Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-LN-QĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 1963

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ PHỤ CẤPTHÁC GHỀNH CHO CÔNG NHÂN VẬN CHUYỂN BÈ MẢNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh - các sở, ty, phòng lâm nghiệp
- Các lâm trường trực thuộc tổng cục
- Phủ thủ tướng
- Bộ Tài chính
- Ngân hàng Nhà nước Việt-Nam
- Tổng Công đoàn lao động Việt-Nam.

Do yêu cầu phát triển sản xuất, khối lượng lâm sản khai thác ở những vùng rừng núi xa xôi ngày càng lớn. Do đó, công tác vận chuyển bè mảng ngày càng đi sâu vào vùng thượng lưu các con sông có nhiều thác ghềnh nguy hiểm.

Công tác vận chuyển bè mảng ở các vùng sông có nhiều thác ghềnh nguy hiểm, đòi hỏi người công nhân phải có trình độ nghề nghiệp cao hơn và làm việc với cường độ lao động nặng nhọc, nguy hiểm hơn.

Với tình hình trên, việc vận dụng mức lương, thang lương của công nhân vận chuyển bè mảng đã ban hành năm 1960, không phù hợp với điều kiện vận chuyển bè mảng hiện nay, trong những ngày mà công nhân phải vận chuyển ở những đoạn sông có nhiều thác ghềnh nguy hiểm. Sau khi trao đổi và được sự thống nhất của Bộ Lao động; Tổng cục quy định tạm thời chế độ phụ cấp cho công nhân vận chuyển ở các đoạn sông có thác ghềnh nguy hiểm, (ngoài khoản phụ cấp lưu động xuôi bè mỗi ngày 0đ30 vẫn đang áp dụng), nhằm:

- Quán triệt nguyên tắc tiền lương xã hội chủ nghĩa “Hưởng thụ theo lao động”.

- Khuyến khích công nhân ra sức học tập trau dồi nghề nghiệp và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác.

I. NGUYÊN TẮC ĐỊNH PHỤ CẤP

1. Điều kiện lao động nặng nhọc và nguy hiểm hơn thì mức phụ cấp cao hơn.

2. Mức phụ cấp định theo tỷ lệ phần trăm trên cơ sở lương chính (lương cấp bậc) của mỗi công nhân.

3. Phụ cấp không có tính chất cố định và thường xuyên, mà thay đổi tùy theo địa điểm công tác và thời giàn thực sự công tác.

4. Vận chuyển bè mảng ở những nơi không có thác ghềnh không được hưởng khoản phụ cấp này.

II. MỨC PHỤ CẤP VÀ NHỮNG KIỆN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP

1. Căn cứ tình hình hiện nay, Tổng cục quy định ba mức phụ cấp, với những kiện sau đây:

a) Mức phụ cấp 10% lương cấp bậc: với những đoạn sông có các điều kiện:

- Có nhiều ghềnh và một số thác nguy hiểm.

- Vận chuyển được hai đạy trở lên và trong một vài thác phải cắt ra từng đạy để xuống thác.

b) Mức phụ cấp 20% lương cấp bậc: với những đoạn sông có các điều kiện:

- Có nhiều thác, ghềnh nguy hiểm kế tiếp nhau.

- Chỉ vận chuyển từng dây, hoặc chi qua thác phải dỡ lên.

c) Ngoài hai mức trên, Tổng cục quy định mức phụ cấp đặc biệt bằng 30% lương cấp bậc cho đoạn sông Đà có nhiều thác ghềnh nguy hiểm, từ Tạ-khoa trở lên thượng nguồn (thuộc khu tự trị Tây bắc).

2. Phụ cấp sẽ căn cứ vào số ngày, hoạt động bè mảng trên các tuyến sông đã được phân loại hưởng các mức phụ cấp. Cho nên phải căn cứ vào các điều kiện thực tế mà quy định số ngày tiêu chuẩn vận chuyển cho từng cung độ (tùy cự ly vận chuyển, mức độ thác ghềnh, và theo mùa nước).

Sau khi đã quy định số ngày tiêu chuẩn thì sẽ căn cứ vào số ngày của từng đoạn sông được hưởng theo từng định xuất phụ cấp mà tính phụ cấp cho công nhân.

- Nếu do cố gắng của công nhân mà số ngày hoạt động thực tế trên tuyến sông ấy ít hơn số ngày tiêu chuẩn, được tính để hưởng phụ cấp theo số ngày tiêu chuẩn. Ngược lại nếu số ngày hoạt động nhiều hơn số ngày tiêu chuẩn, thì không trả phụ cấp cho những ngày chậm trễ.

Ví dụ: Anh A bậc 2/5 công nhân xuôi bè mức lương một ngày là 1đ87, vận chuyển bè từ thị trấn Tạ-khoa đến thị trấn Vạn-yên, theo số ngày tiêu chuẩn cho đoạn sông này là ba ngày. Theo mức quy định thì đoạn sông này được hưởng mức phụ cấp 20% lương cấp bậc, như vậy anh A được hưởng là (1đ87 x 20%) x 3 = 1đ12 tiền phụ cấp thác ghềnh. Trường hợp trên đoạn này từ Vạn-yên đến Tạ-khoa, anh A vận chuyển quá số ngày tiêu chuẩn (bốn ngày chẳng hạn), hoặc do cố gắng vận chuyển chỉ có hai ngày rưỡi, thì anh A vẫn được hưởng theo số ngày tiêu chuẩn là ba ngày (ngoài ra anh A còn được hưởng khoản phụ cấp khu vực (nếu có) và khoản phụ cấp lưu động xuôi bè như những công nhân xuôi bè khác).

- Những ngày bão lụt bè mảng phải trú ở lại những đoạn sông có thác ghềnh đã được quy định vào loại hưởng phụ cấp cũng không được tính phụ cấp cho những ngày ấy.

3. Các đơn vị căn cứ vào những điều kiện đã quy định trên để phân loại tuyến sông có thác ghềnh được hưởng các định suất phụ cấp và quy định số ngày tiêu chuấn cho từng đoạn sông báo cáo về Tổng cục xét duyệt.

Tổng cục ủy nhiệm cho Cục vận chuyển phân phối chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở điều tra phân phối chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở điều tra phân hạng các đoạn sông có thác ghềnh để xét quy định các định xuất phụ cấp cho từng đoạn sông và xét quy định số ngày tiêu chuẩn, theo các nguyên tắc đã quy định tại thông tư này, báo cáo cho Tổng cục xét duyệt chính thức.

III. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

1. Khoản phụ cấp thác ghềnh là khoản phụ cấp về tiền lương để phân biệt đãi ngộ theo trình độ nghề nghiệp và theo điều kiện lao động nặng nhọc gian khổ khác nhau. Cho nên những công nhân vận chuyển bè mảng cố định đã được sắp xếp lương cấp bậc trực tiếp làm công tác vận chuyển bè mảng trên các tuyến sông có thác ghềnh đã quy định các định xuất phụ cấp đều áp dụng chế độ này.

2. Những cán bộ, nhân viên đi kiểm tra, áp tải hoặc phục vụ, việc học tập cho công nhân đi theo bè mảng không được hưởng khoản phụ cấp này.

3. Chế độ này không áp dụng cho công nhân thuê khoán tự do hoặc thuê khoán hợp tác xã.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày các đoạn sông, có thác ghềnh đã được phân hạng và quy định mức phụ cấp mà Tổng cục đã xét duyệt. Trong khi vận dụng có gì trở ngại, các đơn vị kịp thời báo cáo về Tổng cục nghiên cứu bổ sung và giải quyết.

K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC PHÓ




Nguyễn Văn Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-LN-QĐ năm 1963 quy định tạm thời chế độ phụ cấp thác ghềnh cho công nhân vận chuyển bè mảng do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 01-LN-QĐ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/01/1963
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 19/01/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản