ương đã có sẵn bộ máy quản lý nhà, đất từ trước thì hiện nay vẫn giữ nguyên tổ chức cũ.

Việc phân cấp cho các Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc tỉnh, Uỷ ban hành chính thị xã, khu phố trong việc chấp hành một số nhiệm vụ về quản lý nhà, đất do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, nhưng phải được Bộ Nội vụ duyệt trước khi thi hành.

IX - MỘT SỐ CÔNG TÁC CẦN PHẢI LÀM NGAY

Để thi hành tốt chính sách thống nhất quản lý nhà, đất, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần làm ngay một số công tác sau đây:

1. Cho nắm lại thật chính xác tình hình nhà cửa trong các thành phố, thị xã. Nơi nào đã đăng lý nhà cửa rồi, nếu thấy còn thiếu sót thì cần tổ chức kiểm tra và chỉnh lý lại các bản kê khai đăng ký cũ để có số liệu đầy đủ, chính xác hơn.

2. Lãnh đạo tiến hành việc bàn giao nhà cửa giữa cơ quan quản lý nhà, đất với các cơ quan, các ngành cho phù hợp với những nguyên tắc quy định trong nghị định và những điều giải thích trong Thông tư này.

3. Kiểm tra lại việc sử dụng nhà của các cơ quan, đoàn thể và nhà của cơ quan quản lý nhà, đất cho thuê, và tích cực điều chỉnh dần việc sử dụng cho hợp lý.

4. Nắm lại nhu cầu về nhà cửa của các cơ quan, cán bộ và nhân dân để đề xuất kế hoạch xây dựng mới (ngắn hạn và dài hạn), nhằm giải quyết vấn đề nhà cửa một cách lâu dài.

5. Thống nhất việc phân phối đất vào Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; và giao cho cơ quan quản lý nhà, đất ở địa phương phụ trách. Cần chú ý cả việc đo đạc, vẽ bản đồ, lập hồ sơ các loại đất trong các thành phố, thị xã để phục vụ tốt cho việc xây dựng và mở mang thành phố, thị xã theo quy hoạch.

Đề nghị Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chuẩn bị về mọi mặt để bắt đầu từ năm 1965 đưa việc thống nhất quản lý nhà, đất ở địa phương đi dần vào nền nếp theo Nghị định của Hội đồng Chính phủ .

Ung Văn Khiêm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-NV-1965 giải thích và hướng dẫn Nghị định 114/CP-1964 về việc thống nhất quản lý nhà, đất ở các thành phố, thị xã do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 01-NV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/01/1965
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Ung Văn Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/1965
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản